Khẩn trương khắc phục khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
Sáng 16/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy đầu tư công năm 2024. Dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành liên quan.
Quang cảnh Hội nghị thúc đẩy đầu tư công năm 2024 tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ. (Ảnh: TTXVN)
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị, đến ngày 10/7/2024 các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã giao chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án 639,4 nghìn tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 29,9 nghìn tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách Trung ương (NSTW) 8,2 nghìn tỷ đồng của 20/44 bộ, cơ quan Trung ương và 21/63 địa phương; vốn ngân sách địa phương (NSĐP) 21,7 nghìn tỷ đồng của 23/63 địa phương.
Uớc thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2024 là 196,7 nghìn tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Cũng theo báo cáo, có 11/44 bộ, cơ quan Trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước. Trong đó, một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: Bộ Giao thông - Vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Lào Cai...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo kết quả đầu tư công (Ảnh chụp màn hình).
Các điểm cầu dự hội nghị (Ảnh chụp màn hình).
Tỷ lệ giải ngân vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đạt 78,23% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 35,43%, cao hơn trung bình của cả nước (29,39%), cải thiện đáng kể so 6 tháng đầu năm 2023 (28,23%).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Bên cạnh tỷ lệ giải ngân vốn NSTW có sự cải thiện (đạt 30,51%, so với cùng kỳ tăng 28,34%), thì tỷ lệ giải ngân vốn NSĐP chỉ đạt 28,77%, thấp hơn cùng kỳ 32,76%.
Đặc biệt, số lượng bộ, cơ quan Trung ương, địa phương giải ngân dưới mức trung bình cả nước còn cao, với 33 bộ, cơ quan Trung ương và 28 địa phương. Trong đó có một số bộ, địa phương có số vốn kế hoạch năm 2024 chiếm tỷ trọng lớn, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân thấp như: Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ngãi. Nhiều bộ, cơ quan Trung ương, địa phương không duy trì được kết quả giải ngân tốt như cùng kỳ năm 2023.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân của các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông - vận tải, dự án giao thông liên vùng còn thấp. Tính đến ngày 13/6/2024, tỷ lệ giải ngân của các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông chỉ đạt 27,4%; dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý chỉ đạt 17,2%...
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm vẫn là do công tác tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập. Cùng mặt bằng pháp lý, có bộ, cơ quan Trung ương, địa phương giải ngân tốt, nhưng vẫn có những bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân chưa tốt. Trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét.
Trên cơ sở nội dung báo cáo cũng như từ thực tiễn của mỗi đơn vị, địa phương, thảo luận tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã phân tích, làm rõ thêm những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp và thể hiện quyết tâm thúc đẩy hoàn thành mục tiêu, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn phát biểu tham luận tại hội nghị.
Phát biểu thảo luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn chia sẻ một số nguyên nhân, giải pháp đã và đang được tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện, góp phần nâng cao kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Theo đó, công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2024 được tỉnh thực hiện sớm từ cuối năm 2023, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các chủ đầu tư, các đơn vị triển khai thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2024.
Cùng với đó, tỉnh thường xuyên rà soát, chỉ đạo, tổ chức họp để nắm bắt, giải quyết các vướng mắc, nhất là đối với những dự án lớn, có giải pháp cụ thể với từng dự án. Tỉnh không chỉ tổ chức họp một lần mà nhiều lần để giải quyết dứt điểm vướng mắc. Đồng thời, thực hiện điều chuyển vốn, kiểm điểm trách nhiệm các chủ đầu tư, nhà thầu; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về nguyên vật liệu, nguồn cung vật liệu, giải phóng mặt bằng...
Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện hiệu quả công tác phân cấp, ủy quyền một số nội dung về đầu tư, xây dựng, đất đai nhằm tạo sự chủ động cho các địa phương, đơn vị trong triển khai thực hiện các dự án, như: Ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất; xác định giá đất cụ thể để thực hiện giải phóng mặt bằng; phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết... Thanh Hóa cũng chủ động, linh hoạt trong thực hiện tốt các khâu trong giải ngân vốn đầu tư công.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nêu rõ: Kết quả đạt được là rất khả quan, nhưng tỉnh Thanh Hóa không chủ quan bởi phía trước còn rất nhiều việc phải làm. Tỉnh Thanh Hóa xác định tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị trong 6 tháng cuối năm 2024. Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện mang yếu tố quyết định.
Thanh Hóa xác định tiếp tục duy trì, đẩy mạnh hoạt động của các tổ công tác cấp tỉnh và cấp huyện, kịp thời đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024; tăng cường kiểm tra, giám sát, giải quyết khó khăn, vướng mắc ngay tại hiện trường; chủ động và linh hoạt điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện kiểm soát chi vốn trong nước và đơn rút vốn nước ngoài của các nhà tài trợ bằng chứng từ điện tử, chữ ký số, đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi và hồ sơ yêu cầu rút vốn; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị (Ảnh chụp màn hình).
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ đầu tư công đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và cả nước. Từ ý nghĩa, vai trò đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tập trung khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công theo yêu cầu và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng đã phân tích, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến khó khăn, vướng mắc mà các địa phương nêu tại hội nghị; nhấn mạnh nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, những bài học kinh nghiệm được rút ra và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động, linh hoạt thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng biểu dương các bộ, ngành, đơn vị, địa phương có kết quả giải ngân vốn đầu tư công tốt; phê bình và đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có kết quả giải ngân vốn đầu tư công chưa tốt nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, phân tích nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện tình trạng giải ngân của đơn vị mình.
Với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 đảm bảo”, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành ở Trương ương, các địa phương trong việc thúc đẩy hoạt động giải ngân vốn đầu tư công. Yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình thực hiện phải bám sát vào nghị quyết của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời đề cao tính kỷ luật, kỷ cương, tinh thần đổi mới sáng tạo; nêu cao tinh thần phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí... trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Phong Sắc
{name} - {time}
-
2024-12-14 06:44:00
Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
2024-12-14 06:00:00
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng 14/12
-
2024-07-16 08:26:00
Nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, kết luận, quy định, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 16/7/2024
Chủ tịch nước Tô Lâm gửi lời chia buồn tới các gia đình bị nạn trong vụ sạt lở ở Hà Giang
Điểm nóng 16/7: Để tồn 162 vụ khiếu nại, tố cáo, Sở TN&MT bị yêu cầu kiểm điểm
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng ngày 16/7
[Bản tin 18h] Ngân hàng Nhà nước lý giải ảnh tĩnh qua mặt sinh trắc học
Thọ Xuân: Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị; 4 năm thực hiện Đề án 272, Đề án 2022 của Chủ tịch UBND tỉnh
Tiếp nhận hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ khó khăn về nhà ở
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong đồng bào các tôn giáo
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc