(Baothanhhoa.vn) - Là cây có vị thế kinh tế quan trọng, nhưng luồng Lang Chánh cũng đã từng trải qua bao thăng trầm, có thời kỳ do giá cả quá thấp đến mức “không bằng một cây mía”, hay do đói kém mà cây luồng thì “không thể luộc lên để ăn được”, nên đã bị người dân ở một số nơi phá bớt đi để lấy đất trồng lương thực. Để phục hồi và nâng cao giá trị cho cây luồng xứ Thanh, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch phát triển tre, luồng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kỳ 2: Thời kỳ suy thoái và sự hồi sinh kỳ diệu của “vua luồng” xứ Thanh

Là cây có vị thế kinh tế quan trọng, nhưng luồng Lang Chánh cũng đã từng trải qua bao thăng trầm, có thời kỳ do giá cả quá thấp đến mức “không bằng một cây mía”, hay do đói kém mà cây luồng thì “không thể luộc lên để ăn được”, nên đã bị người dân ở một số nơi phá bớt đi để lấy đất trồng lương thực. Để phục hồi và nâng cao giá trị cho cây luồng xứ Thanh, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch phát triển tre, luồng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030.

Kỳ 2: Thời kỳ suy thoái và sự hồi sinh kỳ diệu của “vua luồng” xứ Thanh

Chương trình phục tráng rừng luồng đang từng ngày đem niềm hy vọng sẽ lấy lại vị thế cho “vua luồng”.

Thời khủng hoảng của “vua luồng” xứ Thanh

Vào những năm cuối của thế kỷ XX, diện tích luồng ở Lang Chánh bị suy thoái, xuất hiện nhiều căn bệnh lạ. Mùa sinh trưởng, nhiều bụi luồng đẻ hàng chục mầm măng màu sọc tím rồi lụi dần. Thêm vào đó, còn hiện tượng luồng chết hàng loạt. Nhân gian vùng thượng du tỉnh Thanh từng lưu truyền câu ca: “Cao như đỉnh núi Phù Luông/ Đẹp như thế đứng cây luồng Châu Lang”, nhưng ở thời điểm này thảm rừng luồng đứng trước nhiều mối lo hiện hữu. Luồng Lang Chánh to dài, rắn chắc như thân táu, thân lim, dần teo tóp, dày mắt, chỉ to bằng bắp tay. Luồng Lang Chánh bước vào thời kỳ suy thoái.

Nguyên nhân khiến chất lượng luồng giảm là do luồng vốn là cây bản địa, đa tác dụng. Ngày xưa, diện tích luồng ít, con người cũng chưa biết sử dụng sản phẩm từ tre, luồng nhiều. Hơn nữa độ che phủ rừng lớn, cây luồng ưa mát nên phát triển tốt. Dần dần, xã hội phát triển, sản phẩm từ luồng đa dạng, phong phú hơn nên nhu cầu sử dụng sản phẩm từ luồng tăng đột biến. Tình trạng chặt phá rừng và khai thác quá mức nguồn tài nguyên gỗ rừng, nhằm phục vụ cho nhu cầu ngày một tăng cao của con người dẫn đến một thực trạng kiệt quệ tài nguyên, không thể hồi phục lại được nữa. Nhiều rừng luồng đã bị khai thác quá mức thay vì khai thác chọn, khai thác không đi đôi với tái sinh, khai thác cả cây non, cây để giống, gốc chặt để quá cao. Các cây sâu bệnh, cụt ngọn, còi cọc không được chặt bỏ, dây leo cỏ dại lấn át, không gian dinh dưỡng bị hạn chế, ảnh hưởng đến sinh trưởng của luồng. Cũng từ đó mà các thiên tai như lũ lụt, xói món, lũ quét xuất hiện ngày một nhiều hơn tại các vùng này. Kỹ thuật từ khâu trồng đến khai thác chưa đảm bảo. Trong khi đó người dân chỉ biết khai thác, không biết chăm sóc nên luồng bị suy thoái.

Hơn nữa, trên địa bàn huyện mới chỉ có một số cơ sở sản xuất, chế biến luồng, các sản phẩm chủ yếu ở dạng sơ chế như: Đũa, tăm, bột giấy..., chưa có cơ sở chế biến để xuất khẩu. Trong khi đó, do mưu cầu cuộc sống của người dân, rừng luồng của Lang Chánh nhiều năm qua đã bị lạm dụng trong khai thác, dẫn đến rừng luồng rơi vào suy thoái, với mức độ khoảng từ 30 đến 40% diện tích. Được biết, hàng năm giá trị kinh tế mà cây luồng mang lại cho địa phương khoảng từ 6 đến 7 tỷ đồng, song việc tái đầu tư từ nguồn lợi thu về lại không được nghĩ đến.

Theo nhận định của ông Lương Văn Phúc, Trưởng Phòng Nông nghiệp, UBND huyện Lang Chánh, luồng dễ trồng, kinh phí đầu tư không lớn nên rất phù hợp với năng lực của đồng bào dân tộc miền núi. Đặc biệt, cây luồng chỉ trồng 1 lần nhưng có thể khai thác nhiều lần, chưa kể nếu chăm sóc tốt, đúng quy trình có thể kéo dài đến 40 - 50 năm. Có điều, do tập quán canh tác vốn đã “ăn sâu bén rễ” nên người dân không tận dụng được lợi thế đó, cơ bản chỉ khai thác “non” mà bỏ bẵng đi nhiệm vụ chăm bẵm dẫn đến tình trạng kiệt quệ nguồn tài nguyên đất và thoái hóa giống. Nhìn chung, người dân chưa có ý thức thâm canh.

Thông thường trồng luồng phải trên 3 năm mới đủ chu kỳ khai thác, nhưng thực tế chỉ 1 - 2 năm bà con đã “xẻ thịt” rồi. Bình quân 1 ha luồng cho thu nhập khoảng 12 triệu đồng/năm, nếu áp dụng đúng quy trình hướng dẫn, đồng thời tạo được chuỗi liên kết thì giá trị có thể tăng gấp đôi trở lên. Đặc biệt, trong suốt một thời gian dài lạm dụng khai thác cả cây non, cùng với việc không cải tạo, bón phân khiến đất đai bị thoái hóa bạc màu, nhiều diện tích rừng luồng rơi vào tình trạng bị suy thoái nghiêm trọng. Nguồn đất không còn màu mỡ như xưa, sâu bệnh hoành hành trên thân, chăm sóc vất vả, kinh tế nhờ cây luồng cũng dần khó khăn nên người dân không còn mặn mà. Đã có thời điểm rừng luồng Lang Chánh chỉ còn 1/5 so với thời kỳ hoàng kim, ông Phúc cho biết thêm.

Khát vọng đưa “vua luồng” xứ Thanh trở lại!

Những tưởng “vua luồng” xứ Thanh chỉ còn là nỗi hoài niệm. Tuy nhiên, chương trình phục tráng rừng luồng đang từng ngày đem niềm hy vọng sẽ lấy lại vị thế cho “vua luồng” xứ Thanh. Để phục hồi và nâng cao giá trị cho cây luồng xứ Thanh, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch phát triển tre, luồng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 502/QĐ-UBND ngày 23-2-2012 về việc thực hiện hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh cho các xã thuộc quy hoạch vùng luồng thâm canh của tỉnh. Mức hỗ trợ cho diện tích rừng luồng được phục tráng là 2 triệu đồng/ha/năm phân bón trong hai năm liên tiếp.

Ông Vi Hồng Nghị, thôn Tân Thủy, xã Tân Phúc cho biết: Trước kia, rừng luồng của gia đình chưa bao giờ có khái niệm chăm sóc, bón phân. Vậy nhưng, từ khi được tham gia chương trình phục tráng, thâm canh rừng luồng, tư tưởng của tôi đã thay đổi. Nhận thấy, qua mỗi mùa bón phân, cây luồng sinh măng nhiều hơn, lóng to, dài, đẹp hơn nên tôi đã thay đổi thói quen, thực hiện bón phân cho cả những diện tích luồng không được hưởng chính sách hỗ trợ. Nhìn thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao, bà con rất phấn khởi. Năm 2018, 5 ha luồng đã đem lại thu nhập cho gia đình tôi hơn 100 triệu đồng.

Thực hiện kế hoạch phát triển tre, luồng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020, huyện Lang Chánh đã ban hành các chỉ thị, kế hoạch thực hiện thâm canh, phục tráng rừng luồng giai đoạn 2016-2020. Tại các kế hoạch thực hiện hỗ trợ phục tráng rừng luồng theo các năm, huyện Lang Chánh giao chỉ tiêu, khối lượng và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng chuyên môn, các xã. UBND huyện cũng chỉ đạo, hướng dẫn thành lập ban chỉ đạo phục tráng rừng luồng tại 8 xã trọng điểm. Đến nay, toàn huyện đã tổ chức thâm canh được 3.000 ha, phục tráng được gần 1.800 ha rừng luồng. Ông Lương Văn Phúc, Trưởng Phòng Nông nghiệp, UBND huyện Lang Chánh cho biết thêm, từ khi có kế hoạch cải tạo phục tráng rừng luồng, nhận thức của người dân đã có sự chuyển biến rõ rệt. Mặc dù mỗi hộ dân chỉ được phê duyệt hỗ trợ một phần diện tích bón phân, nhưng từ thực tế sản xuất, bà con đã rút ra kinh nghiệm và tiến hành đầu tư bón phân, phát thực bì, chăm sóc cho cả rừng luồng ngoài diện tích được hỗ trợ.

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế đồi rừng thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa xứng với tiềm năng hiện có. Hiện nay, nhiều khu vực của rừng trồng sản xuất ở một số địa phương chưa có các tuyến đường lâm sinh để vận chuyển lâm sản khi khai thác, chính vì vậy việc bị thương lái ép giá lâm sản là điều khó tránh khỏi. Cùng với khó khăn về đường giao thông, khó khăn về vốn, tín dụng cũng là một trong những vấn đề cốt lõi, việc đầu tư thâm canh, bón phân cho cây trồng và áp dụng biện pháp kỹ thuật tiến bộ trong sản xuất lâm nghiệp còn hạn chế do thiếu nguồn lực nên rừng sinh trưởng chậm, năng suất thấp, thị trường tiêu thụ vẫn còn thiếu ổn định...

Để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu ra của cây luồng và nâng cao giá trị kinh tế của loại cây này, trong nhiều năm qua, huyện Lang Chánh đã kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào xây dựng cơ sở chế biến lâm sản, nhằm sản xuất các sản phẩm từ cây luồng, như: Đũa, ván sàn, chiếu luồng xuất khẩu, các sản phẩm từ phế liệu cây luồng. Hiện, trên địa bàn huyện có 4 doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu từ cây luồng, trung bình mỗi tháng các doanh nghiệp này tiêu thụ khoảng 200.000 tấn luồng nguyên liệu. Với hình thức thu mua cả cây theo kg, giá trị từ cây luồng tăng lên rõ rệt, không còn lo về đầu ra.

Để duy trì và phát triển các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn hoạt động hiệu quả, cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng ở huyện Lang Chánh đã tích cực tuyên truyền đến chủ các cơ sở phải hoạt động đúng quy định của pháp luật; sử dụng luồng, gỗ đúng nguồn gốc cho phép của cơ quan kiểm lâm. Huyện cũng luôn tạo điều kiện thuận lợi về giải phóng mặt bằng, các thủ tục đầu tư để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng cơ sở chế biến lâm sản; khuyến khích đồng bào các dân tộc trên địa bàn tích cực khoanh nuôi, chăm sóc và trồng thêm diện tích rừng mới, để mỗi gia đình nông dân có thể làm giàu từ nghề rừng, gắn bó với rừng.

Tin rằng, một ngày không xa, khi cây luồng Lang Chánh tìm về đúng với vị thế của mình, chúng tôi sẽ có dịp trở lại vùng đất này để viết tiếp về loài cây mang tầm vóc thương hiệu dân gian của xứ Thanh này.

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu từ cuốn Dư địa chí huyện Lang Chánh).

Vân Anh - Nguyễn Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 vi trường chinh - 17:00 27/07/19

 Trả lời

tôi muốn mua số lượng lớn tre luồng ai có xin cho tôi số dt hoặc liên hệ với tôi 0983799016 hoặc 0988733398

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]