(Baothanhhoa.vn) - Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, huyện Thiệu Hóa từng bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, chuyên canh, quy mô lớn, với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Huyện Thiệu Hóa phát triển nông nghiệp sạch, quy mô lớn

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, huyện Thiệu Hóa từng bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, chuyên canh, quy mô lớn, với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Huyện Thiệu Hóa phát triển nông nghiệp sạch, quy mô lớnNgười dân thị trấn Thiệu Hóa chăm sóc rau màu.

Thị trấn Thiệu Hóa được xem là một trong những điểm sáng trong sản xuất rau an toàn ở huyện Thiệu Hóa. Thời gian qua, với sự hỗ trợ của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng, người dân trên địa bàn thị trấn đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học - kỹ thuật để xây dựng mô hình trồng rau an toàn. Anh Nguyễn Văn Dương, Giám đốc HTX, cho biết: “Khi tham gia mô hình, người dân được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP; không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Từ đó, người dân cũng dần thay đổi tư duy sản xuất, có trách nhiệm thực hiện theo kế hoạch sản xuất và đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật trồng trọt được hướng dẫn”. Hiện, thị trấn Thiệu Hóa đã xây dựng được mô hình sản xuất rau, củ, quả an toàn với diện tích 25 ha; trong đó, có 16,7 ha đã được công nhận tiêu chuẩn VietGAP. Các phẩm chủ yếu là dưa Kim Hoàng hậu, dưa baby, rau, đậu các loại. Theo tính toán của các hộ dân, nếu như trước đây sản xuất theo phương pháp truyền thống thì 1 ha rau màu thu nhập gần 300 triệu đồng/năm, nhưng nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất rau, quả an toàn đã cho thu nhập 400-500 triệu đồng/ha mỗi năm. Riêng diện tích dưa Kim Hoàng hậu cho thu nhập trên 4 tỷ đồng mỗi năm.

Thời gian qua, huyện Thiệu Hóa đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện rà soát lại diện tích đất sản xuất nông nghiệp để làm căn cứ xây dựng lộ trình tích tụ, tập trung đất đai cho từng giai đoạn cụ thể. Chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện đổi điền, dồn thửa, giảm nhanh số thửa ruộng trên hộ nông dân để thực hiện cánh đồng chuyên canh, cơ cấu cây trồng, tạo thuận lợi cho việc đầu tư phát triển sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo hướng công nghệ cao. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX, thỏa thuận, thuê lại đất của các hộ dân không còn nhu cầu, không có khả năng sản xuất hoặc sản xuất hiệu quả không cao, để đầu tư sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ cao. Khuyến khích các hộ dân có quyền sử dụng đất tham gia góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất với doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác để tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao. Cùng với đó, triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao. Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình tích tụ, tập trung đất đai phát triển sản xuất có hiệu quả kinh tế.

Thông qua việc tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, bước đầu trên địa bàn huyện đã hình thành được 5 vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, với tổng diện tích hơn 3.500 ha. Cụ thể, vùng lúa năng suất chất lượng hiệu quả cao diện tích 2.600 ha, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, với diện tích hàng năm khoảng 290 ha ở các xã Thiệu Phúc, Thiệu Vận, Thiệu Phú, thị trấn Thiệu Hóa... Vùng sản xuất rau an toàn tập trung 33 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tập trung ở thị trấn Thiệu Hóa, các xã Thiệu Toán, Thiệu Hợp, Thiệu Phúc, Tân Châu...; trong đó, có 8,1 ha sản xuất rau, củ quả áp dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới. Vùng sản xuất ớt xuất khẩu với diện tích 205 ha tập trung tại 5 xã Minh Tâm, Thiệu Hợp, Thiệu Vũ, Thiệu Ngọc, Thiệu Thành. Vùng sản xuất khoai tây gắn với tiêu thụ sản phẩm, với diện tích 25 ha, tại các xã Minh Tâm, Thiệu Hợp, Thiệu Vũ. Vùng sản xuất ngô ngọt và ngô thương phẩm gắn với tiêu thụ sản phẩm, diện tích 648,8 ha, tập trung ở các xã Thiệu Thịnh, Thiệu Hợp, Thiệu Nguyên, Thiệu Quang, Thiệu Toán... Đa số diện tích sản xuất đã được ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, như: Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty CP Xuất nhập khẩu rau quả Thanh Hóa, Công ty CP Giống cây trồng Thanh Hóa...

Trong chăn nuôi, số lượng các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ giảm dần thay vào đó là các trang trại, gia trại được đầu tư xây dựng quy mô lớn, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, như: chăn nuôi trong chuồng kín, nuôi sàn, điều hòa nhiệt độ và ẩm độ nhờ bộ phận làm mát, nước uống được cung cấp bán tự động, chủ động xử lý chất thải và kiểm soát dịch bệnh. Một số mô hình tiêu biểu, như: mô hình liên kết chăn nuôi gà sinh sản, mô hình chăn nuôi thỏ Newzeland theo chuỗi giá trị đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; mô hình chăn nuôi bò BBB chuyên thịt chất lượng cao...

Đồng chí Hoàng Anh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thiệu Hóa, cho biết: Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã có sự chuyển biến tích cực từ sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ sang hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường về chất lượng nông sản. Thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, đã tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, người sản xuất tiếp cận và nắm bắt được các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện theo hướng hàng hóa, hiện đại.

Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao gắn với việc liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm... Phấn đấu đến năm 2025, diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đạt 650 ha và 20 trang trại, gia trại áp dụng công nghệ tự động, bán tự động trong chăn nuôi quy mô công nghiệp. Bên cạnh đó, huyện tập trung rà soát quy hoạch sản xuất nông nghiệp của các xã, thị trấn để xác định vị trí phù hợp nhằm phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm. Đó là, vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo năng suất chất lượng cao; vùng sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng rau trong nhà lưới, nhà màng; vùng phát triển trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao; vùng phát triển trang trại chăn nuôi gia cầm; vùng nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án, lồng ghép vốn vay ưu đãi,... đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, hệ thống điện, hệ thống chế biến, bảo quản và ưu tiên tại các vùng trong quy hoạch phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Tiếp thu và ứng dụng các quy trình công nghệ hiện đại để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, như: Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI, sản xuất cây trồng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; ứng dụng công nghệ chuồng kín trong chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp, hệ thống xử lý chất thải bằng biogas, tự động hóa các công đoạn từ ấp trứng, chăm sóc, cho ăn, vệ sinh.

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]