(Baothanhhoa.vn) - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của Thanh Hóa (gọi tắt là OCOP-TH) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực hiện Chương trình OCOP-TH còn nhiều khó khăn, thách thức

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của Thanh Hóa (gọi tắt là OCOP-TH) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Sản phẩm bánh gai Tứ Trụ, xã Thọ Diên (Thọ Xuân).

Trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Trong chương trình này, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng phát triển các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Thực hiện Chương trình OCOP-TH, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất, kinh doanh tập trung xây dựng thương hiệu thông qua công tác nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại sản phẩm. Đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm thì tiến hành đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, trên cơ sở lựa chọn các sản phẩm làng nghề, các địa phương, đơn vị đã tập trung hoàn thiện hồ sơ để được công nhận thương hiệu sản phẩm và nhãn hiệu cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Tuy đã tiến hành thực hiện đồng thời nhiều giải pháp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề và nhãn hiệu cho các đơn vị sản xuất, song tính đến tháng 10-2018, toàn tỉnh mới có 4 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, 23 sản phẩm được công nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và 356 văn bằng bảo hộ được cấp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. So với việc tỉnh ta đang có 155 làng nghề, với 25 nghề truyền thống; ngoài ra, còn có khoảng 160 sản phẩm, nhóm sản phẩm khác do các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, làng nghề, gia đình sản xuất, thì con số sản phẩm được công nhận về bảo hộ chỉ dẫn địa lý và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn khá khiêm tốn.

Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai xây dựng dự thảo đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, dự kiến mục tiêu đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có ít nhất 1 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia, 10 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 30 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện. Triển khai thực hiện 1 - 2 mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng; xây dựng 1 trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở những vùng có đủ điều kiện. Củng cố, kiện toàn 100% các doanh nghiệp, HTX tham gia Chương trình OCOP. Cùng với đó, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm Chương trình OCOP; đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho lãnh đạo cán bộ quản lý Nhà nước thực hiện Chương trình OCOP.

Mục tiêu thực hiện Chương trình OCOP-TH cụ thể, rõ ràng, tuy nhiên theo phân tích của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, trong quá trình thực hiện mục tiêu nói trên, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể như: Đối với các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp, nhất là hàng thủ công phải cạnh tranh với hàng nhập ngoại của các nước Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... Hiện, sản phẩm đặc sản trên địa bàn tỉnh tuy nhiều, song vẫn chưa được khách hàng trong và ngoài nước tin dùng, bởi công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt. Việc người dân chưa nhận biết, phân biệt được sản phẩm thật, giả, sản phẩm nhập ngoại hay sản phẩm trong nước, trong khi tình trạng hàng giả, hàng nhái còn nhiều rào cản lớn trong việc thực hiện mục tiêu của Chương trình OCOP-TH. Ngoài những thách thức nói trên, tỉnh ta có 11 huyện miền núi, địa hình chia cắt, dân số thưa, tập quán sản xuất một số địa phương lạc hậu, phụ thuộc thiên nhiên, tâm lý trông chờ và ỷ lại Nhà nước của cộng đồng; lại chưa có nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, cơ cấu còn nặng về cây lương thực chủ lực đã và đang là nguyên nhân khiến cho việc thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất theo hướng tập trung cho các sản phẩm làng nghề, nông nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, thói quen phát triển thụ động, hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển còn yếu; kiến thức, kỹ năng về thị trường của cộng đồng và đội ngũ cán bộ còn hạn chế; các sản phẩm làng nghề truyền thống chưa hấp dẫn về mẫu mã, tiêu chuẩn chất lượng chưa rõ ràng, trong khi năng lực xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của địa phương, doanh nghiệp còn yếu, xuất khẩu qua nhiều khâu trung gian khiến cho việc thực hiện Chương trình OCOP-TH gặp nhiều trở ngại.

Để xây dựng thành công Chương trình OCOP-TH, dự thảo đề án đã xây dựng nhiều giải pháp thực hiện, trong đó tập trung vào các giải pháp, như: Triển khai thường xuyên, liên tục công tác thông tin, truyền thông về Chương trình OCOP-TH bằng nhiều hình thức khác nhau trên phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở, trang web của Chương trình OCOP... Đưa Chương trình OCOP-TH vào nghị quyết của cấp ủy đảng các cấp; kế hoạch, chương trình công tác chỉ đạo trọng tâm của chính quyền địa phương. Thực hiện xây dựng hệ thống quản lý thực hiện chương trình từ tỉnh đến xã. Vận dụng cơ chế, chính sách hiện hành của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại,... để hỗ trợ chương trình; đồng thời, nghiên cứu xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách mới về OCOP. Xây dựng và triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoàn thiện công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh các sản phẩm OCOP. Thực hiện hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp, áp dụng các mô hình quản lý tiên tiến, các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tham gia Chương trình OCOP; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.


Bài và ảnh: Tiến Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]