(Baothanhhoa.vn) - Cánh đồng màu của thôn Đồng Đội, xã Nga Lĩnh (Nga Sơn) trước đây bà con nông dân chỉ trồng ngô thương phẩm, khoai lang, thậm chí nhiều thửa còn bị bỏ hoang do các hộ dân không có lao động, nên giá trị sản xuất đạt thấp. Thế nhưng, từ năm 2017, cánh đồng này đã được khoác lên một màu áo mới, đó là màu xanh của dưa hấu, hành, khoai lang và giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt khoảng 150 triệu đồng/ha/năm, tăng 70 triệu đồng/ha/năm so với năm 2015.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Để đất “chuyển mình”

Cánh đồng màu của thôn Đồng Đội, xã Nga Lĩnh (Nga Sơn) trước đây bà con nông dân chỉ trồng ngô thương phẩm, khoai lang, thậm chí nhiều thửa còn bị bỏ hoang do các hộ dân không có lao động, nên giá trị sản xuất đạt thấp. Thế nhưng, từ năm 2017, cánh đồng này đã được khoác lên một màu áo mới, đó là màu xanh của dưa hấu, hành, khoai lang và giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt khoảng 150 triệu đồng/ha/năm, tăng 70 triệu đồng/ha/năm so với năm 2015.

Để đất “chuyển mình”

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả kinh tế được chuyển đổi sang nuôi tôm theo hướng công nghiệp tại xã Hòa Lộc (Hậu Lộc).

Để đất “chuyển mình”, UBND và các tổ chức đoàn thể của xã đã phải trăn trở, họp bàn từ việc lựa chọn cây trồng phù hợp, đến việc phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân trong xã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Nga Lĩnh, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, chia sẻ: Để chuyển đổi được vùng đất trồng màu có diện tích gần 20 ha của thôn Đồng Đội là khá khó khăn. Sau khi tìm được một số loại cây trồng phù hợp, được sự chỉ đạo của UBND xã Nga Lĩnh, HTX đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con xã viên mạnh dạn chuyển đổi sang trồng những loại cây rau màu mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Thế nhưng, ban đầu đa phần các hộ dân đều từ chối. Vì vậy, HTX đã tiên phong chuyển đổi hơn 2 ha trồng ngô thương phẩm sang trồng dưa hấu, dưa lê. Vụ dưa đầu tiên trên vùng đất mới, quả nào cũng to, tròn, căng mọng, ngọt đậm vị của vùng biển. Vì thế, sản phẩm dưa của xã nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường, thương lái khắp nơi tìm về thu mua, hiệu quả kinh tế của diện tích trồng dưa cũng từ đó được nâng lên với thu nhập 220 triệu đồng/ha/vụ. Được mắt thấy, tai nghe về hiệu quả của mô hình, nên nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây rau màu phù hợp với điều kiện canh tác và nhu cầu của thị trường theo sự hướng dẫn, định hướng của xã.

Để bảo đảm hiệu quả kinh tế cho diện tích chuyển đổi, UBND xã còn chỉ đạo HTX phát huy tối đa vai trò là đơn vị kết nối giữa doanh nghiệp, cơ sở thu mua với các hộ dân, chủ động kêu gọi các doanh nghiệp, đại lý thu mua nông sản ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Vùng sản xuất muối rộng hơn 50 ha của xã Hòa Lộc (Hậu Lộc) đã từng là nơi mưu sinh của hàng trăm hộ dân, với hàng nghìn lao động trong xã. Thế nhưng, do biến động của thị trường đã khiến cho thu nhập từ cái nghề cơ cực ấy ngày càng giảm sút, không đủ để diêm dân trang trải cuộc sống, những lao động trụ cột cũng dần chuyển đổi sang nghề khác. Vì thế, cánh đồng sản xuất muối ngày càng thu hẹp, diện tích bỏ hoang cứ thế tăng dần.

Không đành lòng nhìn vùng đất đã từng là lợi thế của xã trong phát triển kinh tế bị bỏ hoang, được sự thống nhất của UBND huyện Hậu Lộc, năm 2016, UBND xã Hòa Lộc đã triển khai thực hiện chuyển đổi diện tích làm muối sang nuôi trồng thủy sản. Theo đó, xã đã vận động các hộ dân, nhất là các hộ có điều kiện kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên diện tích đất làm muối để nuôi trồng thủy sản, trong đó đối tượng con nuôi được ưu tiên là tôm thẻ chân trắng. Cùng với đó, xã phối hợp với các đơn vị chuyên môn để tập huấn kiến thức, kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản cho các hộ dân. Sự “mạo hiểm” nhưng đúng hướng của UBND xã Hòa Lộc và các hộ dân đã được đền đáp, khi mà lợi nhuận của mỗi ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghiệp đạt tới 500 - 700 triệu đồng/ha/vụ.

Hiệu quả kinh tế từ việc chuyển đổi đã giúp mô hình nhanh chóng được nhân rộng. Hiện, toàn xã đã có 14 hộ dân đã tham gia chuyển đổi diện tích làm muối sang nuôi trồng thủy sản, với tổng diện tích chuyển đổi là 12 ha. Trong đó, có 3 hộ đang phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGAP. Sự chuyển đổi không những giúp cho vùng đất nhiễm mặn được “hồi sinh”, mà còn có sự chuyển mình vượt bậc. Đời sống của nhiều hộ dân cũng theo đó có sự chuyển biến rõ rệt.

Thực tế từ các cánh đồng cho thấy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh những năm qua đã giúp cho hàng nghìn vùng đất sản xuất nông nghiệp tưởng chừng như đã “chết” được “hồi sinh”, “chuyển mình”. Điều này càng được minh chứng rõ khi mà từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi linh hoạt 410.200 ha đất trồng lúa, mía, lạc, sắn có năng suất, hiệu quả thấp sang trồng các loại cây đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Trên diện tích đã được chuyển đổi, hầu hết đều đạt hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2,5 đến 4 lần so với trước khi chuyển đổi. Một số diện tích được chuyển sang trồng các cây rau màu có giá trị hoặc sản xuất công nghệ cao còn đạt hiệu quả kinh tế cao gấp 8 đến 10 lần.

Ông Vũ Quang Trung, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, cho biết: Có nhiều yếu tố giúp cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh đạt được sự chuyển biến tích cực. Trong đó, việc tuân thủ nguyên tắc chuyển đổi linh hoạt và chỉ thực hiện chuyển đổi khi đạt hiệu quả kinh tế cao hơn là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh tế cho vùng được chuyển đổi. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện chuyển đổi, nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo lựa chọn được những cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất, trình độ canh tác của người dân, lại thu hút được doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, xuyên suốt cả quá trình thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, như: Việc chuyển đổi tại các địa phương vẫn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết vùng. Chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu, phần lớn sản phẩm chưa có thương hiệu, thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn ít. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là khi đưa vào sản xuất quy mô lớn hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn khó khăn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp mới chỉ tồn tại ở dạng mô hình và đa phần có sự bảo trợ của Nhà nước.

Để những vùng đất sản xuất nông nghiệp thực sự được chuyển mình mạnh mẽ, mang tính bền vững nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngành nông nghiệp và các địa phương cần chú trọng thực hiện các giải pháp tích tụ ruộng đất. Tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với chế biến nông sản, tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất.

Định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo nhu cầu thị trường

Để đất “chuyển mình”

Xác định thị trường là yếu tố quyết định đến hiệu quả kinh tế của cây trồng, vì vậy, trong quá trình thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện rà soát diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả kinh tế, phân tích nhu cầu của thị trường và đánh giá thực trạng, xu thế phát triển của các loại cây trồng. Trên cơ sở đó, sở đã đưa ra định hướng, khuyến cáo về các đối tượng cây trồng chuyển đổi có khả năng cạnh tranh, phù hợp với nhu cầu của thị trường để các địa phương làm căn cứ thực hiện.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả kinh tế cao trong quá trình chuyển đổi, chính quyền các địa phương cần nỗ lực thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Hướng dẫn, tạo điều kiện để nông dân liên kết với nhau thực hiện sản xuất các sản phẩm đã được định hướng, nhân rộng các mô hình sản xuất phù hợp với địa phương và thị trường. Về phía người dân, cần hợp tác với đơn vị chuyên môn và chính quyền địa phương trong việc điều chỉnh đối tượng cây trồng đưa vào sản xuất, phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Nguyễn Viết Thái

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Hình thành vùng sản xuất tập trung trong quá trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Để đất “chuyển mình”

Trong quá trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Yên Định luôn chú trọng gắn với việc phát triển sản xuất theo hướng chuyên canh, tạo ra vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Theo đó, cùng với việc giao chỉ tiêu thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo từng năm cho các xã, thị trấn, huyện đã định hướng cây trồng chủ lực trong quá trình chuyển đổi cho từng địa phương. Thực hiện chuyển đổi cây trồng theo vùng gắn với loại cây phù hợp để tạo ra diện tích sản xuất lớn.

Việc tạo vùng sản xuất tập trung trong quá trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp huyện xây dựng được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh, như: Vùng trồng cây ăn quả tại các xã: Yên Ninh, Yên Lâm, Yên Phú, Yên Trường, Yên Thọ, Yên Tâm, Định Bình, thị trấn Quán Lào, với diện tích gần 1.700 ha. Vùng trồng rau an toàn tại các xã: Yên Phong, Định Bình, Yên Thọ, Yên Trường, Định Hòa, thị trấn Quán Lào, với diện tích gần 40 ha. Vùng trồng các cây rau màu hàng hóa tại các xã: Qúy Lộc, Yên Tâm, Yên Giang, Yên Trung, Yên Ninh, Định Long, Định Hòa, Định Liên... Nhờ hình thành được các vùng sản xuất tập trung, nên huyện Yên Định đã thu hút được 12 doanh nghiệp đầu tư liên kết và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, với tổng diện tích cây trồng được liên kết lên tới hơn 4.000 ha mỗi năm.

Trịnh Xuân Qúy

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển

nông thôn, UBND huyện Yên Định

Thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm

Để đất “chuyển mình”

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong định hướng tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Thọ Xuân, những năm qua, xã Xuân Phú đã thực hiện rà soát diện tích trồng lúa, mía, sắn kém hiệu quả kinh tế để xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho từng năm và cả giai đoạn. Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc bà con nông dân chuyển đổi sang các cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao hơn theo định hướng của xã. Từ năm 2015 đến nay, xã đã chuyển đổi được 80 ha đất trồng lúa, mía, sắn kém hiệu quả kinh tế sang trồng các loại cây phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, như: Cây củ đậu, ổi, cam, bưởi, dưa Kim Hoàng hậu. Hiệu quả kinh tế của diện tích sau chuyển đổi cao gấp 2,5 đến 3 lần so với trước, những diện tích được chuyển sang trồng dưa Kim Hoàng hậu theo hướng công nghệ cao còn đạt hiệu quả kinh tế cao gấp 10 lần.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là ngoài diện tích được chuyển đổi sang trồng dưa Kim Hoàng hậu của Công ty TNHH trái cây sạch miền tây Fresh Fruit đầu tư sản xuất theo chuỗi; còn lại các diện tích được chuyển đổi khác chưa có doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, nên phải tiêu thụ qua thương lái, thiếu sự bền vững. Vì vậy, để diện tích chuyển đổi phát triển bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao, xã đang tập trung tiếp tục thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, tuyên truyền cho bà con nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và tiến tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của địa phương.

Lê Xuân Hướng

Chủ tịch UBND xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân

Hỗ trợ, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện kỹ thuật thâm canh

Để đất “chuyển mình”

Những năm qua, việc chuyển đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao hơn đã giúp nhiều hộ dân tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. Để việc chuyển đổi đạt hiệu quả kinh tế cao, buộc người dân phải đưa các loại cây trồng mới vào canh tác, tuy nhiên không ít hộ dân còn thiếu kinh nghiệm trong quá trình trồng và chăm sóc các loại cây trồng mới. Vì vậy, đề nghị chính quyền địa phương phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tăng cường công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật thâm canh cho bà con nông dân. Những vụ đầu tiên thực hiện chuyển đổi, cần cử cán bộ chuyên môn đồng hành cùng bà con nông dân thông qua việc kiểm tra thực tế và trực tiếp hướng dẫn việc trồng, chăm sóc từng loại cây theo đúng quy trình kỹ thuật. Đồng thời, thu hút doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch cho bà con nông dân, bảo đảm tính bền vững cho diện tích được chuyển đổi.

Lê Thị Mai

(Xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc)

Bài và ảnh: Hương Thơm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]