(Baothanhhoa.vn) - “Chúng ta cần thống nhất quan điểm: Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu” (cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).

Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Bài 2): Cuộc chiến chống “giặc nội xâm”

“Chúng ta cần thống nhất quan điểm: Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu” (cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).

Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Bài 2): Cuộc chiến chống “giặc nội xâm”Hội nghị công bố kế hoạch, quyết định kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Ảnh: Quốc Hương

Nhận diện nguy cơ

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo kiệt xuất, người đã cống hiến trọn cuộc đời cho dân tộc Việt Nam - vẫn luôn trăn trở khát vọng dựng xây đất nước hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân no ấm, hạnh phúc. Ông đã nhiều lần nhấn mạnh, muốn đạt được mục tiêu lớn đó thì đối nội và đối ngoại phải ví như hai cánh của một con chim, để tạo thế và lực cho đất nước phát triển. Về đối nội, cùng với việc hoạch định các chủ trương, đường lối mang tầm chiến lược để lãnh đạo công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; thì đấu tranh PCTNTC là một nhiệm vụ hệ trọng, cần được tiến hành một cách quyết liệt, không ngừng, không nghỉ.

Từ hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII và Đại hội VIII, Đảng ta đã xác định, cần đặc biệt quan tâm đến tình trạng quan liêu, suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang diễn ra phức tạp hơn, phổ biến hơn, tinh vi hơn và nghiêm trọng hơn. Trong đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, sự vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, kỷ cương, kỷ luật lỏng lẻo... đang làm yếu đi sức chiến đấu của Đảng, làm suy giảm lòng tin trong Nhân dân. Do vậy, Đảng phải tiếp tục tự chỉnh đốn triệt để hơn, kiên quyết hơn, nhằm giải quyết những vấn đề vừa cấp bách, vừa cơ bản trong xây dựng Đảng. Từ đó, tạo ra một bước chuyển biến thật sự trong việc ngăn chặn và đẩy lùi một bước quan trọng tình trạng suy thoái, trước hết về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; củng cố sự kiên định về mục tiêu lý tưởng cách mạng, tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động... Đây là vấn đề sống còn của Đảng, của chế độ ta.

Từ quan điểm đó, công tác PCTNTC dưới sự lãnh đạo của Đảng đã có những bước tiến quan trọng. Nếu như trước đây, PCTNTC chú trọng chủ yếu đến tác hại trước mắt về vật chất (kinh tế, tiền bạc); thì hiện nay tác hại tiềm ẩn, khôn lường của tham nhũng, tiêu cực đã được nhìn rõ hơn, đó là làm hư hỏng, mất cán bộ, mất niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và cuối cùng là có thể mất chế độ như đã từng xảy ra trong thực tiễn lịch sử trên thế giới. Do đó, chống tham nhũng, lãng phí không chỉ chủ yếu tập trung vào các hành vi tham ô, chiếm đoạt, nhận hối lộ, đưa hối lộ, làm thất thoát tài sản Nhà nước..; mà phạm vi đấu tranh đã được mở rộng hơn. Đó là không chỉ phòng, chống tham nhũng, lãng phí mà còn gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Bởi nguyên nhân sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao. Vì vậy, phòng, chống từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc tình trạng tham nhũng, trước hết và quan trọng hơn cả là phải chấn chỉnh, uốn nắn từ suy nghĩ, nhận thức của cán bộ, đảng viên. Như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định, PCTNTC là “chống giặc nội xâm”, tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; tiền tài, của cải, vật chất,... do người khác “biếu xén”, “cho, tặng”, hối lộ... với động cơ không trong sáng. Nó thường diễn ra đối với những người có chức, có quyền.

Chính vì lẽ đó, nếu cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, kẻ thù luôn được xác định rất rõ ràng; thì cuộc chiến “chống giặc nội xâm” có sự khó khăn, cam go và phức tạp riêng. Bởi lẽ, “kẻ thù” ở đây là “giặc ở trong lòng” - thứ giặc cực kỳ nguy hiểm, nhiều khi khó xác định được ngay nhưng có thể phá hỏng sự nghiệp cách mạng của đất nước nói chung, cũng như của mỗi địa phương. Do vậy, nhận diện và đấu tranh với nó luôn là công việc cực kỳ khó khăn, phức tạp, lâu dài. Điều này đòi hỏi Đảng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, các địa phương.

“Tấn công” vào gốc rễ

Thấm nhuần sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về PCTNTC để giương cao ngọn cờ đấu tranh chống “giặc nội xâm”, loại trừ nguy cơ từ bên trong, góp phần xây dựng đảng bộ và hệ thống chính trị ở địa phương trong sạch, vững mạnh toàn diện. Đây là nhiệm vụ luôn được đặt ra cho Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trong quá trình lãnh đạo nhiệm vụ cách mạng địa phương.

PCTNTC là “một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ tham ô, lãng phí, quan liêu”. Cho nên, cuộc chiến không khoan nhượng với “giặc ở trong lòng” cần phải được tiến hành thường xuyên, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, với những cách làm thận trọng. Do đó, những năm gần đây, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường xây dựng đảng bộ đoàn kết, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị, nhất là văn hóa trong thực thi công vụ, văn hóa phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tập trung nhận diện, kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nhằm khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”. Nhận thức rõ đạo đức là cái gốc của người cán bộ, đảng viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo việc quán triệt triển khai nghiêm túc, đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị về xây dựng Đảng của Trung ương. Trong đó, tăng cường giáo dục liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức, gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””, gắn với đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các quy định về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương.

Đặc biệt, gần đây nhất, Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, với 5 điều cốt lõi về đạo đức đối với cán bộ, đảng viên (Điều 1: Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; Điều 2: Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; Điều 3: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Điều 4: Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; Điều 5: Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời), đã được Đảng bộ tỉnh triển khai sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên. Từ cơ sở này, việc thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả Quy định số 144-QĐ/TW cũng chính là làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuấn sâu sắc tinh thần, nội dung quy định và các chuẩn mực đạo đức cách mạng. Để khi đạo đức cách mạng trở thành “trụ cột” trong phẩm giá, nhân cách, thì nó cũng chính là một thứ “vũ khí” sắc bén, giúp ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Cùng với đó là tiến hành thường xuyên, toàn diện, công khai và có trọng tâm, trọng điểm vào công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Điển hình như quản lý, sử dụng đất đai; xây dựng quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; đầu tư xây dựng; thực hiện các chương trình mục tiêu; đấu thầu, đấu giá; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ; tệ “tham nhũng vặt”, nhất là tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp của cán bộ, công chức trong giải quyết công việc... Qua đó, kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm đều phải bị xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh, công khai...

Theo PGS, TS Đỗ Xuân Tuất, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, thì công cuộc đấu tranh PCTNTC trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua là chủ trương đúng, có bước chuyển thực chất, tạo sự ổn định và phát triển bền vững. Thực tế chứng minh, đấu tranh PCTNTC đã góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, tăng cường chỉ số lòng tin của người dân xứ Thanh vào cơ đồ và tiền đồ phát triển của tỉnh. Đồng thời, việc quán triệt, tuyên truyền các quy định của Đảng về PCTNTC, đặc biệt là cuốn “cẩm nang” về “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng là sự khẳng định quan điểm: “Đẩy mạnh đấu tranh PCTNTC không làm nản chí, chùn bước, sợ sai không dám làm của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm chùn bước những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm”.

Cuộc chiến chống “giặc nội xâm” mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cũng tức là trị tận gốc tham nhũng, vốn dĩ là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Do đó, phải làm một cách kiên quyết, kiên trì, ngày càng bài bản, nhuần nhuyễn hơn. Đây cũng là yêu cầu đang được đặt ra cho tỉnh Thanh Hóa, nhằm đưa công tác PCTNTC đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực hơn.

Khôi Nguyên

Bài cuối: Cuộc chiến không khoan nhượng.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]