Kiến tạo hành lang pháp lý, lan tỏa quyết tâm vươn mình
Nghiêm túc, trí tuệ và dân chủ thực chất, Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh khóa XVIII đã thảo luận, quyết nghị nhiều cơ chế, chính sách, tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, tạo cơ sở hành lang pháp lý để phát triển. Kỳ họp còn là sự lan tỏa quyết tâm bứt phá vượt qua “ngưỡng cửa” năm 2025, hòa cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Đại biểu HĐND tỉnh thông qua nghị quyết tại Kỳ họp thứ 24. (Ảnh: Minh Hiếu).
Khoa học và linh hoạt
Là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do vậy qua mỗi kỳ họp, HĐND tỉnh Thanh Hóa đều chuẩn bị bài bản, công phu, chú trọng đổi mới để không ngừng nâng cao chất lượng nội dung, chương trình. Thành công của kỳ họp là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, song cần khẳng định cách thức tổ chức và điều hành khoa học của chủ tọa là yếu tố quyết định. Để kỳ họp đi đúng những vấn đề, nội dung đã được chuẩn bị, đòi hỏi chủ tọa phải điều hành một cách khoa học, bài bản và linh hoạt. Điều đó không chỉ giúp hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp với khối lượng công việc lớn, mà còn mở hướng cho các đại biểu trong quá trình thảo luận toàn diện các vấn đề, chất vấn, phản biện có trọng tâm, trọng điểm, thỏa mãn sự mong mỏi, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân. Điều này đã được đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh khi phát biểu khai mạc kỳ họp.
Thực tế 2,5 ngày diễn ra Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh khóa XVIII cho thấy, sự điều hành linh hoạt của chủ tọa đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng, dẫn dắt để các vấn đề, các nội dung được đưa ra bàn thảo đi đến thống nhất cao. Ví như việc điều hành phiên thảo luận, chủ tọa luôn có sự gợi mở để các đại biểu đánh giá khách quan, toàn diện thành quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đồng thời tập trung hoạch định những đường hướng mới cho năm 2025. Hay như phiên chất vấn, chủ tọa kỳ họp luôn định hướng để các đại biểu HĐND tỉnh nêu câu hỏi ngắn gọn, tập trung vào nội dung chất vấn, đồng thời đề nghị người trả lời chất vấn phải đi thẳng vào trọng tâm câu hỏi mà đại biểu nêu, làm rõ thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm, lộ trình khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Đại biểu HĐN tỉnh tham gia kỳ họp. (Ảnh: Minh Hiếu)
Một điểm nhấn khác trong đổi mới công tác tổ chức, là kỳ họp lần này, HĐND tỉnh tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kỳ họp không giấy tờ thông qua sử dụng phầm mềm VNPT e-Cabinet. Vì thế, các báo cáo, tờ trình được trình bày một cách tóm tắt, ngắn gọn để các đại biểu dành nhiều thời gian nghiên cứu, thảo luận, đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Không “tô hồng” thành tựu, không “bôi đen” hạn chế
Đúng như tinh thần được đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên nêu tại phiên khai mạc kỳ họp, trong phiên thảo luận, các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trí tuệ, trọng tâm vào báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh theo hướng không “tô hồng” thành tựu, nhưng cũng không “bôi đen” hạn chế.
Năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Thanh Hóa đã đạt được kết quả hết sức ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh với nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt xa so với kế hoạch và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Trong đó, nổi bật nhất là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cán mốc 12,16%, vượt mục tiêu đề ra và đứng thứ 2 cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt 54.341 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và trong nhóm 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước... Cùng với “chân kiềng” là công nghiệp - nông nghiệp - du lịch, nhiều chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội cũng đã xác lập những con số rất đáng tích cực. Bày tỏ sự phấn khởi trước những kết quả đó, nhiều đại biểu cho rằng, thành quả ấy sẽ tạo nền tảng vững chắc để Thanh Hóa hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2025 - năm về đích nhiều chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đoàn Chủ tọa kỳ họp. (Ảnh: Minh Hiếu)
Kỳ họp ghi nhận sự thẳng thắn, khách quan, công tâm của nhiều đại biểu khi nói thẳng, nói thật và nói trúng vào những tồn tại, hạn chế, có mặt yếu kém cần sớm tập trung khắc phục. Liên quan đến lĩnh vực công nghiệp, đại biểu Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và đại biểu Ngô Đình Hùng, Cục trưởng Cục thuế Thanh Hóa đề cập đến tiến độ triển khai chậm, dẫn đến “bức tranh” hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn dang dở, thiếu mặt bằng để thu hút các dự án đầu tư. Đại biểu Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nêu lên “điểm nóng” và mối quan tâm lớn nhất đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư hiện nay là tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nguyên vật liệu, gây khó khăn cho các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đối với lĩnh vực giáo dục, đại biểu Hà Thị Hương, Bí thư Huyện ủy Quan Hóa đi sâu phân tích những khó khăn trong việc thu hút giáo viên và người lao động công tác tại các huyện miền núi cao, vùng dân tộc thiểu số, nhất là tại địa bàn các huyện miền núi không còn xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn). Bởi khi ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, cán bộ, giáo viên công tác tại những xã này không còn được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước, ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập. Do đó, nhiều cán bộ, giáo viên công tác lâu năm đã xin chuyển công tác về miền xuôi, thậm chí xin ra khỏi ngành. Thực trạng này đã dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở các huyện miền núi trong năm học 2024-2025... Từ đó, đại biểu đã kiến nghị giải pháp khắc phục.
Đây là những ý kiến, kiến nghị rất chính đáng, nhằm giải quyết những yêu cầu thực tiễn đặt ra, vừa đảm bảo thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vừa đảm bảo phục vụ tốt hơn đời sống và sinh hoạt của Nhân dân
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, tâm huyết và trách nhiệm, các đại biểu HĐND tỉnh đã mang đến kỳ họp một lượng thông tin phong phú, mang đậm tính thực tiễn được ghi nhận từ chính quá trình vận hành, chuyển động, phát triển của ngành mình, địa phương mình.
Thành công trên nhiều phương diện
Một thành công nổi bật khác của Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh khóa XVIII là phiên chất vấn và trả lời chất vấn được đại biểu đồng tình, cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh đã chất vấn đối với Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư trực tiếp, nhất là các dự án có quy mô lớn, trọng điểm của tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra; chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất, do chăn nuôi còn xảy ra ở một số địa phương; tình trạng quá tải tại nhiều bãi rác trên địa bàn tỉnh, tiến độ triển khai các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn chậm và chất vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm một số vấn đề liên quan đến chuyển đổi số và xử lý thông tin sai lệch, tin giả trên các phương tiện truyền thông. Đây là những vấn đề có tính nổi cộm, được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm kiến nghị trong các lần tiếp xúc cử tri, cần được quan nhân diện “mổ xẻ” thỏa đáng.
Với tinh thần, trách nhiệm cao trước cử tri và Nhân dân, đại biểu HDND tỉnh đã đặt nhiều câu hỏi xoáy sâu để làm rõ tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bản chất cốt lõi của những tồn tại, hạn chế làm cơ sở để giải pháp căn cơ cho các vấn đề được đưa ra chất vấn. Trong đó, vấn đề một số dự án đầu tư trực tiếp, nhất là dự án có quy mô lớn, trọng điểm của tỉnh còn chậm và tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất, do chăn nuôi còn xảy ra ở một số địa phương; tiến độ triển khai các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn chậm, đã thu hút nhiều đại biểu đặt câu hỏi nhất.
Truy đến cùng tồn tại, bất cập, đại biểu đã kiến nghị những “tư lệnh” ngành trả lời làm rõ trách nhiệm của từng ngành, địa phương, đơn vị có liên quan. Như trong câu chuyện giao các cơ quan phụ trách đôn đốc triển khai một số dự án lớn, đại biểu Đỗ Ngọc Duy (Tổ đại biểu huyện Thiệu Hóa) đã đặt câu hỏi đối với Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa rằng: Để xảy ra tình trạng chậm tiến độ thì trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị được phụ trách đến đâu và liệu giải pháp giao cho các sở, ngành có liên quan phụ trách đốc thúc tiến độ các dự án có còn phù hợp với thực tiễn?. Hay vấn đề ô nhiễm môi trường, nhiều đại biểu thẳng thắn đặt câu hỏi truy đến cùng tình trạng các dự án nhà máy xử lý rác thải tại huyện Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn bị chậm tiến độ nhiều năm... Phiên chất vấn còn nhận được nhiều câu hỏi của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp. Như cử tri tại huyện Nông Cống đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm rõ việc xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường đối với Trang trại chăn nuôi bò sữa tại xã Yên Mỹ...
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND tỉnh khóa XVIII tại kỳ họp thứ 24 diễn ra thành công trên nhiều phương diện. Các vấn đề chất vấn được lựa chọn đều là những vấn đề nổi cộm, được dư luận và cử tri quan tâm. Câu hỏi chất vấn của đại biểu đều đi trọng tâm vào vấn đề. Người trả lời chất vấn đã đi đúng trọng tâm nội dung câu hỏi, không đùn đẩy, không né tránh trách nhiệm. Cách điều hành của đoàn chủ tọa linh hoạt, tạo sự gần gũi giữa đại biểu, người trả lời chất vấn và người điều hành
Trong phần trả lời chất vấn, với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, không đùn đẩy, không né tránh, giám đốc các sở và đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời rõ ràng, đúng trọng tâm câu hỏi. Trong đó, đã đi sâu phân tích nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương có liên quan, cũng như nhận phần trách nhiệm của ngành mình. Đồng thời đề ra các giải pháp và kiến nghị sự đồng thuận, vào cuộc của các sở, ngành, địa phương và Nhân dân trong tỉnh để khắc phục triệt để các vấn đề được nêu.
Ngoài phần trả lời của của giám đốc các sở, chủ tọa kỳ họp đã đề nghị lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương có liên quan trả lời làm rõ hơn câu hỏi của đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại hội trường, cũng như ý kiến của cử tri và Nhân dân trong tỉnh gửi về kỳ họp.
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu, cử tri và Nhân dân.
Theo ông Đinh Viết Ba, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàm Rồng: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND tỉnh khóa XVIII tại kỳ họp thứ 24 diễn ra thành công trên nhiều phương diện. Các vấn đề chất vấn được lựa chọn đều là những vấn đề nổi cộm, được dư luận và cử tri quan tâm. Câu hỏi chất vấn của đại biểu đều đi trọng tâm vào vấn đề. Người trả lời chất vấn đã đi đúng trọng tâm nội dung câu hỏi, không đùn đẩy, không né tránh trách nhiệm. Cách điều hành của Đoàn Chủ tọa linh hoạt, tạo sự gần gũi giữa đại biểu, người trả lời chất vấn và người điều hành. Tất cả đã tập trung xoáy sâu, làm rõ, đi đến cùng vấn đề được đưa ra chất vấn, đáp ứng niềm mong mỏi của cử tri và Nhân dân trong tỉnh.
“Cởi trói” vướng mắc để bước vào kỷ nguyên mới
Tại kỳ họp, với tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao trước cử tri và Nhân dân trong tỉnh, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số kiến nghị đại biểu quan tâm kiến nghị tại kỳ họp. Đồng chí nhấn mạnh: “Đây là những ý kiến, kiến nghị rất chính đáng, nhằm giải quyết những yêu cầu thực tiễn đặt ra, vừa đảm bảo thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vừa đảm bảo phục vụ tốt hơn đời sống và sinh hoạt của Nhân dân”.
Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, cử tri và Nhân dân trong tỉnh.
Quang cảnh kỳ họp.
Báo cáo trước HĐND tỉnh về 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác chỉ đạo, điều hành, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nêu rõ: Nhiệm vụ năm 2025 đặt ra là hết sức nặng nề và có ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương phải tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, năng động, đổi mới, sáng tạo, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm; phấn đấu hoàn thành thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra, vững bước cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới.
Tại Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh khóa XVIII đã thảo luận và thông qua 38 nghị quyết tạo nền tảng cơ chế, hành lang pháp lý để tỉnh tăng tốc bứt phá phát triển trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Trong số này, có những nghị quyết đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các địa phương phát triển. Mà một trong số đó là những nghị quyết về điều chỉnh Bảng giá các loại đất thời kỳ 2020 - 2024, hay nghị quyết về Danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh... Bởi, sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực (từ 1/7), bảng giá đất cũ đã không còn phù hợp, đã gây vướng mắc pháp lý trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất ở nhiều địa phương. Nhiều mặt bằng quy hoạch đã hoàn thành hạ tầng, nhưng không thể tổ chức đấu giá do vướng cơ sở xác định giá đất. Trong đó, tại huyện Thạch Thành có 3 mặt bằng quy hoạch, huyện Thường Xuân còn 2 mặt bằng quy hoạch... Những nghị quyết trên ra đời, không những gỡ khó cho nguồn thu mà còn thúc đẩy thị trường bất động sản, tăng thu ngân sách của tỉnh.
Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu bế mạc kỳ họp.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh đã sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số nghị quyết không còn phù hợp. Như sửa đổi một số điều của Nghị quyết số 17/2024/NQ-HĐND quy đinh chính sách tiền ăn thêm đối với một số nhóm đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các đơn vị do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý; bổ sung chế độ, chính sách đối với trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Làng Trẻ em SOS Thanh Hóa. Hay bãi bỏ Nghị quyết số 26/NQ-HĐND quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc danh mục do Quỹ BHYT thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc tỉnh Thanh Hóa quản lý...
Toàn thể cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh hãy phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh đã thành công trên nhiều phương diện, cả về nội dung, cách thức tổ chức điều hành linh hoạt, sáng tạo, trí tuệ, tinh thần, trách nhiệm cao của đại biểu trước yêu cầu thực tiễn đặt ra trong hành trình phát triển đi lên của tỉnh. Thông qua lần giám sát trực tiếp này vừa khẳng định vai trò cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của tỉnh, quyền và trách nhiệm của từng đại biểu HĐND tỉnh, cũng như trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan hành chính đối với những vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm.
Năm 2025 - năm bứt phá về đích các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Kỳ họp lần thứ 24 của HĐND tỉnh đã kiến tạo một hành lang rộng mở. Vấn đề còn lại là ở sự quyết tâm xốc tới, làm thật, với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Trong phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thu Vui - Đỗ Đức
{name} - {time}
-
2025-01-18 08:00:00
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 18/1/2025
-
2025-01-18 07:00:00
[Góc nhìn]: Hạnh phúc cho số đông
-
2024-12-14 11:44:00
Chủ tịch nước: Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ
Thủ tướng: Khẩn trương triển khai phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn
Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII: Biểu quyết thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng và bế mạc kỳ họp
NVIDIA chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam với cam kết đầu tư hơn 4 tỷ USD
Chủ động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (*)
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn: 8 nhiệm vụ trọng tâm để tăng tốc, bứt phá
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 14/12/2024
Góc nhìn: Phải xong trước Tết
Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng 14/12