(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã đẩy mạnh đào tạo nghề (ĐTN), giải quyết việc làm (GQVL) cho hội viên, đặc biệt là phụ nữ nông thôn. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng góp phần tăng thu nhập, từ đó nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, giảm nghèo bền vững.

Đưa nghề về với phụ nữ nông thôn

Những năm gần đây, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã đẩy mạnh đào tạo nghề (ĐTN), giải quyết việc làm (GQVL) cho hội viên, đặc biệt là phụ nữ nông thôn. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng góp phần tăng thu nhập, từ đó nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, giảm nghèo bền vững.

Đưa nghề về với phụ nữ nông thônTổ hợp tác sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ do phụ nữ làm chủ xã Nga Điền (Nga Sơn).

Từ một người chỉ biết làm nghề nông và lo nội trợ, hiện chị Ngô Thị Hiền, thôn 3, xã Nga Điền (Nga Sơn) đã trở thành thợ lành nghề tại tổ hợp tác sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xã Nga Điền, với mức lương đều đặn từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng. Chị Hiền tâm sự, với phụ nữ nông thôn, thời gian nhàn rỗi nhiều trong khi khó có thể đi làm thêm công việc nơi khác do còn lo con cái, gia đình. Từ ngày có nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ tại địa phương, chị được trực tiếp dạy nghề theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Lúc đầu còn chưa quen việc, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, các chị em đã thạo nghề và có thêm thu nhập đáng kể nhờ số lượng sản phẩm làm ra. Chị Hiền vui mừng nói, mấy chị em ở đây không ai phải bỏ ruộng vườn và chăn nuôi ở nhà. Thậm chí, có lương ổn định các chị sẵn sàng bỏ tiền để thuê thêm người làm phụ việc sản xuất nông nghiệp, lợi cả đôi đường.

Được biết, tổ hợp tác sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ do phụ nữ làm chủ xã Nga Điền được thành lập năm 2018 với 25 thành viên. Sau 5 năm hoạt động, tổ hợp tác đã liên kết, mở rộng ĐTN, tạo việc làm ổn định cho 600 hội viên phụ nữ trong xã, với thu nhập bình quân đạt từ 4,5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Ngoài tổ hợp tác tại xã Nga Điền, toàn huyện Nga Sơn đang có 13 tổ hợp tác làm nghề tiểu thủ công nghiệp do phụ nữ làm chủ, tạo việc làm cho hàng nghìn hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Chị Trần Thị Tám, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nga Điền, cho biết: Thông thường, sau 2 - 3 ngày hướng dẫn và biết cách đan, các chị sẽ nhận về nhà hoặc tập trung tại tổ hợp tác để làm cho vui. Đa phần, khi rảnh rỗi các chị đều tập trung tại một tổ gần nhất để làm, vì tại đây vừa có đầy đủ các trang thiết bị giúp tăng lượng sản phẩm, vừa được trò chuyện với các chị, các em. Theo chị Tám những ngày đầu, số lượng phụ nữ đến học và làm khá ít (20 - 30 người), nhưng đến nay toàn xã có hơn 500 chị em tham gia. Các sản phẩm chủ yếu là sản phẩm thùng, hộp cói, khay cói... nguyên liệu sẵn có ở địa phương như cây cói, bèo tây... tiền công được trả trong ngày sau khi nhập sản phẩm. Đặc biệt, công việc cũng không quá nặng nhọc, nhưng có thu nhập ổn định và tận dụng được thời gian nhàn rỗi, phù hợp với phụ nữ nông thôn nên được chị em hưởng ứng.

Đến HTX thủ công nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu Trung Kiên, thôn Trung Hậu, xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa), chúng tôi thấy không khí làm việc tại đây rất khẩn trương, sôi động. Chị em phụ nữ thoăn thoắt may ráp các phần quai, thân; cẩn thận, tỉ mỉ cắt những đoạn chỉ thừa, xếp những chiếc túi xinh xắn, màu sắc bắt mắt thành từng chồng để hoàn thành sản phẩm theo đơn đặt hàng. Chị Phạm Thị Ngân, chủ nhiệm HTX thủ công nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu Trung Kiên, cho biết: “Nhằm giúp chị em phụ nữ địa phương có việc làm tại nhà, tận dụng thời gian nhàn rỗi để phát triển kinh tế gia đình, năm 2014 gia đình tôi quyết định đầu tư mở xưởng may các loại túi xách dùng trong siêu thị. Qua bạn bè giới thiệu, cùng với việc hỗ trợ từ hội liên hiệp phụ nữ xã, gia đình tôi đã đấu mối với Công ty CP Casablanca Việt Nam ở Hà Nội, để tìm hiểu quy trình sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm; đồng thời hướng dẫn các chị em trong xã học nghề thành thạo. Công việc này tương đối nhẹ nhàng, phù hợp với rất nhiều đối tượng phụ nữ, nhất là những người lớn tuổi. Đến nay, HTX đang tạo việc làm cho 100 hội viên, phụ nữ địa phương, với mức thu nhập từ 4,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, HTX còn mở rộng thêm nghề đan cói, thu hút khoảng 20 chị em phụ nữ tham gia, thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm làm ra là hàng xiên, khay, đĩa hoa bằng cói”.

Xác định tạo việc làm, nâng cao thu nhập là “đòn bẩy” để phụ nữ nông thôn vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của lao động địa phương, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ngành đẩy mạnh ĐTN, GQVL cho hội viên. Đi đôi với việc duy trì, phát triển nghề truyền thống, các cấp hội đã chủ động phối hợp với nhiều công ty, đơn vị du nhập và nhân cấy nghề mới. Từ năm 2018 đến nay, phụ nữ Thanh Hóa đã tổ chức ĐTN cho trên 52 nghìn lao động; sau học nghề, từ 80% trở lên được giới thiệu việc làm hoặc tự tạo việc làm có thu nhập ổn định. Việc phát triển nghề cũng đã khuyến khích phụ nữ nông thôn lập nghiệp, làm giàu cho bản thân, tạo việc làm cho nhiều hội viên khác.

Cùng với phát triển nghề, các cấp hội phụ nữ Thanh Hóa đang đẩy mạnh vận động, hỗ trợ hội viên làm kinh tế hộ gia đình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Từ đó, đóng góp nhiều hơn vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Trong thời gian tới, các cấp hội tiếp tục mở các lớp ĐTN ngắn hạn cho phụ nữ khu vực nông thôn, hướng đến những ngành nghề chị em có thể làm tại nhà, tại địa phương lúc nông nhàn. Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình bằng nhiều hình thức như: mở rộng các loại hình kinh doanh dịch vụ, sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất... Bên cạnh đó, chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố đấu mối với trung tâm dạy nghề tại địa phương, trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm khuyến nông mở các lớp dạy nghề cho chị em. Sau khi đào tạo sẽ thành lập các mô hình, tổ hợp tác, HTX để duy trì bền vững đầu ra.

Bài và ảnh: Trường Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]