Nga và các nước vùng Vịnh nỗ lực thúc đẩy một trật tự thế giới mới
Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine nổ ra kéo theo căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây. Để vô hiệu hóa bao vây cấm vận từ các nước phương Tây, Nga thúc đẩy chính sách hướng Đông, mở rộng hợp tác với các nước châu Phi và đặc biệt là các nước vùng Vịnh.
Nga tiếp tục tăng cường quan hệ với các đối tác bên ngoài phương Tây, đặc biệt là với các nước vùng Vịnh, những quốc gia dù có truyền thống gắn bó với Mỹ nhưng không tham gia vào các hành động chống Nga. Hơn nữa, các quốc gia này đang tăng cường hợp tác với Moscow, điều này thể hiện cách tiếp cận thực dụng của họ đối với chính trị quốc tế. Các nước vùng Vịnh, trước những thách thức toàn cầu, coi Nga là đối tác quan trọng để đạt được sự ổn định và an ninh trong khu vực.
Bước tiếp theo trong việc phát triển các mối quan hệ này là chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới Riyadh. Tối ngày 8/9, Ngoại trưởng Nga đã tới Saudi Arabia để tham dự các sự kiện ngoại giao quan trọng nhằm tăng cường quan hệ giữa Nga và các quốc gia vùng Vịnh. Trong bối cảnh cục diện chính trị quốc tế diễn biến phức tạp, các cuộc gặp như vậy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các bên.
Mục đích chính của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga là tham gia cuộc họp chung với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), nơi đoàn kết 6 quốc gia: Bahrain, Qatar, Kuwait, UAE, Oman và Saudi Arabia. Các nước này đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế và chính trị toàn cầu, là nhà xuất khẩu dầu khí chủ chốt, đồng thời là trung tâm của các dự án công nghệ và cơ sở hạ tầng trên quy mô toàn cầu. Hình thức tương tác này giúp các bên có thể thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến an ninh, năng lượng và kinh tế.
Ngoài ra, các cuộc gặp song phương với lãnh đạo Saudi Arabia cũng nằm trong chương trình nghị sự. Chuyến thăm của ông Lavrov nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của mối quan hệ giữa Nga và Saudi Arabia, cũng như các nước vùng Vịnh khác, phản ánh mong muốn của Moscow đóng vai trò tích cực hơn ở khu vực Trung Đông và duy trì cán cân quyền lực trong tình hình địa chính trị phức tạp.
Nga coi quan hệ với các nước vùng Vịnh là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình. Điều này đặc biệt đúng trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và thương mại, những lĩnh vực có tầm quan trọng lớn đối với cả hai bên. Hợp tác giữa Nga và các nước GCC phát triển tích cực trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và du lịch. Làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại vẫn là ưu tiên hàng đầu của các nước, bởi lẽ điều này tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của mỗi nước, nhất là khi Nga đang đối mặt với sức ép bao vây, cấm vận từ phương Tây.
Hiện nay, UAE đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khu vực. Kim ngạch giữa Nga - UAE năm 2022 đạt 9 tỷ USD (tăng 71%). Dự báo năm 2024, con số này sẽ vượt quá 10 tỷ USD. Các sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn của Nga, như đá quý, vàng và nông sản, giúp tăng cường mối quan hệ kinh tế giữa các nước. Ngoài ra, số lượng công ty Nga đăng ký tại UAE ngày càng tăng, con số này hiện đã lên tới 700.
Qatar cũng đang đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng hợp tác giữa Nga và khu vực. Mặc dù khối lượng thương mại còn khiêm tốn, nhưng Qatar vẫn là đối tác chiến lược, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư. Nga coi Qatar là đối tác quan trọng để phát triển chuỗi cung ứng kinh tế và năng lượng.
Với Saudi Arabia, mặc dù khối lượng thương mại giảm xuống còn 1,6 tỷ USD vào năm 2023, nhưng nước này vẫn là đối tác quan trọng ở khu vực mà Nga không thể bỏ qua. Nga đã tích cực cung cấp cho Saudi Arabia các sản phẩm nông nghiệp, bao gồm ngũ cốc, thịt bò và thịt gia cầm, góp phần giúp nước này bảo đảm an ninh lương thực. Dự kiến kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt 5 tỷ USD trong những năm tới, mặc dù tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn cao hơn.
Số lượng khách du lịch từ các nước GCC đến thăm Nga liên tục gia tăng. Số lượng du khách UAE tăng 60% vào năm 2022, cho thấy sự quan tâm của người dân vùng Vịnh đối với văn hóa và các điểm tham quan của Nga. Ngày 1/1 năm nay, UAE đã chính thức trở thành thành viên của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS), thể hiện mong muốn của các nước vùng Vịnh tham gia nhiều hơn vào các liên minh kinh tế, chính trị đa cực. Ngoài ra, Saudi Arabia cũng tích cực hợp tác với BRICS.
Theo giới phân tích chính trị, hợp tác sâu rộng với BRICS mở ra triển vọng mới cho các nước vùng Vịnh mở rộng quan hệ kinh tế, đầu tư với các nền kinh tế lớn đang phát triển, như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ. Dự kiến, các quốc gia khác trong khu vực như Qatar và Oman cũng đang cân nhắc khả năng gia nhập BRICS trong tương lai.
Các nước GCC đóng vai trò then chốt trong trật tự thế giới đa cực đang nổi lên. Các nước này vốn là những đồng minh thân cận của Mỹ và các nước phương Tây, nhưng trong những năm gần đây họ ngày càng bày tỏ sự quan tâm đến một chính sách đối ngoại độc lập và cân bằng hơn. Do đó, thông qua hoạt động ngoại giao giữa Nga và các nước vùng Vịnh, GCC đang trở thành một trong những trung tâm độc lập quan trọng của trật tự thế giới mới, nỗ lực phân bổ ảnh hưởng một cách công bằng và cân bằng hơn trên trường quốc tế.
Một trong những yếu tố chính khuyến khích các quốc gia vùng Vịnh thúc đẩy trật tự thế giới đa cực là do tình hình khu vực ngày càng phức tạp, cực đoan. Các cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở khu vực Trung Đông, xuất phát từ những vấn đề tôn giáo, sắc tộc, nhưng không thể phủ nhận sự can thiệp từ bên ngoài. Điều này buộc các nước GCC phải thay đổi nhận thức, mở rộng các đối tác và tăng cường quan hệ đa chiều. Họ hiểu rằng mô hình đơn cực dẫn đến mất ổn định, cản trở sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia và cả khu vực. Thông qua hợp tác với Nga và BRICS, GCC tìm kiếm sự tham gia nhiều hơn vào các cơ chế hợp tác đa phương và nỗ lực mở rộng ảnh hưởng về kinh tế, chính trị. Cách tiếp cận này dựa trên niềm tin rằng chỉ có một thế giới đa cực, trong đó lợi ích của tất cả các bên tham gia chủ chốt được tính đến, mới có thể dẫn đến sự ổn định và thịnh vượng lâu dài.
Quan hệ giữa Nga và các nước GCC tiếp tục được tăng cường. Mặc dù hiện gặp khó khăn trong việc mở rộng các dự án thương mại, kinh tế và đầu tư do các lệnh trừng phạt của phương Tây, song các bên vẫn tìm cách tương tác an toàn và hợp tác cùng có lợi. Nếu như Nga nỗ lực vô hiệu hóa bao vây cấm vận từ phương Tây, thì các nước vùng Vịnh chủ trương thúc đẩy một trật tự thế giới mới, đa cực, góp phần bảo đảm sự ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-14 09:05:00
Ukraine mất thế trận trên chiến trường, thoả thuận ngừng bắn còn mơ hồ
-
2025-01-13 07:00:00
Điều gì chờ đợi Trung Đông sau một năm đẫm máu?
-
2024-09-10 07:03:00
EU cần 800 tỷ euro một năm để vực dậy nền kinh tế trì trệ
Những lợi thế của Trung Quốc ở châu Phi
Chuyến thăm lịch sử tới Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Ai Cập
Tổng thống Vladimir Putin khẳng định sức mạnh của nền kinh tế Nga
“Yếu tố Trump” và quan hệ Mỹ - Nga
Lực lượng nào bắn hạ máy bay chiến đấu F-16?
Thủ tướng Anh Keir Starmer nỗ lực “đảo ngược” Brexit
Tiến trình đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza đối mặt nhiều thách thức
Tại sao Israel và Hezbollah quyết định tránh một cuộc chiến lớn?
Các nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng sang Đông Nam Á