(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững, tỉnh ta đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Qua đó, từng bước nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho nhân dân, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững. Với những đóng góp tích cực của ngành nông nghiệp, việc XDNTM của các địa phương đạt được những kết quả  khá toàn diện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Mô hình trồng rau sạch tại xã Hồi Xuân (Quan Hóa). Ảnh: Khánh Phương

Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững, tỉnh ta đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Qua đó, từng bước nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho nhân dân, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững. Với những đóng góp tích cực của ngành nông nghiệp, việc XDNTM của các địa phương đạt được những kết quả khá toàn diện.

Xã Hoằng Khánh (Hoằng Hóa) khi bắt đầu XDNTM chỉ đạt 6/19 tiêu chí, đời sống của người dân trong xã chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản; thương mại dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm. Nhằm phát huy lợi thế của địa phương trong phát triển nông nghiệp, đối với trồng trọt, xã định hướng bà con mở rộng diện tích trồng các loại lúa lai, lúa có chất lượng, năng suất cao như: Thiên Ưu 8, J02, hương thơm... đồng thời, khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi một số diện tích trồng cây rau màu kém hiệu quả sang trồng ớt, dưa chuột, ngô ngọt xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Địa phương cũng tiến hành dồn đổi ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng với tổng diện tích đạt hơn 40 ha. Trong đó, có 3,7 ha cây gai xanh liên kết với Công ty An Phước, 9,8 ha mía liên kết với Công ty CP Mía đường Nông Cống, 2,7 ha ngô làm thức ăn chăn nuôi liên kết với Công ty CP Sữa Việt Nam...

Được biết, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Hoằng Hóa đã triển khai thực hiện đồng bộ cả trồng trọt và chăn nuôi, khuyến khích người dân lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương. Đồng thời, áp dụng thâm canh tăng vụ, chuyển đổi hình thức sang sản xuất hàng hóa, trồng cây tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Khuyến khích và hỗ trợ các hộ chăn nuôi áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thực hiện quy trình giám sát an toàn dịch bệnh, sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng... Trong quá trình XDNTM, thực hiện tiêu chí về thu nhập, huyện đã tập trung chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, tạo chuyển biến về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp; nâng cao thu nhập cho người dân. Khuyến khích đầu tư xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, nhà kính với các loại sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, điển hình như mô hình trồng rau an toàn tại xã Hoằng Hợp, chế biến hải sản ở xã Hoằng Phụ...

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung cho các cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, phát triển các cây, con chủ lực theo hướng chuyển từ “lượng” sang “chất”, ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phát triển doanh nghiệp, HTX, trang trại; thực hiện tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh các hình thức liên kết sản xuất. Theo đó, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi thành công gần 15.000 ha đất lúa và 4.620 ha đất mía kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Nhiều mô hình liên kết mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, như liên kết sản xuất giống lúa lai F1 quy mô 550 - 750 ha/năm; giống lúa thuần trên diện tích 3.000 ha/năm; sản xuất mía thâm canh đạt 7.350 ha, trong đó diện tích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đạt 1.464,8 ha; mô hình ứng dụng ngô biến đổi gen quy mô 50 ha tại huyện Thọ Xuân...

Lĩnh vực chăn nuôi cũng đang có chuyển biến rõ nét cả về tổ chức sản xuất cũng như việc chuyển dịch theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh đã thu hút hàng chục doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, như: Công ty TNHH bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa xây dựng các trang trại bò sữa quy mô 16.000 con; Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) xây dựng Trại bò Thanh Hóa 2 tại huyện Như Thanh; Công ty CP Chăn nuôi Bá Thước đầu tư dự án bò thịt chất lượng cao, quy mô 20.000 con bê nhập từ Úc; Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương đầu tư dự án liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi lợn và chế biến nông sản với quy mô 100.000 tấn/năm; Công ty TNHH hai thành viên ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ (Tập đoàn TH) đầu tư dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại hai xã Yên Mỹ và Công Bình (Nông Cống), quy mô nuôi khoảng 20.000 bò sữa và nhà máy chế biến sữa tập trung công suất 300 tấn/ngày...

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, cần khắc phục, như: Chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp còn chậm, sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh và chưa gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và vốn đầu tư cho chuyển đổi cơ cấu, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa nhiều; sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thấp...

Tính đến 15-11, toàn tỉnh có 5 huyện, 341 xã và 799 thôn, bản đạt chuẩn NTM; bình quân toàn tỉnh đạt 16,56 tiêu chí/xã. Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM, nâng cao thu nhập cho người dân, các địa phương tập trung chỉ đạo triển khai các mô hình sản xuất, dành nguồn lực hỗ trợ các đề án, mô hình phát triển sản xuất hiệu quả; hỗ trợ nông dân tăng cường ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Đồng thời, chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu một số sản phẩm nông sản, thực phẩm chủ lực. Thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân.

Khánh Phương


Khánh Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]