(Baothanhhoa.vn) - Mùa mưa bão năm 2022 đang bước vào những tháng cao điểm, với nhiều nguy cơ xảy ra sự cố thiên tai. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện có tới 29 vị trí đê điều xung yếu, không bảo đảm an toàn, mang lại những nỗi lo không nhỏ về sự an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân.

Nỗi lo từ những tuyến đê xung yếu

Mùa mưa bão năm 2022 đang bước vào những tháng cao điểm, với nhiều nguy cơ xảy ra sự cố thiên tai. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện có tới 29 vị trí đê điều xung yếu, không bảo đảm an toàn, mang lại những nỗi lo không nhỏ về sự an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân.

Nỗi lo từ những tuyến đê xung yếuĐoạn đê hữu sông Mã qua phường Quảng Thọ (TP Sầm Sơn) nhỏ hẹp, cao trình thấp không bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai.

Thanh Hóa là tỉnh có hệ thống đê điều lớn bậc nhất cả nước, với 1.008km đê các loại, trong đó đê từ cấp I đến cấp III dài 315km, đê dưới cấp III dài 693km. Trên các tuyến đê còn có 1.118 cống, âu qua đê. Toàn bộ hệ thống đê của tỉnh đang có vai trò bảo vệ an toàn cho 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với 409 xã, trong đó 242 xã có đê đi qua. Dân số được bảo vệ bởi hệ thống đê điều trong tỉnh khoảng 2,8 triệu người, đây đều là những vùng trọng điểm về kinh tế, văn hóa, chính trị quan trọng của tỉnh. Mặc dù những năm gần đây, Trung ương và tỉnh đã dành nguồn vốn đầu tư tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tế. Hiện vẫn còn nhiều đoạn đê được đắp trên những nền sình lầy, đất yếu, thân đê được đắp bằng nhiều loại đất không đồng chất, địa chất thân và nền đê yếu, nhiều đoạn đê dễ xảy ra sạt trượt khi có mưa, bão lớn...

Theo thống kê đánh giá hiện trạng đê điều mùa mưa lũ năm 2022 của Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, hiện trên các tuyến đê từ cấp I đến cấp III còn hơn 130km đê thiếu cao trình so với thiết kế. Ngoài ra, toàn tỉnh còn gần 60km đê có mặt nhỏ hẹp, không bảo đảm mặt cắt theo thiết kế, gần 22km mặt đê chưa được cứng hóa... Đối với đê dưới cấp III, toàn tỉnh còn 238km đê chính có cao trình thấp, chiều rộng mặt đê chỉ từ 3 - 3,5m, mái dốc. Nhiều đoạn đê sát sông hiện đang có diễn biến sạt lở, lại chưa có kè bảo vệ, như đê sông Hoạt, sông Càn qua huyện Nga Sơn, đê hữu Thị Long qua thị xã Nghi Sơn, đê kênh Tam Điệp qua huyện Hà Trung, đê tả sông Yên qua huyện Nông Cống...

Khảo sát tại TP Sầm Sơn, hiện vẫn còn 2 trọng điểm trên đê hữu sông Mã không bảo đảm an toàn. Điểm xung yếu thứ nhất là đê hữu sông Mã đoạn từ K55 đến K56+060 thuộc phường Quảng Thọ, với cao trình đê thấp, mặt cắt nhỏ, chưa được gia cố, nhiều vị trí mặt đê lún, hư hỏng, xuống cấp. Đây là đoạn đê cửa sông nên dễ xảy ra hiện tượng nước sông tràn qua khi có bão kết hợp với triều cường. Điểm xung yếu thứ hai thuộc đoạn đê hữu sông Mã từ K60 đến K60+800 phường Quảng Cư, cũng là đê cửa sông nên chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều và gió bão. Đây là đoạn đê thấp, chưa bảo đảm được nhiệm vụ chống lũ khi triều cường và bão mạnh. Phía sông của đoạn đê này có kè lát mái được xây dựng từ năm 1992, đến năm 2005, cơn bão số 7 đã làm toàn bộ mái kè bị lốc lở, hư hỏng và cơn lũ tháng 10-2017 mực nước chỉ còn cách đỉnh đê khoảng 30cm.

Tại huyện Thạch Thành, đoạn đê tả sông Bưởi từ K0+850 đến K0+900 địa bàn thị trấn Kim Tân đã xảy ra tình trạng thẩm lậu nước từ phía sông sang phía đồng khi nước sông Bưởi đạt từ cao trình 12,5m trở lên. Đáng nói, hiện tượng ngấm nước này xảy ra từ nhiều mùa mưa lũ gần đây trên đoạn đê dài 50m nhưng vẫn chưa được khắc phục. Quan sát bằng mắt thường, đây vẫn là đoạn đê được kè kiên cố, nhưng hiện tượng thẩm lậu có thể tiềm ẩn nguy cơ vỡ đê khi mực nước sông dâng cao, nhất là những đợt bão lũ. Huyện Nga Sơn có đê hữu sông Hoạt nhỏ hẹp, thấp, phía đồng có nhiều ao sâu, ruộng trũng sát chân đê nên không tạo được sự chắc chắn. Đoạn xung yếu nhất từ K27+700 đến K42+120 qua các xã Nga Thắng, Ba Đình, Nga Vịnh, Nga Trường và Nga Thiện. Mùa lũ năm 2017 đã xảy ra sự cố sạt mái đê phía đồng, tràn cơ đê ở các xã Ba Đình, Nga Thắng và Nga Vịnh.

Tại xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa), đê Tây sông Cung đoạn từ K5+500 đến K8 chưa đủ mặt cắt theo thiết kế, mái đê dốc, chiều rộng mặt đê quá nhỏ hẹp. Tuy chưa được kè kiên cố, nhưng mái đê hầu như không có cỏ mọc do đất có độ chua mặn nên càng dễ gây sạt lở. Phía đồng là hệ thống nuôi trồng thủy sản san sát chân đê khiến tuyến đê càng chênh vênh, dễ vỡ. Mùa mưa năm 2015–2016, đoạn đê này từng bị sạt mái phía đồng; đợt mưa lũ vào tháng 9 và 10-2017, mái đê phía đồng từ K5+500 đến K5+900 đã sạt từ 1/3 đến 1/2 mái đê.

Tại nhiều địa phương khác của tỉnh, có thể dẫn ra hàng chục vị trí đê không an toàn. Thống kê của Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa 14 huyện, thị xã, thành phố có các tuyến đê xung yếu không bảo đảm yêu cầu chống bão lũ. Ngoài ra, huyện Thọ Xuân cũng có 4 trọng điểm đê điều mất an toàn, huyện Nông Cống có 5 trọng điểm, huyện Hà Trung có 2 trọng điểm...

Nhằm bảo đảm sẵn sàng hộ đê khi có sự cố, nhất là mùa mưa bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đánh giá hiện trạng các tuyến đê, phê duyệt phương án bảo vệ trọng điểm và triển khai công tác chuẩn bị “4 tại chỗ”. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh cũng cùng các địa phương thực hiện xây dựng 29 phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu về đê điều, sẵn sàng lực lượng và vật tư tại chỗ để xử lý tình huống xảy ra khi có mưa bão.

Bài và ảnh: Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]