(Baothanhhoa.vn) - Chi cục Thủy lợi dự báo, năm 2022, tình hình xâm nhập mặn vùng triều sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm. Trong tháng 4, độ mặn 10/00 vùng cửa sông ven biển tiếp tục duy trì ở mức cao và lấn sâu vào nội địa từ 15 đến 23,2km. Cuối tháng 4, có thời điểm độ mặn đo được trên sông Mã tại cống Thành Châu (Hoằng Hóa) là 20/00, đo trên sông Lèn tại trạm bơm Liên Lộc 2 (Hậu Lộc) là 40/00.

Vùng triều ứng phó với tình hình xâm nhập mặn mùa nắng nóng

Chi cục Thủy lợi dự báo, năm 2022, tình hình xâm nhập mặn vùng triều sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm. Trong tháng 4, độ mặn 10/00 vùng cửa sông ven biển tiếp tục duy trì ở mức cao và lấn sâu vào nội địa từ 15 đến 23,2km. Cuối tháng 4, có thời điểm độ mặn đo được trên sông Mã tại cống Thành Châu (Hoằng Hóa) là 20/00, đo trên sông Lèn tại trạm bơm Liên Lộc 2 (Hậu Lộc) là 40/00.

Vùng triều ứng phó với tình hình xâm nhập mặn mùa nắng nóngNgười dân xã Nga Thành (Nga Sơn) nạo vét, khơi thông dòng chảy trên hệ thống kênh tưới, tiêu nội đồng. Ảnh: Châu Giang

Tháng 5 và 6 là 2 tháng cao điểm của nắng nóng, tình hình xâm nhập mặn dự báo sẽ diễn biến phức tạp. Thời điểm này, người dân các huyện ven biển sẽ bước vào sản xuất vụ thu mùa. Vì vậy, tình trạng xâm nhập mặn sẽ làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của bà con nông dân.

Chi cục Thủy lợi nhận định có 3.328 đến 4.200 ha cây trồng vùng triều sẽ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, tập trung ở các huyện: Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn, TP Thanh Hóa. Để hạn chế những tác động tiêu cực của tình hình xâm nhập mặn, các địa phương vùng triều đang chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp ứng phó.

Mùa nắng nóng năm nay, huyện Nga Sơn nhận định sẽ có từ 1.100 - 1.900 ha sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn; trong đó, có 576 ha có thể xảy ra hạn và phân bố ở 16 xã của huyện.

Trên cơ sở nhận định phạm vi, diện tích xảy ra hạn, huyện Nga Sơn đã chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó, như: Theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn tại các cửa cống, bố trí trạm bơm tại các cửa sông, như: Cống Văn Thắng, cống Tứ Thôn... Đầu tư 3,5 tỷ đồng để đắp đập tạm ngăn mặn sông Càn (thượng lưu cầu Điền Hộ tại xã Nga Phú); nạo vét kênh Giáp An Thái, với tổng khối lượng đào đắp 47.490m3. Đấu mối với huyện Yên Mô (Ninh Bình) để lấy nước từ hệ thống sông Đáy chảy qua Yên Mô về sông Càn. Xin đóng âu Báo Văn để giữ nước ngọt. Trường hợp không đủ nước tưới, huyện sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành đóng âu Báo Văn và âu Mỹ Quan Trang, đồng thời bơm nước từ trạm bơm cống phủ Hà Trung về sông Hoạt tạo nguồn cho huyện Nga Sơn bơm chống hạn. Huyện cũng đã và đang tăng cường giữ nước đệm, trữ nước và tận dụng tối đa khả năng nguồn nước để bơm cho những vùng trên các kênh Hưng Long, Văn Thắng, Ngang Bắc, Ngang Nam, Giáp An Thái, Sao Sa, Cầu Cúp... Bên cạnh đó, huyện đã thực hiện sửa chữa, duy tu bảo dưỡng các trạm bơm, các cống tưới. Huy động nhân lực, máy móc tổ chức nạo vét kênh nội đồng và thủy lợi mặt ruộng, với tổng khối lượng đã đào đắp 36.764m3. Huyện cũng đã chủ động lắp đặt 55 máy bơm dầu tại các điểm dự kiến sẽ xảy ra hạn do ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn.

Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Sông Mã là đơn vị chịu trách nhiệm bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhiều huyện ven biển, như: Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, thị xã Bỉm Sơn và 4 xã, phường phía Bắc của TP Thanh Hóa, với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 29.000 ha. Khó khăn lớn nhất hiện nay là hầu hết các sông cấp nguồn nước tưới cho các huyện, thị xã đều chịu ảnh hưởng thủy triều, một số nơi thường xuyên bị nhiễm mặn. Vì vậy, ngay từ đầu vụ, công ty đã chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn.

Theo đó, công ty đã xây dựng phương án tưới cho vụ đông xuân và vụ thu mùa 2022; trong đó, đề ra các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn theo diễn biến cụ thể của thời tiết và có giải pháp riêng cho từng vùng tưới. Thời điểm này, tình hình thời tiết và xâm nhập mặn đang ở mức bình thường, nguồn nước các sông bảo đảm, nên công ty chỉ đạo cho các chi nhánh thủy nông chủ động đóng kín các cống tiêu để ngăn mặn, giữ ngọt. Các cống lấy nước và trạm bơm tưới có ảnh hưởng triều, trước và trong khi lấy nước phải kiểm tra chất lượng nước. Trong quá trình lấy nước, 15 phút kiểm tra chất lượng nước một lần tại các cửa lấy nước và ghi vào sổ theo dõi mỗi lần đo. Độ mặn cho phép khi bơm, lấy qua cống phải bảo đảm yêu cầu cho suốt cả năm và tận dụng tối đa khả năng lấy nước triều vào kênh.

Để chủ động ứng phó với tình hình xâm nhập mặn tại vùng triều, Chi cục Thủy lợi khuyến cáo UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng ven biển và các công ty khai thác các công trình thủy lợi thường xuyên theo dõi lịch thủy triều, mực nước sông và độ mặn ở vùng triều để đóng, mở các cống, bơm nước vào kênh, đồng ruộng để tích trữ nước khi chất lượng nước bảo đảm yêu cầu, có biện pháp xử lý nhiễm mặn kịp thời khi xảy ra ở các vùng triều. Vùng tưới thuộc huyện Nga Sơn, vùng Đông kênh De thuộc huyện Hậu Lộc tập trung phối hợp với đơn vị thủy nông chủ động vận hành các trạm bơm Cống Phủ 2, Châu Lộc, thôn Hậu... bơm nước tạo nguồn và trữ nước chống hạn. Đồng thời, đóng, mở cống ở các cửa sông, cửa biển hợp lý để giữ nước ngọt, ngăn nước mặn.

Châu Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]