(Baothanhhoa.vn) - Trong khi một số nơi, tình trạng đô thị hóa và sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các sản phẩm công nghiệp... đã trở thành những rào cản chính đối với các sản phẩm truyền thống thì tại TP Thanh Hóa, một số làng nghề vẫn được duy trì và phát triển, mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sức sống làng nghề TP Thanh Hóa

Trong khi một số nơi, tình trạng đô thị hóa và sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các sản phẩm công nghiệp... đã trở thành những rào cản chính đối với các sản phẩm truyền thống thì tại TP Thanh Hóa, một số làng nghề vẫn được duy trì và phát triển, mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương.

Sức sống làng nghề TP Thanh Hóa

Người dân làng nghề hàng mã Mật Sơn tất bật quanh năm.

“Sống khỏe” với nghề truyền thống

Làng nghề hương Quán Giò, phường Trường Thi đã có từ lâu đời. Bên trong con ngõ nhỏ giữa phố phường tấp nập, hàng chục hộ dân vẫn ngày ngày miệt mài giữ nghề. Trước kia, tất cả các công đoạn trộn bột, se hương, phơi khô, đóng gói... đều làm hoàn toàn thủ công thì những năm trở lại đây, máy móc hiện đại đã được ứng dụng ngày càng nhiều. Sự kết hợp giữa thủ công truyền thống với máy móc hiện đại đã phát huy được hiệu quả cao trong sản xuất: Năng suất cao, mẫu mã đẹp, màu sắc bắt mắt mà hương thơm lại vẫn giữ nguyên mùi đặc trưng vốn có của nó.

Được đánh giá cao về chất lượng, mỗi sản phẩm của làng hương Quán Giò đều được làm nên nhờ những đôi tay kinh nghiệm của người thợ. Bên cạnh những điểm chung về hình thức cây hương, màu sắc, quy cách đóng gói..., mỗi cơ sở sản xuất sẽ tự tạo nên nét đặc trưng riêng cho sản phẩm của mình bằng sự khác nhau trong cách gia giảm, pha trộn các thành phần hương liệu theo một tỷ lệ thích hợp bằng phương pháp gia truyền.

Anh Minh, chủ một cơ sở sản xuất cho biết: “Làng nghề chúng tôi sản xuất nhiều loại nhưng phổ biến nhất vẫn là hương bài và hương đen với độ dài ngắn, to nhỏ khác nhau. Nguyên liệu chính để làm hương là bột trám, bột bài và than phụ gia được nhập từ các tỉnh ngoài về; nứa lại được mua ở các huyện miền núi phía Tây của tỉnh. Một sản phẩm được hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ và chính xác từ pha trộn nguyên liệu đến se hương, phơi sấy... Ở mỗi khâu, người thợ phải cẩn thận trong từng thao tác thì que hương làm ra mới đạt chất lượng về hương thơm, độ cháy và vẻ ngoài láng mịn”.

Nếu như mọi năm, người dân ngõ Hàng Hương tất bật suốt quanh năm để kịp các đơn hàng trong và ngoài tỉnh thì năm nay, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng rất nhiều đến công việc sản xuất, kinh doanh của những người thợ nghề. Tuy nhiên, hầu hết các hộ gia đình nơi đây vẫn duy trì công việc để đảm bảo nguồn thu nhập cho cuộc sống. Và đây là thời điểm để các hộ sản xuất bắt đầu nhập nguyên liệu, chuẩn bị cho vụ sản xuất phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Cũng như làng hương Quán Giò, làng nghề hàng mã Mật Sơn, phường Đông Vệ cũng góp phần làm nên một nét rất riêng cho TP Thanh Hóa. Có tuổi đời hàng chục năm, đến nay, làng nghề đã phát triển và trở thành nguồn cung ứng lớn nhất cho thị trường hàng mã trong tỉnh, nhiều cơ sở còn đưa hàng tiêu thụ ra nhiều tỉnh, thành miền Bắc và miền Trung.

Bà Châu Thị Thanh, chủ một cơ sở sản xuất hàng mã lớn thuộc phố Mật Sơn 2 chia sẻ: “Đến với nghề từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi gia đình tôi còn rất nghèo. Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu tận dụng thời gian rỗi rãi của các thành viên trong gia đình để làm ra các sản phẩm thủ công, đơn giản, đến nay chúng tôi đã gây dựng được một nghề truyền thống cho cả gia đình, con cháu. Hàng mã là nghề có tính thời vụ, mỗi thời điểm sẽ tương ứng với mỗi loại sản phẩm nhất định. Tuy là thời vụ nhưng vì lượng hàng đặt từ khắp nơi khá nhiều nên chúng tôi không lúc nào hết việc, vụ này vừa xong là phải làm kịp hàng cho vụ khác. Vào những đợt cao điểm, cơ sở chúng tôi phải thuê thêm từ 10 đến 15 lao động để “chạy hàng”. Không chỉ giúp chúng tôi thoát nghèo và có cuộc sống sung túc, nghề hàng mã còn mang lại thu nhập ổn định cho nhiều lao động phổ thông trên địa bàn”.

Sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường

Duy trì và phát triển làng nghề luôn được gắn liền với vấn đề bảo đảm môi trường. Tùy theo đặc thù của từng nghề để mỗi nơi sẽ có cách làm riêng giúp cho công việc sản xuất vừa đảm bảo chất lượng hàng hóa vừa thân thiện với môi trường.

Cũng theo bà Thanh, thị trường hiện nay có tính cạnh tranh rất cao. Lợi nhuận không quá lớn so với công sức và thời gian bỏ ra nên đòi hỏi người làm phải tính toán cân đối sao cho lượng giấy thừa trong quá trình sản xuất phải là thấp nhất, tránh gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Với lượng giấy thừa không thể tái sử dụng, bà sẽ thu gom bán phế liệu, góp vào quỹ từ thiện của xóm phố.

Sức sống làng nghề TP Thanh Hóa

Làm hương ở làng nghề Quán Giò.

Việc áp dụng máy móc công nghệ vào khâu sản xuất giúp cho việc sản xuất trở nên dễ dàng và tốn ít công sức hơn. Nếu như trước đây, mỗi cơ sở sản xuất đều tự làm mọi công đoạn bằng thủ công thì ngày nay đã lựa chọn chỉ chuyên sản xuất một loại riêng biệt. Có gia đình chỉ tập trung làm khung, có nhà lại mua máy móc để phục vụ việc in ấn, cắt phụ kiện trên giấy, hộ khác lại thực hiện công đoạn lắp ghép, dán và hoàn thiện sản phẩm... Cách làm chuyên biệt như vậy giúp cho làng nghề sản xuất vừa hiệu quả, năng suất lao động cao vừa hạn chế được mức thấp nhất sự lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường sống chung trong khu dân cư.

Ngoài cách làm tương tự với làng Mật Sơn trong công đoạn sản xuất, làng nghề hương Quán Giò còn tự “làm mới” mình bằng những bức tranh bích họa sinh động đẹp mắt. Con ngõ nhỏ quanh co là lối đi chung của vài chục nóc nhà được tận dụng một cách tối đa để làm nơi phơi hương và các loại nguyên liệu. Màu đỏ của tăm hương, màu vàng, nâu sậm và đen của bột nguyên liệu xen lẫn với hàng chục loại màu sắc sặc sỡ trên những bức tranh vẽ các công đoạn sản xuất hương hai bên tường khiến cho khoảng không gian nhỏ hẹp nơi Quán Giò trở nên sinh động, đẹp mắt. Với người dân nơi đây, ngoài việc phát triển kinh tế của mỗi gia đình thì ý thức giữ gìn môi trường chung của làng nghề cũng là việc làm rất cần thiết. Thu dọn đồ phế thải, vệ sinh không gian sống và lối đi chung luôn được mỗi người trong khu phố thực hiện nghiêm túc. Chính bởi vậy, làng nghề tuy chật hẹp, nhà cửa san sát nhau, nguyên vật liệu lại nhiều và bụi bặm nhưng khi đến đây, ai ai cũng cảm nhận được sự tươm tất, gọn gàng, sạch sẽ từ ngay đầu cổng cho đến tận khúc quanh co cuối cùng của con ngõ.

Không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho các thế hệ người dân địa phương, những làng nghề truyền thống tại TP Thanh Hóa còn có ý nghĩa văn hóa tinh thần, là nét đẹp riêng của mảnh đất phố thị. Với những nỗ lực bảo tồn và phát triển của người dân làng nghề, cùng chính sách hỗ trợ, quảng bá của chính quyền các cấp, làng nghề nơi đây đang sáng lên những sắc màu tươi mới.

Bài và ảnh: Thu Hà


Bài và ảnh: Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]