Hiệp ước Trinity House giữa Đức - Anh: Nền tảng cho an ninh châu Âu
Đức và Anh vừa ký một hiệp ước quốc phòng lịch sử, cho phép hai nước tiến hành các cuộc tập trận chung ở sườn phía Đông của NATO và phát triển các tên lửa tầm xa mới.
Ngày 23/10, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius và người đồng cấp Anh John Healey đã ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương tại London. Theo thông cáo chung, Hiệp ước Trinity House sẽ tăng cường khả năng của London và Berlin trong việc tiến hành các cuộc tập trận ở sườn phía Đông của NATO, tăng cường khả năng răn đe của họ trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.
Chi tiết Hiệp ước Trinity House
Hiệp ước Trinity House dựa trên tuyên bố chung hồi tháng 7 về tăng cường quan hệ quốc phòng, “đánh dấu một sự thay đổi căn bản trong quan hệ giữa Anh và Đức cũng như đối với an ninh châu Âu. Sẽ củng cố an ninh quốc gia và tăng trưởng kinh tế trước sự gia tăng hoạt động quân sự từ Nga và các mối đe dọa ngày càng tăng”, Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố. Được biết, thỏa thuận này chỉ là giai đoạn đầu tiên hướng tới việc ký kết một thỏa thuận toàn diện giữa Chính phủ Anh và Đức, dự kiến vào tháng 1 năm 2025.
Theo nội dung thỏa thuận, Đức sẽ duy trì hoạt động định kỳ của đội trinh sát săn ngầm P-8 Poseidon tại Căn cứ Không quân Hoàng gia Anh Lossiemouth ở Moray, vùng Đông Bắc Scotland. Để ứng phó mối đe dọa tiềm tàng từ hoạt động trên biển của Nga, nhiều khả năng đội máy bay tuần tra trinh sát hàng hải của Đức được trang bị ngư lôi do Anh cung cấp, hỗ trợ nhiệm vụ theo dõi tàu Nga và bảo vệ các tuyến cáp ngầm quan trọng ở Bắc Đại Tây Dương. Hai bên còn dự kiến phát triển thiết bị không người lái trên bộ và trên không mới hỗ trợ chiến đấu cơ Typhoon. Đặc biệt, các đồng minh sẽ xem xét phát triển vũ khí tấn công tầm xa vượt trội hơn các hệ thống hiện tại, kể cả tên lửa Storm Shadow tầm bắn tối đa 250 km mà quân đội Anh đang sở hữu hay tên lửa hành trình Taurus tầm bắn 500 km của Đức.
Ngoài ra, một phần khác của thỏa thuận cho phép tập đoàn vũ khí Đức Rheinmetall mở nhà máy sản xuất nòng pháo tại Anh. Đây là cơ sở đầu tiên trong lĩnh vực này được mở lại ở Anh sau một thập kỷ, dự kiến đi vào hoạt động năm 2027 và có thể tạo ra 400 việc làm. Các điều khoản còn tạo điều kiện để Anh và Đức phối hợp nhiều hơn thông qua các cuộc tập trận quân sự tăng cường sức mạnh phòng thủ chung ở biên giới phía Đông của NATO. Thỏa thuận cũng giúp Ukraine cải thiện khả năng tấn công khi cho phép trực thăng Sea King mà Đức đang viện trợ cho Kiev được trang bị hệ thống tên lửa hiện đại. Anh cũng thúc đẩy các nỗ lực do Đức và Ba Lan dẫn đầu nhằm cung cấp xe bọc thép cho Ukraine, trong khi Đức sẽ hỗ trợ Anh và Latvia cung cấp máy bay không người lái.
Mục đích của các bên
Trong một thông cáo chung được tờ Handelsblatt đăng tải ngày 23/10, Bộ trưởng Quốc phòng Đức - Anh nhấn mạnh, trong bối cảnh bất ổn ngày càng gia tăng, đặc biệt là các cuộc khủng hoảng, xung đột quân sự khó dự đoán, sự hợp tác chặt chẽ hơn ở châu Âu nói riêng và trong NATO nói chung là quan trọng hơn bao giờ hết. “Để răn đe kẻ thù, chúng ta cần nỗ lực chung và xây dựng lực lượng tổng hợp. Đó là lý do tại sao Đức - Anh không ngừng xích lại gần nhau hơn. Với cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp và các mối đe dọa an ninh toàn cầu ngày càng gia tăng, cần phải tạo dựng một môi trường an ninh bảo đảm cho châu Âu. Các nước không thể tự mình giải quyết các thách thức này mà cần phải hành động cùng nhau”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức - Anh kết luận.
Trong một tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Đức đánh giá, Hiệp ước Trinity House đặt ra hướng đi cho sự hợp tác chặt chẽ hơn và cũng là biểu hiện của sự “thiết lập lại” trong quan hệ giữa Anh và châu Âu sau Brexit. Ngoài ra, các bên nhấn mạnh rằng các dự án chung của Đức - Anh cũng được mở rộng cho các đồng minh khác trong liên minh, bao gồm cả định dạng E3 (Eurotroika) với Pháp.
Theo tờ Politico, Hiệp ước Trinity House tiếp nối hàng loạt thỏa thuận quân sự giữa 3 quốc gia lớn nhất châu Âu. Đó là thỏa thuận an ninh - quân sự giữa Anh và Pháp, được ký tại Lancaster House vào năm 2010, cũng như Hiệp ước hợp tác Aachen đầy tham vọng giữa Đức và Pháp, được ký vào năm 2019. Các thỏa thuận, cho dù có chủ đích hay không, nhưng thể hiện tính chủ động, tự chủ của 3 cường quốc châu Âu trong việc thiết lập một hệ thống phòng thủ chung cho khu vực. Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine buộc các nước châu Âu phải thay đổi cách tiếp cận và có cái nhìn sâu sắc hơn về môi trường an ninh khu vực, trong đó vai trò dẫn dắt của các quốc gia hàng đầu như Anh, Đức, Pháp cần phải được đặt lên hàng đầu.
Trang web của chính phủ Anh nhấn mạnh, Hiệp ước Trinity House là một ví dụ điển hình về cách chính phủ của Thủ tướng Keir Starmer thực hiện cam kết xây dựng lại mối quan hệ với các đồng minh châu Âu và tăng cường an ninh quốc gia. Thỏa thuận này được đánh giá sẽ là bước đi đầu tiên mà Anh hướng tới một hiệp ước an ninh và quốc phòng quy mô lớn với Liên minh châu Âu (EU). Trong tương lai, các thỏa thuận có thể sẽ bao trùm lên các lĩnh vực quốc phòng, chia sẻ thông tin tình báo, năng lượng và vấn đề di cư bất hợp pháp.
Ngay cả trước khi cuộc tổng tuyển cử ở Anh diễn ra, Đảng Lao động đã nói về sự cần thiết phải ký kết một hiệp ước an ninh và quốc phòng lớn giữa Anh và châu Âu. Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao, David Lammy, kế hoạch đầy tham vọng này có thể bắt đầu bằng các cuộc đàm phán về các vấn đề mà London và Brussels cùng quan tâm. Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, Keir Starmer giải thích, hợp tác trong khuôn khổ NATO là ưu tiên hàng đầu của London, nhưng một thỏa thuận quân sự Anh - EU sẽ bổ sung tốt cho cấu trúc hoạt động của khối liên minh quân sự. Thông cáo cuối cùng giữa Anh và Đức lưu ý rằng các bên đang góp phần hình thành một không gian Euro-Atlantic hòa bình và ổn định. “Theo nghĩa này, Hiệp ước Trinity House sẽ là một yếu tố quan trọng trong cấu trúc an ninh châu Âu rộng lớn hơn, nhằm mục đích hỗ trợ các đối tác liên minh và tăng cường đóng góp của châu Âu cho NATO”.
Trong khi đó theo Vladislav Belov, Phó Giám đốc Viện châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận định, mục tiêu của Đức là chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga. “Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đang theo đuổi cái gọi là chính sách nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Đức trên mọi phương diện. Đặc biệt, chúng ta đang nói về việc triển khai lữ đoàn xe tăng Đức ở Litva, cũng như quyết định gần đây biến Hải quân Đức ở Rostock thành trụ sở hải quân đa quốc gia ở Biển Baltic”, chuyên gia lưu ý.
Vào cuối tháng 9, Bộ trưởng Boris Pistorius tuyên bố “Lực lượng vũ trang Đức sẵn sàng trở thành trụ cột chính trong việc ngăn chặn sự xâm lược của Nga ở châu Âu”. Theo ông, Đức nhận thức được trách nhiệm của mình là “trung tâm hậu cần ở châu Âu, đảm bảo quân đội có thể nhanh chóng di chuyển từ Đại Tây Dương sang sườn phía đông nếu cần thiết”.
Về vấn đề này, chuyên gia người Nga Vladislav Belov cho rằng, Hiệp ước Trinity House giữa Đức - Anh nên được coi là một thỏa thuận trong NATO, vì tất cả các sáng kiến ở cấp độ song phương trong mọi trường hợp sẽ được phối hợp với sự lãnh đạo của liên minh. Chuyên gia giải thích: “Vectơ châu Âu được xây dựng trong vectơ xuyên Đại Tây Dương, vì vậy đối với Nga, thỏa thuận này trước hết là nguy cơ tăng cường sự hiện diện của NATO ở Biển Baltic bên cạnh các mối đe dọa từ Phần Lan và Thụy Điển nhằm phong tỏa eo biển”.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:07:00
Nga thay đổi học thuyết hạt nhân: Đòn “nắn gân” có sức nặng
-
2024-11-21 09:14:00
COP29: Các quốc gia giàu có cam kết không xây mới nhà máy điện than
-
2024-10-22 08:50:00
Hội nghị thượng đỉnh BRICS: Thảo luận nhiều vấn đề “nóng”
Cơ hội cho hòa bình ở Dải Gaza sau khi thủ lĩnh Hamas bị sát hại
Liên hợp quốc cảnh báo hơn 1,1 tỷ người trên thế giới sống ở mức nghèo cùng cực
Giải mã quyết định tổ chức bầu cử Hạ viện sớm của tân Thủ tướng Shigeru Ishiba
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran
Hội nghị thượng đỉnh Ramstein bị hoãn: Phương Tây thay đổi quan điểm về Ukraine?
Giới chuyên gia cảnh báo hậu quả kinh tế từ xung đột Trung Đông
Hàn Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á
Nguy cơ với nền kinh tế Anh khi mức nợ công sắp chạm ngưỡng 3.000 tỷ bảng
Từ màn tranh luận giữa hai phó tướng đến nền tảng của hệ thống chính trị Mỹ