(Baothanhhoa.vn) - Sự lớn mạnh của Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKTNS&CKCN) trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây đã góp phần tạo nên sự đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa. Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng hệ thống cảng biển cùng cộng đồng doanh nghiệp ở đây vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giữ vững “đầu tàu” tăng trưởng ở xứ Thanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vững đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh: Bài 4 - Giữ vững “đầu tàu” tăng trưởng

Sự lớn mạnh của Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKTNS&CKCN) trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây đã góp phần tạo nên sự đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa. Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng hệ thống cảng biển cùng cộng đồng doanh nghiệp ở đây vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giữ vững “đầu tàu” tăng trưởng ở xứ Thanh.

Vững đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh: Bài 4 - Giữ vững “đầu tàu” tăng trưởng

Công ty TNHH Miza Nghi Sơn vẫn hoạt động ổn định trong thời điểm Thanh Hóa có dịch bệnh COVID-19 phức tạp. Ảnh: Linh Trường

Những tháng đầu năm 2021, khi tỉnh bạn Nghệ An xuất hiện các ca bệnh COVID-19, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan, cùng UBND thị xã Nghi Sơn, Ban Quản lý (BQL) KKTNS&CKCN tỉnh siết chặt quản lý dịch bệnh khu vực giáp ranh. 2 chốt kiểm dịch tại thôn Nam Trường và Quốc lộ 1A gần Khe Nước Lạnh ở xã Trường Lâm cùng với chốt giáp ranh KKTNS với KCN Hoàng Mai thuộc xã Hải Hà được thành lập và duy trì đến nay. Với phương châm phòng, chống và ngăn ngừa dịch bệnh nhưng vẫn không gián đoạn sản xuất, kinh doanh người và phương tiện, nhất là xe ô tô tải chở hàng hóa, nguyên - vật liệu phục vụ sản xuất vẫn được tạo điều kiện vào KKTNS. Để tránh tình trạng có ca bệnh phải đình chỉ sản xuất, nhiều doanh nghiệp tại KKTNS đã tạo điều kiện cho các lao động quê tỉnh Nghệ An tạm nghỉ làm, hoặc ăn ở tại nơi sản xuất.

Đến đầu tháng 7, một công dân xã Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn) trở về từ TP Hồ Chí Minh mang theo mầm bệnh, lây nhiễm cho con của mình, trở thành những ca dương tính COVID-19 đầu tiên tại Thanh Hóa sau nhiều tháng yên bình. Những ca bệnh xuất hiện ngay trong lòng KKTNS như thách thức chuỗi sản xuất của những doanh nghiệp tại đây. Tại các KCN khác trên địa bàn toàn tỉnh, các biện pháp vừa duy trì sản xuất, vừa phòng chống dịch bệnh được siết chặt hơn bao giờ hết. Ngày 27-7, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 10965/UBND-VX để yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương và doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép”. Theo đó, tất cả phải thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trong CKCN, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất theo phương châm “1 đường đi, 2 điểm đến” và “3 tại chỗ”. Đây là một trong rất nhiều văn bản chỉ đạo của tỉnh để cộng đồng doanh nghiệp, các sở, ngành, địa phương, đơn vị của tỉnh nỗ lực vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Ngay sau đó, BQL KKTNS&CKCN tỉnh liên tục có các công văn, văn bản gửi đến từng doanh nghiệp để hướng dẫn thực hiện. Hàng chục doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động tại KKTNS, CKCN của tỉnh thực hiện phương châm “1 đường đi, 2 điểm đến” - tức là tổ chức đưa đón người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại. Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp thực hiện phương châm “3 tại chỗ” (tổ chức lưu trú, làm việc và ăn uống tại công ty), điển hình là các doanh nghiệp tại KKTNS. Ban đã thành lập 4 tổ an toàn COVID-19 và các đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19 tại KKTNS&CKCN. Đồng thời, cử cán bộ trực tiếp xuống doanh nghiệp kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, yêu cầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện theo phương châm “1 đường đi, 2 điểm đến”, bố trí sắp xếp hoạt động sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ”. Đến nay, doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID-19, cụ thể: Có khoảng 330 doanh nghiệp thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và xây dựng kịch bản ứng phó với dịch bệnh; 85 doanh nghiệp thực hiện việc tầm soát, xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho 13.775 lao động; quán triệt, triển khai thực hiện khai báo y tế điện tử thông qua mã QR Code và các ứng dụng: Tờ khai y tế, NCOVID, Bluezone cho khoảng 70 nghìn người lao động.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đơn vị quản lý Nhà nước tại KKTNS, CKCN là BQL KKTNS&CKCN tỉnh cũng đẩy mạnh công tác cải cách hành chính để đơn giản các thủ tục liên quan. Bám sát thực hiện tiêu chí “4 tăng, 2 giảm và 3 không” của tỉnh và mục tiêu xây dựng “cơ quan hành chính phục vụ”, đơn vị đã rà soát và cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 30 đến 50% so với quy định. 9 tháng năm 2021, đã có 44/61 thủ tục cắt giảm thời gian giải quyết từ 30 đến 50%, 32 thủ tục đăng ký dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, đạt tỷ lệ 50%. Đến cuối tháng 9, ban đã tổ chức tiếp nhận 1.146 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp; trong đó, giải quyết sớm, đúng hạn 1.119 hồ sơ, một số hồ sơ còn lại có những vướng mắc nên tiếp tục được giải quyết hoặc xin ý kiến cấp tỉnh.

Không thể phủ nhận những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 mang lại, song với sự chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ từ cấp tỉnh đến các ngành, các địa phương, đơn vị trong tỉnh nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty, doanh nghiệp ở KKTNS&CKCN cơ bản vẫn duy trì hoạt động. Thống kê từ BQL KKTNS&CKCN tỉnh, giá trị sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý trong 9 tháng đạt 137.390 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch năm 2021. Hệ thống cảng biển tại Nghi Sơn vẫn triển khai tốt công tác phòng dịch để duy trì hoạt động đã giúp cộng đồng doanh nghiệp tại KKTNS, CKCN trong tỉnh duy trì hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu cho sản xuất. 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp tại đây đạt 2,1 tỷ USD, đạt 60% kế hoạch năm 2021, tăng 22% so với cùng kỳ; giá trị hàng hóa nhập khẩu 3,485 tỷ USD, đạt 67% kế hoạch năm 2021 và bằng 81% so với cùng kỳ.

Trong tương quan tổng thể, 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh Thanh Hóa thu ngân sách Nhà nước đạt khoảng 24.400 tỷ đồng, riêng các doanh nghiệp tại KKTNS&CKCN nộp ngân sách 12.347 tỷ đồng, chiếm hơn 50,6% nguồn thu ngân sách tỉnh. Những năm gần đây, KKTNS&CKCN luôn giữ vai trò “đầu tàu” trong phát triển kinh tế tỉnh nhà. Chương trình phát triển KKTNS&CKCN cũng được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các khóa gần đây xếp vào một trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm. Việc đem lại giá trị sản xuất 137.390 tỷ đồng, các doanh nghiệp tại KKTNS&CKCN của tỉnh đã góp phần quan trọng để đưa tốc độ tăng trưởng GRDP của Thanh Hóa trong 9 tháng năm 2021 đạt 8,06%, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Tính đến thời điểm hiện tại, KKTNS & CKCN tỉnh đã thu hút được 600 dự án đầu tư trong nước và 61 dự án đầu tư nước ngoài. Sự phát triển của các dự án, doanh nghiệp nơi đây đã trở thành yếu tố quyết định đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn tỉnh.

Nhóm PV Phòng Kinh tế


Nhóm PV Phòng Kinh tế

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]