(Baothanhhoa.vn) - Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề, chưa từng có của dịch COVID-19, song giá trị xuất khẩu (XK) hàng hóa của tỉnh Thanh Hóa năm 2021 vẫn đạt mức tăng trưởng đáng ghi nhận và xác lập “đỉnh” mới. Giá trị XK hàng hóa đã minh chứng cho nỗ lực vượt khó và sự trưởng thành vượt bậc về năng lực thích ứng, hội nhập của cộng đồng doanh nghiệp (DN) tỉnh trong bối cảnh mới.

Xuất khẩu vượt khó, xác lập “đỉnh” mới

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề, chưa từng có của dịch COVID-19, song giá trị xuất khẩu (XK) hàng hóa của tỉnh Thanh Hóa năm 2021 vẫn đạt mức tăng trưởng đáng ghi nhận và xác lập “đỉnh” mới. Giá trị XK hàng hóa đã minh chứng cho nỗ lực vượt khó và sự trưởng thành vượt bậc về năng lực thích ứng, hội nhập của cộng đồng doanh nghiệp (DN) tỉnh trong bối cảnh mới.

Xuất khẩu vượt khó, xác lập “đỉnh” mới

Dây chuyền sản xuất chả cá surimi của Công ty CP Sông Việt Thanh Hóa được đầu tư hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Liên tiếp từ năm 2020, dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ lên chuỗi cung ứng nguyên vật liệu quốc tế. Cùng với các giải pháp điều hành quyết liệt từ Chính phủ, Bộ Tài chính, tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm thông quan hàng hóa. Đồng thời, khuyến khích DN XK đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng số để xúc tiến thương mại, tiếp cận, ký kết hợp đồng trực tuyến. Cùng với đó, UBND tỉnh đã xây dựng các phương án vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm sản xuất trong điều kiện an toàn, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Nhờ đó, năm 2021, giá trị XK hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 5,3 tỷ USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ và vượt 33,5% kế hoạch - đưa Thanh Hóa vào nhóm 15 tỉnh, thành phố có giá trị XK hàng đầu cả nước. Trong đó, XK trong lĩnh vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 44,3%, kinh tế tư nhân tăng 42,5%, kinh tế cá thể tăng 40,5%. Hầu hết các lĩnh vực, sản phẩm XK chủ lực của tỉnh tăng trưởng khá so với cùng kỳ, như: Sản phẩm lọc hóa dầu, may mặc, thủy, hải sản, đồ gỗ...

Tiếp bước kinh nghiệm, thành công từ năm 2020, các DN XK trong lĩnh vực may mặc của tỉnh đã chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu, xu hướng của thị trường. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực may mặc, các DN đã thực hiện nghiên cứu ứng dụng công nghệ, giải pháp logistics để cạnh tranh về giá thành, đồng thời thực hiện tốt “mục tiêu kép” nhằm duy trì sản xuất ổn định.

Được đánh giá là một trong những đơn vị sản xuất hàng may mặc lớn của tỉnh, giá trị hàng hóa XK của Công ty CP May XK Trường Thắng (Nông Cống) luôn đạt mức từ 10 - 12 triệu USD/năm. Ông Vũ Công Thắng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty, chia sẻ: Với thị trường thế giới, nhất là những thị trường “khó tính” như Mỹ, EU, uy tín trong việc bảo đảm chất lượng sản phẩm và tiến độ hợp đồng là yếu tố hàng đầu. Do đó, đơn vị luôn chú trọng tới việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn lao động, không ngừng đầu tư, ứng dụng công nghệ mới trong may mặc để tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Trong năm 2021, bên cạnh sản xuất hàng quần áo XK truyền thống, công ty còn chủ động liên hệ, tìm kiếm đối tác để ký kết hợp đồng sản xuất khẩu trang y tế, quần áo bảo hộ phòng, chống dịch COVID-19. Hiện, sản phẩm của Công ty CP May XK Trường Thắng đã có mặt tại thị trường 8 nước trên thế giới, tổng doanh thu năm 2021 ước đạt 14 triệu USD, tăng 16% so với năm 2021, bảo đảm việc làm cho khoảng 3.000 lao động.

Ngoài may mặc, nhóm hàng thủy sản cũng có những bước tiến vượt bậc đóng góp vào tổng kim ngạch XK của tỉnh. Vượt qua những khó khăn khi nhiều chuỗi cung ứng trên thị trường bị đứt gãy, các DN hoạt động trong lĩnh vực đã vận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký kết, nỗ lực kết nối, duy trì và tìm kiếm những đối tác mới... Điển hình, như: Công ty CP Sông Việt Thanh Hóa đã khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu kéo dài, bằng cách cho các chủ tàu địa phương vay vốn không lãi suất để đầu tư sản xuất, mua ngư lưới cụ vươn khơi khai thác hải sản. Hiện, công ty đã có mối quan hệ hợp tác với 60 tàu cá chuyên vươn khơi xa và tàu thu mua của ngư dân các phường Hải Thanh, Hải Bình (thị xã Nghi Sơn), cung cấp nguyên liệu cho sản xuất. Cùng với đó, công ty cũng đang trong lộ trình xin cấp mã COD XK trực tiếp sản phẩm chả cá surimi vào thị trường Trung Quốc. Hay, Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia đã đầu tư công nghệ, chuẩn hóa tiêu chuẩn để đưa hàng triệu lít nước mắm XK sang thị trường Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Nam Phi, Lào, Panama, Nga... và tiếp tục vươn đến thị trường Hoa Kỳ, các nước EU...

Xuất khẩu vượt khó, xác lập “đỉnh” mới

Công nhân Công ty CP May xuất khẩu Trường Thắng (Nông Cống) trong ca sản xuất.

Nỗ lực của các doanh nghiệp đã đóng góp trực tiếp vào kết quả giá trị XK hàng thủy sản năm 2021 ước đạt 159,372 triệu USD, tăng 59,1% so với cùng kỳ và tăng 43,5% kế hoạch năm, chiếm tỷ trọng 2,89% trong tổng giá trị XK toàn tỉnh.

Theo nhận định của Sở Công Thương, mặc dù tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, nhưng tỉnh ta đã xây dựng những kịch bản ứng phó với dịch bệnh và sẵn sàng triển khai trong mọi tình huống. Tính tới thời điểm hiện tại, Thanh Hóa đã có một giai đoạn tương đối dài tổ chức sản xuất và chuẩn bị tốt nguồn hàng, xuất - nhập khẩu trong trạng thái bình thường mới để sẵn sàng bứt tốc. Mặt khác, các thị trường XK chủ lực của tỉnh, như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU... đã và đang thực hiện các phương án mở cửa, sử dụng hộ chiếu vắc-xin, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý cư dân, tổ chức lại các hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội, mở cửa du lịch... Đây chính là tín hiệu tích cực dự báo nhu cầu lớn của thế giới về những mặt hàng XK của Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

Năm 2022, vẫn tiếp tục được dự báo là năm có nhiều thách thức, song với nền tảng và thành quả đã đạt được của năm 2021, tỉnh Thanh Hóa đã đặt ra mục tiêu giá trị XK đạt 5,7 tỷ USĐ. Đây là mục tiêu tương đối khó, nhưng hiện nay, Sở Công Thương đang tiếp tục đánh giá, hướng dẫn các DN tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại đã ký kết để đẩy mạnh XK vào các thị trường và trong các mặt hàng có ưu đãi thuế quan cao; đồng thời, khuyến khích DN tham gia, nâng cao năng lực, phương thức kinh doanh trên nền tảng điện tử; hỗ trợ các DN kiểm soát tốt dịch COVID-19, nhất là trong khu kinh tế các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng vừa ban hành quyết định về việc thành lập ban chỉ đạo phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 để chủ động kiểm tra, nắm chắc tình hình hoạt động của DN, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các DN tổ chức sản xuất, kinh doanh được xuyên suốt, liên tục với nguyên tắc “Sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”. Nhất là, các DN sản xuất hàng XK cũng sẽ được ưu tiên chỉ đạo, tạo thuận lợi về lưu thông hàng hóa, thị trường để phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Lê Hòa


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]