(Baothanhhoa.vn) - Phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm là định hướng chính trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Cẩm Thủy.

Huyện Cẩm Thủy phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết

Phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm là định hướng chính trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Cẩm Thủy.

Huyện Cẩm Thủy phát triển nông nghiệp theo hướng liên kếtDiện tích rau màu được liên kết tiêu thụ sản phẩm tại thị trấn Phong Sơn.

Để thực hiện định hướng này, huyện đã và đang chủ động mời gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các quỹ đất để phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn. Đồng thời, ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động tham gia với vai trò là cầu nối để doanh nghiệp và bà con nông dân thực hiện liên kết và bao tiêu sản phẩm, nhằm bảo đảm lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, tuyên truyền để Nhân dân tuân thủ nghiêm cam kết về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Huyện chú trọng đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, hình thành cánh đồng sản xuất lớn, tạo động lực để thu hút doanh nghiệp.

Trong quá trình thực hiện các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết, huyện Cẩm Thủy đã biết nắm bắt thời cơ, đi trước đón đầu, tổ chức sản xuất theo yêu cầu phát triển của doanh nghiệp. Đơn cử như, từ năm 2018, khi Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Cẩm Thủy đã tuyên truyền, phổ biến cho Nhân dân về những thuận lợi, lợi ích của mô hình trồng cây gai xanh, cũng như nghĩa vụ của việc tuân thủ các quy định ràng buộc khi triển khai thực hiện mô hình theo hướng liên kết. Đồng thời, rà soát, thống kê, xây dựng lộ trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là cây gai xanh đối với những diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả kinh tế gắn với tích tụ, tập trung đất đai. Nhờ đó, hiện nay huyện đã phát triển được 219 ha cây gai xanh. Toàn bộ diện tích này đều được Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại An Phước thu mua làm nguyên liệu phục vụ Nhà máy Sợi dệt An Phước.

Thông qua thực hiện các giải pháp thu hút doanh nghiệp để phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết, huyện Cẩm Thủy đã thu hút được 15 doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, việc phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết của huyện đã có những chuyển biến tích cực. Đối với lĩnh vực trồng trọt, mỗi năm, huyện có hơn 300 ha cây trồng được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Trong đó, ngoài cây chủ lực gai xanh, huyện đã và đang nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất theo phương thức liên kết, như: Trồng cây thức ăn chăn nuôi, khoai lang Nhật, bí xanh, sản xuất lúa nếp hạt cau, cây dong riềng...

Đi đôi với đó, huyện Cẩm Thủy đã hình thành và phát triển được một số mô hình liên kết chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn và hiện có 19 trang trại chăn nuôi lợn. Hầu hết các trang trại này đều có liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, hoặc liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, đại lý thu mua trong và ngoài tỉnh. Đáng chú ý, huyện có 3 cụm trang trại chăn nuôi lợn theo phương thức liên kết nuôi gia công tại hai xã Cẩm Quý và Cẩm Long, với quy mô 2.400 nái ngoại, 2.000 lợn thịt/trang trại/năm. Mô hình liên kết chăn nuôi gà thả vườn với HTX nông trại 36...

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Cẩm Thủy, mặc dù việc phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến rõ nét, song đối với cây trồng, ngoài cây gai xanh, thì các cây trồng được thực hiện liên kết sản xuất hiện nay tại các địa phương vẫn còn nhỏ, lẻ, chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung, nên việc áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng của cây trồng còn hạn chế. Các doanh nghiệp đầu tư thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp ít, quy mô đầu tư hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển nông nghiệp của huyện. Vì vậy, để phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết, bên cạnh việc tiếp tục thu hút doanh nghiệp, huyện sẽ chú trọng tích tụ ruộng đất, đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ canh tác cho lao động nông nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất.

Bài và ảnh: Hương Thơm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]