(Baothanhhoa.vn) - Khác với tình trạng ế ẩm trong năm 2023, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) tại các dự án mặt bằng quy hoạch (MBQH) từ đầu năm đến nay ghi nhận một số tín hiệu khởi sắc. Tính đến tháng 7/2024, số tiền trúng đấu giá QSDĐ thu được 4.736 tỷ đồng, tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất - tín hiệu khởi sắc trở lại

Khác với tình trạng ế ẩm trong năm 2023, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) tại các dự án mặt bằng quy hoạch (MBQH) từ đầu năm đến nay ghi nhận một số tín hiệu khởi sắc. Tính đến tháng 7/2024, số tiền trúng đấu giá QSDĐ thu được 4.736 tỷ đồng, tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất - tín hiệu khởi sắc trở lạiMBQH điểm xen cư phía Bắc Trung tâm Chính trị huyện Hà Trung (thôn Lý Nhân, xã Hà Bình) có 19 lô đất được đưa ra đấu giá.

Hà Trung là địa phương có nhiều dự án đấu giá QSDĐ tập trung tại địa bàn các xã Hà Lai, Hà Đông và thị trấn Hà Trung. Tính đến tháng 7/2024, toàn huyện đã có 13 MBQH đã thực hiện đấu giá với tổng diện tích 4,28ha, trong đó có 2,8ha đấu giá thành với số tiền trúng đấu giá QSDĐ hơn 167,4 tỷ đồng. Đáng chú ý, một số MBQH ở khu vực trung tâm thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nhiều lô đất có giá trúng chênh cao so với giá khởi điểm.

MBQH điểm xen cư phía Bắc Trung tâm Chính trị huyện Hà Trung (địa chỉ thuộc thôn Lý Nhân, xã Hà Bình) có tổng số 19 lô đất được đưa ra đấu giá. Giá khởi điểm chỉ từ 7 - 9 triệu đồng/m2, song nhiều lô trúng đấu giá ở mức 15 - 17 triệu đồng/m2, thậm chí một vài lô có giá lên tới 19 - 20 triệu đồng/m2.

Tại xã Yến Sơn, MBQH khu dân cư CL01 cũng có 19 lô đất được đưa ra đấu giá. Giá khởi điểm ở mức 7 triệu đồng/m2; giá trúng đấu giá tăng lên mức 11 - 12 triệu đồng/m2. Tổng giá trúng của 19 lô đất là hơn 23,3 tỷ đồng, chênh hơn 9,4 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Ông Lê Minh Đức, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hà Trung, cho rằng: Sau một thời gian ảm đạm, từ đầu năm đến nay, đấu giá đất một số MBQH trên địa bàn các xã Hà Lai, Hà Bình, Yến Sơn sôi động trở lại. Lý do có sự khởi sắc trên là do các MBQH có vị trí tiềm năng, nhu cầu mua đất ở của người dân cao, do đó mức giá trúng đấu giá tăng cao. Tuy nhiên, một số MBQH ở các xã khác, giá đất đấu giá không có nhiều biến động lớn. Như ở MBQH khu dân cư xã Hà Đông có tổng số 85 lô đất, đã tổ chức đấu giá 2 lần (lần 1 có 23 lô đấu giá thành, lần 2 có 7 lô đấu giá thành); tổng giá trúng đấu giá có tăng so với giá khởi điểm, song chênh lệch không nhiều.

Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa là đơn vị thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận đấu giá các tài sản, trong đó có đấu giá QSDĐ tại các MBQH ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Trong 7 tháng năm 2024, trung tâm đã tổ chức đấu giá 75 cuộc đấu giá QSDĐ tại các MBQH, tỷ lệ số lô đất đấu giá thành đạt khoảng 80%. Tổng giá trúng đấu giá đạt hơn 1.045 tỷ đồng, chênh lệch hơn 274,2 tỷ đồng so với tổng giá khởi điểm (tỷ lệ tăng khoảng 36%). Các MBQH mà trung tâm tổ chức đấu giá chủ yếu tập trung tại các huyện: Hoằng Hóa, Đông Sơn, Như Xuân, Yên Định, Thạch Thành...

Theo nhận định của một số đấu giá viên, trong 2 tháng trở lại đây, tại một số MBQH ở các vị trí tiềm năng thu hút quan tâm của nhiều người dân, hồ sơ tham gia các phiên đấu giá cũng nhiều hơn, giá trúng đấu giá cũng rục rịch tăng. Nguyên nhân là do việc định giá khởi điểm ở mức phù hợp với thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, tại các MBQH được định giá khởi điểm ở thời điểm “sốt” đất hơn 2 năm trước, tình trạng ế ẩm vẫn còn bởi giá khởi điểm chưa được điều chỉnh, vẫn ở mức cao.

Theo Danh mục dự án đấu giá QSDĐ năm 2024 được UBND tỉnh phê duyệt (bao gồm cả quyết định điều chỉnh, bổ sung, loại bỏ), trong năm 2024, toàn tỉnh có 892 dự án (MBQH) với tổng diện tích đất đấu giá 804,19ha; số tiền sử dụng đất dự kiến thu được 22.897 tỷ đồng. Tính đến tháng 7/2024, toàn tỉnh đã tổ chức đấu giá được 224/892 dự án (đạt tỷ lệ 25,11%) với tổng diện tích 64,21ha. Số tiền trúng đấu giá thu được 4.736 tỷ đồng, bằng 20,6% kế hoạch và tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Theo đánh giá của ngành chức năng, có 7 địa phương có số dự án đã đấu giá với số tiền thu trúng đấu giá QSDĐ đạt trên 50% kế hoạch, như: Đông Sơn, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Bá Thước và thị xã Nghi Sơn. Trong đó, một số địa phương có kết quả thu tiền trúng đấu giá cao, như: huyện Đông Sơn (1.868 tỷ đồng), huyện Hoằng Hóa (592 tỷ đồng), huyện Thọ Xuân (560 tỷ đồng), thị xã Nghi Sơn (374 tỷ đồng).

Nhìn chung, đa số các dự án đấu giá QSDĐ mới chỉ tổ chức đấu giá một phần diện tích trong MBQH, các địa phương đang tiếp tục triển khai tổ chức đấu giá để bảo đảm hoàn thành kế hoạch thu ngân sách Nhà nước năm 2024 từ tiền đấu giá QSDĐ. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đấu giá QSDĐ các dự án.

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/8/2024 sẽ là cơ sở pháp lý, góp phần phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, tạo điều kiện cho việc mua bán đất đai diễn ra công khai, minh bạch. Tình trạng “thổi” giá đất, “sốt” đất ảo khó còn khả năng tiếp diễn bởi mức giá phản ánh đúng quy luật cung - cầu của thị trường, tiềm năng, triển vọng phát triển hạ tầng khu vực lân cận.

Bài và ảnh: Việt Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]