(Baothanhhoa.vn) - Về Xuân Lộc (Hậu Lộc), ai cũng muốn được đến thăm Khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập, dâng nén tâm hương tưởng nhớ người thanh niên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa - hình ảnh mà lớp lớp các thế hệ thanh niên noi gương.

Về Xuân Lộc thăm Khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập

Về Xuân Lộc (Hậu Lộc), ai cũng muốn được đến thăm Khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập, dâng nén tâm hương tưởng nhớ người thanh niên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa - hình ảnh mà lớp lớp các thế hệ thanh niên noi gương.

Về Xuân Lộc thăm Khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu LậpLiên đội Trường THCS Lê Hữu Lập tổ chức ngày hội “Tiến bước lên Đoàn” kết nạp Đoàn cho 99 học sinh khối lớp 9 tại Khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập. Ảnh: Kiều Huyền

Sinh năm 1897 ở thôn Hữu Nghĩa, tổng Xuân Trường (nay là xã Xuân Lộc) huyện Hậu Lộc, Lê Hữu Lập là con một gia đình nho học có khí tiết. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã được đi học ở nhiều nơi trong tỉnh. Đến năm 1918, sau khi tốt nghiệp trường Pháp Việt, ông đã cởi bỏ tấm áo “Ấm sinh” vinh hoa phú quý, cùng bà con dân làng tham gia lao động, hòa mình vào các công việc đồng áng.

Sau khởi nghĩa Ba Đình thất bại, phong trào cách mạng trong nước bị bọn thực dân, phong kiến đàn áp dã man. Tận mắt chứng kiến cảnh khốn cùng của người dân, lòng yêu nước căm thù giặc càng sục sôi trong ông.

Năm 1922, sau cuộc gặp gỡ Đinh Chương Dương, nhân sĩ yêu nước, thành viên của Việt Nam Quang phục hội (quê ở Hậu Lộc), ông đã giác ngộ thêm về con đường cách mạng. Nhớ lời căn dặn của Đinh Chương Dương: “Muốn làm cách mạng phải đi học cách mạng và muốn đi học cách mạng phải thoát ly gia đình. Tuổi trẻ lúc này phải vươn cánh tay đập mạnh vào đầu giặc, đền nợ nước, trả thù nhà”, đầu năm 1923, Lê Hữu Lập tạm biệt mẹ già, người vợ hiền và đứa con thơ mới ba tháng tuổi, tìm đường làm cách mạng.

Năm 1924, Lê Hữu Lập được Đinh Chương Dương đưa sang Quảng Châu tham gia vào “Tâm Tâm xã”. Cùng lúc đó, đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về Trung Quốc tháng 12-1924 và liên hệ với nhóm “Tâm Tâm xã” cùng nhóm cách mạng của cụ Phan Bội Châu. Đến năm 1925, “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội” - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời dưới sự sáng lập của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Ngay sau đó, tháng 6-1925, đồng chí Lê Hữu Lập được kết nạp vào “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội”. Con đường từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến với chủ nghĩa cộng sản do Bác Hồ vạch ra đã trở thành mục tiêu cách mạng của ông.

Cuối năm 1925, đồng chí Lê Hữu Lập cùng một số anh em khác trực tiếp được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ rời Quảng Châu về nước tuyên truyền giác ngộ cách mạng và lựa chọn những thanh niên yêu nước ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Trị đưa sang Quảng Châu huấn luyện.

Về Thanh Hóa, Lê Hữu Lập khẩn trương đi vào nhiệm vụ tuyên truyền con đường cách mạng mới của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Tháng 5-1926, tại số nhà 26 phố Hàng Than, thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa), đồng chí Lê Hữu Lập đã tổ chức “Hội đọc sách báo cách mạng”. Qua tổ chức này, ông đã tìm thấy những hạt nhân cách mạng và vận động họ xuất dương để học và tìm đường cứu nước. Cùng với việc vận động thanh niên đi sang nước ngoài học tập lý luận cách mạng, đồng chí Lê Hữu Lập bắt tay vào nhiệm vụ xây dựng tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội” tỉnh Thanh Hóa.

Tháng 4-1927, Ban Chấp hành Tỉnh bộ lâm thời “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội” được thành lập gồm ba ủy viên: Lê Hữu Lập, Lê Văn Thanh, Nguyễn Chí Hiền. Đồng chí Lê Hữu Lập được cử làm Bí thư Tỉnh bộ lâm thời. Tháng 4-1928, tại hội nghị đại biểu “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội” tỉnh Thanh Hóa đã bầu ra Ban Chấp hành Tỉnh bộ gồm 7 ủy viên. Đồng chí Lê Hữu Lập được cử làm bí thư và sau đó được bầu vào Ban Chấp hành Kỳ bộ Thanh niên Trung Kỳ.

Năm 1929, Lê Hữu Lập được cử sang Thái Lan hoạt động. Tháng 11-1929, ông bị Tòa án Nam Triều Thanh Hóa kết án tử hình vắng mặt.

Tháng 3-1930, tại hội nghị đại biểu “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội” ở U-đôn (Thái Lan) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã quyết định chuyển tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội” thành tổ chức cộng sản. Với công lao đóng góp tích cực cho việc thành lập Đảng Cộng sản, đồng chí Lê Hữu Lập đã trở thành đảng viên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa.

Cuối tháng 8-1930, Lê Hữu Lập bí mật về nước. Đến tháng 9-1930, đồng chí thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Hoằng Hóa tại thôn Cự Đà (nay là xã Hoằng Đức, huyện Hoằng Hóa). Cuối năm 1930, đồng chí quay lại Thái Lan hoạt động. Từ năm 1932 đến 1933, đồng chí công tác tại ban viện trợ cách mạng Đông Dương ở vùng Đông Bắc Thái Lan.

Đầu năm 1934, đồng chí lại được ban viện trợ cách mạng Đông Dương cử về hoạt động tại Nghệ An và được tổ chức bố trí hoạt động tại một cơ sở tại huyện Nghi Lộc. Tiếc rằng đồng chí lâm bệnh và không qua khỏi trút hơi thở cuối cùng tại nhà thương Vinh và mai táng ở nghĩa địa Tập Phúc, làm mộ chí mang tên Nguyễn Thụ.

Ba mươi bảy tuổi đời, đồng chí đã giành toàn bộ những ngày tháng tuổi trẻ sôi nổi của mình để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Hoạt động và sự cống hiến của đồng chí Lê Hữu Lập đã góp phần viết nên những trang sử mở đầu rực rỡ trong lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa.

Tri ân những đóng góp của ông, ở TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn đã lấy tên ông đặt tên cho nhiều con đường. Ở huyện Hậu Lộc, Trường THCS Lê Hữu Lập luôn khẳng định được vị trí tốp đầu các trường THCS của huyện và của tỉnh.

Năm 2016, Khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập đã được khánh thành ngay tại xã Xuân Lộc, nơi ông sinh ra. Tọa lạc trên khu đất gần 10.000m2, khu tưởng niệm gồm nhà trưng bày, tượng đài, bia ghi danh, sân, đường nội bộ, vườn hoa, cây xanh và các công trình công cộng khác.

Ông Hoàng Văn Công, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hậu Lộc cho biết: “Trong thời gian tới huyện sẽ đẩy mạnh công tác giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn, ôn lại truyền thống cho thế hệ trẻ, để nơi đây thực sự là địa chỉ đỏ, là điểm đến của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là cán bộ đoàn viên, thanh, thiếu nhi, không chỉ riêng đối với Thanh Hóa mà còn đối với cả nước”.

Tự hào là công dân của xã Xuân Lộc, chị Đinh Thị Thanh, công chức văn hóa xã nói: “Chúng tôi vinh dự là lớp hậu sinh của đồng chí Lê Hữu Lập - người đã viết nên những trang sử mở đầu rực rỡ trong lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa. Noi gương đồng chí, mỗi người dân xã Xuân Lộc luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống, xây dựng thành công xã nông thôn mới và tiến tới xây dựng địa phương trở thành xã nông thôn mới nâng cao”.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]