(Baothanhhoa.vn) - Từ khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, bằng sự đồng tâm, đồng sức, đồng lòng, TP Thanh Hóa đã có sự “bứt tốc” về tăng trưởng để ghi dấu ấn đậm nét lên bức tranh phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về phục hồi kinh tế nhanh nhất cả tỉnh.

Kinh tế khởi sắc

Từ khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, bằng sự đồng tâm, đồng sức, đồng lòng, TP Thanh Hóa đã có sự “bứt tốc” về tăng trưởng để ghi dấu ấn đậm nét lên bức tranh phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về phục hồi kinh tế nhanh nhất cả tỉnh.

Kinh tế khởi sắcMô hình trồng rau của người dân phường Quảng Thành.

Minh chứng rõ nhất là kinh tế phục hồi và phát triển mạnh mẽ ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Năm 2022, tốc độ tăng giá trị sản xuất của thành phố đạt 18,4%, cao hơn 3,1% so với kế hoạch năm và cao hơn 6,3% so với cùng kỳ, đứng vào nhóm địa phương có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất cao nhất cả tỉnh. Trong đó, lĩnh vực thương mại, dịch vụ được phục hồi nhanh ở tất cả các ngành và trở thành động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Thương mại điện tử, bán lẻ hàng hóa và xuất khẩu tăng cao; các hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động. TP Thanh Hóa đã triển khai chương trình phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025 và hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP của thành phố lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, sau khi hoạt động du lịch được mở của trở lại, thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội, du lịch sôi động. Mở đầu là “Tuần văn hóa TP Thanh Hóa – TP Hội An”, tiếp đó là lễ hội khinh khí cầu “Thanh Hóa rực rỡ sắc màu” và chuỗi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9..., thu hút hàng triệu du khách và Nhân dân tham gia. Cùng với đó, thành phố đã phối hợp với Hiệp hội du lịch tỉnh tham gia hội chợ du lịch quốc tế VITM 2022 tại Hà Nội; tổ chức hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch 3 địa phương – 1 điểm đến (Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh); tổ chức 2 đoàn famtrip để xúc tiến, quảng bá, kết nối và hợp tác phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh phía Bắc và TP Hội An... Với nhiều giải pháp được thực hiện, ngành du lịch đã đạt được những kết quả ấn tượng. Trong năm, thành phố đã đón 2,5 triệu lượt khách, bằng 160% kế hoạch tỉnh giao và tăng 2,5 lần so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch đạt 3.600 tỷ đồng, bằng 146% kế hoạch tỉnh giao và tăng 3,3 lần so với cùng kỳ.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn TP Thanh Hóa cũng có nhiều khởi sắc với tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 2,15 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao so với cùng kỳ (tăng 14,5%); sản phẩm giày da, quần áo là điểm sáng nhất và cũng là nhóm hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng giá trị xuất khẩu của thành phố. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực, linh hoạt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và là động lực để các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trong năm 2023.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, mang đến những tín hiệu vui sau đại dịch COVID-19. Trong năm, thành phố đã hoàn thành việc rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động các cụm công nghiệp (CCN), cụm nghề, làng nghề, qua đó báo cáo, đề xuất UBND tỉnh thống nhất chủ trương điều chỉnh, đưa ra khỏi quy hoạch phát triển CCN đối với CCN Vức, CCN Đông Lĩnh, Thiệu Dương và Đông Hưng. Đồng thời, bổ sung quy hoạch 2 CCN phía Tây và phía Bắc thành phố vào phương án quy hoạch phát triển CCN tỉnh Thanh Hóa và thành lập CCN phía Nam thành phố, quy mô 65ha (trong đó TP Thanh Hóa có 33ha). Cùng với việc tuyên truyền, vận động thành lập được 1.550 doanh nghiệp, thành phố cũng quan tâm tháo gỡ những rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Thế nên, dù gặp một số khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào của một số ngành tăng cao nhưng tình hình sản xuất của các doanh nghiệp, hộ cá thể vẫn duy trì ổn định. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của thành phố có sản lượng tăng khá so với cùng kỳ như quần áo may sẵn đạt 118,6 triệu cái, giày da xuất khẩu các loại đạt 106,8 triệu đôi, đá ốp lát đạt 6,2 triệu m2... Đây là yếu tố quan trọng đưa tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công của thành phố năm 2022 đạt 51.242,9 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ.

Nghị quyết Đại hội Ðảng bộ TP Thanh Hóa lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025 diện tích đất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đạt 375ha; giá trị sản phẩm/ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 160 triệu đồng... Mục tiêu này được lượng hóa từ thực tiễn để đưa vào nghị quyết nên khi thực hiện, các phường, xã tuyên truyền, vận động người dân và các HTX đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn. Năm 2022, các phường, xã đã tích tụ được 62ha ở các phường Thiệu Dương, Quảng Cát, Đông Cương..., đạt 103,4% kế hoạch. Có 10 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng, vượt kế hoạch năm đề ra là 7 sản phẩm. Đi liền với triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng các mô hình nông nghiệp trải nghiệm gắn với phát triển du lịch”, thành phố đã chỉ đạo 2 phường Đông Cương, Đông Lĩnh và xã Thiệu Vân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, gắn với du lịch trải nghiệm đồng quê. Vì thế, lĩnh vực nông nghiệp có nhiều khởi sắc, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 4.125 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ.

Có thể khẳng định, những con số “biết nói” về thành tựu tăng trưởng năm 2022 đã phản ánh sinh động và đầy thuyết phục những sắc thái tươi mới trên bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội của TP Thanh Hóa, đồng thời cũng là minh chứng về một thành phố năng động trong định hướng, tư duy và tầm nhìn phát triển. Phát biểu tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần thứ XII diễn ra ngày 1-12 vừa qua, đồng chí Lê Anh Xuân, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Thanh Hóa nhấn mạnh: “Trong 39 chỉ tiêu theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, có 23 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 10 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch. Trong đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng như thu ngân sách, huy động vốn đầu tư, xuất khẩu hàng hóa, tổng mức bán lẻ hàng hóa, thành lập doanh nghiệp mới, giải phóng mặt bằng... hoàn thành vượt kế hoạch, chiếm tỷ trọng cao và đóng góp lớn vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. Đó là cơ sở quan trọng để TP Thanh Hóa xây dựng và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025”.

Bài và ảnh: Tố Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]