(Baothanhhoa.vn) - Bản chất của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là đánh thuế người có thu nhập cao nhằm điều tiết chênh lệch giàu, nghèo và đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay do quy luật của sự phát triển và biến động của thị trường... việc đóng thuế TNCN theo quy định tại thời điểm không còn phù hợp, khiến người nộp thuế (từ tiền lương, tiền công của cá nhân) phải “thắt lưng buộc bụng”...

Cần điều chỉnh bất cập trong Luật Thuế thu nhập cá nhân để “nuôi dưỡng” nguồn thu

Bản chất của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là đánh thuế người có thu nhập cao nhằm điều tiết chênh lệch giàu, nghèo và đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay do quy luật của sự phát triển và biến động của thị trường... việc đóng thuế TNCN theo quy định tại thời điểm không còn phù hợp, khiến người nộp thuế (từ tiền lương, tiền công của cá nhân) phải “thắt lưng buộc bụng”...

Cần điều chỉnh bất cập trong Luật Thuế thu nhập cá nhân để “nuôi dưỡng” nguồn thuCán bộ Phòng Quản lý hộ kinh doanh, cá nhân và thu khác (Cục Thuế tỉnh) kiểm tra các văn bản hỗ trợ người dân nộp thuế TNCN. Ảnh: Lê Hà

Những bất cập

Thuế TNCN là khoản tiền mà người có thu nhập phải trích nộp từ tiền lương hoặc từ các nguồn thu khác (làm thêm, phụ cấp...) vào ngân sách Nhà nước sau khi đã được giảm trừ. Mức giảm trừ cho người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng, số còn lại được tính đóng thuế TNCN. Thu nhập tính thuế hằng tháng có 7 bậc với các mức thuế suất từ 5 - 35%. Cụ thể, thuế suất của thu nhập bằng hoặc dưới 5 triệu đồng là 5%, hơn 5 triệu đến 10 triệu đồng là 10%, trên 10 triệu đến 18 triệu đồng là 15%, trên 18 triệu đến 32 triệu đồng là 20%, trên 32 triệu đến 52 triệu đồng là 25%, trên 52 triệu đến 80 triệu đồng là 30% và trên 80 triệu đồng là 35%. Căn cứ vào mức giảm trừ và các bậc tính thuế hàng tháng, người đóng thuế TNCN quan tâm nhất 3 bất cập lớn không còn phù hợp với thực tế, đó là: Mức giảm trừ gia cảnh; khoảng cách giữa các bậc tính thuế và một số khoản chưa được đưa vào để tính giảm trừ gia cảnh.

Đối với mức giảm trừ gia cảnh, hiện tại người nộp thuế được giảm trừ 11 triệu đồng, người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/người. Theo tìm hiểu của chúng tôi với những người nắm giữ “tay hòm chìa khóa” của gia đình, thì chi tiêu thực tế cho một người phụ thuộc không ít hơn so với chính bản thân người nộp thuế do phát sinh chi phí lớn như y tế, giáo dục... Hầu hết mức chi thực tế cho một người phụ thuộc thường vượt 20 đến 30% mức giảm trừ.

Chị Hoàng Thị Dung ở phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) cho biết: Ngoài các khoản sinh hoạt tối thiểu, gia đình tôi và nhiều gia đình khác còn phải chi nhiều khoản không có trong mục giảm trừ gia cảnh như làm xa nhà, thuê nhà trọ, tiền thuốc, điều trị bệnh không có trong danh mục được thanh toán BHXH...

Nhiều ý kiến khác của người nộp thuế TNCN cho rằng: Vài năm gần đây do đại dịch COVID-19 giá nhiên liệu tăng, rồi lạm phát... Cùng với đó, có rất nhiều khoản tiền khác phải chi không được tính giảm trừ mặc dù có hóa đơn, trong khi mức giảm trừ gia cảnh và mức đóng thuế TNCN vẫn giữ nguyên là không hợp lý. Nhiều gia đình nhìn bề nổi có tổng thu nhập khá, nhưng phải tính toán chi tiêu eo hẹp vì nhiều khoản không có trong mục giảm trừ gia cảnh. Hơn nữa, khoảng cách giữa các bậc tính thuế suất lại quá gần, chỉ cách nhau từ 5 triệu, 10 triệu đồng/bậc khiến những người đóng thuế TNCN phải “thắt lưng buộc bụng”.

Sửa đổi để "nuôi dưỡng" nguồn thu

Nộp thuế là trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân. Nâng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế sẽ giúp tái tạo sức lao động và cải thiện chất lượng bữa cơm của mỗi gia đình. Luật Thuế TNCN hiện hành quy định trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Nhưng thực tế, chờ CPI tăng 20% là quá lâu. Với những người đóng thuế TNCN, giá cả chỉ cần biến động khoảng 10% đã ảnh hưởng rất nhiều đến chi tiêu hằng ngày do nhu cầu thiết yếu về hàng hóa, dịch vụ.

Cần điều chỉnh bất cập trong Luật Thuế thu nhập cá nhân để “nuôi dưỡng” nguồn thuĐiểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng của Agribank tại xã Thúy Sơn (Ngọc Lặc) phục vụ người dân vay vốn, phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 11 triệu đồng lên cao hơn, thậm chí thành 18 - 20 triệu đồng/tháng; nâng mức giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 6 - 8 triệu đồng/tháng, nhằm kéo dài “tuổi đời” cho Luật Thuế TNCN trước những biến động của thị trường và quy luật của sự phát triển, để Luật Thuế TNCN không nhanh bị “lạc hậu” và theo sát được biến động thực tế cuộc sống hơn.

Từ ngày 1-7-2023, Nhà nước thực hiện tăng lương cơ sở từ 1.490 ngàn đồng lên 1.800 ngàn đồng, mỗi người tăng ít nhất hơn 700 ngàn đồng/tháng trở lên, tùy theo hệ số thang bậc lương và phần trăm các khoản phụ cấp. Do đó, nhiều người trước đây “ngấp nghé ngưỡng” phải nộp thuế TNCN thì nay khả năng cao phải đóng thuế TNCN. Nhưng khả năng cùng với việc tăng lương cơ sở giá cả sẽ leo thang. Nghĩa là sẽ có thêm nhiều người phải nộp thuế TNCN, nhưng chất lượng cuộc sống không được cải thiện là bao.

Mặc dù Nhà nước đã hiệu chỉnh mức thuế TNCN đối với đối tượng nộp thuế qua các năm 2009, giảm trừ đối với người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng; mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng. Năm 2012 tăng mức giảm trừ đối với người nộp thuế lên 9 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc 3,6 triệu đồng/tháng. Năm 2020 tăng mức giảm trừ người nộp thuế lên 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng nhưng tại thời điểm thực hiện này vẫn thấp. Cùng với thông tin lương cơ sở tăng, biến động thị trường, mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế TNCN vẫn giữ nguyên, chưa có sự điều chỉnh khiến nhiều người nộp thuế càng băn khoăn hơn.

Luật sư Đoàn Bá Nghĩa, Công ty TNHH Luật Ninh Hoàng Gia cho biết: Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đang chuẩn bị lấy ý kiến người dân về sửa đổi Luật Thuế TNCN, dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ X (khoảng tháng 10-2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (khoảng tháng 5-2026), tức là 3 năm nữa Luật Thuế TNCN mới được thông qua trong khi nền kinh tế thường xuyên biến động làm cho nhiều quy định lỗi thời, không còn phù hợp.

Phó trưởng Phòng Quản lý hộ kinh doanh, cá nhân và thu khác, Cục Thuế tỉnh Nguyễn Hữu Tình cho biết: Mức giảm trừ gia cảnh chỉ phù hợp tại thời điểm nhất định so với thực tế chi tiêu sinh hoạt và không còn phù hợp nhất là ở các đô thị. Nếu chậm điều chỉnh, người phải đóng thuế TNCN chịu nhiều áp lực nộp thuế trước những biến đổi của thị trường.

Thuế TNCN là một trong những sắc thuế đóng góp lớn cho thu ngân sách Nhà nước hằng năm, chiếm khoảng 10% tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước và chỉ xếp sau hai sắc thuế trụ cột của nền kinh tế là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng (VAT). Tại Thanh Hóa, theo thống kê của Cục Thuế tỉnh, năm 2021 thuế TNCN đạt 821 tỷ đồng; năm 2022 đạt 1.341 tỷ đồng; 4 tháng đầu năm 2023 đạt 409 tỷ đồng. Dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 và biến động của giá cả thị trường, nhưng số thu từ thuế TNCN năm sau vẫn tăng hơn năm trước. Theo lý giải của Phòng Nghiệp vụ - Dự toán - Pháp chế, Cục Thuế tỉnh, nguồn tăng này chủ yếu do giao dịch bất động sản và lũy kế của năm trước. Để quyền lợi người tiêu dùng được bảo đảm, Nhà nước cần sớm xem xét sửa Luật Thuế TNCN, nhằm hỗ trợ kịp thời người nộp thuế cũng như nuôi dưỡng nguồn thu vào ngân sách Nhà nước, đáp ứng nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội và thu hút chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại các khu công nghiệp, dự án lớn... thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.

Bài và ảnh: Lê Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]