(Baothanhhoa.vn) - Để kích cầu thực hiện các mục tiêu đề ra trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngày 31-12-2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 5643/2015/QĐ-UBND về cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều khó khăn trong thụ hưởng chính sách tái cơ cấu nông nghiệp khu vực miền núi

Nhiều khó khăn trong thụ hưởng chính sách tái cơ cấu nông nghiệp khu vực miền núi

Vùng sản xuất lúa tại xã Sơn Điện (Quan Sơn).

Để kích cầu thực hiện các mục tiêu đề ra trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngày 31-12-2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 5643/2015/QĐ-UBND về cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, tỉnh đã ban hành 7 cơ chế, chính sách hỗ trợ, gồm: Xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các xã miền núi; phát triển rau an toàn tập trung; mua máy thu hoạch mía và hệ thống tưới mía mặt ruộng; phát triển luồng thâm canh; sản xuất tập trung, quy mô lớn; liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt; giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp.

Các cơ chế, chính sách được ban hành và triển khai thực hiện đã khuyến khích nhiều đơn vị, doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thụ hưởng những chính sách tái cơ cấu nông nghiệp tại một số huyện miền núi trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.

Tại huyện Lang Chánh, để cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp đến được với các tổ chức, cá nhân, từ năm 2016, huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ cả 7 cơ chế, chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, huyện chỉ được thụ hưởng 3 cơ chế, chính sách hỗ trợ, gồm: Xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các xã miền núi; phát triển rau an toàn tập trung và chính sách phát triển luồng thâm canh. Theo đó, huyện đã xây dựng 2 vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại 2 xã: Giao An và Đồng Lương, với tổng diện tích 100 ha. Xây dựng khu sản xuất rau an toàn, quy mô 2 ha; thực hiện kiểm soát chất lượng và dán tem sản phẩm rau an toàn; hỗ trợ sản xuất rau tập trung trong nhà lưới, diện tích hỗ trợ 4.000m2. Thực hiện hỗ trợ phí kiểm soát chất lượng và dán tem sản phẩm rau an toàn cho diện tích sản xuất rau an toàn. Trong hơn 3 năm, từ 2016 đến 2019, huyện đã triển khai dự án hỗ trợ thâm canh, phục tráng rừng luồng tại 8 xã, với quy mô 2.350 ha. Còn các cơ chế, chính sách mà huyện không thực hiện được, là: Mua máy thu hoạch mía và hệ thống tưới mía mặt ruộng; sản xuất tập trung, quy mô lớn; liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt và giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp.

Theo báo cáo của UBND huyện Lang Chánh, sở dĩ huyện không thực hiện và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ nói trên là do: Đặc thù huyện miền núi, diện tích đất sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, ít có vùng sản xuất quy mô tập trung nên khó hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm cho nhân dân. Giá cả thị trường đầu ra các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi không ổn định trong khi giá vật tư đầu vào duy trì mức cao dẫn đến khi đầu tư rất dễ gặp rủi ro, người dân không dám mạnh dạn đầu tư. Việc chỉ đạo, điều hành trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và liên kết sản xuất theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các xã, thị trấn còn nhiều lúng túng, thiếu tính quyết liệt và sáng tạo trong cách thực hiện dẫn đến kết quả thực hiện ở các xã chưa cao, nên không được thụ hưởng chính sách.

Ngay cả những nội dung đã được thực hiện, song việc thụ hưởng cũng khó khăn. Đơn cử như chính sách xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các xã miền núi, giai đoạn 2016-2018, huyện Lang Chánh được tỉnh giao 950 triệu đồng để thực hiện hỗ trợ. Trên cơ sở nguồn kinh phí nói trên, huyện đã đầu tư thực hiện kiên cố hóa giao thông, kênh mương nội đồng cho vùng thâm canh lúa. Tuy nhiên, theo tính toán của huyện, mức hỗ trợ 200 triệu đồng/1 km đường giao thông nội đồng như hiện nay là thấp đối với các địa phương miền núi. Ngoài ra, hạng mục hỗ trợ mua máy cấy và máy gặt lúa, huyện không thể thực hiện được do địa hình miền núi không phù hợp với các loại máy cấy, máy gặt, mức đầu tư lớn, trong khi không khai thác được dịch vụ, nên không có đơn vị nào đứng ra đầu tư mua máy để được thụ hưởng chính sách.

Tại huyện Quan Sơn, ngoài chính sách phát triển rừng luồng thâm canh được nhiều đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện thụ hưởng, 6 chính sách khác không có một tổ chức, cá nhân nào trên địa bàn huyện được thụ hưởng. Sở dĩ, việc tiếp cận và thụ hưởng chính sách tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn huyện bị hạn chế là do đặc thù huyện miền núi, địa hình, điều kiện canh tác khó khăn, trong khi đó điều kiện để được hỗ trợ theo Quyết định 5643/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh so với khả năng của huyện là quá cao, mức hỗ trợ lại thấp so với vốn đối ứng, nên huyện gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện để được thụ hưởng chính sách. Ngay cả đối với chính sách chỉ dành cho địa phương miền núi là chính sách hỗ trợ xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các xã miền núi, huyện cũng không thể thực hiện. Nguyên nhân là do điều kiện hỗ trợ của chính sách này yêu cầu các xã phải có diện tích đất 2 lúa tập trung từ 50 ha trở lên, có năng suất bình quân 3 năm gần nhất đạt từ 55 tạ/ha ở vụ xuân và 50 tạ/ha ở vụ mùa. Song, tại huyện Quan Sơn theo khảo sát, thống kê của huyện, vùng sản xuất lúa có diện tích tập trung lớn nhất trên địa bàn huyện chỉ đạt hơn 20 ha/vùng. Do đó, huyện không thể đủ điều kiện để được thụ hưởng. Đối với các chính sách hỗ trợ về liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt, hay giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp, mặc dù thời gian qua huyện đã tập trung thực hiện các giải pháp thu hút các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện về mặt bằng để doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Song do đặc thù về địa hình, điều kiện, trình độ canh tác, chi phí đầu tư cho khu vực miền núi lớn, lợi nhuận thấp, nên các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư.

Những yếu tố bất lợi về địa hình, điều kiện, trình độ canh tác đang là những nguyên nhân chính khiến việc thụ hưởng cơ chế, chính sách ở các địa phương miền núi gặp khó khăn. Vì vậy, nhiều địa phương đề xuất, kiến nghị các sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh “hạ” tiêu chí về điều kiện hỗ trợ; đồng thời, tăng mức hỗ trợ cho miền núi, để các địa phương dễ dàng tiếp cận. Hoặc, có chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các địa phương thuộc khu vực miền núi để người dân và doanh nghiệp có động lực phát triển và cơ hội được thụ hưởng chính sách.

Đẩy mạnh thực hiện các chính sách phát huy hiệu quả

Nhiều khó khăn trong thụ hưởng chính sách tái cơ cấu nông nghiệp khu vực miền núi

Việc ban hành cơ chế, chính sách thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo động lực để các địa phương trên địa bàn tỉnh phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, tại một số địa phương miền núi, do bị chi phối bởi các yếu tố khách quan, nên không đủ điều kiện để tiếp cận và thụ hưởng được một số chính sách, nhất là đối với các chính sách về phát triển rau an toàn; sản xuất tập trung, quy mô lớn; liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt. Ngoài các chính sách nói trên, hiện nay một số chính sách phù hợp, đã và đang phát huy hiệu quả đối với khu vực miền núi, điển hình là chính sách hỗ trợ phát triển luồng thâm canh hay chính sách hỗ trợ mua máy thu hoạch mía và hệ thống mía tưới mặt ruộng. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh thực hiện các chính sách.

Cùng với đó, căn cứ vào tình hình thực tế, kiến nghị, đề xuất của chính quyền và nhân dân các huyện, do nhận thấy nhu cầu sản lượng lương thực trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng đủ và thuận lợi trong cung cấp, trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành được vùng sản xuất lúa tập trung, chuyên canh với điều kiện sản xuất tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với giai đoạn hiện nay, nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu cho UBND tỉnh dừng chính sách hỗ trợ xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các xã miền núi, để dành nguồn lực tập trung cho các chính sách đang phát huy hiệu quả.

Nguyễn Viết Thái

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp

và Phát triển nông thôn

Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù

Nhiều khó khăn trong thụ hưởng chính sách tái cơ cấu nông nghiệp khu vực miền núi

Do bị chi phối bởi yếu tố về địa hình nên sản xuất nông nghiệp ở các huyện miền núi đa phần manh mún, nhỏ lẻ, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Trong khi các điều kiện để được nhận hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của UBND tỉnh lại cao, vượt khả năng của các địa phương miền núi. Vì vậy, để các địa phương miền núi có cơ hội tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp, các sở, ngành liên quan cần căn cứ vào điều kiện sản xuất thực tế của khu vực miền núi để tham mưu cho UBND tỉnh “hạ” các điều kiện hỗ trợ hoặc có cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích phát triển nông nghiệp cho khu vực miền núi.

Hiện nay, chính sách hỗ trợ phát triển luồng thâm canh đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, có tác động lớn đối với phát triển kinh tế cho nhiều địa phương miền núi, trong đó có huyện Quan Sơn. Tuy nhiên, nguồn vốn hỗ trợ còn hạn chế so với nhu cầu phát triển. Vì vậy, để nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ thêm nguồn vốn để hỗ trợ nội dung này.

Nguyễn Văn Bình

Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn

Khó thực hiện các điều kiện hỗ trợ trong tái cơ cấu nông nghiệp

Nhiều khó khăn trong thụ hưởng chính sách tái cơ cấu nông nghiệp khu vực miền núi

Để đẩy mạnh thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, những năm qua, huyện Như Thanh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như:

Thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân; kiện toàn, đổi mới hoạt động của các HTX nông nghiệp; tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh; tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài ra, huyện còn lồng ghép các chương trình hỗ trợ để bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất chuyên canh; đồng thời, ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, khuyến khích tích tụ đất đai. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Hiện nay, huyện đã hình thành được các mô hình, như: Sản xuất rau an toàn được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn VietGap, với tổng diện tích 3,2 ha; vùng thâm canh lúa của toàn huyện đã được mở rộng lên 4.616 ha, chiếm hơn 70% diện tích lúa gieo trồng cả năm, năng suất bình quân đạt 56,47 tạ/ha... Tuy đã hình thành được nhiều mô hình sản xuất theo đúng định hướng của tái cơ cấu nông nghiệp, song do là huyện miền núi, nguồn lực của doanh nghiệp và các hộ dân hạn chế, điều kiện sản xuất lại khó khăn, nên quy mô của các mô hình còn nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu về điều kiện theo chính sách hỗ trợ của tỉnh. Vì vậy, việc thụ hưởng chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn huyện còn hạn chế, thậm chí có những nội dung đã được tỉnh phân bổ kinh phí hỗ trợ, song do không đáp ứng được điều kiện đề ra nên không thể triển khai thực hiện hỗ trợ.

Vũ Hữu Tuấn

Trưởng Phòng Nông nghiệp và

Phát triển nông thôn, UBND huyện Như Thanh

Mong muốn được thụ hưởng các chính sách

hỗ trợ phát triển nông nghiệp

Nhiều khó khăn trong thụ hưởng chính sách tái cơ cấu nông nghiệp khu vực miền núi

Thời gian qua, các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong tái cơ cấu nông nghiệp đã được các cấp chính quyền phổ biến rộng rãi đến nhân dân.

Để được thụ hưởng chính sách, nhân dân bản Húng, xã Giao Thiện (Lang Chánh) đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, hiệu quả cao vào sản xuất; tích tụ đất đai để hướng đến sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn...

Tuy đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, song do chưa đáp ứng được các điều kiện trong hạng mục chính sách hỗ trợ, nên người dân bản Húng chưa được tiếp cận và thụ hưởng chính sách hỗ trợ nào của tỉnh về tái cơ cấu nông nghiệp. Người dân bản Húng mong muốn các cấp chính quyền xem xét, tạo điều kiện để người dân trong bản được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp.

Vi Thanh Hùng

Bí Thư chi bộ bản Húng,

xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh

Hương Thơm


Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]