(Baothanhhoa.vn) - Thư viện không chỉ là nơi lưu giữ thông tin, kiến thức của nhân loại, mà còn là cầu nối giữa con người với tri thức, nơi kiến tạo văn hóa đọc. Nhận thức được điều ấy, những năm qua, hệ thống thư viện trên toàn tỉnh đã được quan tâm xây dựng, đổi mới hoạt động, đáp ứng nhu cầu đọc sách, học tập, nâng cao dân trí.

Hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện cơ sở

Thư viện không chỉ là nơi lưu giữ thông tin, kiến thức của nhân loại, mà còn là cầu nối giữa con người với tri thức, nơi kiến tạo văn hóa đọc. Nhận thức được điều ấy, những năm qua, hệ thống thư viện trên toàn tỉnh đã được quan tâm xây dựng, đổi mới hoạt động, đáp ứng nhu cầu đọc sách, học tập, nâng cao dân trí.

Hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện cơ sởCán bộ thủ thư tại Thư viện Triệu Sơn sắp xếp kho sách.

Toàn tỉnh hiện có 27 thư viện huyện, thị xã, thành phố; 275 thư viện cấp xã, phường, thị trấn và 4.216 phòng đọc sách, báo cơ sở. Hệ thống thư viện cơ sở được xem là “cánh tay nối dài” của Thư viện tỉnh. Sự ra đời và phát triển của hệ thống thư viện cơ sở góp phần xây dựng địa chỉ văn hóa, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Để hệ thống thư viện cơ sở phát triển cả về số lượng và chất lượng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực xây dựng, phát triển không ngừng về quy mô, cách thức hoạt động. Hàng năm, Thư viện tỉnh đã bổ sung khoảng 3.700 bản sách cho kho luân chuyển; tổ chức luân chuyển hơn 4.000 bản, sách báo đến các thư viện, tủ sách, phòng đọc báo ở cơ sở. Từ năm 2021 đến nay, hệ thống thư viện cơ sở đã chủ động luân chuyển 2,52 triệu lượt bản sách. Cùng với luân chuyển sách, Thư viện tỉnh đã triển khai các hoạt động hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức bố trí, sắp xếp kho tư liệu cho các thư viện cơ sở.

Theo đánh giá của Thư viện tỉnh, hệ thống thư viện cơ sở, đặc biệt là thư viện cấp huyện đã từng bước đi vào ổn định, có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả các chỉ số phát triển văn hóa đọc. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, hoạt động thư viện cơ sở vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều thư viện chỉ là nơi lưu trữ sách, chưa hấp dẫn bạn đọc và trở thành điểm đến văn hóa cho người dân địa phương.

Thư viện Triệu Sơn được hình thành với chức năng, nhiệm vụ xây dựng, lưu trữ, sử dụng sách, báo; phục vụ nhu cầu đọc sách, báo cho người dân trên địa bàn huyện Triệu Sơn; phát triển văn hóa đọc, tạo ra môi trường học tập cho học sinh, sinh viên, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu; luân chuyển sách, báo và các tài liệu có liên quan đến hệ thống thư viện trường học và các xã, thị trấn trên địa bàn. Hiện, Thư viện Triệu Sơn thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Triệu Sơn. Thư viện Triệu Sơn có 7.520 bản sách thuộc nhiều thể loại như: thiếu nhi, khoa học, văn học, kỹ năng sống... Mỗi năm, thư viện được quan tâm, bổ sung khoảng hơn 360 bản sách. Tuy nhiên, thư viện chỉ được bố trí khiêm tốn tại hội trường của Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện, mà chưa có phòng riêng. Điều này khiến cho Thư viện Triệu Sơn chưa thể trở thành nơi hấp dẫn bạn đọc. Mỗi tháng thư viện phục vụ khoảng 120 lượt bạn đọc bằng hình thức phục vụ lưu động và tại chỗ; thu hút khoảng 56 bạn đọc thường xuyên, song hầu hết là học sinh và người cao tuổi đến mượn sách về đọc. Số lượng bạn đọc này khá khiêm tốn so với số dân địa phương.

Nói về thực trạng thưa vắng bạn đọc, đồng chí Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Triệu Sơn chia sẻ: “Hiện nay, do sự phát triển của công nghệ, nhu cầu đọc sách của người dân không nhiều như trước. Cùng với đó, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn; kinh phí tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc và tuyên truyền còn hạn chế. Những người tìm đến thư viện chủ yếu là học sinh, giáo viên và một số ít người cao tuổi, nhưng họ cũng chỉ mượn sách về. Do đó, hoạt động của thư viện luôn cầm chừng, thưa vắng bạn đọc”.

Không chỉ riêng Thư viện Triệu Sơn mà một số thư viện huyện như Hà Trung, Thiệu Hóa, Thạch Thành đều gặp nhiều khó khăn khiến thư viện chưa thực sự trở thành cầu nối giữa tri thức và người dân. Điều đáng nói, không chỉ hệ thống thư viện huyện mà các thư viện xã, phòng đọc sách, báo cơ sở tại các địa phương phần lớn cũng gặp tình trạng “đìu hiu”. Nhìn vào số liệu thì cơ bản địa phương nào cũng có thư viện. Nhưng thực tế, hầu hết thư viện xã, phòng đọc báo thôn được hình thành dưới dạng tủ sách pháp luật, đầu sách và bản sách còn hạn chế.

Thư viện xã Quảng Chính (Quảng Xương) được hình thành từ 2015 trên cơ sở tủ sách pháp luật. Đến nay, được đầu tư khá đồng bộ với đầy đủ giá để sách, bàn ghế đọc sách và hơn 250 đầu sách, báo với hơn 800 bản sách. Tuy nhiên, thư viện vẫn luôn trong tình trạng thưa vắng bạn đọc. Thỉnh thoảng có một vài cụ cao tuổi đến đọc, tra cứu sách báo. Đồng chí Bùi Minh Phúc, công chức văn hóa xã Quảng Chính chia sẻ: “Thư viện xã và phòng đọc báo thôn là một trong những tiêu chí để XDNTM. Do đó, hệ thống thư viện cơ sở được đầu tư khá đồng bộ. Tuy nhiên, hoạt động của thư viện chưa phong phú, đầu sách chưa được làm mới thường xuyên dẫn đến chưa thu hút được đông đảo bạn đọc”.

Thực trạng hoạt động của hệ thống thư viện cơ sở cho thấy, việc đổi mới toàn diện, mạnh mẽ hoạt động của thư viện các cấp là điều cần thiết để thực hiện hiệu quả Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Bởi, số lượng thư viện hay phòng đọc cơ sở tăng nhưng chất lượng hoạt động chưa thực sự được chú trọng, thì thư viện chỉ là nơi lưu trữ sách. Để đổi mới toàn diện hoạt động thư viện, ngoài sự nỗ lực, quyết tâm, năng động, sáng tạo hơn nữa của các thư viện và đội ngũ làm công tác thư viện cần phải có sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành và toàn xã hội về đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kinh phí tổ chức các hoạt động, tuyên truyền, quảng bá, kết nối với bạn đọc, ứng dụng công nghệ thông tin.

Bài và ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]