(Baothanhhoa.vn) - Mùa mưa bão năm 2022 đã đến, các cấp, các ngành và đơn vị có liên quan trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương trong tỉnh, vẫn còn đó nhiều khó khăn chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

Nỗi lo trước bão lũ

Mùa mưa bão năm 2022 đã đến, các cấp, các ngành và đơn vị có liên quan trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương trong tỉnh, vẫn còn đó nhiều khó khăn chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

Nỗi lo trước bão lũ

Cống Nổ Đào có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho hơn 400 ha và nhiều khu dân cư ra sông Cầu Chày tại xã Trường Xuân (Thọ Xuân) đã xuất hiện hư hỏng.

Tại huyện vùng cao Mường Lát, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) đang gặp nhiều trở ngại. Toàn huyện còn tới 22 bản chưa có điện lưới, nhiều bản chưa có sóng điện thoại, nếu xảy ra sự cố thiên tai, hay lũ lụt, sạt lở gây chia cắt, sẽ rất khó khăn trong liên lạc hay công tác ứng cứu. Qua rà soát, huyện vùng biên này hiện có 16 khu vực có nguy cơ sạt lở cao, yêu cầu bức thiết phải di dời dân tái định cư, nhưng hiện nay không có kinh phí thực hiện. Mường Lát cũng là địa phương có địa hình đồi núi phức tạp, thường xuyên diễn ra tình trạng sạt lở vào mùa mưa bão, trong đó có sạt lở các tuyến đường giao thông gây chia cắt. Nhiều năm trước, huyện nhiều lần mất liên lạc, phía tỉnh không có thông tin để kịp thời ứng cứu. Nay, địa phương đã được cấp 2 điện thoại vệ tinh nhưng có tới 8 xã, thị trấn, phân bố rất rộng nên nhu cầu thiết bị liên lạc này rất cao.

Địa bàn Mường Lát có nhiều sông, suối đổ về từ bên nước bạn Lào, có độ dốc và lưu vực lớn nên khi bên phía bạn có mưa lớn, thì huyện thường chịu ảnh hưởng bởi tình trạng lũ ống, lũ quét. Thế nhưng, các cơ quan dự báo thời tiết của Việt Nam lâu nay chưa có bản tin cũng như báo lượng mưa ngoài lãnh thổ nên khó nắm bắt được tình hình mưa lũ phía Lào để chủ động phòng tránh. Một lo lắng khác là, đã có nhiều đợt thiên tai gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng nhiều người vẫn còn tâm lý chủ quan, có trường hợp mưa to, gió lớn, nhiều nguy cơ sạt lở nên chính quyền địa phương yêu cầu di dời tạm thời đến nơi an toàn, nhưng nhiều hộ dân còn khó khăn. Là địa phương nghèo nhất tỉnh nên ngân sách cấp huyện, xã ở đây gặp nhiều khó khăn trong mua sắm thiết bị, triển khai công tác PCTT hay khắc phục sự cố sau bão lũ.

Thọ Xuân là huyện có chiều dài đê lớn nhất tỉnh, với 106 km đê lớn nhỏ. Hiện nay, 2 tuyến đê Trung ương qua địa bàn với tổng chiều dài 48 km và đi qua nhiều khu dân cư nên khó khăn trong quản lý hành lang đê. Lâu nay, chỉ giới quản lý và bảo vệ của 2 tuyến đê này chưa được cắm mốc rõ ràng, cần được phân định rõ để chính quyền địa phương và đơn vị quản lý đê có cơ sở bảo vệ. Mặt khác, trên địa bàn huyện hiện có 4 điểm xung yếu trên đê sông Cầu Chày, 1 cống qua đê sông Chu hiện bị rò và thấm. Vừa qua, huyện Thọ Xuân còn phát hiện đoạn đê hữu sông Cầu Chày qua xã Trường Xuân xuất hiện vết sạt, với chiều dài khoảng 20m, trong khi mùa mưa bão đang đến gần. Ngoài ra, hiện còn 6 xã có các khu dân cư phân bổ dọc bãi sông và trong hành lang bảo vệ đê điều với tổng số 14.000 dân, bằng 50% tổng số dân toàn huyện. Do đa phần các hộ sinh sống từ nhiều đời, có trước cả khi Luật Đê điều có hiệu lực, nên vi phạm này đến nay chưa có hướng giải quyết. Nhiều mùa bão lũ khi nước sông dâng cao, huyện và các xã phải tổ chức di dân đến nơi an toàn. Nhức nhối hơn cả là 7 hộ vi phạm hành lang đê nhưng chưa thể xử lý dứt điểm bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chưa bố trí được vị trí tái định cư cho các hộ.

Có chiều dài bờ biển lớn nhất tỉnh với hơn 42 km, 14 xã/phường nằm sát mép nước đã trở thành áp lực lớn cho triển khai phương án di dân ven biển của thị xã Nghi Sơn. Toàn thị xã có 80 km đê sông và biển, nhưng đến nay, mới khoảng 50% được kiên cố và lát kè, còn nhiều đoạn đê nhỏ, thấp và yếu, chưa bảo đảm an toàn trước bão lũ lớn. Lo ngại nhất là đoạn đê Thị Long với chiều dài 3,4m qua các xã Anh Sơn và Thanh Sơn. Tại xã Thanh Thủy, trạm bơm tiêu Thanh Thủy có nhiệm vụ tiêu úng cho các xã trong vùng được xây dựng từ năm 1985 với 10 tổ máy, nay chỉ còn 4 tổ máy hoạt động được, gần đây mỗi khi mưa lớn, trạm bơm tiêu này đều không đảm nhiệm được vai trò tiêu thoát, gây ngập lụt các khu dân cư và ảnh hưởng các vùng sản xuất nông nghiệp. Tuyến kênh Than qua địa bàn thị xã đang được đầu tư bởi 2 dự án lớn là Trái phiếu Chính phủ và Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia bằng vốn vay Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6-2022, cả 2 dự án lớn này đều đang dở dang khiến nhiều người lo ngại nếu xuất hiện các trận bão lũ lớn.

Còn nhiều vấn đề đáng lo ngại khác, như công tác cảnh báo, dự báo thiên tai hiện vẫn có nhiều sai số, chung chung. Công tác kiểm soát, quản lý tàu thuyền và nhiệm vụ cứu hộ ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Đáng nói nhất, hiện toàn tỉnh có hơn 4.500 phương tiện bè mảng, thường xuyên đậu đỗ ở bãi ngang và các vùng cửa sông nên lực lượng bộ đội biên phòng không thể kiểm soát việc ra khơi và công tác bảo đảm an toàn trước áp thấp nhiệt đới hay có bão. Về lực lượng xung kích trong phòng chống thiên tai và hộ đê, các địa phương đã thành lập các tổ xung kích với tổng số hơn 6.000 người, nhưng trong số đó có hơn 4.500 là người mới vào danh sách, còn thiếu kinh nghiệm, đa phần chưa được tập huấn bài bản. Sự phối hợp triển khai nhiệm vụ PCTT cũng như cứu hộ, cứu nạn còn chiếu lệ, nhiều tình huống đã xảy ra mới triển khai phương án ứng cứu...

Bài và ảnh: Linh Trường


Bài và ảnh: Linh Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]