16:35 13/06/2023 GMT+7
(Baothanhhoa.vn) - Đó là lời Bác Hồ căn dặn cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân Thanh Hóa trong lần thứ hai Người về thăm (từ ngày 13 đến 14/6/1957).

Lần thứ 2 Bác Hồ về thăm Thanh Hóa: “Bất kỳ khó khăn gì, bất kỳ công việc to mấy ta đoàn kết đều làm được cả”

Đó là lời Bác Hồ căn dặn cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân Thanh Hóa trong lần thứ hai Người về thăm (từ ngày 13 đến 14/6/1957).

Lần thứ 2 Bác Hồ về thăm Thanh Hóa: “Bất kỳ khó khăn gì, bất kỳ công việc to mấy ta đoàn kết đều làm được cả”

Bác Hồ nói chuyện với hơn 400 đại biểu,các tầng lớp nhân dân Thanh Hóa, ngày 13/6/1957. Ảnh tư liệu.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Thanh Hóa nhanh chóng hoàn thành công cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, khắc phục hậu quả của chiến tranh, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965) và hết lòng chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh Mỹ. Ngày 13/6/1957, Bác Hồ vào thăm Thanh Hóa lần thứ 2, Bác đã đi thăm một số nơi: Trường thiếu nhi miền Nam; Bác nói chuyện với hơn 1 vạn đại biểu các tầng lớp nhân dân tại Khu giao tế của tỉnh... Những lời căn dặn, chỉ bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là niềm cổ vũ, động viên mạnh mẽ, tạo động lực cho Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa hăng hái phấn đấu đạt được những thành quả đáng kể.

Dưới đây là toàn văn phát biểu của Bác được ghi lại trong cuốn sách “Bác Hồ với Thanh Hóa – Thanh Hóa làm theo lời Bác”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, tr44-52:

“Tôi được báo cáo hôm nay có các đại biểu phụ lão, công nhân, nông dân, bộ đội, trí thức, phụ nữ, thanh niên, các cán bộ miền Nam tập kết, các đồng chí thương binh, bệnh binh, các học sinh, các đại biểu các dân tộc, các tôn giáo, các đại biểu các gia đình liệt sĩ, các chiến sĩ thi đua, đồng bào công thương, các cháu nhi đồng và đại biểu Hoa kiều.

Tôi thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ đưa đến các đại biểu lời chào thân ái.

Trước kháng chiến tôi có đến đây một lần. Trong kháng chiến đồng bào tỉnh ta, các tầng lớp nhân dân đều tỏ ra đoàn kết tham gia kháng chiến. Tôi chỉ nói vài điểm, ví dụ: dân công đã ra sức rất nhiều, trong một chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hoá góp 12 vạn dân công vận tải lương thực cho bộ đội. Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hoá cũng có một phần vinh dự đến đó. Trong kháng chiến ngoài việc ủng hộ kháng chiến có những vùng du kích rất oanh liệt như Phú Lệ, Hải Thanh, chứng tỏ đồng bào ta lương giáo cực kỳ đoàn kết, vì thế ta đã thắng lợi. Cũng cần phải nhắc trong kháng chiến tất cả mọi người bằng cách này cách khác đều tham gia kháng chiến. Các cụ phụ lão đôn đốc khuyến khích con cháu tham gia kháng chiến. Thanh niên tham gia bộ đội, có các đồng chí anh hùng như đồng chí Lò Văn Bường, Phạm Minh Đức, Tô Vĩnh Diện, Lê Công Khai. Đó là những người con rất ưu tú, chẳng những làm vẻ vang cho tỉnh nhà mà còn làm vẻ vang cho cả nước ta.

Lần thứ 2 Bác Hồ về thăm Thanh Hóa: “Bất kỳ khó khăn gì, bất kỳ công việc to mấy ta đoàn kết đều làm được cả”

Bác Hồ nói chuyện với các tầng lớp Nhân dân Thanh Hóa ngày 13/6/1957. Ảnh tư liệu.

Từ hoà bình lập lại, đồng bào cũng cố gắng. Do sự giúp đỡ vô tư của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em, do sự cố gắng của bản thân mà chúng ta đã khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá từng bước. Ví dụ như Thanh Hoá đã xây dựng nhà máy điện, máy nước, nhà máy phốtphát, nông trường Yên Mỹ, nhà máy giấy, máy phóng thanh. Về nông nghiệp, chúng ta có xây dựng hệ thống thuỷ lợi Bái Thượng, hai con đê sông Mã, sông Chu. Tỉnh nhà có phong trào chống hạn có kết quả. Vì những công tác trên, bốn vụ thu hoạch tốt. Tổ đổi công khá, tôi nói khá nghĩa là còn phải cố gắng nhiều. Về nông nghiệp có những chiến sĩ xuất sắc như đồng chí Trịnh Xuân Bái, Nguyễn Thế Khương… Đó là những người con ưu tú của Tổ quốc, của tỉnh nhà, là những người xung phong cho nhân dân ta noi theo. Cũng như những chiến sĩ trong kháng chiến, các chiến sĩ ấy đều làm vẻ vang cho tỉnh nhà, cho cả nước chúng ta.

Về văn hoá, bước đầu là bình dân học vụ, đồng bào Thanh Hoá cố gắng có kết quả tốt, ví dụ như xã Vĩnh Khang đã xoá xong nạn mù chữ, được Chính phủ khen thưởng, Chính phủ đang chờ khen thưởng cho thị xã Thanh Hoá. Nói như thế là để đồng bào thị xã cố gắng.

Nói chung về văn hoá, xã hội, đồng bào tỉnh ta đều có cố gắng.

Về công thương, tỉnh nhà đã phát triển, hoặc khôi phục một số cơ sở như lò chum, lò gạch, dệt vải, giúp vào quốc kế dân sinh có kết quả, nhưng cần cố gắng nữa.

Chị em phụ nữ Thanh Hoá có tinh thần cần cù lao động rất tốt. Như thế là vừa làm lợi nhà, vừa làm ích nước, mong rằng nam giới hãy thi đua với phụ nữ.

Còn thanh niên thì cũng khá như trong các việc chống hạn, hay vừa đây có phong trào lấy phân bón ruộng, tham gia sản xuất, xoá nạn mù chữ; nhưng còn phải cố gắng nữa.

Trên đây là những ưu điểm của Thanh Hoá cần cố gắng phát triển.

Bây giờ các đại biểu có sẵn sàng nghe phê bình không? (Hội nghị đồng thanh nói: Có). Một là: Đồng bào đang còn lãng phí, lãng phí nhiều. Trên kia nói đồng bào cố gắng sản xuất nhiều mà không tiết kiệm thì như nước ở chỗ này chảy ra chỗ kia, nên kết quả ít. Vì vậy nên Chính phủ đề ra tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Sản xuất mà không tiết kiệm thì như gió vào nhà trống.

Trong kháng chiến ta có thực hiện khá nhiều đời sống mới như lấy vợ lấy chồng rất giản đơn, thân mật. Nhưng bây giờ thách cheo cưới không thách bằng xôi thịt như trước mà lại thách “văn minh” hơn như chè ngon, kẹo, thuốc lá. Trước thách xôi thịt hết 50 vạn đồng thì bây giờ thách chè, kẹo tốn 49 vạn 9.999 đồng. Thử hỏi có khác gì? Trước họ nội họ ngoại ăn một bữa, rồi để cho cô dâu chú rể phải mang nợ. Giờ cũng để cho cô dâu chú rể mang nợ. Như thế có tốt không? (Hội nghị trả lời: Không ạ!). Nhất là thanh niên, có tốt không? (Hội nghị đáp: Không ạ!). Mong rằng các cụ, các bà, trước là do các cụ, các bà nên đề xướng ra việc sửa chữa, còn thanh niên phải ủng hộ.

Lần thứ 2 Bác Hồ về thăm Thanh Hóa: “Bất kỳ khó khăn gì, bất kỳ công việc to mấy ta đoàn kết đều làm được cả”

Bác Hồ nói chuyện với các tầng lớp Nhân dân Thanh Hóa ngày 13-6-1957. Ảnh tư liệu.

Chúng ta làm việc suốt năm, vui ngày Tết là xứng đáng, nhưng vui một cách lành mạnh thì nên vui. Tết vừa qua ta đã lãng phí nhiều, ví dụ: ngày Tết giết thịt bừa bãi, rồi không có trâu bò mà cày, như huyện Hoằng Hoá trong 3 tháng giết tới 340 con trâu bò, thế thì còn lấy gì mà tăng gia nữa? Tôi mong các cụ, các bà chống lãng phí, vì lãng phí chỉ có hại cho dân, cho nước, cho nhà, vì nó đưa đến phong tục hủ bại, rượu chè, hút xách. Một dân tộc đang tiến lên chủ nghĩa xã hội, những cái đó không có thể tha thứ được.

Từ Tết đến nay, chơi bời quá độ, hát chèo hát bội lung tung. Như thế thời giờ sản xuất, nghỉ ngơi, học tập bị chơi bời lôi cuốn đi. Chơi có nên không? Nên. Nhưng phải có chừng độ. Chơi quá độ, bừa bãi, không nên. Nếu chơi nhiều thì không tăng gia sản xuất, học tập được. Ta có câu: “Lạc bất khả cực, lạc cực sinh ai” nghĩa là vui không nên quá mức, vui quá mức đi đến cái buồn.

Một điều nữa như trên đã nói, chúng ta có xây dựng về công nghiệp như nhà máy điện, nhà máy phốtphát, về nông nghiệp, thì xây dựng các công trình thuỷ lợi… để phát triển kinh tế nước nhà, như thế thì các cụ, các bà, anh em có tán thành không? Muốn xây dựng một nhà máy, một cái cống, có cần tiền không? Tiền lấy đâu ra? Không phải lấy ở túi của tôi, của các cụ, của các cháu, mà là do đồng bào góp lại để làm lợi ích cho đồng bào. Có đồng bào nói, trước kia cũng phải nôp thuế, giờ dân chủ cũng phải nộp thuế. Nói như thế có đúng không? (Hội nghị trả lời: Không ạ!). Trước ta nộp thuế là nộp cho Tây, chúng lấy mồ hôi nước mắt của nhân dân ta mà làm giàu cho chúng nó, để xây dựng bộ máy áp bức bóc lột đồng bào ta. Nhưng nay ta đóng thuế là để làm lợi cho ta.

Khi trước Bảo Đại, Toàn quyền Pháp nó muốn tiêu xài bao nhiêu thì nó bắt dân đóng góp. Hay như Ngô Đình Diệm và bà con dòng họ dâu rể nó; đồng bào góp cho nó bao nhiêu thì nó làm giàu bấy nhiêu.

Tóm lại muốn xây dựng nước nhà, Chính phủ phải có tiền, tiền đó do đồng bào góp lại. Trước hết là đồng bào nông dân đông nhất rồi đến công thương. Nếu không có tiền thì Chính phủ không xây dựng được. Vì vậy, đồng bào phải giúp Chính phủ, nghĩa là đồng bào phải nộp thuế.

Một khuyết điểm nữa của đồng bào Thanh Hoá (đây tôi nói đồng bào Thanh Hoá, đến chỗ khác tôi nói đồng bào nơi khác):

Là vay tiền của Chính phủ rồi không trả.

Vay tiền, chưa nói thuế này khác, chỉ nói vay tiền ngân hàng đã hai tỷ rồi mà không chịu trả, không trả nợ cho Chính phủ, không những hại cho Chính phủ mà còn hại cho nhân dân.

Tóm lại, đồng bào ta có những ưu điểm cần phát triển, có khuyết điểm chúng ta cần cùng nhau sửa chữa.

Bây giờ tôi nói nhiệm vụ:

– Đoàn kết, phải đoàn kết lương giáo, đoàn kết dân tộc Kinh và thiểu số, đoàn kết Nam – Bắc, đoàn kết quân dân, đoàn kết Việt – Hoa.

Theo kinh nghiệm mấy năm nay bất kỳ khó khăn gì, bất kỳ công việc to mấy ta đoàn kết đều làm được hết cả. Ví dụ: lật đổ chế độ thực dân phong kiến có khó không? Khó. Thế nhưng ta đoàn kết nên ta lật đổ được. Lúc bắt đầu kháng chiến ta ở trong hoàn cảnh rất khó khăn. Pháp có hải quân, không quân, xe tăng, có những tên tướng có kinh nghiệm mấy chục năm, có khí giới của Mỹ giúp. Lúc đó cơ đồ ta chỉ có tay không mà phải đánh một kẻ địch mạnh hơn. Nhưng chúng ta đã thắng. Vì sao? Vì đoàn kết.

Đoàn kết phải biểu hiện như thế nào?

Phải biểu hiện trong việc làm là tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, để dần dần đi đến mọi người dân được cải thiện sinh hoạt, ăn no, mặc ấm. Không như thế thì không thể tiến lên chủ nghĩa xã hội và không cải thiện sinh hoạt được.

– Trước cải cách ruộng đất, đồng bào nông dân lao động không có đất cắm dùi, hoặc rất ít ruộng. Nhưng bây giờ thì đã có ruộng chưa? (Hội nghị trả lời: Có rồi ạ). Từ nghìn xưa, từ đời tổ tiên Hồng Bàng, đồng bào nông dân ước ao gì? (Hội nghị nói: Ruộng ạ). Nay đồng bào đã có ruộng, thế thì cải cách ruộng đất thắng lợi hay không thắng lợi? (Hội nghị đồng thanh đáp: Thắng lợi).

Nhưng trong cải cách ruộng đất có sai. Sai thì chúng ta sửa chữa. Ở Thanh Hoá sửa bước ngắn 1 khá, bước ngắn 2 cũng khá. Tôi mong đồng bào ủng hộ nông dân sửa sai cho tốt. Trong cải cách ruộng đất, nông dân với địa chủ kình địch nhau. Giờ sai lầm là việc trong nhà. Đồng bào nông dân thắng lợi là ta thắng lợi. Ta có câu bần cố trung nông một nhà. Bần cố trung nông đoàn kết quyết tâm thì sẽ sửa chữa được tốt và quyết sửa chữa cho kỳ được.

Lần thứ 2 Bác Hồ về thăm Thanh Hóa: “Bất kỳ khó khăn gì, bất kỳ công việc to mấy ta đoàn kết đều làm được cả”

– Trong việc khôi phục kinh tế, một mặt các nước bạn giúp nhưng ta cố gắng là chính. Nước bạn giúp ta máy móc, nhưng chưa đủ, chúng ta phải mua. Muốn mua phải có tiền. Không phải tiền ta đưa ra mua được. Vì vậy chúng ta phải bán cái gì ra để mua máy móc, hàng hoá vào. (Nhưng mặt khác phải làm thế nào để bớt cái mua vào). Ví dụ: làm chè bán ra, mua vải, thuốc uống, máy móc về. Ta có Nhà máy sợi Nam Định để dệt vải và cung cấp sợi. Muốn thế phải có cái gì? Phải có bông. Bông ở đâu ra? Ở nhân dân. Thế thì nhân dân phải bán bông cho Chính phủ. Nếu không bán cho Chính phủ thì làm thế nào được. Còn bán các thứ hàng khác cho Chính phủ như lạc, vừng… nữa. Vì vậy mong đồng bào bán nông sản cho Chính phủ.

– Một điểm nữa: năm nay khí hậu khác thường. Trung Quốc cho biết sẽ có bão lụt to. Trước đây vì ta đoàn kết nhất trí nên chống bão lụt thắng lợi. Năm nay việc hộ đê chống bão rất quan trọng. Thà đắp đê cao một tí, chuẩn bị nhà cửa trước, nếu không có bão lụt cũng không sao, nhưng nếu chủ quan không chuẩn bị thì thiệt hại lớn. Đắp đê chống lụt bão phải kịp thời.

– Một điểm nữa: vệ sinh phòng bệnh, nghe nói đồng bào ta bị cúm nhiều. Một phần do thời tiết. Nhưng một phần do chưa thực hiện đúng vệ sinh phòng bệnh. Nếu chúng ta chú ý vệ sinh phòng bệnh thì tránh được bệnh. Ta thường nói phòng bệnh hơn chữa bệnh.

– Về bình dân học vụ, tỉnh ta có tiến bộ, có xã như Vĩnh Khang đã xoá nạn mù chữ, nhưng phải cố gắng hơn nữa. Chủ lực quân trong mặt trận văn hoá là thanh niên, các cháu biết chữ giúp được cả. Văn hóa phải phục vụ sản xuất tiết kiệm, phục vụ nhân dân, phục vụ đoàn kết, phục vụ Tổ quốc.

Cần xây dựng và phát triển thuần phong mỹ tục. Các đồng chí nước bạn sang ta nói nhân dân Việt Nam rất cần cù, giản dị. Thuần phong mỹ tục là đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau sản xuất, tiết kiệm, vì vậy nên cần phát triển thuần phong mỹ tục. Việc đó nhờ các cụ giúp nhiều, tất cả đồng bào ủng hộ, nhất định làm được.

Trước kháng chiến tôi có đến đây (1) . Hồi đó tôi có khai hội với đồng bào, đồng bào có hứa với tôi: “Tỉnh Thanh Hoá sẽ thành một tỉnh kiểu mẫu”. Thế bây giờ tôi hỏi lại tất cả các cụ, các đại biểu có giữ được lời hứa không? (Toàn thể đại biểu đồng thanh nói to: Có). Rất tốt!

Tôi về Thanh Hoá muốn đi thăm chỗ này chỗ khác, nhưng thời giờ hẹp quá, tôi nhờ các cụ, các đại biểu chuyển lời thăm của tôi đến đồng bào địa phương”.

Khắc ghi lời Bác dạy, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thanh Hóa luôn phát huy truyền thống đoàn kết, ra sức hiện thực hóa mục tiêu trở thành “tỉnh kiểu mẫu” như tâm nguyện của Người.

N.H (biên soạn)

(1) Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thanh Hóa lần thứ nhất, ngày 20/2/1947 (TS).


N.H (biên soạn)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]