Israel tấn công Iran: Động thái mang tính “biểu tượng”
Đêm 26/10, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã tiến hành các cuộc tấn công có chủ đích vào các mục tiêu quân sự ở Iran. Người phát ngôn quân đội Israel, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari cho biết, cuộc tấn công được thực hiện “để đáp trả các cuộc tấn công liên tục của chế độ Iran vào Israel trong nhiều tháng”. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, cuộc tấn công của Israel nhằm vào Iran chỉ mang tính “biểu tượng” và khó có thể đẩy hai nước rơi vào một cuộc chiến tranh trên diện rộng.
Cuộc tấn công “biểu tượng”
Đêm 26/10, Israel tiến hành cuộc tấn công vào Iran, động thái khiến truyền thông quốc tế tốn nhiều giấy mực trong gần 1 tháng qua. Sáng sớm, quân đội Israel thông báo về một cuộc không kích vào các mục tiêu quân sự của Iran. Máy bay chiến đấu của IDF đã tấn công các hệ thống phòng không và cơ sở sản xuất tên lửa “gây ra mối đe dọa trực tiếp và ngay lập tức cho công dân Israel”.
Tờ Jerusalem Post viết rằng hơn 100 máy bay đã tham gia vào cuộc tấn công vào Iran. Ngược lại, tờ The New York Times của Mỹ lưu ý rằng quân đội Israel đã tấn công khoảng 20 mục tiêu. Thông tin về việc này chưa được xác nhận chính thức. Các cuộc không kích được cho là nhằm vào mục tiêu ở các tỉnh Tehran, Khuzestan và Ilam. Quân đội Iran cho biết cuộc tấn công của Israel gây ra “thiệt hại hạn chế” và mức độ chính xác của nó đang được xác định. Theo hãng Mehr, do cuộc không kích, quân đội Iran đã thiệt mạng 2 người. Trong khi đó, Bộ Dầu mỏ và Doanh nghiệp Iran tuyên bố rằng các cơ sở công nghiệp dầu mỏ của nước này không bị hư hại.
Phe đối lập trong Quốc hội Israel đã chỉ trích chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu về cuộc tấn công hạn chế này. Người đứng đầu lực lượng chính trị đối lập lớn nhất Yesh Atid, ông Yair Lapid, cho biết quyết định không tấn công các mục tiêu chiến lược và kinh tế ở Iran là “một sai lầm chiến lược”. Theo ông Yair Lapid, Israel có thể và lẽ ra phải yêu cầu Tehran “trả giá đắt” cho cuộc tấn công trước đó vào ngày 1/10.
Cuộc tấn công của Israel được cho là gần như không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày ở Iran. Chỉ vài giờ sau cuộc tấn công, xuất hiện thông tin các cơ sở giáo dục trong nước vẫn hoạt động bình thường. Ngoài ra, giao thông hàng không trong nước gần như được nối lại ngay lập tức.
Về phản ứng của Iran, giới lãnh đạo nước này lên án mạnh mẽ vụ tấn công của Israel. Đặc biệt, Bộ Ngoại giao Iran kêu gọi cộng đồng quốc tế “chấm dứt nạn diệt chủng, chiến tranh và xâm lược chống lại Gaza và Lebanon”. Esmail Kosari, thành viên Ủy ban an ninh quốc gia của Quốc hội Iran, cho biết Iran sẽ đáp trả hành động của Israel, dù cuộc tấn công của nước này không gây thiệt hại nghiêm trọng.
“Chúng tôi muốn biết liệu có kẻ đồng lõa, tiếp tay trong việc chuẩn bị và tiến hành các cuộc tấn công này hay không, liệu có các cuộc không kích từ người Kurd ở Iraq, hay từ các căn cứ quân sự của Mỹ hay không. Điều này sẽ xác định các tiêu chí, phương pháp và tốc độ phản ứng có thể có của Iran”, chuyên gia quan hệ quốc tế Iran Hadi Issa Dalul trả lời phỏng vấn với tờ Izvestia.
Trên các phương tiện truyền thông xuất hiện thông tin cho rằng Iran có thể đã biết trước về thời điểm, vị trí mục tiêu trong các cuộc tấn công của Israel. Theo cổng thông tin Axios, Israel đã cảnh báo Tehran thông qua nước thứ ba, đặc biệt là Hà Lan. Vài giờ trước cuộc không kích, Ngoại trưởng Hà Lan Caspar Veldkamp cho biết trên mạng xã hội rằng ông đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Iran nhằm thảo luận về chiến tranh và căng thẳng gia tăng trong khu vực. Ngoài ra, theo Sky News Arabia, Iran thông qua trung gian nước ngoài đã thông báo cho Israel rằng nước này không có kế hoạch đáp trả các vụ đánh bom ban đêm của nước này.
Theo Dmitry Polykov, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Ả Rập và Hồi giáo tại Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận định: “Cuộc tấn công không kích của Israel mang tính biểu tượng hơn là nhằm mục đích gây thiệt hại nghiêm trọng cho Iran”. “Việc phản ứng của Israel bị hạn chế thực sự chứng tỏ rằng nhà nước Do Thái, giống như đối thủ của mình, tuân thủ khái niệm “leo thang để giảm leo thang”. Chuyên gia người Nga cho rằng, sau các đòn đáp trả qua lại, xung đột giữa các bên không thể kết thúc ngay lập tức, nhưng hiện tại đã đạt đến một giới hạn nhất định, một giai đoạn leo thang mới có thể xảy ra nhưng sau đó sẽ suy giảm và hạ nhiệt tình hình.
Phản ứng của Mỹ và khả năng Iran tấn công trả đũa
Rõ ràng, cả Iran và Israel đều đang theo dõi chặt chẽ cuộc chạy đua tổng thống ở Mỹ, kết quả của cuộc đua này sẽ quyết định chính sách Trung Đông trong tương lai của Washington, cũng như triển vọng hỗ trợ quân sự cho nhà nước Do Thái.
Theo Murad Sadigzadeh, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông cho rằng, cường độ leo thang tạm thời bắt đẩu giảm. Israel đã bị các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Mỹ ngăn cản tấn công mạnh mẽ. Đối với Iran, điều quan trọng là thiệt hại từ các cuộc tấn công của Israel là không đáng kể. Do đó, từ quan điểm mang tính biểu tượng, tất cả các bên đều hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chuyên gia Murad Sadigzadeh nhận định, Iran không mong muốn xảy ra một cuộc chiến tranh với Israel, gián tiếp đẩy căng thẳng giữa Iran và Mỹ leo thang. Tehran đang chờ đợi cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ và kỳ vọng vào chiến thắng của đảng Dân chủ, có thể dẫn đến việc ký kết một thỏa thuận hạt nhân mới, từng bước dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.
Truyền thông phương Tây đưa tin, các quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã tham khảo ý kiến chặt chẽ với Israel trong những ngày gần đây về quy mô và cách thức tấn công mà Israel dự định tiến hành nhằm vào Iran. Đồng thời, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần kêu gọi phía Israel kiềm chế trong khu vực: Washington thực sự không hài lòng đối với các hoạt động quân sự của IDF ở Dải Gaza và Lebanon, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.
Vào ngày 26/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã thảo luận về cuộc tấn công của IDF với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Galant; trong đó, cam kết về sự hỗ trợ của Mỹ đối với đồng minh. Trước đó, thông tin tình báo của Mỹ về một cuộc tấn công được cho là của Israel nhằm vào Iran đã bị rò rỉ và được truyền thống Mỹ khai thác. Các tài liệu đề ngày 15 và 16/10 được lan truyền mạnh mẽ trên truyền thông sau khi được kênh Telegram của Middle East Spectator đăng tải.
Tờ Izvestia dẫn nhận định của nhà phương Đông học Leonid Tsukanov cho rằng, “mục tiêu hàng đầu của chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu là tiến hành một chiến dịch chống lại Iran nhằm đáp trả hành động tấn công vào ngày 1/10 và giảm bớt căng thẳng ngày càng gia tăng trong xã hội. Tuy nhiên, với việc nhiều thông tin tình báo bị rò rỉ, Israel đã phải khẩn cấp thay đổi kế hoạch và chuyển sang các hành động mang tính biểu tượng”. Theo nhà phân tích Leonid Tsukanov, trước cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ, Israel sẽ hành động chậm lại để chờ đợi chính quyền mới và từ đó tự bảo vệ mình trước những bất đồng có thể ngày càng sâu sắc với Washington.
Về phản ứng của Iran thời gian tới, ông Leonid Tsukanov cho rằng, Tehran nhiều khả năng sẽ tiến hành các cuộc tấn công nhằm tiêu hao lực lượng của Israel thông qua các lực lượng trong “trục kháng chiến”.
“Đối với “trục kháng chiến”, các hoạt động của lực lượng này sẽ tiếp tục - lực lượng ủy nhiệm sẽ vẫn là công cụ tấn công chính của Tehran để hạn chế việc mở rộng hoạt động của Israel ở Lebanon và Gaza”, Leonid Tsukanov giải thích.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-21 08:11:00
“Thời đại hoàng kim” của nước Mỹ bắt đầu
-
2025-01-21 06:47:00
Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng: Ổn định hay biến động?
-
2024-10-26 15:41:00
Bí mật phía sau cuộc trò chuyện giữa Tổng thống Nga Putin và tỷ phú Mỹ Elon Musk
Cái chết của Sinwar tiết lộ điều gì về chiến tranh và hòa bình ở Palestine?
Hội nghị BRICS: Các nước không theo đuổi hệ thống thanh toán riêng
Israel tăng cường chiến tranh trên nhiều mặt trận: Mục đích cuối cùng của Netanyahu là gì?
Hiệp ước Trinity House giữa Đức - Anh: Nền tảng cho an ninh châu Âu
Hội nghị thượng đỉnh BRICS: Thảo luận nhiều vấn đề “nóng”
Cơ hội cho hòa bình ở Dải Gaza sau khi thủ lĩnh Hamas bị sát hại
Liên hợp quốc cảnh báo hơn 1,1 tỷ người trên thế giới sống ở mức nghèo cùng cực
Giải mã quyết định tổ chức bầu cử Hạ viện sớm của tân Thủ tướng Shigeru Ishiba
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran