(Baothanhhoa.vn) - Theo một thống kê gần đây liên quan đến vấn đề khởi nghiệp: Có khoảng 20% công ty khởi nghiệp thất bại ngay trong năm đầu tiên. Con số này đến năm thứ 2 là 34%. Chỉ có 50% các công ty khởi nghiệp trong số này có cơ hội kỷ niệm năm thứ 5 hoạt động. Do đó, để khởi nghiệp phát triển đúng nghĩa, tạo ra giá trị lớn, trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thanh Hóa cần có chiến lược, giải pháp đi vào chiều sâu, hướng đến giá trị bền vững phía sau những con số.

Muôn màu khởi nghiệp: Bài cuối: Để khởi nghiệp không chỉ là phong trào

Theo một thống kê gần đây liên quan đến vấn đề khởi nghiệp: Có khoảng 20% công ty khởi nghiệp thất bại ngay trong năm đầu tiên. Con số này đến năm thứ 2 là 34%. Chỉ có 50% các công ty khởi nghiệp trong số này có cơ hội kỷ niệm năm thứ 5 hoạt động. Do đó, để khởi nghiệp phát triển đúng nghĩa, tạo ra giá trị lớn, trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thanh Hóa cần có chiến lược, giải pháp đi vào chiều sâu, hướng đến giá trị bền vững phía sau những con số.

Muôn màu khởi nghiệp: Bài cuối: Để khởi nghiệp không chỉ là phong tràoAnh Nguyễn Văn Hiệu, Giám đốc Công ty TNHH Medlatec Thanh Hóa là 1 trong 86 cá nhân trong cả nước được Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vinh danh doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2021. Ảnh: Hương Thảo

Tin liên quan:
  • Muôn màu khởi nghiệp: Bài cuối: Để khởi nghiệp không chỉ là phong trào
    Muôn màu khởi nghiệp: Bài 2: Bài toán lượng và chất – những vấn đề ...

    Với thế mạnh là lực lượng trẻ, thích ứng nhanh với công cuộc đổi mới của đất nước, lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) Thanh Hóa trong những năm qua đã tích cực tham gia phong trào khởi nghiệp, phát triển kinh tế, gặt hái được nhiều kết quả, thành tích đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít những hạn chế, đặt ra nhiều vấn đề phải suy ngẫm, luận bàn.

  • Muôn màu khởi nghiệp: Bài cuối: Để khởi nghiệp không chỉ là phong trào
    Muôn màu khởi nghiệp: Bài 1: Đoàn viên, thanh niên Thanh Hóa với phong ...

    Khởi nghiệp được xem là định hướng chiến lược, một trong những giải pháp cơ bản góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Hưởng ứng lời kêu gọi xây dựng “quốc gia khởi nghiệp” của Thủ tướng Chính phủ, hòa vào xu thế chung của đất nước, với sự quan tâm, tạo điều kiện của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu vươn lên của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã gặt hái được nhiều thành tích đáng ghi nhận.

Đam mê là điều kiện cần nhưng chưa đủ

Bắt đầu khởi nghiệp với con số 0 tròn trĩnh. Điều duy nhất mà Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia có là tình yêu và niềm đam mê với mắm truyền thống. Sau 6 năm khởi nghiệp với cả những thuận lợi và muôn vàn khó khăn, thách thức, các sản phẩm mắm truyền thống của Lê Gia đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng trên thị trường, trong lòng người tiêu dùng. Năm 2020, “Nước mắm Lê Gia - cốt đặc biệt” và “Mắm tôm Lê Gia” là 2 sản phẩm được UBND tỉnh Thanh Hóa lựa chọn là 2 sản phẩm OCOP đại diện cho tỉnh Thanh Hóa đề xuất xếp hạng sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia. Trải qua nhiều vòng đánh giá nghiêm ngặt, khách quan, công tâm từ phân loại, thẩm định hồ sơ, khảo sảt thực tế, chấm điểm... sản phẩm mắm tôm Lê Gia đã được vinh dự đứng trong danh sách 20 sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia. Mắm Lê Gia có mặt trên các siêu thị hệ thống lớn trên toàn quốc (WinMart, BigC, Aeon, Co.Opmart, Mega Market, Concung, Bibomart, Kidplaza) và là một trong số ít các thương hiệu mắm truyền thống có mặt trên kệ của hệ thống Winmart+ toàn miền Bắc. Giờ đây, mắm Lê Gia không chỉ là thương hiệu được ưa chuộng trong nước mà còn vang xa đến các thị trường như: Hồng Kong, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nam Phi, Lào, Panama, Nga..., góp phần đưa tinh hoa ẩm thực Việt đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Từ xưởng sản xuất nước nắm nơi góc làng đến sự phát triển của Công ty TNHH Mắm Lê Gia như bây giờ, niềm đam mê chỉ là một trong những điểm tựa. Hơn hết, đó là hành trình của khát vọng, bản lĩnh, kiến thức, kinh nghiệm... Lê Anh thẳng thắn chia sẻ: “Ai khởi nghiệp cũng yêu sản phẩm của mình và xem nó là trung tâm của vũ trụ. Nhưng thực tế, chinh phục được khách hàng, thị trường mới là điều quan trọng. Phải đứng ở góc nhìn của thị trường, mang tư duy của thị trường để thiết kế sản phẩm, dịch vụ của mình”. Theo Lê Anh, khởi nghiệp tức là mình đi sau, yếu hơn thì cố gắng tìm thêm giá trị, giải quyết một vấn đề nào đó của thị trường, khách hàng cần, rồi cải thiện lên tạo sự khác biệt đáng kể. Vì cạnh tranh cũng chỉ có 2 thứ: Giá thấp hoặc sự khác biệt. Giá thấp thì doanh nghiệp khởi nghiệp không có cửa cạnh tranh. Tư duy thấy người khác làm sao mình sao chép y chang thì chắc chắn thất bại. Năng lực lõi của doanh nghiệp là cái quyết định sự sống còn của doanh nghiệp đó.

Năm 2017, chàng trai sinh năm 1989 Nguyễn Văn Hiệu “bén duyên” với mảnh đất xứ Thanh khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty TNHH Medlatec Thanh Hóa. Công ty TNHH Medlatec Thanh Hóa được thành lập dựa trên thương hiệu về chuỗi bệnh viện đã nổi tiếng trên cả nước song độc lập hoàn toàn về tài chính, kế hoạch, lộ trình phát triển. Đối với anh Hiệu, việc bắt đầu con đường khởi nghiệp ở nơi đất khách quê người, trong một lĩnh vực đòi hỏi năng lực, trình độ, nguồn nhân lực chất lượng cao, vốn đầu tư lớn,... như y tế tư nhân vừa là cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức lớn. Anh Hiệu chia sẻ: “Thời điểm đó, lĩnh vực y tế tư nhân chưa được chú trọng. Văn hóa sử dụng dịch vụ y tế chủ động của người dân Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung còn hạn chế. Phần lớn người dân chỉ đi khám, chữa bệnh khi có biểu hiện, triệu chứng bệnh rõ ràng và thường khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập.

Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, nỗ lực truyền thông, quảng bá, đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng dịch vụ..., sau 4 năm hoạt động, Công ty TNHH Medlatec Thanh Hóa đã dần khẳng định được uy tín, thương hiệu, góp phần thay đổi văn hóa sử dụng dịch vụ y tế của người dân từ bị động sang chủ động, giúp người dân có thêm lựa chọn trải nghiệm dịch vụ y tế chất lượng cao. Từ 4 cán bộ, nhân viên khi mới thành lập, đến nay, Công ty TNHH Medlatec Thanh Hóa có hơn 70 cán bộ, nhân viên chính thức và mạng lưới 350 cộng tác viên. Năm 2021, doanh thu của công ty đạt khoảng 40 tỷ đồng. Nêu cao tinh thần vì cộng đồng, công ty cũng tích cực hoạt động thiện nguyện với tổng giá trị là hơn 550 triệu đồng, đóng góp hơn 600 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch COVID–19 của tỉnh. Với những kết quả đạt được, năm 2021 Công ty TNHH Medlatec Thanh Hóa đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen, tôn vinh doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa năm 2021. Nguyễn Văn Hiệu là 1 trong 86 cá nhân trong cả nước được Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng Bằng khen doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2021. Thời gian tới, Công ty TNHH Medlatec Thanh Hóa sẽ phát triển đa dạng dịch vụ y tế tiện ích tại gia đình như: bác sĩ gia đình, siêu âm tại nhà, tiêm chủng tại gia đình... lấy mục tiêu cao nhất là sức khỏe của người dân. Anh Hiệu chia sẻ: “Điều quan trọng nhất quyết định thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp đó chính là việc am hiểu ngành nghề, chuyên môn, lĩnh vực khởi nghiệp của mình. Cùng với đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp nên tìm kiếm, mở rộng cơ hội giao lưu, kết nối với các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể để được tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ về pháp lý, quản trị doanh nghiệp, thị trường tiềm năng... Trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp tạo dựng, vươn tới những giá trị mới, khác biệt nên cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi số trong quá trình hoạt động”.

Thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) là mệnh lệnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bởi lẽ, khởi nghiệp ĐMST là tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa. Khởi nghiệp sáng tạo mang đến tư duy mới, thay đổi giá trị, phù hợp với sự phát triển của xã hội tri thức dựa trên kiến thức và sáng tạo. Đây là xu hướng khởi nghiệp của tương lai và đã được chứng minh bằng thành công của nhiều nước phát triển trên thế giới. Một trong những điều cốt lõi thúc đẩy phong trào khởi nghiệp ĐMST phát triển chính là việc xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp với nhiều yếu tố cấu thành như: Nguồn nhân lực, thị trường, tài trợ và tài chính, hệ thống hỗ trợ và cố vấn, văn hóa, chính sách và khuôn khổ pháp lý, các trường đại học, giáo dục và đào tạo...

Nhận thức sâu sắc điều đó, trong những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa có sự quan tâm, đầu tư khá đồng bộ, quyết liệt đối với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Năm 2021, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 5519/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) và hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025” với nhiều nội dung quan trọng, tác động mạnh mẽ đến phong trào khởi nghiệp ĐMST trong thời gian tới. Mục tiêu của chương trình hướng đến là hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST nhằm đẩy mạnh ứng dụng, thương mại hóa kết quả khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp; thúc đẩy hình thành và phát triển các doanh nghiệp dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới gắn với chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Theo đó, 100% các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN; doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST đều được đáp ứng. Hỗ trợ nghiên cứu, ươm tạo công nghệ thành lập mới ít nhất 30 doanh nghiệp KH&CN, nâng tổng số doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 lên 60 đơn vị. Hỗ trợ nghiên cứu, thương mại hóa, phát triển sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường cho 15 doanh nghiệp KH&CN. Hỗ trợ phát triển 10 dự án khởi nghiệp ĐMST; hỗ trợ phát triển 10 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Thành lập và tổ chức hoạt động sàn giao dịch công nghệ và trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST.

Từ mục tiêu ấy, những nội dung, giải pháp thiết thực đã được đề ra như: Nâng cao nhận thức về doanh nghiệp KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; xây dựng và triển khai các chương trình tập huấn, đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu; cung cấp dịch vụ thông tin công nghệ, thiết bị; không gian làm việc chung phục vụ ươm tạo doanh nghiệp KH&CN... Tổ chức cuộc thi khởi nghiệp ĐMST tỉnh Thanh Hóa và tham gia các Techfest quốc gia và khu vực; hỗ trợ tham gia các sự kiện ngày hội khởi nghiệp ĐMST (Techfest) quốc gia và khu vực; tổ chức hoạt động câu lạc bộ doanh nghiệp KH&CN Thanh Hóa; thúc đẩy doanh nghiệp KH&CN nghiên cứu phát triển sản phẩm mới; phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST... Trong đó, việc xây dựng trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST là điểm nhấn quan trọng. PGS.TS. Lê Hoằng Bá Huyền chia sẻ: “Trung tâm này sẽ là hạt nhân, cầu nối liên kết các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp, nỗ lực tạo ra “vườn ươm” màu mỡ, hội tụ đầy đủ các yếu tố nhằm hỗ trợ, nâng đỡ doanh nghiệp khởi nghiệp giai đoạn đầu như: tư vấn thủ tục, hồ sơ pháp lý thành lập doanh nghiệp, kết nối với các nhà đầu tư, nguồn vốn, đào tạo, nhân lực...”.

Sự ra đời của “Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025” có ý nghĩa to lớn, mở ra cơ hội đồng thời giải quyết được nhiều khó khăn, hạn chế, từ đó góp phần thúc đẩy, đưa phong trào khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đi vào chiều sâu, hướng đến sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, để chương trình sớm được hiện thực hóa, đi vào thực tiễn và đạt được mục tiêu đề ra, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa về cơ chế, chính sách, nỗ lực của bản thân những người khởi nghiệp thì cần có sự nhập cuộc hăng hái, tích cực, nêu cao tinh thần quyết tâm, trách nhiệm của các tổ chức, hiệp hội, đoàn thể cấu thành hệ sinh thái khởi nghiệp. Ở tầm vĩ mô, nền tảng quan trọng nhất đưa phong trào khởi nghiệp đi vào chiều sâu, hướng đến giá trị cốt lõi chính là sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng nhau chung tay góp sức, không ngừng nỗ lực xây dựng Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị chính là tạo ra “vườn ươm” rộng lớn, phì nhiêu cơ hội cho phong trào khởi nghiệp nói chung, khởi nghiệp ĐMST vươn xa.

Bài và ảnh: Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]