(Baothanhhoa.vn) - Mặc dù từ năm 2010 đã triển khai thực hiện dự án bố trí sắp xếp dân cư khỏi vùng ngập lòng hồ sông Mực, nhưng đến nay các hộ dân ở xã Xuân Thái (Như Thanh) vẫn chưa được di dời đến nơi ở an toàn, người dân vẫn thấp thỏm sống trong vùng ngập lụt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nan giải việc tái định cư cho các hộ dân trong lòng hồ Sông Mực

Mặc dù từ năm 2010 đã triển khai thực hiện dự án bố trí sắp xếp dân cư khỏi vùng ngập lòng hồ sông Mực, nhưng đến nay các hộ dân ở xã Xuân Thái (Như Thanh) vẫn chưa được di dời đến nơi ở an toàn, người dân vẫn thấp thỏm sống trong vùng ngập lụt.

Nan giải việc tái định cư cho các hộ dân trong lòng hồ Sông Mực

Các hộ dân thôn Cây Nghia, xã Xuân Thái (Như Thanh) sống trong vùng ngập lụt lòng hồ Sông Mực mong muốn được sớm di dời lên nơi an toàn.

Xã Xuân Thái có 91 hộ với 339 nhân khẩu (trong đó, 69 hộ đồng bào dân tộc Thái và 22 hộ dân tộc Kinh) đang sinh sống dưới cao trình 37,7m vùng ảnh hưởng trực tiếp của lòng hồ sông Mực, thường xuyên bị ngập lụt. Hằng năm, vào mùa mưa, nước ở đồi núi đổ về, chỉ cần mực nước hồ dâng lên cao trình 35m là nhiều hộ dân bị ngập và chia cắt. Ông Lương Văn Thoa, thôn Cây Nghia, xã Xuân Thái, cho biết: Gia đình ông chuyển đến đây làm nhà sinh sống từ những năm 1970 cho đến nay. Do gia đình sinh sống trong vùng lòng hồ sông Mực ở cao trình 33,4m, nên có thời điểm ngôi nhà bị ngập tới 1,5m. Trong mùa mưa gia đình luôn phải sống chung với tình trạng ngập lụt, không điện, không nước sạch sinh hoạt. Toàn bộ diện tích canh tác hoa màu cũng thường xuyên bị ngập lụt, mất trắng. Ngôi nhà sàn của gia đình hiện nay bị xuống cấp, dột nát, nhưng do nằm trong dự án di dời nên nhiều năm nay không được sửa chữa. Nhiều lần gia đình đã đề xuất với UBND xã nguyện vọng di dời đến nơi sinh sống an toàn nhưng do chưa bố trí được quỹ đất, nên các hộ vẫn phải sống trong chờ đợi.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Như Thanh, theo Quyết định số 4803/QĐ-UBND ngày 31-12-2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình, bố trí sắp xếp dân cư vùng ngập hồ Sông Mực, xã Xuân Thái, có 355 hộ sinh sống và canh tác dưới cao trình 37,7m cần phải di chuyển đến nơi ở mới an toàn. Tuy nhiên, qua rà soát thực tế trên địa bàn xã Xuân Thái chỉ có 155 hộ sinh sống trong vùng lòng hồ sông Mực bị ảnh hưởng cần phải di chuyển đến nơi ở mới an toàn. Từ năm 2015 đến nay, huyện Như Thanh đã thực hiện cho 64 hộ di chuyển đến nơi ở mới an toàn. Song, đến nay mới chỉ có 51 hộ đã nhận tiền hỗ trợ di dời, còn 13 hộ đã di chuyển nhưng chưa được bố trí kinh phí hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ để di dời. Huyện đã nhiều lần gửi văn bản báo cáo, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ cho các hộ dân đã thực hiện di dời. Hiện nay, xã Xuân Thái vẫn còn 91 hộ đang sinh sống dưới cao trình 37,7m thường xuyên bị ngập lụt cần sớm được di dời khẩn cấp. Ông Nguyễn Khắc Đại, Chủ tịch UBND xã Xuân Thái, cho biết: Các hộ còn lại chưa di dời tập trung ở các thôn Làng Cốc, Làng Lúng, Đồng Lườn, Cây Nghia... vào mùa mưa, người dân phải sống với cảnh nước ngập, sinh hoạt, đi lại vô cùng khó khăn. Khi có dự báo mưa bão, xã cử lực lượng hỗ trợ các hộ dân di chuyển người, tài sản đến nơi an toàn. Trước những khó khăn của các hộ dân nằm trong dự án, UBND xã đã nhiều lần có văn bản báo cáo với UBND huyện Như Thanh, các ngành có liên quan của tỉnh. Trong những cuộc họp tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp và ĐBQH, người dân cũng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng đề xuất với tỉnh, Trung ương sớm bố trí kinh phí để thực hiện dự án nhằm ổn định đời sống, sinh hoạt của Nhân dân vùng ngập lụt lòng hồ Sông Mực. Mặc dù UBND huyện Như Thanh đã tiến hành khảo sát, lập quy hoạch diện tích 18 ha đất rừng sản xuất do Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh quản lý ở thôn Đồng Lườn làm khu tái định cư cho 91 hộ dân đang còn sinh sống trong vùng ngập lụt lòng hồ, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng.

Một mùa mưa bão nữa lại đến, những người dân nơi đây lại phập phồng lo sợ mỗi khi nghe dự báo thời tiết. Thiết nghĩ, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần sớm có phương án di dời người dân đang sinh sống trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của lòng hồ sông Mực đến nơi ở mới an toàn, tránh để “nước đến chân mới nhảy” thì đã muộn.

Bài và ảnh: Lê Hợi


Bài và ảnh: Lê Hợi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]