(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện có hiệu quả việc tích tụ, tập trung đất đai, phát triển sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao: Bài 1: Tích tụ đất đai – xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực hiện có hiệu quả việc tích tụ, tập trung đất đai, phát triển sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao: Bài 1: Tích tụ đất đai – xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp

Thực hiện có hiệu quả việc tích tụ, tập trung đất đai, phát triển sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao: Bài 1: Tích tụ đất đai – xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp

Khu nuôi tôm công nghiệp tại xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa).

Hiện trên địa bàn tỉnh có 733 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và được các địa phương khuyến khích tích tụ ruộng đất theo quy định của pháp luật. Đã có 25 đơn vị cấp huyện thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất với tổng diện tích 10.089,8 ha

Tích tụ, tập trung đất đai để khắc phục tình trạng ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương và của cả tỉnh phát triển. Đây là mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 13 – NQ/TU ngày 11– 1–2019 (gọi tắt là NQ13) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Việc phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong nền sản xuất của mỗi nước đều chiếm vị trí quan trọng. Trong đó, nhiều nước trên thế giới đã có chiến lược phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Israel là ví dụ điển hình. Israel là quốc gia nhỏ bé, nổi tiếng với khí hậu và địa hình phức tạp, có nơi cận nhiệt đới, có nơi lại khô cằn, lại có vùng là đụn cát, gò đất phù sa... Hơn nửa diện tích của quốc gia này là hoang mạc và bán hoang mạc, nửa còn lại là rừng và đồi dốc... Trước áp lực về việc dân số tăng dẫn đến nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp gia tăng đáng kể... Chỉ trong một thời gian ngắn, Israel đã chuyển từ tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm trở thành một điển hình phát triển nông nghiệp của thế giới. Trong khoảng 5 năm gần đây, Israel luôn đi đầu trong sản xuất quy mô lớn, ứng dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp luôn vượt con số 3,5 tỷ USD/năm, trong đó xuất khẩu chiếm hơn 20%. Nước ta đang trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các Hiệp định thương mại tự do đã ký với quốc tế, cũng như các lĩnh vực khác, ngành nông nghiệp Việt Nam đang có điều kiện phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, đa dạng sản phẩm, tạo việc làm, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho đông đảo bà con nông dân... Đến cuối năm 2018, theo thống kê ban đầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp giấy chứng nhận ứng dụng công nghệ cao cho hơn 40 doanh nghiệp nông nghiệp; trong đó, có 12 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt, 19 doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản, 9 doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi. Đã có 35 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Thủ tướng Chính phủ và UBND các tỉnh thành lập. Thực tế phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của các tỉnh, thành phố cũng cho thấy tích tụ, tập trung đất đai là yếu tố quan trọng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ở tỉnh ta, những năm qua, các địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn... Hiện trên địa bàn tỉnh có 733 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và được các địa phương khuyến khích tích tụ ruộng đất theo quy định của pháp luật. Đã có 25 đơn vị cấp huyện thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất với tổng diện tích 10.089,8 ha (trong đó, lĩnh vực trồng trọt 2.348 ha, chăn nuôi 6.093,4 ha và thủy sản 1.648,4 ha); có 3 hình thức tích tụ chủ yếu gồm: Chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất và góp đất hoặc liên kết sản xuất; các đối tượng tham gia tích tụ tập trung ruộng đất gồm: 51 doanh nghiệp; 11 HTX; 5.861 hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, NQ 13 xác định, việc thực hiện tích tụ đất đai trên địa bàn tỉnh mới đạt kết quả bước đầu; tỷ lệ diện tích đất được tích tụ, tập trung để tổ chức sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao so với tổng diện tích đất sản xuất thấp. Nhiều nơi sản xuất còn phân tán, manh mún, nhỏ lẻ; chưa có nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chủ yếu vẫn là sản xuất nông hộ, chất lượng sản phẩm còn thấp, khả năng cạnh tranh hạn chế. Một số diện tích đất đã được tích tụ, tập trung nhưng chưa gắn với đổi mới phương thức sản xuất, chưa có phương án sản xuất cụ thể nên chưa phát huy được hiệu quả... Chính vì vậy, quan điểm chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại NQ13 là tích tụ, tập trung đất đai là nhiệm vụ, giải pháp đột phá quan trọng hàng đầu để chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ lên sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ cao và thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Quá trình thực hiện tích tụ, tập trung đất đai phải lấy doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân làm nhân tố trung tâm; thu hút các nguồn lực đầu tư, huy động nguồn lực trong nhân dân làm động lực chủ yếu; vận dụng sáng tạo các quy định của Nhà nước để tổ chức thực hiện thành công NQ13. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tích tụ, tập trung đất đai triển khai thực hiện phải bảo đảm chặt chẽ về nguyên tắc; phát huy dân chủ, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân, nhất là các hộ nông dân bị ảnh hưởng; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và của hộ nông dân... Phát huy vai trò, tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và hộ nông dân để tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, công nghệ cao gắn kết sản xuất với chế biến và thị trường.

Đồng chí Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, cho biết: Yếu tố quan trọng và quyết định để thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững chính là việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Để thu hút được doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, phải thực hiện có hiệu quả việc tích tụ, tập trung đất đai để có vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Nền nông nghiệp tỉnh ta đang phát triển theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao. Do vậy, tích tụ, tập trung đất đai đóng vai trò quan trọng hàng đầu để thực hiện định hướng, mục tiêu phát triển nông nghiệp.

Quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp thời gian qua cho thấy: Các địa phương trong tỉnh đã thực hiện có hiệu quả chuyển đổi cơ cấu giống, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất (duy trì hơn 60% diện tích vụ xuân và 40% diện tích vụ mùa được gieo cấy bằng các giống lúa lai năng suất cao)... Xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, như: Sản xuất hạt giống lúa lai F1 từ 550 - 750 ha/năm; sản xuất hạt giống lúa thuần gần 3.000 ha/năm; sản xuất mía thâm canh 7.350 ha; ứng dụng sản xuất ngô biến đổi gen 50 ha tại huyện Thọ Xuân; sản xuất lúa hữu cơ 283 ha của Công ty CP Mía đường Lam Sơn; sản xuất khoai tây gần 1.000 ha của Công ty An Việt... Phát triển chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chuyển mạnh sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao (nhất là phát triển trang trại). Các loại giống lâm nghiệp mới có năng suất cao từng bước được khảo nghiệm, đưa vào trồng rừng; chuyển dần phương thức trồng rừng quảng canh sang trồng thâm canh có bón phân; các giải pháp phục tráng rừng luồng, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn được chú trọng, nên năng suất rừng trồng đã tăng lên đáng kể. Đẩy mạnh áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, truy xuất nguồn gốc, thực hiện Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP)...; phát triển các vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với yêu cầu của thị trường; chuyển dịch các đối tượng nuôi có giá trị cao và xuất khẩu... Các cơ chế, chính sách thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp được các địa phương, doanh nghiệp và người dân đồng tình ủng hộ, triển khai thực hiện tích cực, có hiệu quả; góp phần tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu giống, chủ động được nguồn giống tốt; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển các sản phẩm lợi thế của tỉnh.

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, từ năm 2016 đến nay, huyện Thạch Thành tập trung sản xuất 1.223 ha lúa/vụ, trên cánh đồng lớn sử dụng 1 đến 2 giống lúa năng suất, chất lượng, như TX 111, Thiên Ưu 8, BC15. Tổ chức sản xuất mía nguyên liệu cánh đồng lớn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ; tổng diện tích thực hiện cánh đồng lớn và thâm canh đạt 808 ha, năng suất bình quân tăng từ 70 tấn lên hơn 100 tấn/ha. Thực hiện sản xuất rau an toàn tập trung 6 ha và 12.000m2 nhà lưới, với các loại rau có giá trị kinh tế cao, như cà chua, bí xanh, dưa chuột và rau các loại gắn với tiêu thụ tập trung tại các chợ đầu mối... Đồng chí Đỗ Thị Phiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thạch Thành, cho biết: Quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện cho thấy, việc tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy hiện huyện đang tập trung khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tích tụ đất đai, liên kết mở rộng sản xuất quy mô lớn, bao tiêu nông sản nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên từng đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Bài 2: Tiềm năng phát triển sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao.

Bài và ảnh: Xuân Hùng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]