IAEA thông qua nghị quyết mới liên quan chương trình hạt nhân của Iran
Trong những cuộc tranh luận tại Hội đồng Thống đốc IAEA bắt đầu từ ngày 3/6, các cường quốc châu Âu cho rằng Iran đã mở rộng chương trình hạt nhân “đến mức báo động.”
Bên trong một nhà máy điện hạt nhân ở miền Nam Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 5/6, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã thông qua nghị quyết chỉ trích Iran thiếu hợp tác với cơ quan này. Đây là động thái đầu tiên kể từ tháng 11/2022, trong bối cảnh các nước phương Tây lo ngại Tehran có thể đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân, song Iran kiên quyết bác bỏ.
Nghị quyết do Anh, Pháp và Đức soạn thảo, đã được thông qua với 20 phiếu thuận, 12 phiếu trắng, 2 phiếu chống (của Trung Quốc và Nga) và 1 nước không tham gia bỏ phiếu.
Theo các nguồn tin, nghị quyết yêu cầu Iran đưa ra giải thích xác đáng về việc xuất hiện các hạt uranium tại 2 địa điểm không được công bố ở Iran, yêu cầu Iran đảo ngược các quyết định liên quan tới thanh sát viên của IAEA, và không trì hoãn việc kết nối lại hệ thống camera giám sát các hoạt động hạt nhân, cũng như đề cập đến những quan ngại xoay quanh các tuyên bố công khai gần đây của Iran liên quan đến khả năng kỹ thuật về sản xuất vũ khí hạt nhân và khả năng có những thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Iran.
Mặc dù được cho là chỉ mang tính biểu tượng, động thái trên nhằm gia tăng áp lực ngoại giao đối với Tehran, làm tăng khả năng đưa vấn đề này lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Sau khi nghị quyết được thông qua, Phái bộ Iran tại Liên hợp quốc cáo buộc động thái này là vội vàng và thiếu khôn ngoan, không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý, kỹ thuật và chính trị nào và sẽ tác động tiêu cực đến quá trình tương tác ngoại giao và hợp tác mang tính xây dựng giữa các bên, đồng thời cho biết Iran sẽ có “phản ứng nghiêm túc và hiệu quả."
Trước đây, Iran đã trả đũa các nghị quyết tương tự bằng cách dỡ bỏ camera giám sát và các thiết bị khác khỏi các cơ sở hạt nhân của mình và tăng cường các hoạt động làm giàu uranium. IAEA cho biết Tehran đã tăng cường đáng kể chương trình hạt nhân.
Trong các cuộc tranh luận tại Hội đồng Thống đốc IAEA bắt đầu từ ngày 3/6, các cường quốc châu Âu cho rằng Iran đã mở rộng chương trình hạt nhân “đến mức báo động”, điều chưa từng thấy đối với một quốc gia không có chương trình vũ khí hạt nhân.
Theo IAEA, Iran là quốc gia không có vũ khí hạt nhân duy nhất làm giàu uranium tới mức cao 60% trong khi nước này vẫn tiếp tục tích lũy các kho dự trữ uranium lớn.
Sau khi Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2018, Iran cũng dần phá bỏ các cam kết theo thỏa thuận này.
Trong một tuyên bố chung được hãng thông tấn Iran IRNA trích dẫn ngày 5/6, Tehran, Moskva và Bắc Kinh kêu gọi các nước phương Tây thể hiện thiện chí và thực hiện các bước cần thiết để tiếp tục triển khai JCPOA./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2024-11-22 15:34:00
Chính phủ Nhật Bản công bố gói kích thích kinh tế 140 tỷ USD
-
2024-11-22 14:18:00
Hàn Quốc lập đơn vị đa miền mới chuẩn bị khả năng xảy ra chiến tranh
-
2024-06-06 08:57:00
Ấn Độ: NDA thông qua nghị quyết chọn ông Modi làm lãnh đạo liên minh
Điểm nóng chiến sự 6/6: Nga tung “hỏa thần” ác liệt vào Chasiv Yar
Phi hành gia Nga lập kỷ lục 1.000 ngày ở trong không gian
ILA Berlin 2024 mở đường cho tương lai bền vững của ngành hàng không vũ trụ
NATO khai mạc cuộc tập trận lớn nhất từ trước tới nay ở Biển Baltic
Boeing phóng thành công tàu vũ trụ có người lái Starliner
Hàn Quốc và Mỹ tổ chức tập trận vượt sông
Bầu cử Mỹ 2024: Tổng thống Biden và ông Trump có thêm chiến thắng
Hơn 50 tàu chiến NATO đến Litva tham gia tập trận lớn nhất vùng Baltic
Israel ký thỏa thuận trị giá 3 tỷ mua 25 máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ