(Baothanhhoa.vn) - Tỉnh Thanh Hóa đã xác định 12 sản phẩm nông nghiệp chủ lực (SPNNCL); trong đó, có 6 sản phẩm nằm trong danh mục SPNNCL quốc gia, gồm: gạo; thịt và trứng gia cầm; thịt lợn;  rau, quả; gỗ và các sản phẩm từ gỗ; tôm. 6 SPNNCL của tỉnh, gồm: Sản phẩm hải sản khai thác xa bờ; ngao và các sản phẩm nuôi biển; mía đường; trâu thịt, bò thịt, bò sữa và các sản phẩm từ sữa bò; tre, luồng, vầu và các sản phẩm từ tre, luồng, vầu; cây ngô.

Phát triển bền vững các sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Tỉnh Thanh Hóa đã xác định 12 sản phẩm nông nghiệp chủ lực (SPNNCL); trong đó, có 6 sản phẩm nằm trong danh mục SPNNCL quốc gia, gồm: gạo; thịt và trứng gia cầm; thịt lợn; rau, quả; gỗ và các sản phẩm từ gỗ; tôm. 6 SPNNCL của tỉnh, gồm: Sản phẩm hải sản khai thác xa bờ; ngao và các sản phẩm nuôi biển; mía đường; trâu thịt, bò thịt, bò sữa và các sản phẩm từ sữa bò; tre, luồng, vầu và các sản phẩm từ tre, luồng, vầu; cây ngô.

Phát triển bền vững các sản phẩm nông nghiệp chủ lựcChế biến lúa, gạo tại Nhà máy Sản xuất chế biến lúa gạo Sao Khuê, tại xã Đông Hoàng (Đông Sơn).

Trên cơ sở xác định được các SPNNCL, tỉnh Thanh Hóa đã hoạch định lộ trình phát triển cho các sản phẩm này. Mục tiêu là phát triển bền vững các SPNNCL theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, thông minh để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.

Thanh Hóa có diện tích sản xuất lúa lớn nhất khu vực miền Bắc, với tổng diện tích sản xuất lúa hàng năm ước đạt 231.200 ha, giá trị sản xuất hàng năm ước đạt hơn 7.000 đến 8.000 tỷ đồng, chiếm 52% giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Tiềm năng đó lý giải vì sao gạo là sản phẩm đứng thứ nhất trong 6 SPNNCL quốc gia. “Tầm cỡ” là vậy, thế nhưng hàng thập kỷ trước, gạo Thanh Hóa vẫn cứ trôi nổi khắp nơi mà không để lại được tiếng tăm. Trước năm 2015, Thanh Hóa chưa từng có sản phẩm gạo xuất khẩu. Thế nhưng, đến nay, Thanh Hóa tự hào khi có 3 sản phẩm “gạo Nếp cái hoa vàng Quý Hương, gạo Hương Thanh, gạo Ngọc Phố” của Công ty CP Thương mại Sao Khuê được công nhận danh hiệu “Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam”. Rồi sản phẩm “gạo Hương Thanh 2” của Công ty CP Thương mại Sao Khuê và “gạo nếp hạt cau Lộc Thịnh” của HTX nông nghiệp và dịch vụ xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh 4 sao. Sản phẩm “Gạo nếp cái Hoa Vàng Gia Miêu Ngoại Trang” của HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Long, xã Hà Long, huyện Hà Trung và “gạo sạch Hương Quê” của HTX dịch vụ nông nghiệp Trường Sơn, xã Trường Sơn, huyện Nông Cống được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sao. 10% sản lượng gạo thơm, gạo chất lượng cao được xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia.

Ông Đỗ Thế Anh, Giám đốc Công ty CP Thương mại Sao Khuê, cho rằng: Những sản phẩm gạo Thanh Hóa đang dần tạo được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. Có được kết quả đó là bởi những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã trải thảm đỏ để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các SPNNCL theo chiều sâu. Bản thân doanh nghiệp ông đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp, được tỉnh tạo điều kiện tối đa về các thủ tục pháp lý. Vì vậy, đã tạo động lực lớn để công ty phát triển sản xuất, kinh doanh.

Việc tạo điều kiện tối đa để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh không chỉ đối với sản phẩm gạo, mà được tỉnh quan tâm thực hiện trên tất cả các sản phẩm. Điều này đã và đang thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh các SPNNCL. Trong đó, phải kể đến những công ty, tập đoàn lớn, như: Tập đoàn TH True Milk đã đầu tư 3.800 tỷ đồng để thực hiện dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại hai xã Yên Mỹ và Công Bình, huyện Nông Cống, quy mô khoảng 20.000 bò sữa và nhà máy chế biến sữa tập trung công suất 300 tấn/ngày; Tập đoàn CP; Tập đoàn Dabaco Việt Nam hay Công ty Japfa Comfeed đã và đang xây dựng hệ thống trang trại liên kết trên địa bàn tỉnh đối với sản phẩm chủ lực lợn thịt hay sản phẩm thịt và trứng gia cầm...

Tính đến tháng 4-2022, toàn tỉnh đã xây dựng được vùng sản xuất tập trung lúa, với tổng diện tích 158.158 ha/năm, sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn/năm. Xây dựng được 97 vùng sản xuất chuyên canh rau, quả an toàn tập trung, với diện tích 12.560 ha/năm, sản lượng đạt khoảng 170.754 tấn/năm. Phát triển 7.000 ha trồng cây ăn quả tập trung. Hình thành và phát triển vùng trồng ngô thâm canh năng suất, chất lượng cao, với diện tích ước 20.000 ha/năm. Xây dựng được 4 vùng chăn nuôi tập trung các loại con nuôi, như: bò sữa, bò thịt, lợn và các loại gia cầm, tại các huyện trọng điểm về chăn nuôi, như: Yên Định, Triệu Sơn, Nông Cống, Thọ Xuân, Thiệu Hóa... Xây dựng được các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, tổng diện tích 500 ha, vùng nuôi tôm sú, tổng diện tích 3.600 ha; vùng nuôi ngao ước khoảng 1.250 ha. Hình thành và phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung cho công nghiệp chế biến, với diện tích ước 56.000 ha, tập trung ở 11 huyện miền núi. Đối với sản phẩm tre, luồng, vầu đã phát triển được vùng trồng thâm canh, với diện tích ước 30.000 ha, trữ lượng 187 triệu cây, tập trung tại 7 huyện miền núi: Quan Hóa, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Quan Sơn, Thường Xuân, Bá Thước, Cẩm Thủy.

Để tiếp tục thực hiện lộ trình phát triển bền vững các SPNNCL, ngành nông nghiệp cùng các địa phương đang đẩy mạnh thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, xây dựng vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển hợp tác, liên kết doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, chuỗi liên kết sản xuất trồng trọt có hiệu quả cao; phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại tập trung quy mô lớn, hiện đại. Liên kết với các cơ sở chế biến để hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn gắn với cấp chứng chỉ FSC. Tập trung sản xuất các SPNNCL theo vùng, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm để thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến tinh, sâu. Đẩy mạnh cơ giới hóa vào các khâu từ sản xuất, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, áp dụng quản lý chất lượng tiên tiến kết hợp tổ chức sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng.

Bài và ảnh: Hương Thơm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]