(Baothanhhoa.vn) - Thủ tục thành lập doanh nghiệp (DN) ngày càng đơn giản, nhanh chóng; DN cũng sẽ có nhiều ưu đãi, thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất, song nhiều hộ kinh doanh cá thể vẫn chưa mặn mà “lên” DN.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hộ kinh doanh cá thể chưa mặn mà “lên” doanh nghiệp

Thủ tục thành lập doanh nghiệp (DN) ngày càng đơn giản, nhanh chóng; DN cũng sẽ có nhiều ưu đãi, thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất, song nhiều hộ kinh doanh cá thể vẫn chưa mặn mà “lên” DN.

Nhiều hộ kinh doanh cá thể chưa mặn mà với việc thành lập doanh nghiệp. Trong ảnh: Sản xuất ván bóc tại một cơ sở chế biến lâm sản ở xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy).

Theo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có hiệu lực từ đầu năm 2018, khi hộ kinh doanh chuyển đổi sang DN sẽ được tư vấn, hướng dẫn miễn phí hồ sơ, thủ tục thành lập DN; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu; tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu; miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai; miễn, giảm thuế thu nhập DN có thời hạn theo quy định của pháp luật...

Thực hiện Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa; kế hoạch phát triển DN của tỉnh, hiện nay, các địa phương đã thực hiện phân bổ chỉ tiêu thành lập DN mới về các xã, thị trấn. Đối tượng tiềm năng sẽ “lên” DN chính là các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể. Song, việc chuyển đổi từ hộ sản xuất, kinh doanh cá thể lên DN hiện đang gặp nhiều khó khăn. Theo các hộ kinh doanh, nếu chuyển đổi lên DN, hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ phải thực hiện một cách chuẩn mực hơn. Cùng với đó là bộ máy tổ chức của DN cùng các thủ tục kế toán, thuế cũng phải được thực hiện bài bản khiến chi phí sản xuất, kinh doanh sẽ tăng lên. Anh Lê Văn Nhân, chủ một cơ sở sản xuất tăm xiên tại xã Quảng Văn (Quảng Xương), cho biết: Gia đình anh đã hoạt động trong lĩnh vực này được 5 năm. Quy mô cũng được mở rộng dần để đáp ứng sản lượng cung cấp cho khách hàng. Hiện nay, doanh thu và số lao động hoạt động tại cơ sở đủ điều kiện thành lập DN nhưng anh vẫn chưa muốn chuyển đổi. Nguyên nhân là do khách hàng của cơ sở là các đơn vị trung gian, không yêu cầu xuất hóa đơn giá trị gia tăng. Kinh doanh với tư cách hộ cá thể, 1 mình anh vừa có thể điều hành sản xuất, vừa kiêm luôn công tác kế toán. Nhưng khi thành lập DN, anh lo ngại cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ phải thực hiện nhiều quy định, như: Sổ sách kế toán, báo cáo thuế... còn chị Lê Thị Hiền, chủ một cơ sở kinh doanh thời trang tại đường Lê Hoàn, TP Thanh Hóa, thì cho biết: Việc thực hiện chuyển đổi lên mô hình DN phải gắn liền với tăng quy mô sản xuất, kinh doanh và mở rộng đối tượng khách hàng. Còn nếu “lên” DN mà vẫn giữ quy mô như cũ thì e rằng sẽ kém hiệu quả kinh tế hơn do phải mất thêm thời gian kê khai thuế. Bên cạnh đó, DN còn đối mặt với các vấn đề thanh, kiểm tra, đáp ứng các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy...

Việc các hộ kinh doanh không muốn “lên” DN là một thực trạng khá phổ biến hiện nay. Lý giải về vấn đề này, đại diện phòng tài chính - kế hoạch, UBND huyện Thường Xuân, chia sẻ: Vẫn biết, mô hình kinh doanh hộ có nhiều hạn chế, nhất là việc hộ cá thể không có tư cách pháp nhân để vay vốn sản xuất. Tuy nhiên, do phần lớn của các hộ kinh doanh cá thể thường không qua trường lớp đào tạo, trong khi “lên” DN đồng nghĩa với việc phải lo sổ sách kế toán sẽ không phù hợp với trình độ của họ, khiến hộ cá thể thực sự lo ngại và không mấy mặn mà. Địa phương đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền, vận động chứ không thể ép buộc.

Tuy nhiên, đại diện Cục Thuế tỉnh, cho biết: Ngoài các nguyên nhân lo ngại các thủ tục và việc đáp ứng quy trình sản xuất, kinh doanh của DN, nhiều hộ kinh doanh muốn “ẩn mình” trong quy mô hộ kinh doanh nhỏ vì không muốn thực hiện các nghĩa vụ như mua bảo hiểm xã hội cho người lao động... cũng như dễ dàng hơn trong việc kê khai doanh thu.

Theo thống kê, 8 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có 1.668 DN thành lập mới. Với 24.370 hộ kinh doanh cá thể đang thực hiện đóng thuế khoán trên địa bàn tỉnh là một tiềm năng lớn để khai thác. Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp tuyên truyền, vận động về cơ chế của Nhà nước, chính quyền các cấp cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc tạo dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng để hộ sản xuất cá thể yên tâm khi đăng ký thành lập DN. Hơn nữa, mục tiêu của phát triển DN là không chỉ gia tăng về số lượng mà phải mang lại hiệu quả kinh tế thực chất. Do đó, các địa phương cần tích cực phối hợp với ngành thuế trong việc rà soát, xác định doanh thu của các hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện thành lập DN và có tiềm năng phát triển để vận động. Bên cạnh chính sách khuyến khích, cần có biện pháp thực thi nghiêm túc với hộ đáp ứng yêu cầu về doanh thu, số lao động nhưng không chịu thành lập DN để trốn tránh nghĩa vụ.


Bài và ảnh: Bách Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]