(Baothanhhoa.vn) - Không nhiều làng nghề truyền thống có thể trường tồn gần nghìn năm tuổi, cũng hiếm có làng nghề nào trên địa bàn tỉnh hiện nay có giá trị sản xuất vượt ngưỡng 200 tỷ đồng mỗi năm. Không những vậy, nghề đúc đồng ở làng Chè (Trà Đông) ở xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa còn góp phần lưu giữ tiếng trống đồng vang vọng của nền văn hóa Đông Sơn hàng nghìn năm lịch sử...

Làng nghề đúc đồng trăm năm đỏ lửa

Không nhiều làng nghề truyền thống có thể trường tồn gần nghìn năm tuổi, cũng hiếm có làng nghề nào trên địa bàn tỉnh hiện nay có giá trị sản xuất vượt ngưỡng 200 tỷ đồng mỗi năm. Không những vậy, nghề đúc đồng ở làng Chè (Trà Đông) ở xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa còn góp phần lưu giữ tiếng trống đồng vang vọng của nền văn hóa Đông Sơn hàng nghìn năm lịch sử...

Làng nghề đúc đồng trăm năm đỏ lửaNghệ nhân Nguyễn Bá Châu (đầu tiên bên trái) với sản phẩm trống đồng của mình.

Những ngày cuối tháng 4 này, huyện Thiệu Hóa tổ chức Lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu, cũng như đón nhận danh hiệu đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) và Huân chương Lao động hạng Ba. Nằm trong chuỗi hoạt động ấy, một cuộc triển lãm các sản phẩm truyền thống địa phương được tổ chức ngay tại xã Thiệu Trung, mà ở đó, có tới 2/3 trong tổng số 40 gian hàng là sản phẩm đồ đồng tinh xảo được bài trí, giới thiệu với bạn bè xa gần. Hàng trăm mẫu sản phẩm lớn nhỏ với đủ chủng loại như đồ thờ, tượng các danh nhân nổi tiếng, trống đồng, vật dụng... bằng đồng được đúc bằng phương pháp thủ công truyền thống có dịp quảng bá rộng rãi.

Thăm khu làng nghề tập trung, những lò đúc vẫn rực hồng với nhiều lao động đang tất bật các cung đoạn. Ở cơ sở sản xuất của nghệ nhân Nguyễn Bá Châu, bên cạnh những chiếc trống đồng mới ra lò, các thợ lành nghề lại tiếp tục nung thêm đồng nát, định hình khuôn để đúc thêm những chiếc trống mới. Nằm ở trung tâm khu vực làng nghề, cơ sở đúc đồng của nghệ nhân Lê Văn Bảy lại chuyên đúc những sản phẩm được coi là “độc” và lạ. Giới thiệu với chúng tôi, ông Bảy tự hào với 12 con giáp đồng, với những bộ bàn ghế theo lối cổ, những chiếc tủ, sập bằng đồng nguyên khối to như kích thước thật. Theo ông, sản xuất trống đồng, lư hương, hoành phi, câu đối hay đồ gia dụng ở đây đã trở thành phổ thông. Muốn hướng đến giá trị cao cho sản phẩm, phải liên tục sáng tạo để cho ra những sản phẩm độc đáo mà người khác không sản xuất. Hiện tại, cơ sở đúc đồng của nghệ nhân Lê Văn Bảy đang giải quyết việc làm cho 16 lao động, với thu nhập trung bình 10 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Trần Ngọc Tùng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung, toàn xã hiện có 32 hộ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đồ đồng với nhiều chủng loại đa dạng. Không những vươn khắp thị trường trong nước, nhiều sản phẩm như trống, chiêng, đồ thờ, tranh đồng, đồ gia dụng bằng đồng của làng nghề truyền thống ở đây đã xuất khẩu được sang Hoa Kỳ và một số nước qua các công ty trung gian. Hiện trong xã có 6 người được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú, hàng trăm thợ đúc đồng lành nghề với nhiều kinh nghiệm. Trước đây các hộ sản xuất nhỏ lẻ trong khu dân cư nhưng gần chục năm nay được quy hoạch phát triển sản xuất ra khu làng nghề tập trung. Với sự phát triển lớn mạnh của các công ty và cơ sở đúc đồng địa phương, những năm gần đây, doanh thu từ nghề đạt khoảng 200 tỷ đồng. Nghề truyền thống này cũng góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động địa phương, với thu nhập trung bình khoảng 8 triệu đồng/người/tháng.

Vùng đất cổ Kẻ Chè xưa, nay là xã Thiệu Trung chính là một trong những vùng đất cổ, nằm trong không gian sản sinh ra trống đồng Đông Sơn - nổi tiếng. Theo các sử liệu của UBND xã Thiệu Trung đang lưu giữ, “Lê Lương thuộc một dòng họ lớn ở quận Cửu Chân, Châu Ái (Thanh Hóa), thời Vua Đinh Tiên Hoàng (thế kỷ X), được phong “Đô đốc dịch sứ”, trông coi “nửa cõi” Ái Châu. Thế nhà giàu mạnh, thường chứa hơn trăm lẫm thóc, môn khách lui tới đông đúc. Tương truyền ông là người lập nên phường đúc đồng ở Chè (Trà Đông). Bấy giờ có hai ông họ Vũ đến sinh cơ lập nghiệp và truyền nghề đúc đồng cho dân chúng ở đây. Khi hai ông mất, dân phường đúc đồng Chè (Trà Đông) tôn hai ông lên làm tổ nghề đúc đồng. Trong dân gian vẫn truyền tụng câu phương ngôn “đất họ Lê - nghề họ Vũ” là ý nghĩa như vậy”.

Tháng 9–2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận và đưa “Nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè (Trà Đông)” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Với sự năng động đa dạng sản phẩm của các chủ cơ sở sản xuất hiện nay, cũng như nhu cầu sử dụng đồ đồng của thị trường, nghề đúc đồng Trà Đông đang có nhiều dư địa phát triển. Trăn trở cho sự phát triển lớn mạnh của làng nghề địa phương, lãnh đạo xã Thiệu Trung đang đề nghị huyện Thiệu Hóa kiến nghị UBND tỉnh và các ngành liên quan cho thành lập sàn giao dịch điện tử các sản phẩm đồ đồng truyền thống của làng nghề Trà Đông.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]