(Baothanhhoa.vn) - Có độ phủ rộng đến từng thôn, bản, Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, như: Phát triển được 292 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 1 sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia, đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm. Đồng thời, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã vươn ra thế giới, được thị trường, người tiêu dùng đánh giá cao. Tuy nhiên, phía sau những thành quả ấy, quá trình triển khai thực hiện đang bộc lộ những “điểm nghẽn”, lúng túng từ chính các địa phương và chủ thể sản xuất.

Chương trình OCOP - Động lực nâng tầm thương hiệu các sản phẩm thế mạnh (Bài 2): Vẫn còn những trăn trở...

Có độ phủ rộng đến từng thôn, bản, Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, như: Phát triển được 292 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 1 sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia, đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm. Đồng thời, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã vươn ra thế giới, được thị trường, người tiêu dùng đánh giá cao. Tuy nhiên, phía sau những thành quả ấy, quá trình triển khai thực hiện đang bộc lộ những “điểm nghẽn”, lúng túng từ chính các địa phương và chủ thể sản xuất.

Chương trình OCOP - Động lực nâng tầm thương hiệu các sản phẩm thế mạnh (Bài 2): Vẫn còn những trăn trở...Sản phẩm bánh đa Tân Châu, xã Tân Châu (Thiệu Hóa) được xem là một trong những sản phẩm tiền OCOP. Ảnh: P.V

Tin liên quan:
  • Chương trình OCOP - Động lực nâng tầm thương hiệu các sản phẩm thế mạnh (Bài 2): Vẫn còn những trăn trở...
    Bài 1: “Làn gió mới” trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn

    Sau 4 năm triển khai, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã đạt kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần quan tâm tháo gỡ để chương trình thực sự là “đòn bẩy” góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn.

Có thể khẳng định rằng Chương trình OCOP đã tạo nên “làn gió mới” cho khu vực kinh tế nông thôn. Song, không hẳn “làn gió” ấy đã lan tỏa tới hầu hết những vùng miền trong tỉnh. Về làng nghề mây tre đan Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa), có không ít những cơ sở sản xuất có quy mô không biết đến chương trình hoặc những quy định, thủ tục hiện hành đang gây khó cho đối tượng tham gia, khiến khoảng cách từ chính sách đến thực tế trong chương trình vẫn còn cách xa.

Bà Lê Thị Hồng, thôn Bình Tây trong xã là chủ hộ sản xuất sản phẩm mây tre đan có chất lượng cao ở địa phương, cho biết: “Tôi không nắm bắt được các thông tin về Chương trình OCOP. Mặc dù nghe các phương triện truyền thông đưa tin song không biết rõ muốn tham gia chương trình phải thực hiện những quy trình nào?”.

Không những hộ gia đình bà Hồng mà đa phần các hộ sản xuất, cơ sở thu mua sản phẩm mây tre đan tại xã Hoằng Thịnh đều khá thờ ơ với những thông tin về chương trình. Nguyên nhân được đưa ra là một phần không quan tâm, một phần cho rằng đó là chương trình phát triển nông sản, không liên quan đến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.

Chúng tôi khá bất ngờ khi một chương trình lớn, liên quan trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân và khu vực nông thôn lại gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) lại có những chủ thể không nắm rõ các quy định, thủ tục, lợi ích khi tham gia. Vậy nguyên nhân từ hạn chế trong tuyên truyền, phổ biến của địa phương hay lý do chủ quan từ người dân?

Làng nghề bánh đa xã Tân Châu (Thiệu Hóa) có truyền thống từ lâu đời và sản phẩm được thị trường, người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Tuy được huyện, tỉnh tuyên truyền và khuyến khích tham gia phát triển sản xuất theo chu trình OCOP để hướng tới phát triển thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh, song gần 4 năm “loay hoay”, bánh đa Tân Châu vẫn chưa được xướng tên trong danh sách sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ông Phan Xuân Hùng, tổ trưởng tổ quản lý Chương trình OCOP thuộc Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM, cho biết: “Ngay từ khi triển khai chương trình, làng nghề làm bánh đa xã Tân Châu được đánh giá có tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP. Với tiền đề có sẵn nghề truyền thống tuy nhiên do chưa liên kết được các hộ sản xuất thành tổ, nhóm sản xuất nên việc bảo hộ nhãn hiệu chưa được thực hiện. Chưa có sự liên kết giữa các hộ nên việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất chưa rõ rệt, sản lượng sản phẩm chưa cao dẫn đến việc mở rộng thị trường tiêu thụ khó".

Tìm hiểu tại xã Tân Châu, hầu hết các hộ đều sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ nên mặc dù UBND xã, các tổ chức đoàn thể thường xuyên tuyên truyền về Chương trình OCOP, song các chủ thể vẫn không mấy mặn mà. Bởi lẽ khi tham gia sản xuất và phát triển theo Chương trình OCOP cần có nhiều thời gian chuyển đổi, chi phí đầu tư cho sản phẩm lớn từ việc thiết kế bao bì, nhãn mác, đăng ký các tiêu chuẩn kỹ thuật...

Cùng với đó, khi làm sản phẩm OCOP chi phí nhiều thì giá bán sản phẩm sẽ tăng và điều này sẽ đặt ra một bài toán kinh doanh trong việc cạnh tranh sản phẩm với các đơn vị khác. Người tiêu dùng đôi khi vẫn chưa chấp nhận được mức giá cao hơn mức giá trung bình với sản phẩm cùng loại. Anh Nguyễn Trọng Thọ, thôn Thọ Sơn 1, xã Tân Châu, chủ thể sản xuất sản phẩm cơm cháy Ánh Dương, cho biết: Cơ sở của gia đình đã xây dựng và phát triển thành công sản phẩm cơm cháy Ánh Dương trở thành sản phẩm OCOP 3 sao. Tuy nhiên, một trong những yêu cầu quan trọng đạt OCOP là đáp ứng bộ tiêu chí chấm điểm sản phẩm theo Quyết định 1048/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đòi hỏi sản phẩm OCOP phải được xây dựng khá toàn diện từ chất lượng, tiếp thị, tổ chức sản xuất, sức mạnh cộng đồng... với những thang điểm chuẩn, cụ thể. Ngoài ra, các thủ tục pháp lý khi tham gia chương trình vẫn rườm rà, chưa cụ thể; trường hợp các chủ thể tham gia OCOP phải làm đi làm lại hồ sơ là điều không hiếm, gây mất thời gian, công sức, chi phí. Chính vì vậy đã có nhiều ý kiến trái chiều rằng, mức hỗ trợ một lần 75 triệu đồng/sản phẩm OCOP được quy định tại Nghị quyết số 185/NQ-HĐND ngày 10-12-2021 của HĐND tỉnh cũng chỉ đủ chi phí trang trải quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý để tham gia chương trình?! Vậy, chi phí đổi mới thiết kế mẫu mã, mua bao bì, nhãn mác hàng hóa, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và quảng bá, tuyên truyền cho sản phẩm sau khi được công nhận lại trở thành “gánh nặng” bắt buộc nếu không muốn nói là “vượt sức” đối với những hộ sản xuất, cơ sở nhỏ lẻ?!

Chương trình OCOP - Động lực nâng tầm thương hiệu các sản phẩm thế mạnh (Bài 2): Vẫn còn những trăn trở...Nghề mây tre đan xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) được xác định có tiềm năng để phát triển các sản phẩm OCOP. Ảnh: P.V

Phải khẳng định rằng, hơn 80% sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa đều tồn tại ở quy mô nhỏ lẻ, nhiều sản phẩm OCOP mang tính thời vụ, chưa qua chế biến nên thời gian bảo quản, sử dụng ngắn, khó mở rộng được thị trường tiêu thụ. Đơn cử như sản phẩm dưa hấu Đồng Quê của HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Thắng (Hoằng Hóa) được đánh giá cao vì có độ ngọt đậm, hương vị thanh mát, tự nhiên và sản xuất theo quy trình chuẩn theo bộ tiêu chí OCOP. Tuy nhiên, sản phẩm chỉ được sản xuất ở một thời gian nhất định trong năm (từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm) nên việc khan hiếm sản phẩm thường xuyên diễn ra. Chị Nguyễn Thị Nhàn, chủ cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP Siêu thị Momo Mart, cho biết: Sản phẩm OCOP 3 sao dưa hấu Đồng Quê được người tiêu dùng lựa chọn, tiêu thụ khá nhiều bởi hương vị thơm ngon, giá thành rẻ và tính an toàn. Tuy nhiên, trong mùa hè – mùa chính vụ sản xuất dưa hấu thì sản lượng rất lớn dẫn đến việc khó cạnh tranh về giá với những sản phẩm cùng loại. Nhưng ngoài thời vụ sản xuất thì sản phẩm hoàn toàn vắng mặt trên thị trường. Vì vậy, nếu sản phẩm không thay đổi quy trình, công nghệ để sản xuất quanh năm thì sẽ tạo ra những “khoảng trống” trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ, khiến người tiêu dùng dần lãng quên sản phẩm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số địa phương tuy có nhiều sản phẩm truyền thống, lợi thế nhưng chưa biết tận dụng, phát huy và có chiến lược cụ thế để chuẩn hóa sản phẩm theo chu trình OCOP. Vì vậy, sau 4 năm vẫn chỉ có 1 - 2 sản phẩm OCOP với mức độ trung bình, chưa thể hiện rõ rệt tiềm năng nâng sao trong tương lai. Về vấn đề này, tổ quản lý Chương trình OCOP cho rằng sự trì trệ, thiếu năng nổ của cấp huyện, xã cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến chương trình chậm lan tỏa đến người dân và hạn chế sự phát triển của sản phẩm.

Trong nhiều hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đều nhấn mạnh rằng, bên cạnh những địa phương tích cực, năng nổ tham gia chương trình và phát triển được số lượng sản phẩm lớn, chất lượng thì còn một số địa phương chưa chủ động vào cuộc hoặc phát triển sản phẩm cho có, chưa biết dựa vào lợi thế, thế mạnh của sản phẩm đặc trưng để phát triển... Một vấn đề đặt ra khác là hiện tượng trong bộ sản phẩm của tỉnh có nhiều sản phẩm tương đồng, chưa có nhiều khác biệt với những sản phẩm cùng loại. Đơn cử nhất là có quá nhiều sản phẩm dưa vàng Kim Hoàng hậu và mật ong, chỉ khác nhau ở tên gọi. Còn nhiều sản phẩm OCOP mang tính thời điểm, hết thời vụ thì vắng bóng trên thị trường. Hoặc, sản phẩm được công nhận OCOP song tính ứng dụng, hiệu quả và sự lan tỏa chưa cao, chưa làm đổi thay diện mạo trong sản xuất, kinh doanh...

Thực tế cho thấy, trong giai đoạn 4 năm vừa qua, các địa phương chủ yếu khai thác các sản phẩm có sẵn, chưa có nhiều sản phẩm mới có chất lượng vượt trội. Do đó để Chương trình OCOP phát triển thông suốt, hiệu quả thì ở giai đoạn tiếp theo, các địa phương cần tích cực, chủ động hơn, phải đi vào chiều sâu, tiếp tục khai thác, phát triển thêm sản phẩm mới. Giai đoạn này cần khuyến khích người dân sáng tạo, phấn đấu; đồng thời sàng lọc hỗ trợ các chủ thể đã có sản phẩm OCOP phát triển, tăng năng lực kinh doanh, tính minh bạch và khả năng bứt phá cho sản phẩm.

Nhóm PV Kinh tế

Bài cuối: Để chương trình OCOP là “đòn bẩy” phát triển kinh tế nông thôn.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]