(Baothanhhoa.vn) - Sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay, khi nhu cầu sử dụng giống cây trồng của người dân tăng lên, trên thị trường đã và đang xuất hiện nhiều loại giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng chưa bảo đảm, tiềm ẩn những rủi ro đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và hiệu quả kinh tế của người dân nói riêng.

Siết chặt quản lý nguồn gốc giống cây trồng

Sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay, khi nhu cầu sử dụng giống cây trồng của người dân tăng lên, trên thị trường đã và đang xuất hiện nhiều loại giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng chưa bảo đảm, tiềm ẩn những rủi ro đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và hiệu quả kinh tế của người dân nói riêng.

Siết chặt quản lý nguồn gốc giống cây trồngVườn ươm giống cây mắc ca của hộ gia đình chị Phạm Thị Thu, xã Cát Vân (Như Xuân).

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, buôn bán giống cây trồng; trong đó, có 28 đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp và 11 doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên kết sản xuất giống cây trồng và chủ yếu là các loại lúa, ngô, cây rau màu được cơ quan liên quan của tỉnh cấp phép, công nhận. Hằng năm, Nhân dân trên địa bàn tỉnh sử dụng khoảng 11.000 tấn giống lúa, 1.000 tấn giống ngô, 2.000 tấn giống lạc, 300 tấn giống đậu tương và hàng triệu giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả... Trong đó, nhiều giống cây trồng mới có chất lượng được đưa vào sản xuất đã góp phần tăng năng suất cây trồng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc kinh doanh, trôi nổi những loại giống cây trồng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng chưa bảo đảm vẫn còn diễn ra, nhất là giống từ nông hộ nhỏ lẻ không được sản xuất bảo đảm theo quy trình.

Tại xã Minh Sơn (Triệu Sơn) có khoảng 60 hộ tham gia sản xuất giống cây lâm nghiệp và cây ăn quả. Với số lượng các vườn ươm trên địa bàn khá lớn, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của địa phương gặp không ít khó khăn. Nhất là đối với những hộ quy mô nhỏ lẻ, tự phát, không đăng ký kinh doanh, tồn tại dưới danh nghĩa tự ươm giống để phục vụ nhu cầu sản xuất của gia đình. Theo lời giới thiệu, chúng tôi đến thăm khu vườn sản xuất của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thà, thôn 1, là một trong những hộ thực hiện ươm cây giống sớm nhất ở địa phương. Trước đây, ông và những hộ sản xuất khác ươm giống cây lâm nghiệp theo phương pháp gieo hạt nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Những năm gần đây, nhờ tham khảo, học hỏi kinh nghiệm và áp dụng kỹ thuật mới, gia đình ông đã thực hiện ươm giống cây bằng cách giâm cành, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động nên cây phát triển tốt, tỷ lệ sống cao. Hiện gia đình ông có khoảng 5 sào ươm cây giống, ước tính có khoảng 80 vạn cây giống và chủ yếu là keo tai tượng, bạch đàn; mỗi năm trừ chi phí gia đình ông có lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng. Bên cạnh việc sản xuất giống cây lâm nghiệp, gia đình ông Thà còn liên kết nhập các loại giống cây ăn quả chất lượng cao từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam và một số công ty sản xuất uy tín để cung cấp cho nhu cầu của người dân. Ông Nguyễn Văn Thà cho biết: “Ước tính, mỗi năm, gia đình cung cấp ra thị trường khoảng 2 triệu cây giống gồm bạch đàn, keo tai tượng, dổi, xoan đào, cam, bưởi, ổi... Tuy nhiên, hiện nay, việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng gặp khá nhiều khó khăn, đòi hỏi các hộ phải đầu tư kinh phí, nhân lực để nâng cao kỹ thuật sản xuất, chất lượng cây giống. Song, các cơ sở sản xuất đang gặp sự cạnh tranh lớn với những cơ sở, loại giống “thiếu minh bạch” trên thị trường. Do đó chúng tôi luôn mong muốn địa phương, cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý, kiểm soát, xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tự phát, không rõ nguồn gốc, chất lượng không bảo đảm để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng”.

Được biết, theo quy định của cơ quan chuyên môn, cây giống của các cơ sở được cấp phép phải đầy đủ các tiêu chuẩn, như: nguồn gốc xuất xứ hạt giống, tiêu chuẩn chiều cao, đường kính cây giống,... mới cho xuất khỏi vườn ươm. Thực tế cho thấy, mức độ thiệt hại về kinh tế do các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp tự phát gây ra không nhỏ. Điển hình với cây keo, các giống keo lai chuẩn sẽ cho thu hoạch gấp khoảng 3 lần so với các giống trôi nổi trên thị trường. Tuy nhiên, do nhận thức còn hạn chế nên nhiều hộ dân trồng rừng vẫn tìm mua giống tại các cơ sở này.

Để chủ động được nguồn giống cây trồng chất lượng tốt, đa dạng về chủng loại, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân, hiện nay, đa phần các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng đều chú trọng đến việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ nghiên cứu, sản xuất giống. Đồng thời, các cơ quan liên quan của tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, vận động để các hộ sản xuất, kinh doanh và người dân nâng cao ý thức trong việc cung cấp và sử dụng nguồn giống cây trồng chất lượng phục vụ cho sản xuất.

Bài và ảnh: Lê Thanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]