(Baothanhhoa.vn) - Sau hơn 3 năm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt, dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư để chống ngập lụt cho bản Thanh Sơn, xã Thanh Hòa (Như Xuân) vẫn dang dở. 119 hộ đồng bào dân tộc Thái, với 430 nhân khẩu vẫn nơm nớp lo âu chưa biết khi nào được di chuyển đến nơi ở mới, trong khi mùa mưa lũ đang bắt đầu vào giai đoạn cao điểm...

Dự án tái định cư chống ngập lụt cho 119 hộ dân xã Thanh Hòa (Như Xuân): Đi cũng dở, ở không xong!

Sau hơn 3 năm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt, dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư để chống ngập lụt cho bản Thanh Sơn, xã Thanh Hòa (Như Xuân) vẫn dang dở. 119 hộ đồng bào dân tộc Thái, với 430 nhân khẩu vẫn nơm nớp lo âu chưa biết khi nào được di chuyển đến nơi ở mới, trong khi mùa mưa lũ đang bắt đầu vào giai đoạn cao điểm...

Dự án tái định cư chống ngập lụt cho 119 hộ dân xã Thanh Hòa (Như Xuân): Đi cũng dở, ở không xong!Nhiều diện tích và tuyến đường độc đạo ra vào bản Thanh Sơn, xã Thanh Hòa sẽ bị ngập, gây chia cắt khi hồ thủy lợi Bản Mồng tích nước.

1 công trình ảnh hưởng 2 tỉnh

Dự án hồ chứa nước Bản Mồng do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư, được triển khai bên phía tỉnh Nghệ An từ hơn 10 năm qua. Dự án có tổng vốn đầu tư 3.740 tỷ đồng từ nguồn Trái phiếu Chính phủ này bị dừng thi công trong giai đoạn 2011-2016 do không cân đối được vốn, sau đó mới khởi động lại. Đây là công trình thủy lợi lớn, ngăn dòng sông Hiếu tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) để hình thành đập chứa nước, với dung tích 225 triệu m3. Phần lòng hồ rộng khoảng 25km2, chủ yếu thuộc huyện Quỳ Châu (Nghệ An) và một phần của huyện Như Xuân (Thanh Hóa).

Theo các hồ sơ dự án, khi đập của hồ chứa chặn dòng ở cao trình +76,4m làm mực nước phía thượng nguồn dâng cao, sẽ có hơn 1.131 ha rừng và nơi sinh sống của bà con vùng giáp ranh 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa bị ảnh hưởng. Riêng phần tỉnh Thanh Hóa, qua tính toán theo cao trình nước dâng, sẽ có hơn 681 ha đất thuộc xã Thanh Hòa (Như Xuân) bị ảnh hưởng, trong đó có 238,2 ha rừng phòng hộ, gần 294 ha rừng tự nhiên giao quản lý, gần 54,5 ha rừng trồng sản xuất... Vùng đất bị ảnh hưởng cũng chính là nơi sinh sống lâu đời của người dân bản Thanh Sơn, xã Thanh Hòa. Theo đó, khi đập của hồ chứa tích nước ở cao trình cao nhất theo thiết kế, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 119 hộ dân bản Thanh Sơn, với 430 nhân khẩu; trong đó 32 hộ ngập đất ở và nhà cửa, 87 hộ bị mất đất sản xuất, không còn nguồn sinh kế... Khi nước dâng cao, đất ở một số hộ vẫn chưa ngập hoàn toàn, nhưng sẽ làm chia cắt bản Thanh Sơn với trung tâm xã và các xã trong vùng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, khó có thể an cư.

Vào tháng 6-2019, hợp phần tái định cư chống ngập lụt cho bản Thanh Sơn mới được bổ sung vào tổng thể Dự án hồ chứa nước Bản Mồng tại Quyết định 2464/QĐ-BNN-XD của Bộ NN&PTNT. Theo đó, hợp phần này mới được tách ra khỏi dự án lớn, giao UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt dự án tái định cư. Ban đầu, UBND huyện Như Xuân được giao làm chủ đầu tư nhưng cấp huyện triển khai có nhiều hạn chế, liên tục phải xin ý kiến và chờ các sở, ngành có liên quan của tỉnh giải quyết những vướng mắc. Khi các khâu dự án chậm tiến độ triển khai, tháng 7-2021, dự án tái định cư được tỉnh giao cho Sở NN&PTNT Thanh Hóa triển khai, trong đó Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư.

Là dự án thành phần thuộc Dự án hồ chứa nước Bản Mồng được triển khai bên phía tỉnh Nghệ An nên ít nhiều có sự phụ thuộc. Quá trình triển khai, việc phối hợp giải quyết các vướng mắc của các sở, ngành, đơn vị có liên quan tại tỉnh Thanh Hóa với các đơn vị đang làm nhiệm vụ bên tỉnh bạn gặp nhiều khó khăn. Qua quá trình theo dõi, chúng tôi ghi nhận sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND tỉnh Thanh Hóa trong triển khai các khâu thủ tục dự án. Tuy nhiên, đây là dự án “đặc biệt”, có nhiều khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền nên phải phụ thuộc nhiều khâu, nhiều cấp.

Mòn mỏi chờ đợi tháo gỡ vướng mắc

Từ những ngày đầu triển khai dự án tái định cư chống ngập vào năm 2019, phía UBND huyện Như Xuân và các sở, ngành có liên quan của tỉnh đã khảo sát, đề xuất dành một khu đất đồi lượn sóng phù hợp với phát triển kinh tế, ngay giáp đường Hồ Chí Minh thuộc thôn Đồng Trình, xã Xuân Hòa cùng huyện làm khu tái định cư. Khu tái định cư dự kiến quy hoạch rộng 300 ha này nằm gần Làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng đã được đầu tư xây dựng từ nhiều năm nay, chất đất khá màu mỡ. Tuy nhiên, đây là đất đang quản lý của Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa, trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Việc thống nhất chủ trương dành khu đất làm nơi đến an cư mới của người dân bản Thanh Sơn mất nhiều tháng sau khi các bên liên quan gặp gỡ thảo luận, phía UBND tỉnh Thanh Hóa có các văn bản qua lại xin thống nhất ý kiến của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Đến nay phía Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã đồng ý để lại 300 ha đất này cho tỉnh Thanh Hóa triển khai dự án tái định cư, nhưng nhiều khâu thủ tục khác chưa xong nên vẫn còn là khu đất trống.

Do dự án lập nhiều năm chưa được triển khai, đơn giá và kinh phí để thực hiện các hợp phần liên quan đều tăng cao nhiều lần đã trở thành thách thức không nhỏ, nhiều khâu chưa thể thực hiện. Trên cơ sở rà soát của đơn vị tư vấn thực hiện gói thầu, tháng 6-2022 vừa qua, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh có Văn bản số 8377/UBND-NN đề nghị Bộ NN&PTNT điều chỉnh vốn đầu tư của dự án từ 82,38 tỷ đồng lên gần 360,8 tỷ đồng. Kinh phí này dành cho trồng rừng thay thế, bồi thường cây cối, tài sản và vật kiến trúc trên đất cả nơi ở cũ và mới, triển khai các gói thầu, xây dựng hạ tầng dân cư tại nơi ở mới, triển khai 13 gói thầu liên quan... Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Thanh Hóa, phải thực hiện bảo đảm trình tự thủ tục theo quy định nên hiện nay, nhiều gói thầu lại ràng buộc lẫn nhau, không thể triển khai đồng thời dẫn đến tiếp tục chậm tiến độ chung.

Tại bản Thanh Sơn – nơi các hộ đã sinh sống nhiều năm nay, công tác kiểm kê, bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do vướng nhiều cơ chế và quy định ngoài thẩm quyền giải quyết của tỉnh Thanh Hóa cũng như Bộ NN&PTNT. Nan giải nhất là việc phải chờ thủ tục chuyển đổi đất rừng phòng hộ từ Chính phủ và Quốc hội. Đến ngày 17-10-2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 135/2020/QH14 đồng ý chủ trương chuyển đổi mục đích rừng ở các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An cho thực hiện dự án. Tình hình dịch COVID-19 sau đó cũng khiến các khâu liên quan của dự án bị chậm tiến độ.

Ông Cao Bát Chí, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh – đại diện đơn vị chủ đầu tư, trăn trở: Vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc điều chỉnh vốn và quy mô dự án. Hiện Bộ NN&PTNT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhưng đang phải đợi. Nếu chưa có quyết định phê duyệt điều chỉnh, dự án sẽ thiếu cơ sở pháp lý nên tiếp tục phải chờ, chưa thể thực hiện nhiều khâu tiếp theo. Với diễn biến hiện nay, kế hoạch hoàn thành dự án tái định cư trong năm 2023 rất khó thực hiện, Sở NN&PTNT Thanh Hóa cũng mới có văn bản báo cáo UBND tỉnh để xin giãn thời gian hoàn thành dự án.

Được biết, bên phía tỉnh Nghệ An, dự án đập Bản Mồng cũng sắp hoàn thành, những tháng vừa qua đã từng bước thử tải, có thời điểm đã tích nước đến cao trình +55m. Đợt mưa lũ đầu mùa năm 2022, tình trạng ngập lụt, chia cắt ở bản Thanh Sơn, xã Thanh Hòa đã xuất hiện. Hiện cư dân địa phương rất lo ngại, chưa biết khi nào công trình sẽ tích nước ở những cao trình cao hơn. Ông Hà Văn Giới, trưởng bản Thanh Sơn, bày tỏ: “Người dân chúng tôi đang mong mỏi từng ngày, từng tháng để được di dời. Những đợt mưa lũ vừa qua, nước đã ngập nhiều đoạn cắt ngang con đường độc đạo dẫn vào bản. Người dân địa phương sẵn sàng tái định cư đến nơi ở mới vì mục tiêu chung, chỉ cần nơi đó có đủ điều kiện sinh hoạt tối thiểu”.

Ông Hà Văn Tỵ, cư dân địa phương sinh năm 1954, cho biết: “Đồng bào Thái sinh sống ở đây đã nhiều đời, tâm lý là luyến tiếc, nhiều người vẫn muốn tái định cư tại chỗ lên cao hơn. Nhưng trước dự báo nước dâng sẽ không an toàn nên cả bản đã thống nhất cùng đến nơi ở mới. Tuy nhiên, ở hay đi? Nếu đi, thì khi nào di chuyển? Người dân chúng tôi cần biết thông tin chính xác để có sự chuẩn bị. 119 hộ dân ở đây đều muốn sớm được an cư..”.

Nhóm PV Kinh tế



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]