(Baothanhhoa.vn) - Vụ đông năm 2023, Thanh Hóa có diện tích gieo trồng 47.000 ha với các loại cây trồng chủ yếu là ngô, khoai và các loại rau màu. Để cây trồng vụ đông sinh trưởng, phát triển tốt, các đơn vị quản lý và khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp, đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng.

Đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng vụ đông

Vụ đông năm 2023, Thanh Hóa có diện tích gieo trồng 47.000 ha với các loại cây trồng chủ yếu là ngô, khoai và các loại rau màu. Để cây trồng vụ đông sinh trưởng, phát triển tốt, các đơn vị quản lý và khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp, đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng.

Đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng vụ đôngNhân dân xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa) lấy nước vào ruộng, chăm sóc cho cây trồng vụ đông năm 2023.

Công ty TNHH MTV Nam Sông Mã đảm nhận nhiệm vụ tưới cho 6.176 ha cây trồng vụ đông thuộc các huyện: Yên Định, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân và Ngọc Lặc. Trưởng Phòng Kế hoạch - Quản lý tưới tiêu Nguyễn Văn Tuân cho biết: Do vụ đông được sản xuất hoàn toàn vào thời điểm mùa khô, hạn, để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng vụ đông, công ty đã chỉ đạo các chi nhánh thủy lợi điều hòa, phân phối nguồn nước tiết kiệm, không để thất thoát nước hoặc lấy nước tràn lan gây lãng phí. Đồng thời, cắt cử cán bộ thay nhau trực 24/24 giờ tại đầu mối công trình để vận hành máy bơm, thực hiện mở nước theo yêu cầu của các địa phương. Lập lịch trình tưới luân phiên cho các kênh trong từng hệ thống tưới và công khai lịch tưới rộng rãi để người dân biết và thực hiện.

Để việc cấp nước phục vụ sản xuất được thuận lợi, hạn chế thất thoát nguồn nước tưới trong mùa khô, ngoài kiểm tra, bảo dưỡng, tu sửa máy móc, thiết bị tại các trạm bơm, công ty đã huy động lực lượng ra quân làm thủy lợi mùa khô, nạo vét, khơi thông toàn bộ ách tắc trên các tuyến kênh từ kênh liên huyện, liên xã. Đồng thời, giải tỏa ách tắc, xử lý lấn chiếm công trình tưới, tiêu. Đến thời điểm này, các địa phương thuộc đơn vị cung cấp nguồn nước đã thực hiện gieo trồng khoảng 68% diện tích (tương đương gần 4.200 ha). Diện tích gieo trồng này hiện đang được bà con nông dân ra đồng thực hiện chăm sóc.

Hoằng Hóa là địa phương có phong trào làm vụ đông khá của tỉnh, với diện tích khoảng 3.700 ha. Đến thời điểm này toàn bộ diện tích lúa mùa trong cơ cấu làm vụ đông của huyện đã được giải phóng xong. Bà con trong huyện đã thực hiện gieo trồng được khoảng 200 ha/3.700 ha ngô và các loại rau màu.

Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi huyện Hoằng Hóa, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Sông Mã Trần Hưng cho biết: Theo hợp đồng, chi nhánh có nhiệm vụ cung cấp nguồn nước tưới cho 2.972 ha cây trồng vụ đông của huyện Hoằng Hóa. Đảm bảo nguồn nước tưới cho số diện tích này, ngoài kiểm tra, tu sửa, bảo trì hệ thống máy bơm, phối hợp cùng chính quyền địa phương ra quân làm thủy lợi, khơi thông dòng chảy, chi nhánh còn chủ động lấy nước từ sông Mã cấp cho trạm bơm Hoằng Khánh. Từ trạm bơm đầu mối này, nước được đưa về hệ thống kênh cấp 1 rồi dẫn đến các trạm bơm nội đồng. Những xã nằm cuối kênh (thuộc vùng Đông Nam của huyện) thường khó khăn về nguồn nước, sẽ được ưu tiên cung cấp nước trước, sau mới đến diện tích thấp và gần. Việc điều tiết nước hợp lý, kịp thời giúp cho cây trồng vụ đông sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại hiệu quả cho bà con nông dân.

Thông tin từ Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa cho biết, nguồn nước phục vụ cho cây trồng vụ đông năm nay sẽ khó khăn hơn do mực nước ở nhiều hồ trên địa bàn xuống thấp so với cùng kỳ. Vì vậy, để bảo đảm nguồn nước cho cây trồng vụ đông, các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi kiểm tra, tính toán, cân đối nguồn nước, xây dựng kế hoạch tưới vụ đông. Trên tinh thần đó, vùng tưới bằng hồ đập, ngoài chú ý 100 hồ chứa không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm 2023, tiến hành tu bổ, sửa chữa, khắc phục, cần xây dựng và thực hiện phương án tích nước hợp lý cuối vụ để có nước phục vụ sản xuất.

Đối với vùng tưới bằng bơm điện, từ cuối tháng 10-2023 trở đi các đơn vị cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết để có kế hoạch trữ nước trong hệ thống ao hồ, kênh tiêu cuối mùa mưa để trữ nước. Mặt khác, phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, tổ chức giải tỏa các vi phạm công trình thủy lợi, khơi thông dòng chảy, đảm bảo khả năng dẫn nước thông suốt từ đầu mối đến mặt ruộng.

Được biết, vụ đông năm 2023 Thanh Hóa có kế hoạch gieo trồng cây vụ đông trên diện tích 47.000 ha, với các loại cây trồng chủ yếu như lạc, ngô, khoai lang, ớt và rau màu các loại. Tuy nhiên, do ảnh hưởng các đợt mưa lớn cuối tháng 9-2023 nhiều diện tích cây màu vụ đông bị ảnh hưởng, bà con nông dân đang tiến hành chắm dặm hoặc gieo trồng lại diện tích bị thiệt hại hoàn toàn. Đến thời điểm này nguồn nước phục vụ cho cây trồng vụ đông đảm bảo ổn định, giúp cây trồng được chăm sóc, phát triển tốt.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]