(Baothanhhoa.vn) - Từ nhiều năm nay, tỉnh đã có chủ trương xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) hiện đại, với mục tiêu đến năm 2020, giết mổ công nghiệp tập trung phải chiếm thị phần khoảng 80%, giết mổ thủ công tập trung còn 15% và các hộ giết mổ nhỏ lẻ 5%. Thế nhưng hiện nay, nhiều cơ sở giết mổ GSGC công nghiệp tập trung ngay từ khi vừa xây xong đã “đắp chiếu” hay hoạt động cầm chừng, còn các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ lại hoạt động hết công suất.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đìu hiu cơ sở giết mổ “chính quy” - gia súc, gia cầm “không dấu” tràn lan thị trường

Đìu hiu cơ sở giết mổ “chính quy” - gia súc, gia cầm “không dấu” tràn lan thị trường

Cơ sở giết mổ gia cầm tự phát ở chợ Điện Biên, TP Thanh Hóa.

Từ nhiều năm nay, tỉnh đã có chủ trương xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) hiện đại, với mục tiêu đến năm 2020, giết mổ công nghiệp tập trung phải chiếm thị phần khoảng 80%, giết mổ thủ công tập trung còn 15% và các hộ giết mổ nhỏ lẻ 5%. Thế nhưng hiện nay, nhiều cơ sở giết mổ GSGC công nghiệp tập trung ngay từ khi vừa xây xong đã “đắp chiếu” hay hoạt động cầm chừng, còn các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ lại hoạt động hết công suất.

Trung bình mỗi ngày, toàn tỉnh tiêu thụ khoảng hơn 150 tấn GSGC, riêng những ngày cao điểm như lễ, tết, nhu cầu tiêu thụ gia súc, tăng 20% đến 50%. Để đáp ứng nhu cầu đó, hàng loạt cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hình thành tự phát và hoạt động hết công suất. Trong khi đó, các cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung chỉ đếm trên đầu ngón tay, lại trong cảnh “dở khóc, dở mếu”. Theo đó, hiện toàn tỉnh có 2.889 cơ sở giết mổ GSGC; trong đó, chỉ có 8 cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung, nhưng đã có 4 cơ sở không hoạt động, số còn lại là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tại các hộ gia đình. Điều đáng nói là trong tổng số 2.881 cơ sở giết mổ GSGC nhỏ lẻ, hộ gia đình đang hoạt động thì chỉ có khoảng 800 cơ sở có sự kiểm soát của các ngành chức năng. Công tác kiểm soát giết mổ gia súc được giao cho các trạm thú y các địa phương phụ trách. Tỷ lệ GSGC qua các cơ sở giết mổ tập trung chỉ chiếm 5 - 10%, còn lại mổ tự phát tại các cơ sở nhỏ lẻ và hộ gia đình và không thực hiện lăn dấu kiểm soát tại nơi giết mổ. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh, nhất là thời điểm đang diễn ra dịch tả lợn châu Phi như hiện nay.

Năm 2003, được sự đồng ý của HĐND TP Sầm Sơn, ông Vũ Tiến Ngân ở phố Thị Xuân, phường Quảng Tiến đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng để bồi thường đất cho dân, đầu tư xây dựng đường và khu giết mổ tập trung, rộng hơn 2.000m2, quy mô 50 đến 70 con lợn/ngày. Đến giữa năm 2004, khu giết mổ này đi vào hoạt động. Tuy nhiên, chỉ 6 tháng đầu, người dân mang lợn vào mổ, mỗi ngày khoảng 30 con. Sau đó, khách hàng thưa dần rồi hết hẳn, khiến gia đình ông Ngân đành đóng cửa, bỏ không. Năm 2013, UBND TP Sầm Sơn kêu gọi ông Ngân đầu tư nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc theo dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cam kết sẽ yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ mang lợn đến giết mổ tại cơ sở của ông. Một lần nữa, ông Ngân vay mượn 500 triệu đồng để nâng cấp khu lò mổ cùng với 600 triệu đồng của dự án. Từ khi được nâng cấp xong đến nay, cơ sở này vẫn không thể đi vào hoạt động được do không có khách hàng. Sau thời gian dài không sử dụng, cơ sở đã bắt đầu xuống cấp.

Không khác gì cơ sở giết mổ tập trung của ông Ngân, Trung tâm giết mổ GSGC Phú Sơn của Công ty CP Nông sản Thanh Hóa, tại phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa, được đầu tư kinh phí hơn 6 tỷ đồng, nhưng không hoạt động nhiều năm nay... Hệ thống lò hơi, máy sấy, các thiết bị phục vụ cho việc giết mổ GSGC không sử dụng, đã hư hỏng, xuống cấp, các dãy chuồng trại để lưu nhốt từ 300 - 400 gia súc trước khi mổ bỏ hoang.

Trái với cảnh đìu hiu thậm chí bỏ hoang tại các cơ sở giết mổ GSGC công nghiệp tập trung, tại các “chợ gia cầm” tự phát hoạt động khá nhộn nhịp. Nhiều điểm giết mổ GSGC nhỏ lẻ do các hộ gia đình, cá nhân tự lập ra và hoạt động hoàn toàn tự phát. Các khu giết mổ thường được bố trí ngay trong khu vực sinh sống của gia đình. Những hộ này tự mua gia súc từ các nơi về giết mổ rồi bán thịt cho các điểm kinh doanh tại các chợ trên địa bàn. Vì vậy, tâm lý các hộ đều ngại đưa GSGC vào các cơ sở giết mổ công nghiệp.

Tại một cơ sở giết mổ gia cầm ở đường Lê Hữu Lập, phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa), khi chúng tôi có nhã ý hỏi mua số lượng thịt gà lớn về phục vụ đám cưới, được chủ cơ sở quảng cáo nhiệt tình: “Yên tâm đi, gà của chị bảo đảm ngon tuyệt vời. Toàn gà ri, gà nuôi bằng lúa trong dân chứ không phải gà công nghiệp đâu”. Khi thắc mắc về nguồn gốc và dấu kiểm dịch, chị bán hàng phân trần: “Em kỹ tính quá. Chị nói thật, gà có dấu kiểm dịch toàn gà lai, không ngon bằng gà nhà nuôi, gà ri đâu”. Còn tại các chợ như: Tây Thành, Điện Biên, Đông Thành... cảnh mua bán GSGC “không dấu” cũng diễn ra tương tự. Sau khi chọn mua gà sống, khách hàng chỉ phải bỏ ra 10 - 15 nghìn đồng/con để sử dụng dịch vụ làm lông ngay tại chỗ. Sau 10 phút, khách hàng đã có thể xách về nhà một con gà sạch lông, không dấu kiểm dịch, kiểm soát giết mổ bắt buộc theo quy định.

Nguyên nhân của tình trạng GSGC được bày bán không có dấu kiểm dịch, kiểm soát giết mổ là do các hộ giết mổ nhỏ lẻ không đưa GSGC vào cơ sở giết mổ tập trung, thường giết mổ ngay tại gia đình, sau đó đưa sản phẩm động vật đi bán tại các chợ tự phát, điểm buôn bán ở lề đường. Việc kiểm tra dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem vệ sinh thú y chưa được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra thường xuyên. Điều này có nghĩa, không ai dám chắc chắn nguồn thực phẩm từ thịt GSGC mà người dân vẫn mua về sử dụng trong bữa ăn hằng ngày là bảo đảm an toàn về mặt chất lượng và không tiềm ẩn mầm mống dịch bệnh nguy hiểm.

Bên cạnh đó, theo quy định, các điểm giết mổ GSGC phải tách rời khu dân cư 100m, cách đường giao thông chính 100m; có hầm rút nước và điểm xử lý chất thải; có nguồn nước sạch, tường rào bao quanh, thuận tiện đi lại; các hộ gia đình có lò mổ không được nuôi gia súc... Tuy nhiên, các quy định này chưa được chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ. Sự tồn tại của các cơ sở giết mổ GSGC nhỏ lẻ xen lẫn khu dân cư đã gây bất lợi cho các lò mổ được đầu tư bài bản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm môi trường với quy mô lớn. Về địa điểm kinh doanh bán thực phẩm, hầu hết các tiểu thương đều thuê mặt bằng trong chợ với diện tích nhỏ, hay lấn chiếm lòng lề đường tại các chợ tự phát, điều kiện về nước, hệ thống thoát nước rất kém; việc thiết kế, xây dựng đều mang tính tự phát và tạm bợ; nguồn nước sử dụng cho giết mổ GSGC chưa bảo đảm vệ sinh. Dụng cụ giết mổ, nơi thu gom, xử lý chất thải, nước thải không đạt yêu cầu...

Để lập lại trật tự trong hoạt động giết mổ, ngày 14-12-2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 203/KH-UBND về việc quản lý, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt GSGC trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2019. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành, thực hành hiệu quả, chặt chẽ các hoạt động phối hợp; tiếp tục nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; đào tạo, tập huấn về công tác vận chuyển, giết mổ và kinh doanh thịt GSGC trên địa bàn tỉnh; thông tin, tuyên truyền, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác quản lý hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt GSGC... Quản lý chặt chẽ các hoạt động giết mổ, vận chuyển và kinh doanh thịt GSGC trên địa bàn quản lý; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời, xử lý các hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh trái quy định, từng bước đình chỉ hoạt động, di dời các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không bảo đảm các điều kiện hoạt động đến các cơ sở giết mổ tập trung, mô hình giết mổ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Mặt khác, nâng cao trách nhiệm của ban chỉ đạo quản lý vận chuyển, giết mổ và kinh doanh thịt GSGC các cấp; đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành có liên quan cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm đến người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát hoạt động giết mổ, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm các quy định về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, từng bước đưa công tác quản lý giết mổ GSGC trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp.

Thực hiện các biện pháp kiểm soát hoạt động giết mổ, kiểm dịch

Thị xã Bỉm Sơn là địa phương “cửa ngõ” phiá Bắc của tỉnh có tuyến Quốc lộ 1A đi qua, vì vậy các hoạt động vận chuyển GSGC ra vào khá tấp nập. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, GSGC không rõ nguồn gốc đưa vào địa bàn tỉnh, là nguy cơ khiến cho dịch bệnh phát sinh, phát triển.

Đìu hiu cơ sở giết mổ “chính quy” - gia súc, gia cầm “không dấu” tràn lan thị trường

Thị xã Bỉm Sơn hiện có 30 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và 1 cơ sở giết mổ GSGC tâp trung. Bên cạnh một số cơ sở luôn chấp hành tốt quy định của pháp luật về kinh doanh thương mại an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), khám sức khỏe định kỳ... thì vẫn còn nhiều cơ sở chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về điều kiện kiểm dịch; không đưa gia súc vào lò giết mổ tập trung; không có dấu kiểm soát giết mổ, tem kiểm soát thú y...

Để khắc phục tình trạng các hộ kinh doanh, giết mổ GSGC không chấp hành quy định về kiểm soát giết mổ và ATVSTP; UBND thị xã Bỉm Sơn đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Cùng với đó, tiếp tục thu hút đầu tư, có cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở giết mổ GSGC tập trung hoạt động hiệu quả; đồng thời, quy hoạch các khu vực bán thực phẩm tươi sống tại các chợ và dần hình thành các cửa hàng kinh doanh sản phẩm sạch. Thường xuyên kiểm tra các bếp ăn tập thể, nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh, giết mổ GSGC.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra dịch tả lợn châu Phi, vì vậy UBND thị xã Bỉm Sơn chỉ đạo trạm thú y phối hợp với đội quản lý thị trường, lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường công tác kiểm soát, kiểm dịch việc vận chuyển GSGC qua địa bàn.

Phạm Ngọc Thắng

Phó trưởng Phòng Kinh tế UBND thị xã Bỉm Sơn

Kiên quyết xử lý các cơ sở giết mổ, kinhdoanh gia súc, gia cầm mất vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm

Tình trạng các cơ sở giết mổ GSGC trong khu dân cư không bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến môi trường, dễ lây truyền dịch bệnh đang diễn biến khá phức tạp.

Đìu hiu cơ sở giết mổ “chính quy” - gia súc, gia cầm “không dấu” tràn lan thị trường

Công tác quản lý giết mổ GSGC còn nhiều khó khăn do nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm và chú trọng đẩy mạnh công tác quản lý giết mổ và triển khai thực hiện quy hoạch giết mổ GSGC trên địa bàn.

Quỹ đất dành cho việc đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, bán công nghiệp hoặc giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc xây dựng các cơ sở giết mổ còn thiếu và chưa đáp ứng được tiến độ đề ra. Mặc dù lực lượng thú y đã tích cực vào cuộc, nhưng vẫn không thể kiểm soát hết tình trạng giết mổ gia cầm sống tại các chợ và các điểm giết mổ GSGC tự phát. Nguyên nhân của tình trạng này là do các hộ giết mổ khá nhỏ lẻ, phân tán trong khi lực lượng kiểm tra còn mỏng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn có thói quen mua sản phẩm giết mổ không tìm hiểu rõ nguồn gốc, vô tình tạo điều kiện cho sự tồn tại của các cơ sở giết mổ thủ công nhỏ lẻ.

Để quản lý và xây dựng hệ thống giết mổ GSGC tập trung hiệu quả cần sự vào cuộc đồng bộ, thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền các địa phương phải kiên quyết dẹp bỏ chợ tự phát, điểm buôn bán động vật ở lề đường, hè phố; ban quản lý các chợ cần phải kiên quyết không để sản phẩm động vật chưa có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem vệ sinh thú y vào chợ buôn bán thì đề án nêu trên mới thành công... Hiện Chi cục Thú y đang tập trung chỉ đạo các trạm thú y tích cực hơn trong việc tham mưu cho chính quyền cơ sở trong việc thực hiện nghiêm Luật Thú y, tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ tự phát không bảo đảm an toàn vệ sinh.

Đặng Văn Hiệp

Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thanh Hóa

Người tiêu dùng chưa có thói quen dùng thực phẩm chế biến sẵn, có dấu kiểm dịch

Do chi phí giết mổ ở lò mổ công nghiệp tập trung thường cao hơn nhiều lần so với giết mổ nhỏ lẻ, nhưng giá bán trên thị trường lại không thay đổi.

Đìu hiu cơ sở giết mổ “chính quy” - gia súc, gia cầm “không dấu” tràn lan thị trường

Bên cạnh đó, người tiêu dùng thường ăn thịt tươi hơn thịt cấp đông, “ngại” mua gia cầm đã được sơ chế sẵn dù có dấu kiểm dịch, kiểm soát giết mổ. Phần lớn người dân đều lựa chọn mua gà sống rồi yêu cầu người bán giết mổ ngay tại chợ. Vì khách hàng có nhu cầu nên những người bán, người giết mổ gia cầm như chúng tôi sẵn sàng đáp ứng. Vì điều kiện ở chợ không thể được như ở nhà nên tận dụng được cái gì thì cứ tận dụng, nhất là nước vì nước ít, vả lại dùng ít tiết kiệm chi phí. Vấn đề sản phẩm không có dấu kiểm dịch của các cơ quan chức năng người tiêu dùng không cần nên chúng tôi cũng không quan tâm.

Trước đây, ở chợ Tây Thành (TP Thanh Hóa) chỉ có từ một đến hai người làm nghề giết mổ gia cầm thuê, nhưng do nhu cầu mua bán tăng, đến nay đã có hơn chục hộ kinh doanh buôn bán, giết mổ gia cầm sống ngay tại chợ.

Nguyễn Thị Tuất

Hộ giết mổ gia cầm tại chợ Tây Thành (TP Thanh Hóa)

Lương Khánh


Lương Khánh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]