(Baothanhhoa.vn) - Dân tộc Dao quần chẹt ở Thanh Hóa có tiếng nói, chữ viết, trang phục và tập quán tín ngưỡng riêng. Riêng chữ viết đã có từ ngày xưa để lại, được ông cha lưu giữ bằng nhiều quyển sách cổ. Mục đích học chữ nôm Dao là để làm người, biết đối nhân xử thế, biết chinh phục thiên nhiên, vũ trụ, biết lấy thuốc, biết làm ăn...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Truyền dạy chữ nôm Dao góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc

Dân tộc Dao quần chẹt ở Thanh Hóa có tiếng nói, chữ viết, trang phục và tập quán tín ngưỡng riêng. Riêng chữ viết đã có từ ngày xưa để lại, được ông cha lưu giữ bằng nhiều quyển sách cổ. Mục đích học chữ nôm Dao là để làm người, biết đối nhân xử thế, biết chinh phục thiên nhiên, vũ trụ, biết lấy thuốc, biết làm ăn...

Truyền dạy chữ nôm Dao góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc

Lớp học chữ nôm Dao do ông Phùng Quang Du truyền dạy.

Người Dao quần chẹt sống ở vùng núi thấp, tập trung ở các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy. Trước đây, đồng bào Dao sản xuất lương thực, chủ yếu làm nương rẫy theo kiểu du canh, phụ thuộc vào thiên nhiên, năng suất thấp. Các ngành nghề khác như chăn nuôi, nghề thủ công truyền thống chủ yếu phát triển theo kiểu tự cung tự cấp, bó hẹp, phục vụ trong gia đình hoặc thôn bản mà không thành sản phẩm hàng hóa. Từ năm 1968 trở lại đây, thực hiện cuộc vận động định canh, định cư, người Dao quần chẹt vùng Ngọc Lặc, Cẩm Thủy sống quy tụ thành chòm bản. Người Dao của huyện Ngọc Lặc tập trung ở 3 nơi: khu phố Hạ Sơn (thị trấn Ngọc Lặc), làng Tân Thành (xã Thạch Lập), làng Phùng Sơn (xã Phùng Giáo). Riêng địa bàn khu phố Hạ Sơn có 85% dân số là người Dao.

Chữ Nôm Dao trước những năm 70, việc tổ chức dạy và học chữ nôm Dao do nhiều yếu tố như: sống du canh, du cư, đời sống gặp nhiều khó khăn, nên người Dao không có điều kiện tổ chức dạy và học chữ nôm Dao được, mà chỉ thông qua học bạn bè, học từ ông cha và những người cao tuổi biết chữ nôm Dao. Ngày nay, số lượng người biết chữ nôm Dao chỉ còn rất ít, hơn nữa nhiều cụ đã già yếu, tuổi cao. Việc bảo tồn và gìn giữ chữ nôm Dao rất khó khăn, nếu không có sự quan tâm bảo tồn thì chữ viết và tiếng dân tộc Dao sẽ bị mai một. Vì vậy, Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa cử hội viên là người Dao biết chữ nôm Dao phối hợp với các nghệ nhân biên soạn tài liệu dạy thí điểm chữ nôm Dao. Bộ tài liệu này dành cho người mới bắt đầu học chữ nôm Dao, học trong thời gian 3 tháng, 274 tiết kể cả ôn tập, gồm 5 phần: Bộ chữ cái nôm Dao 17 nét; Ý nghĩa và so sánh chữ nôm Dao và chữ Hán cổ; Hướng dẫn cách viết và cách đọc; Luyện viết và đọc 1.140 chữ; Ôn tập viết và đọc theo 6 chủ đề: Cách xưng hô các thế hệ; Luật tục, văn hóa, vật dụng trong gia đình; về lao động sản xuất; về động vật, thực vật.

Ông Phùng Quang Du hiện là Chi hội trưởng Chi hội Dân tộc học và Nhân học huyện Ngọc Lặc khóa đầu tiên, và cũng là người trực tiếp truyền dạy chính chữ nôm Dao. Ông Du hiện có vài chục cuốn tài liệu cổ về dạy chữ nôm Dao. Ông nội và bố đẻ của ông đều là người biết chữ và dạy chữ nôm Dao từ lâu. Sau khi ông Du lên 8 tuổi thì được bố dạy cho chữ nôm Dao. Ông đã tham gia học được một lớp từ năm 1972 do thôn tổ chức, bố ông là giáo viên. Khi đã biết chữ, ông Du tiếp tục tự học thêm để nắm vững kiến thức. Khi Nhà nước có chủ trương bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số, năm 2013 bản thân ông đã kêu gọi một số nghệ nhân người Dao Thanh Hóa họp bàn về tiếng nói và chữ viết của người Dao. Trong cuộc họp đã thống nhất phân công một số người hiểu biết về chữ nôm Dao sưu tầm, biên soạn thành bộ chữ nôm Dao. Năm 2015, UBND tỉnh đã phê chuẩn bộ chữ nôm Dao Thanh Hóa, với bộ chữ này không chỉ áp dụng cho người Dao Thanh Hóa mà người Dao ở các tỉnh khác cũng có thể áp dụng dạy học. Năm 2016, tỉnh ta đã tổ chức một lớp học nhằm nâng cao trình độ giáo viên người Dao, gồm 40 học viên 6 tỉnh có đồng bào người Dao đang sinh sống. Năm 2017, tỉnh đã mở được 9 lớp học chữ nôm Dao (huyện Cẩm Thủy 6 lớp, huyện Ngọc Lặc 3 lớp). Các lớp nôm Dao này mở ra đã thành công, các học viên đều được cấp chứng chỉ xóa mù. Năm 2018, tỉnh tiếp tục cho mở 4 lớp học chữ nôm Dao cho 160 học viên ở huyện Mường Lát. Năm 2019, tỉnh đồng ý cho mở 5 lớp học nôm Dao tại các huyện Ngọc Lặc và Cẩm Thủy với tổng số 220 học viên.

Anh Triệu Văn Hùng, ở khu phố Hạ Sơn cho hay: “Trước đây, tôi không hề biết chữ. Sau khi được các thầy truyền dạy chữ nôm Dao thì tôi đã cơ bản biết đọc, biết viết chữ. Từ những nền tảng kiến thức này, tôi sẽ áp dụng vào trong cuộc sống, đồng thời cũng sẽ mang về truyền dạy lại cho các con cháu để giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình”.

“Tôi tham gia lớp học này để biết chữ, biết phong tục, tập quán của dân tộc mình, rồi sau đó để dạy con cháu, để chữ viết dân tộc mình không bị mai một đi. Tuy ban ngày đi làm mệt nhọc vất vả nhưng tôi vẫn thu xếp thời gian phù hợp để đến lớp học cả ban ngày lẫn ban tối. Trong quá trình học tập, có nhiều nét chữ rất khó viết, nhưng nhờ các thầy luôn tận tình chỉ dạy nên chúng tôi cũng rất tận tình học” - chị Triệu Thị Ngọc, ở khu phố Hạ Sơn chia sẻ.

Những lớp học chữ nôm Dao như thế này có 3 giáo viên giảng dạy, với khoảng 60 học viên. Lớp nôm Dao thường học vào buổi tối, vì ban ngày bà con lo làm ăn. Mỗi tối học từ 2-3 tiếng, vừa học ca, vừa học chữ, với lứa tuổi từ THCS trở lên. Hiện nay, bộ chữ nôm Dao Thanh Hóa đầy đủ gồm 9 tập: Tập 1 là Tam tự kinh (dành cho người trẻ phải chịu khó học lấy chữ, dạy đạo đức, lối sống); tập 2 là Thượng cổ (nói về khó khăn và thuận lợi của ngày xưa và ngày nay); tập 3 là Khai thiên lập địa (nói về thời kỳ tạo hóa của vũ trụ sinh ra trời, đất); tập 4 là Khai thiên địa (có trời, có đất, có vũ trụ); tập 5 là Thiên trọng tử (dạy làm cán bộ, đối nhân xử thế); tập 6 là Thuyết ngôn (dạy biết làm văn); tập 7 là Nghìn văn tự (bói về thiên văn địa lý); tập 8 là Hiền văn (dạy con người sống nhân văn với nhau); tập 9 là Hiền lương (dạy con người hướng thiện). Học xong bộ chữ nôm Dao 9 tập này coi như người học đã đạt đến trình độ nhất định.

Năm 2020, Chi hội Dân tộc và Nhân học huyện Ngọc Lặc có kế hoạch biên soạn tập Từ điển tiếng Dao; sưu tầm biên soạn bộ tài liệu dạy tiếng Dao; mở lớp học dạy tiếng Dao cho cán bộ, công chức cấp xã trở lên và những người có nhu cầu. Biết rằng còn nhiều khó khăn về nguồn kinh phí, trình độ hiểu biết của bà con, phương tiện đi lại, thời gian..., nhưng với những người tâm huyết như ông Du, tin rằng kế hoạch đó sẽ sớm tổ chức thực hiện được.

Ông Phùng Quang Du cho biết: “Từ khi được Đảng, Nhà nước và tỉnh quan tâm tới việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết, văn hóa truyền thống của dân tộc Dao nói riêng và các dân tộc thiểu số nói chung, bà con ở đây rất phấn khởi. Từ đó, bà con luôn có ý thức và thái độ tích cực học tập, tiếp cận chữ nôm Dao, nhằm bảo tồn tri thức, di sản văn hóa của dân tộc trước nguy cơ mai một”.

Bài và ảnh: Ngọc Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]