(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, bằng sự kiên trì, sáng tạo, những người nông dân thời đại 4.0 trên địa bàn tỉnh đang từng ngày “đánh thức” tiềm năng của những vùng đồi thấp. Đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường... nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, từng bước cải thiện đời sống và làm giàu từ chính đồng đất quê hương.

Những nông dân 4.0 trên vùng đất dốc

Những năm gần đây, bằng sự kiên trì, sáng tạo, những người nông dân thời đại 4.0 trên địa bàn tỉnh đang từng ngày “đánh thức” tiềm năng của những vùng đồi thấp. Đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường... nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, từng bước cải thiện đời sống và làm giàu từ chính đồng đất quê hương.

Những nông dân 4.0 trên vùng đất dốcKhu nhà lưới sản xuất rau, củ, quả an toàn của gia đình anh Lương Ngọc Lai, xã Luận Thành (Thường Xuân).

Theo hướng dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nông trại Khoa Farm, tại thôn Song Nga, xã Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy). Đây là một trong những nông trại ứng dụng công nghệ cao (CNC) và phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ. Đồng thời, là điển hình cho việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 8 giờ sáng, anh Dương Văn Khoa và lao động của nông trại đang tỉ mẩn thu hoạch lứa dâu tây chín đầu mùa. Vốn là dân công nghệ nhưng anh Khoa có niềm đam mê với nông nghiệp sạch. Sau nhiều năm buôn ba, năm 2016, sau khi tích lũy được một số vốn nên chàng trai trẻ quyết định trở về quê để thực hiện ước mơ của mình. Lựa chọn khởi nghiệp bằng phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC ngay trên diện tích đồi của gia đình tại thôn Song Nga, xã Cẩm Ngọc, Dương Văn Khoa gặp nhiều cản trở, can ngăn từ người thân. Song anh vẫn quyết tâm đầu tư hơn 400 triệu đồng để san bằng, cải hóa hơn 1.000m2 đất đồi của gia đình và học cách khắc chế thời tiết, khí hậu để phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Dưa Kim Hoàng hậu là sản phẩm đầu tay của chàng kỹ sư trẻ. Nhờ tích lũy kinh nghiệm, đầu tư bài bản và một chút may mắn, những mùa dưa đầu tiên đều thành công như tiếp thêm sức mạnh, tiền đề để Dương Văn Khoa tiếp cận, phát triển những sản phẩm nông nghiệp CNC mới. Anh Khoa chia sẻ, từ việc so sánh khí hậu, địa hình của vùng đất Cẩm Thủy với những vùng tương đồng khác trong cả nước nên tôi quyết tâm lựa chọn cây dâu tây - loại cây đặc sản của xứ lạnh là đối tượng thứ hai để thuần hóa, nhân rộng trên địa bàn. Do đó, trong năm anh đã sản xuất 1 vụ dưa mùa nắng và 1 vụ dâu tây mùa lạnh (từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau). Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nên trong 3 năm qua, những lứa dâu tây trồng tại trang trại đều thành công ngoài mong đợi.

Ngoài sản xuất ứng dụng CNC, nông trại còn phát triển theo hướng kết hợp giữa nông nghiệp ứng dụng CNC với du lịch trải nghiệm, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa tận dụng du lịch như một “Kênh truyền hình thực tế” để quảng bá quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 tại nông trại của gia đình anh Dương Văn Khoa chính là tận dụng ưu thế của mạng xã hội, website... để tìm kiếm đối tác, thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của mình. Được biết, thông qua việc tham gia phần mềm “Kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn” và bán hàng qua mạng xã hội, website... nông trại đã kết nối, tiêu thụ khoảng 60% sản lượng nông sản. Nhờ đó, doanh thu đạt khoảng 1,7 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng/năm.

Với địa hình đa dạng, huyện Thường Xuân có khoảng 8.900 ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, 70% là diện tích đất đồi, núi. Ông Trịnh Văn Trường, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thường Xuân, cho biết: Với diện tích đất lâm nghiệp địa hình dốc trên 25 độ, người dân chủ yếu trồng luồng, keo cho hiệu quả kinh tế khoảng 35 đến 40 triệu đồng/ha/năm. Diện tích đồi có độ dốc từ 15 độ đến dưới 25 độ là những vùng có chất đất màu mỡ, chỉ cần người dân lựa chọn loại cây trồng, mô hình sản xuất phù hợp thì hiệu quả kinh tế có thể đạt tới 250 triệu đồng/ha/năm. Thực tế, trên địa bàn huyện, tại các xã nằm dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, như: Luận Thành, Xuân Cao, Tân Thành đất đai màu mỡ, nhiều nông dân đã và đang tận dụng sức mạnh của công nghệ số để “biến đất thành vàng”, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Theo giới thiệu của ông Trịnh Văn Trường, chúng tôi đến thăm mô hình của gia đình anh Lương Ngọc Lai, thôn Tiến Hưng 1, xã Luận Thành. Với diện tích đất vườn và khu đất đấu thầu, anh Lai quy hoạch riêng thành 2 vùng riêng biệt, gồm: Vùng nhà lưới để sản xuất ứng dụng CNC và khu vực chuồng trại phát triển chăn nuôi gia cầm. Anh Lai cho biết: Để khắc phục sự khô cằn và độ dốc lớn vùng đất đồi của xã Luận Thành, đầu năm 2020, tôi đã đầu tư kinh phí san ủi vùng đồi quanh nhà, lắp đặt nhà lưới, với hệ thống tưới tự động hiện đại, mở rộng diện tích trồng rau quả, dưa Kim Hoàng hậu theo hướng hữu cơ. Đồng thời, xây dựng chuồng trại chăn nuôi giun quế để làm thức ăn cho gà và phân bón cho cây trồng. Hiện tại, gia trại của tôi đã được công nhận là chuỗi sản xuất an toàn thực phẩm của huyện và là một trong những mô hình VAC “3 sạch” của tỉnh.

Đáng chú ý, từ mô hình gia trại “3 sạch”, Lương Ngọc Lai đã thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Luận Thành để thuận lợi tiêu thụ sản phẩm. Thông qua các kênh của liên minh HTX và công nghệ số, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Luận Thành đã liên kết với Công ty TNHH Rau củ quả Thị Viên (Hà Nội) và Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Thiên Trường 36, Thanh Hóa để tiêu thụ sản phẩm dưa vàng Kim Hoàng hậu và các loại cây rau, củ, quả an toàn. Ngoài ra, toàn bộ gà của HTX được liên kết tiêu thụ với hệ thống thương lái tại 5 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ước tính mỗi năm HTX sản xuất và cung ứng cho thị trường 22 tấn gà, 12 tấn dưa và 30 tấn rau, củ, quả; doanh thu ước đạt hơn 3,5 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 400 - 600 triệu đồng/năm.

Tỉnh Thanh Hóa có 799.319 ha đất thuộc vùng trung du, miền núi; trong đó, có nhiều vùng đồi với tiềm năng đất đai đa dạng, phong phú phù hợp cho phát triển nông, lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi. Nhờ điều kiện khí hậu và đất đai đa dạng, các loại cây trồng, như: cam, chanh đào, bưởi Luận Văn, quýt vòi, củ đậu, sắn dây, thanh long ruột đỏ, dưa hấu... được trồng ở các huyện Như Xuân, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy... và vùng bán sơn địa của huyện Thọ Xuân đã trở thành những loại cây chủ lực không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn khẳng định hiệu quả kinh tế của những vùng đồi trù phú. Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của công nghệ số, những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đã và đang nhân rộng, tạo ra nông sản có năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, góp phần thay đổi tư duy sản xuất, ngày càng có thêm nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm và am hiểu thị trường, xứng danh “những triệu phú” trên những vùng đất khó.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]