(Baothanhhoa.vn) - Người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Để tạo điều kiện giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm ổn định, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHCSXH Thanh Hóa) đã triển khai chương trình cho vay vốn đối với những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Nguồn vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đã giúp nhiều người từng lầm lỡ trở về có việc làm, thu nhập ổn định, mang lại hiệu quả tốt trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.

Điểm tựa cho những người từng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng

Người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Để tạo điều kiện giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm ổn định, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHCSXH Thanh Hóa) đã triển khai chương trình cho vay vốn đối với những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Nguồn vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đã giúp nhiều người từng lầm lỡ trở về có việc làm, thu nhập ổn định, mang lại hiệu quả tốt trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.

Điểm tựa cho những người từng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồngCán bộ NHCSXH kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay tại hộ chị Đinh Thị Anh, xã Nga Thiện (Nga Sơn).

Để chương trình cho vay hoàn lương đạt hiệu quả, NHCSXH Thanh Hóa đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi đến đối tượng thụ hưởng theo quy định, trong đó có đối tượng là người chấp hành xong hình phạt tù; phối hợp với UBND cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn tiếp tục rà soát danh sách các đối tượng thụ hưởng, các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay, hướng dẫn lập thủ tục hồ sơ vay và giải ngân cho vay theo quy định. Tích cực đồng hành với những người từng lầm lỡ để họ có trách nhiệm và ý thức phấn đấu làm ăn, tiết kiệm để hoàn vốn sau khi vay.

Năm 2022, chị Đinh Thị A. ở xã Nga Thiện (Nga Sơn) đã chấp hành xong án phạt tù. Trở về địa phương, chị mong muốn tìm được cho mình công việc chân chính, song ban đầu chị gặp nhiều trở ngại. Để giúp chị tái hòa nhập cộng đồng, chính quyền địa phương đã trực tiếp xuống nhà để tìm hiểu nhu cầu làm ăn, bảo lãnh, tín chấp giúp chị vay vốn từ nguồn quỹ mô hình “Doanh nhân với an ninh trật tự” được ủy thác qua NHCSXH Nga Sơn. Được vay 55 triệu đồng, chị A. đã đầu tư mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa, ăn sáng. Đến nay, gia đình chị đã có thu nhập ổn định. Chị A. cho biết: "Tôi không có vốn, tìm việc làm tự do cũng không đơn giản. Nhiều lúc tôi cũng thấy rất buồn nhưng nhờ chính quyền địa phương, NHCSXH tin tưởng, tạo điều kiện mà giờ tôi đã có việc làm cho bản thân. Tuy thu nhập hằng ngày không nhiều, song tiết kiệm thì cũng đủ chi tiêu hàng ngày và dành dụm trả dần vốn vay”.

Ông Cù Minh Thanh, Giám đốc NHCSXH Nga Sơn, cho biết: Hiện nay, tại huyện Nga Sơn đã có gần 100 người chấp hành xong án phạt tù, được tạo điều kiện vay vốn sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định khi trở về địa phương. Đây là chủ trương, chương trình cho vay rất nhân văn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, nguồn vốn chính sách đã mang lại những thay đổi tích cực đối với cuộc sống người dân, kịp thời làm chỗ dựa cho người mới ra tù có cơ hội làm lại cuộc đời. Các trường hợp được vay đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích để đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt quy mô hộ gia đình, mở cửa hàng tạp hóa, bán hàng ăn uống... Phần lớn khách hàng đã hoàn trả vốn vay đúng quy định. Chính sách vay vốn còn giúp cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, tình nguyện viên ở cơ sở tiếp xúc dễ dàng, gần gũi hơn với nhóm yếu thế qua đó nhiều người đã chủ động liên hệ để được tư vấn, hỗ trợ thủ tục vay vốn. Thời gian tới, ngân hàng tiếp tục đấu mối với công an huyện, chính quyền địa phương để triển khai tốt chương trình, hướng dẫn hồ sơ thủ tục theo quy định tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận vốn vay này.

Phát huy những kết quả đạt được, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17-8-2023 quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ NHCSXH để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10-10-2023. Theo đó, đối tượng vay vốn gồm: người chấp hành xong án phạt tù; cơ sở sản xuất, kinh doanh (bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh) có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Mức vốn cho vay để đào tạo nghề tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù. Còn cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vốn cho vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở...

Trên thực tế, còn nhiều người sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có hoàn cảnh khó khăn và không có việc làm, nếu không có các biện pháp cảm hóa, giáo dục họ trở thành những người tốt, làm các công việc có ích cho gia đình và xã hội, thì nguy cơ tái phạm tội đối với nhiều người rất cao. Do đó, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ về mặt tinh thần, trợ giúp pháp lý... thì việc cung cấp nguồn vốn ưu đãi để người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện tham gia học nghề, tự tạo việc làm là giải pháp quan trọng để nhiều cuộc đời được mở sang trang mới. Đây cũng là cách góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

Bài và ảnh: Khánh Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]