(Baothanhhoa.vn) - Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, 6 tháng đầu năm 2021, nền kinh tế của tỉnh Thanh Hóa vẫn đạt mức tăng trưởng khá và hiện nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, với nhiều chỉ tiêu, lĩnh vực sản xuất hứa hẹn sẽ tiếp tục tạo bước đột phá trong những tháng cuối năm.

“Bức tranh” sáng trong thực hiện “mục tiêu kép”: Những điểm sáng tạo nên đột phá

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, 6 tháng đầu năm 2021, nền kinh tế của tỉnh Thanh Hóa vẫn đạt mức tăng trưởng khá và hiện nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, với nhiều chỉ tiêu, lĩnh vực sản xuất hứa hẹn sẽ tiếp tục tạo bước đột phá trong những tháng cuối năm.

“Bức tranh” sáng trong thực hiện “mục tiêu kép”: Những điểm sáng tạo nên đột pháTrong 6 tháng đầu năm, tỉnh Thanh Hóa đã đôn đốc triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng. Trong ảnh: Thi công Dự án Đại lộ Đông Tây - TP Thanh Hóa. Ảnh: Tùng Lâm

Với GRDP ước đạt 8,66%, Thanh Hóa hiện là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất các tỉnh Bắc Trung bộ và đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là kết quả phục hồi tích cực sau 1 năm thích ứng với các điều kiện sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh. Kết quả này cũng khẳng định những kịch bản kinh tế được xây dựng và những quyết tâm trong điều hành của tỉnh là kịp thời và đúng đắn.

Không chỉ mở rộng sản xuất theo chiều rộng, các ngành, lĩnh vực sản xuất hiện đang được định hình và phát triển theo chiều sâu, gắn với các giải pháp chủ động ứng phó trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, với tốc độ tăng trưởng 3,47%. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có thêm 11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã và 22 thôn, bản đạt NTM kiểu mẫu. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 12,9%; trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm tăng 15,93% so với cùng kỳ. Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh ngày càng khẳng định được chất lượng và tăng mạnh về thị phần, như: thép, dầu ăn, giày thể thao, thức ăn gia súc, đường kết tinh, quần áo may sẵn... Lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng 7,3%, trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 15,5%; giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 16,3% so với cùng kỳ.

Nhờ làm tốt công tác giải phóng mặt bằng và huy động vốn qua các kênh đầu tư, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã huy động được 67.950 tỷ đồng phát triển kinh tế - xã hội, đạt 48,5% kế hoạch và tăng 9,8% so với cùng kỳ. Trong đó, ngoài các nguồn ngân sách, nguồn vốn đầu tư ngoài Nhà nước tăng mạnh và đạt 41.262/67.950 tỷ đồng tổng vốn đầu tư, tăng 15,3% cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 9.742 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Các nguồn vốn này được phân bổ, đầu tư vào 72 dự án trọng điểm, bao gồm các dự án đầu tư công và các dự án đầu tư trực tiếp. Đến nay, tiến độ thực hiện 72 dự án này cơ bảo đảm tiến độ đề ra; trong đó, có 3 dự án đầu tư đã hoàn thành, 25 dự án đang triển khai thực hiện, 44 dự án đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục.

Tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực, trong 6 tháng đầu năm, hoạt động đối ngoại đã thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo, định hướng và đạt được những kết quả tích cực. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tiếp, làm việc với Đại sứ quán Đan Mạch, Đại sứ quán Hungary, Đại sứ quán Nhật Bản, Đại sứ quán Ấn Độ, Tập đoàn Foxconn, Tập đoàn WHA (Thái Lan), Tập đoàn T&T, Tập đoàn TNG, Công ty TNHH SamSung Electronics Việt Nam, đoàn công tác của Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Thế giới; dự lễ ký Biên bản ghi nhớ với Công ty CP Đầu tư và Quản lý tài sản Á Châu về đầu tư Dự án Trung tâm Logistics Bắc Trung bộ và hạ tầng Khu Công nghiệp số 6 Khu Kinh tế Nghi Sơn; tham dự hội nghị trực tuyến với các nhà đầu tư Đài Loan... Trong những cuộc làm việc này, nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ thiện chí tìm hiểu và đang tiến hành khảo sát, triển khai các thủ tục đầu tư trên nhiều lĩnh vực mà tỉnh Thanh Hóa có tiềm năng và lợi thế, như: Hạ tầng khu công nghiệp, công nghiệp điện tử, logicstis, đô thị sinh thái, giáo dục, y tế...

6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thu hút được 52 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 7 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký 13.188 tỷ đồng và 42,7 triệu USD. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có 21 dự án (6 dự án FDI); lĩnh vực thương mại dịch vụ 3 dự án (1 dự án án FDI); lĩnh vực nông nghiệp 5 dự án; lĩnh vực khai khoáng mỏ 18 dự án; lĩnh vực khu dân cư, nhà ở 5 dự án. Một số dự án thu hút mới có tổng vốn đầu tư đăng ký lớn, như: Các dự án chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện 2, Xuân Thiện 3, Xuân Thiện 6 tại huyện Ngọc Lặc (mỗi dự án 2.500 tỷ đồng); Nhà máy Điện mặt trời Thanh Hóa I (2.824 tỷ đồng); khu dân cư hai bên đường CSEDP thuộc Khu đô thị Đông Sơn, TP Thanh Hóa (871,4 tỷ đồng)...

Đi đôi với đó, tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt về công tác triển khai các dự án đã được chấp thuận chủ trương và ký kết biên bản ghi nhớ tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2020. Đến nay, đã có 6 dự án được tiến hành khởi công xây dựng gồm: Trạm nghiền xi măng Long Sơn và cụm cảng số 7, 8, 9, 10 tại Khu Kinh tế Nghi Sơn; Nhà máy Xi măng Đại Dương; hạ tầng Cụm công nghiệp thị trấn Quán Lào; Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn, khu đô thị quảng trường biển, khu đô thị sông Đơ, khu công viên giải trí và đô thị Nam sông Mã; dây chuyền 4 - Nhà máy Xi măng Long Sơn; dự án sản xuất sản phẩm trang trí công nghệ thân thiện với môi trường. Ngoài ra, có 13 dự án đang thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định; 15 dự án đang chuẩn bị các hồ sơ thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định.

Đồng chí Nguyễn Thành Luân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhận định: Do tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, Thanh Hóa lại đang có nhiều tập đoàn lớn tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh nên các hoạt động kinh tế được dự báo có nhiều khởi sắc trong thời gian tới. Đối với lĩnh vực công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có định hướng xuất khẩu như hàng may mặc, da giầy, thép, xi măng... tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của tỉnh trong những tháng cuối năm. Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sẽ gia tăng trong giai đoạn kinh tế của các nước trên thế giới từng bước được phục hồi trong bối cảnh kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 sau chiến lược tiêm chủng vắc-xin được đẩy mạnh. Các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết tiếp tục tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; một số dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp dự kiến hoàn thành đi vào hoạt động trong những tháng cuối năm, như: Trạm nghiền xi măng Long Sơn, dự án may mặc, da giầy trên địa bàn các huyện Triệu Sơn, Yên Định... sẽ gia tăng sản lượng hàng hóa công nghiệp của tỉnh nhà.

Lĩnh vực xây dựng cũng dự kiến có nhiều khởi sắc do giá thép và một số nguyên nhiên liệu đầu vào có xu hướng giảm so với đầu năm; đồng thời, một số dự án lớn theo kế hoạch dự kiến sẽ được khởi công, như: Tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, Hoằng Hóa - Quảng Xương và Quảng Xương - Nghi Sơn (BOT); đường giao thông từ Khu Công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa; Nhà máy lốp ô tô Radial, Nhà máy thép Nghi Sơn (giai đoạn 2)... sẽ thúc đẩy lĩnh vực xây dựng tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản được dự báo duy trì đà tăng trưởng khá, nhiều khả năng vượt kế hoạch, tiếp tục giữ vai trò quan trọng cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, nhất là các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, bên cạnh việc tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đặc biệt là tập trung thực hiện tốt “mục tiêu kép” trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, một số giải pháp quan trọng sẽ được tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai, như: Tập trung theo dõi sát diễn biến, tình hình trong tỉnh, trong nước và quốc tế, kịp thời dự báo, chủ động xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó hiệu quả với những biến động, vấn đề mới phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tuyệt đối không để gián đoạn sản xuất, nhất là các doanh nghiệp chủ lực có đóng góp lớn cho tăng trưởng, thu ngân sách, giải quyết việc làm của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và thương mại gắn với nhóm sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu tiêu biểu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để củng cố các thị trường truyền thống, triển khai các hoạt động thương mại điện tử, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Tập trung tháo gỡ, khơi thông các rào cản, điểm nghẽn trong thực hiện kế hoạch đầu tư công; kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2021 của các dự án có tiến độ giải ngân chậm, không bảo đảm theo quy định để bố trí cho các dự án có tiến độ thực hiện, giải ngân nhanh, cần bổ sung thêm vốn. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật, cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ được giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công. Tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư vào tỉnh, chuẩn bị các điều kiện để đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài sau khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường... để khởi công xây dựng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp, nhất là các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư và ký bản ghi nhớ đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2020.

Bài và ảnh: Minh Hằng

Bài 2: Nông nghiệp tiếp đà tăng trưởng.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]