(Baothanhhoa.vn) - Được coi là sản vật “tiến vua” thời phong kiến, giống vịt Trạc Nhật ở huyện Thạch Thành từng được nhiều sách cổ ghi nhận như một đặc sản quý của xứ Thanh thời xưa. Nhưng nay, giống vịt đặc trưng này chỉ còn chưa đầy 20 con, lại đang bị lai tạp, nếu không có biện pháp bảo vệ và khôi phục kịp thời, chắc chắn sẽ đi đến tuyệt chủng trong tương lai gần.

Giống vịt Trạc Nhật quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng

Được coi là sản vật “tiến vua” thời phong kiến, giống vịt Trạc Nhật ở huyện Thạch Thành từng được nhiều sách cổ ghi nhận như một đặc sản quý của xứ Thanh thời xưa. Nhưng nay, giống vịt đặc trưng này chỉ còn chưa đầy 20 con, lại đang bị lai tạp, nếu không có biện pháp bảo vệ và khôi phục kịp thời, chắc chắn sẽ đi đến tuyệt chủng trong tương lai gần.

Giống vịt Trạc Nhật quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủngÔng Bùi Xuân Hòa ở thôn Đự, xã Thành Thọ giới thiệu trứng vịt Trạc Nhật to như trứng ngan.

“Của ngon còn một chút này”...

Cùng với phi cầu Sài, hến làng Giàng, chè Sánh Lược và hàng chục sản vật khác, thì vịt Trạc Nhật của huyện Thạch Thành được biết đến như là một trong những đặc sản của xứ Thanh xưa. Một số tài liệu cổ có đề cập, nhưng hiện trên công cụ tìm kiếm trên internet hầu như không có hình ảnh cũng như các thông tin về giống vịt có tên Trạc Nhật. Để tìm hiểu về loài thủy cầm từng nổi tiếng nhưng nhiều khả năng bị lãng quên này, chúng tôi đã tìm đến huyện miền núi Thạch Thành. Rất may, các cán bộ phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã xác định được “địa chỉ” của giống vịt này hiện còn phân bố ở 2 thôn của xã Thành Thọ.

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Thành Thọ Bùi Quốc Tự bày tỏ sự vui mừng khi vấn đề phóng viên đang tìm hiểu cũng trùng với trăn trở của ông. “Tôi được điều chuyển về đây chưa lâu, thấy địa phương có giống vịt quý nhưng có nguy cơ tuyệt chủng nên muốn khôi phục. Rất cần báo chí đồng hành, cùng có tiếng nói để giống vịt quý này được quan tâm, lập dự án bảo vệ” – ông Tự hồ hởi. Vừa qua, xã Thành Thọ đã cử cán bộ đi khảo sát, hiện có một số gia đình ở thôn Đự và thôn Trạc còn nuôi tự phát giống vịt này. Tuy chưa xác định chính xác từng cá thể, nhưng tổng đàn vịt Trạc Nhật hiện còn không quá 20 con. Đó là chưa kể, có một số gia đình nuôi chung với vịt bầu và các giống vịt khác nên bị lai tạp, hiện chỉ là F1, F2 của giống vịt Trạc Nhật.

Thông tin thêm của ông Bùi Quốc Tự và các cán bộ xã Thành Thọ, đây là giống vịt chân ngắn, cổ nhỏ, thịt thơm ngon và có vị ngọt đặc trưng. Trọng lượng của giống vịt này cũng khá nhỏ so với các loài vịt hiện nay, cá thể trống có thể đạt trọng lượng 2,5kg, nhưng cá thể mái thường đạt từ 1,5 đến 2kg. Một trong những gia đình duy trì nuôi nhiều nhất là ông Bùi Xuân Hòa ở thôn Đự còn duy trì 3 đôi, nhưng tiếc thay, đúng thời điểm cán bộ xã đi khảo sát, gia đình vừa giết thịt một đôi nhân dịp có giỗ.

Qua tìm hiểu của phóng viên tại 2 thôn Đự và thôn Trạc, nhiều người dân vẫn chưa ý thức được nguy cơ tuyệt chủng của loài vật nuôi quý hiếm này. Các gia đình đều nghĩ đơn giản rằng, do thịt ăn ngon nên duy trì nuôi một vài đôi. Bà Bùi Thị Dư, 70 tuổi ở thôn Đự - chủ của 4 con vịt Trạc Nhật, cho biết: “Hằng ngày, tôi phải thái chuối và cho vịt ăn cám, nhưng cứ hễ thả ra cánh đồng lúa, bị hàng xóm la lối om sòm nên gia đình tôi đang định thịt hết...”.

Trên thực tế, thôn Đự vẫn có điều kiện thuận lợi để tăng thêm đàn vịt này, do trên địa bàn có cánh đồng quanh năm dồi dào nguồn nước nhờ các con suối từ phía chân núi chảy xuống. Theo các cụ cao niên, xưa kia cánh đồng như một bán đảo, có loại ốc hương màu đen, nhỏ như đầu ngón tay và nhiều rong rêu, chính là thức ăn cho vịt Trạc Nhật. Có lẽ, chính môi trường nuôi thả tự nhiên cùng những loại thức ăn đặc trưng đã góp phần tạo nên chất lượng thịt thơm ngon của giống vịt này. Người dân địa phương còn nhớ, vào tháng 12-1974, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Huyên khi ấy về thăm Thạch Thành, huyện đã cử cán bộ xuống thôn tìm mua vịt Trạc Nhật đặc sản để làm cơm tiếp đoàn công tác của Trung ương.

Khôi phục được khi chưa quá muộn

Các cụ cao niên ở hai thôn Đự và Trạc đều khẳng định, vịt Trạc Nhật là giống bản địa từ ngàn đời nay của địa phương. Nhiều thông tin từ UBND xã Thành Thọ cũng đề cập, tên giống vịt này được gọi theo địa danh của tổng Trạc Nhật trước kia, nay gồm các xã Thành An, Thành Thọ và Ngọc Trạo. Theo ông Nguyễn Văn Cơi, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Thọ - người đồng hành với chúng tôi, qua tìm hiểu, trước đây cả 3 xã trên đều có giống vịt này, nhưng nay chỉ còn ở xã Thành Thọ. Tại thôn Trạc, gia đình ông Bùi Sỹ Khải vẫn duy trì tổng đàn từ 4 đến 6 đôi trong nhiều năm qua. Tại thôn Đự, gia đình ông Bùi Xuân Hòa, 70 tuổi, nguyên cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Thành cũng có công lưu giữ giống vịt quý này. Khi chúng tôi có mặt, gia đình ông Hòa chỉ còn 4 con vịt Trạc Nhật, trong đó có 3 con mái, 1 con trống. So với các giống vịt ngày nay, vịt Trạc Nhật có màu xám, riêng cá thể trống có hình dáng lớn hơn, phần đầu có lông màu xanh đen, quanh cổ có một vòng xuyến màu trắng, lông cánh màu xanh cánh chả rất đẹp mắt...

Nói thêm về sự khác biệt, ông Hòa lấy rổ trứng ra để giới thiệu với chúng tôi. Trứng vịt Trạc Nhật có kích thước to hơn vịt bầu, na ná như trứng ngan, đó cũng là lý do nhiều gia đình còn duy trì nuôi vì mục đích lấy trứng. Theo ông, “gia đình tôi từ đời ông đến đời bố đều nuôi giống vịt này. Một thời gian tôi làm việc ở huyện nên gián đoạn, nhưng đến năm 2000 tiếp tục mua 22 con giống để nuôi lại và duy trì đến nay. Hiện tôi và cụ bà đã già, con cái thoát ly nên muốn nghỉ ngơi, cũng đang định “thanh lý” nốt. Nhưng nay biết là giống sắp tuyệt chủng, nên chúng tôi quyết định sẽ tiếp tục duy trì nuôi, chung tay cùng địa phương bảo tồn”.

Tuy môi trường chăn thả tự nhiên không còn nhiều, nhưng hoàn toàn có thể khuyến khích phát triển các mô hình nuôi vịt Trạc Nhật trong vườn và ao nhà ở nhiều thôn của xã Thành Thọ và vùng lân cận. Phó Chủ tịch UBND xã Thành Thọ Nguyễn Văn Cơi cũng bày tỏ quan điểm, nếu có được dự án khôi phục giống vịt quý này, hoàn toàn có thể dùng cánh đồng giáp ranh thôn Đự và thôn Trạc làm môi trường chăn thả, bởi nuôi vịt đặc sản có khi hiệu quả kinh tế hơn nhiều trồng lúa một vụ hiện nay.

Những tháng gần đây, UBND xã Thành Thọ đã cử cán bộ đến nhiều hộ còn nuôi vịt Trạc Nhật để vận động người dân không giết thịt, tuyên truyền đây là giống vật nuôi quý có nguy cơ tuyệt chủng để nâng cao ý thức bảo vệ. Những quả trứng khi được ấp nở, số lượng cá thể vịt quý hiếm ở đây nhiều khả năng sẽ tăng lên. Được biết, UBND huyện Thạch Thành cũng đã đề nghị Ban Dân tộc tỉnh đưa giống vịt Trạc Nhật vào danh mục của Đề án phát triển cây trồng, vật nuôi đặc trưng, sản phẩm lợi thế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025 để được hỗ trợ lập dự án khôi phục. Chủ tịch UBND xã Thành Thọ Bùi Quốc Tự chia sẻ: “Chúng tôi đang nỗ lực vận động, chỉ cần mỗi hộ hiện nay phát triển đàn lên vài chục con, giống vịt này sẽ thoát khỏi tình trạng nguy cơ tuyệt chủng. Khi đã khôi phục được bước đầu, nếu xin được dự án hỗ trợ, sẽ tính đến phát triển thương mại như vịt Cổ Lũng, lợn mán...”.

Rõ ràng, hoàn toàn có thể khôi phục và phát triển vịt Trạc Nhật theo hướng thương mại để biến nơi đây thành vùng nuôi đại trà, giúp phát triển kinh tế địa phương. Vấn đề đặt ra là, phải có sự quan tâm hỗ trợ từ phía huyện Thạch Thành, ngành nông nghiệp và các ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh để xác định nguồn “gen”, có kinh phí thực hiện bài bản, theo lộ trình. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa, không để những cá thể còn lại suy giảm dẫn đến quá muộn, không còn cơ hội khôi phục. Khi tổng đàn lớn dần, có thể xây dựng sản phẩm vịt Trạc Nhật thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh, thậm chí đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, hay xây dựng nhãn hiệu để quảng bá trên thị trường.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]