(Baothanhhoa.vn) - Mặc dù được các cấp chính quyền và ngành giáo dục quan tâm đầu tư, tỷ lệ phòng học kiên cố, số trường đạt chuẩn quốc gia không ngừng được nâng lên qua từng năm học. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít trường học trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, bất cập về phòng học, cơ sở vật chất (CSVC), công trình phụ trợ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học - nhìn từ thực tiễn: Nghịch lý trong đầu tư

Mặc dù được các cấp chính quyền và ngành giáo dục quan tâm đầu tư, tỷ lệ phòng học kiên cố, số trường đạt chuẩn quốc gia không ngừng được nâng lên qua từng năm học. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít trường học trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, bất cập về phòng học, cơ sở vật chất (CSVC), công trình phụ trợ...

Xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học - nhìn từ thực tiễn: Nghịch lý trong đầu tư

Sau 3 năm giải thể, Trường THPT Đinh Chương Dương (Hậu Lộc) vẫn trong tình trạng bỏ hoang.

Nhiều phòng học tạm, học nhờ

Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có gần 1.000 công trình trường, lớp học chưa đáp ứng được các yêu cầu sử dụng bình thường hoặc trong tình trạng nguy hiểm, xuống cấp. Đặc biệt, ở bậc học mầm non còn khoảng 15% phòng học tạm. Tỷ lệ này tập trung nhiều ở các huyện miền núi như Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn... Thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Lang Chánh cho biết, hiện nay toàn huyện còn thiếu 163 phòng học và phòng chức năng, trong đó cấp mầm non là 45 phòng, tiểu học 48 phòng và THCS là 70 phòng. Các trường thiếu nhiều phòng học và phải học tạm là Mầm non Yên Thắng, Tiểu học Lâm Phú, Tiểu học Yên Thắng... Cô Lê Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Thắng, cho hay: “Với hơn 400 học sinh (HS), trong khi địa hình đồi núi phân cách, các bản lại xa trung tâm xã nên nhà trường phải chia ra 5 khu lẻ để tạo điệu kiện thuận lợi cho HS học tập. Vì có nhiều điểm lẻ nên nhà trường gặp không ít khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu phòng học và phòng học xuống cấp. Ngoài ra, toàn trường có hơn 20 cán bộ, giáo viên hiện không có nhà công vụ để ăn ở và sinh hoạt. Tại khu chính và các điểm lẻ như khu Tráng, khu Vần, khu Vặn sau mỗi ngày lên lớp, phòng học lại có thêm chức năng là nơi sinh hoạt, ngủ nghỉ của các cô giáo...”.

Cũng trên địa bàn huyện Lang Chánh do thiếu phòng học nên hàng chục HS thuộc nhiều độ tuổi khác nhau ở điểm trường Năng Cát của Trường Mầm non Trí Nang phải học ghép trong 1 phòng học. Cô Nguyễn Thị Lê, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trí Nang, chia sẻ: “Điểm trường có 32 HS, nhưng có tới 4 độ tuổi, trong khi đó chỉ có 2 phòng học. Vì vậy, nhà trường đã thực hiện ghép nhóm trẻ 3 - 4 tuổi học chung một phòng học. Vẫn biết việc làm này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả tổ chức các hoạt động giáo dục. Thế nhưng, do CSVC không đáp ứng đủ nên trước mắt nhà trường vẫn phải thực hiện như vậy”. Được biết, năm 2017, điểm trường này được đầu tư xây dựng 2 phòng học kiên cố nhưng do số lượng HS đông nên nhà trường phải dựng thêm một phòng bằng tre nứa cho HS học tập. Tuy nhiên, việc học ở phòng tranh tre không bảo đảm an toàn, nhất là vào mùa mưa bão, nên chỉ được một thời gian ngắn nhà trường phải thực hiện ghép chung lớp học.

Tại huyện Quan Sơn, hiện nay bậc tiểu học và mầm non có tổng số 423 phòng học, trong đó có 114 phòng học cấp 4 và 92 phòng học tạm. Số phòng học tạm chủ yếu tập trung ở các trường như: Trường Tiểu học Sơn Thủy 15 phòng, Tiểu học Tam Thanh 5 phòng, Tiểu học Tam Lư 4 phòng; Trường Mầm non Sơn Thủy 6 phòng, Mầm non Sơn Hà 5 phòng, Mầm non Na Mèo 5 phòng... Thực trạng trẻ mầm non, HS tiểu học ở huyện Quan Sơn phải học trong các phòng học tạm diễn ra từ nhiều năm nay nhưng chưa thể giải quyết. Theo đại diện lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn, hằng năm huyện đều dành một phần kinh phí đầu tư cho sự nghiệp giáo dục. Song do điều kiện kinh tế địa phương khó khăn nên chưa thể xóa được phòng học tạm. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng dạy và học ở các nhà trường. Cùng chung thực trạng thiếu CSVC trường lớp là huyện Quan Hóa. Tính đến năm học 2020-2021, toàn huyện vẫn còn hơn 10 phòng học tạm thuộc các đơn vị trường như: Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Thành, Tiểu học Phú Xuân, Mầm non Trung Thành... Đặc biệt, toàn huyện có 6 điểm trường mầm non, tiểu học thiếu CSVC hoặc xuống cấp.

Không chỉ thiếu phòng học, HS phải học nhờ, học tạm, hiện nay không ít trường học ở nhiều địa phương sau 5 năm được công nhận chuẩn quốc gia CSVC xuống cấp nhưng vẫn chưa được đầu tư nâng cấp để công nhận lại chuẩn. Một ví dụ điển hình là Trường THCS Thiệu Trung (Thiệu Hóa). Được công nhận chuẩn từ năm 2005, đến nay đã 16 năm nhà trường chưa một lần được công nhận lại vì CSVC xuống cấp, không bảo đảm theo tiêu chí mới. Thầy giáo Nguyễn Văn Dũng, hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Hằng năm nhà trường đều ra soát CSVC, tham mưu và trình UBND xã xem xét đầu tư. Tuy nhiên do điều kiện ngân sách khó khăn nên nhiều năm nay nhà trường chỉ được đầu tư các hạng mục nhỏ lẻ như quét vôi ve lại phòng học, bổ sung thêm bàn ghế, làm lại nền phòng học bị bong tróc... Để được công nhận lại chuẩn, nhà trường cần phải bổ sung các hạng mục lớn như phòng học chức năng, mở rộng khuôn viên sân trường và nhiều công trình phụ trợ khác, nhưng chắc là trong năm học này và năm tới sẽ khó được đầu tư vì xã chưa tìm được nguồn”. Hay như Trường Tiểu học Hòa Lộc (Hậu Lộc), được công nhận chuẩn quốc gia năm 2003, đến năm 2010 được công nhận lại. Từ đó đến nay, CSVC của nhà trường vẫn chưa có nhiều thay đổi. Một số hạng mục như phòng học văn hóa, nhà hiệu bộ, trang thiết bị giáo dục đã và đang có biểu hiện xuống cấp, không đáp ứng tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Theo bà Chung Thị Đài, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hậu Lộc, trong số 70 trường học ở cả 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS của huyện được công nhận chuẩn quốc gia, hiện có 19 trường đã quá hạn công nhận lại chuẩn. Ngành giáo dục, chính quyền địa phương đã cố gắng huy động các nguồn lực, tuy nhiên do khó khăn về nguồn kinh phí nên các trường vẫn chưa được đầu tư công nhận chuẩn lại. Đây cũng là trăn trở của ngành và chính quyền địa phương.

Lãng phí CSVC, thiết bị dạy học

Trong khi nhiều trường học chưa có điều kiện để đầu tư nâng cấp, xây dựng chuẩn lại, đặc biệt là khu vực miền núi vẫn còn nhiều phòng học tạm, học nhờ, CSVC không bảo đảm; thì ngược lại một số đơn vị trường được đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học lại chưa khai thác, sử dụng hết công năng của thiết bị, gây lãng phí trong đầu tư. Theo quan sát của chúng tôi, trong số hàng trăm thiết bị dạy học trong kho của Trường THPT Thiệu Hóa, có không ít thiết bị trở thành nơi “hạ cánh” an toàn của bụi. Cá biệt có những thiết bị vẫn “nguyên đai, nguyên kiện”, chưa một lần sử dụng như bộ thí nghiệm thực hành những diễn biến cơ bản của nhiễm sắc thể trong nguyên phân, giảm phân 1, giảm phân 2... Lý giải về việc này, một cán bộ phụ trách thiết bị thí nghiệm của nhà trường cho hay: “Do nhà trường mới được cấp, trong khi thiết bị cũ đang còn sử dụng được nên giáo viên chưa dùng đến”. Tương tự, kho thiết bị thí nghiệm của Trường THCS Kiên Thọ (Ngọc Lặc) cũng có không ít thiết bị trong tình trạng “ngủ đông”. Thầy giáo Lê Ngọc Thuật, Hiệu trưởng Trường THCS Kiên Thọ, cho biết: “Danh mục trang thiết bị nhà trường được cấp phù hợp với từng bộ môn, tuy nhiên chất lượng phục vụ giảng dạy, học tập còn nhiều hạn chế. Thậm chí, có những thiết bị không sử dụng đến, hoặc có sử dụng nhưng hiệu quả không cao như: đồng hồ vạn năng đo điện trở, hiệu điện thế, cường độ dòng điện; kính hiển vi; cân điện tử loại nhỏ...”.

Ngoài lãng phí trang thiết bị dạy học, thực hiện chủ trương rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, nhiều phòng học của những trường sau giải thể, sáp nhập còn rơi vào tình trạng “bỏ hoang”. Theo phản ánh của người dân thị trấn Hậu Lộc, nơi Trường THPT Đinh Chương Dương đứng chân, chỉ sau vài tháng giải thể, ngôi trường này đã trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng của một số nhà thầu thi công dự án trên địa bàn. Qua quan sát của chúng tôi, sau 3 năm giải thể theo Đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”, hiện nhiều phòng học đã xuống cấp, đường vào khuôn viên trường bị “cày xới” do phương tiện chở vật liệu thường xuyên ra vào. Được biết, sau khi giải thể 1 tháng, UBND huyện Hậu Lộc đã có văn bản bàn giao CSVC của trường cho UBND thị trấn Hậu Lộc tiếp nhận quản lý. Tuy nhiên, từ khi bàn giao đến nay, hàng chục phòng học, phòng chức năng, nhà hiệu bộ của ngôi trường không có người trông coi, bảo vệ. Một số người dân sinh sống gần trường cho biết, vì bỏ hoang lâu, không người quản lý, trông coi nên có thời điểm ngôi trường này trở thành nơi qua lại của một số đối tượng nghiện hút...

Tương tự, từ khi thành lập và đi vào hoạt động, Trường THPT Dương Đình Nghệ (Thiệu Hóa) đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng CSVC trường, lớp, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học. Song sau khi giải thể, toàn bộ CSVC phòng, lớp học của trường đã bị bỏ không. Tại thời điểm chúng tôi đến tác nghiệp, cổng trường trong tình trạng “cửa đóng, then cài”. Nếu so sánh với Trường THPT Đinh Chương Dương thì Trường THPT Dương Đình Nghệ có phần tiếc nuối hơn. Ngôi trường với dãy phòng học 4 tầng khang trang, khuôn viên rộng rãi, thoáng mát nhưng sau khi giải thể, sáp nhập, ngành chức năng, chính quyền địa phương vẫn chưa thể chuyển đổi mục đích, nhiều hạng mục bỏ không rất lãng phí.

Đáng buồn hơn là tình trạng phòng học mới cũng rơi vào tình trạng “cửa đóng, then cài”. Đơn cử như tại huyện Nông Cống, sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, huyện đã thực hiện sáp nhập Trường Tiểu học Trung Ý và Trường Tiểu học Trung Chính thành Trường Tiểu học Trung Chính. Sau sáp nhập, Trường Tiểu học Trung Chính có tổng số 550 em (trong số đó có 150 em thuộc tiểu học Trung Ý cũ). Tuy nhiên, khi thực hiện sáp nhập chỉ có 21 em trong số 150 em của Trường Tiểu học Trung Ý sang học tại điểm Trường Tiểu học Trung Chính; còn lại các em đều “cố thủ” tại điểm trường Trung Ý cũ. Trước đó, để bảo đảm CSVC cho việc sáp nhập trường, UBND xã Trung Chính đã đầu tư xây dựng thêm 4 phòng học mới tại Trường Tiểu học Trung Chính. Nhưng vì số HS quay lại trường cũ đông, nên ngành giáo dục huyện đành phải tách điểm trường, dẫn đến 4 phòng học vừa mới xây đã phải “cửa đóng, then cài”.

Bài cuối: Chiến lược cho đổi mới

Bài và ảnh: Phong Sắc


Bài và ảnh: Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]