(Baothanhhoa.vn) - Đào tạo nghề theo nhu cầu của xã hội; tăng cường liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo gắn giải quyết việc làm được Trường Trung cấp nghề thương mại du lịch Thanh Hóa thực hiện có hiệu quả. Do đó, tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm luôn đạt gần 100%.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trường Trung cấp Nghề thương mại du lịch Thanh Hóa: Gắn dạy nghề với giải quyết việc làm

Đào tạo nghề theo nhu cầu của xã hội; tăng cường liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo gắn giải quyết việc làm được Trường Trung cấp nghề thương mại du lịch Thanh Hóa thực hiện có hiệu quả. Do đó, tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm luôn đạt gần 100%.

Trường Trung cấp Nghề thương mại du lịch Thanh Hóa: Gắn dạy nghề với giải quyết việc làm

Được đầu bếp hướng dẫn trực tiếp tại doanh nghiệp, giúp học sinh có kinh nghiệm thực tế, nâng cao tay nghề, dễ tìm được việc làm.

Để bảo đảm chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, nhà trường phối hợp với các trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo. Cử giáo viên đến các doanh nghiệp đang sử dụng lao động do nhà trường đào tạo, tìm hiểu yêu cầu của doanh nghiệp đối với người lao động về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ, tin học...; tổ chức hội nghị, hội thảo mời các giảng viên, chuyên gia của các trường đại học, cao đẳng và các đầu bếp, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp tham gia góp ý xây dựng chương trình đào tạo; phối hợp với phòng lao động – thương binh và xã hội, phòng giáo dục và đào tạo, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các doanh nghiệp, mở các lớp học nghề. Trên cơ sở đó, tổng hợp ý kiến đóng góp của các đối tác và học sinh, học viên (HSHV) để cập nhật, bổ sung, điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo cho phù hợp.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp, liên kết với doanh nghiệp trong sử dụng thiết bị đào tạo và hướng dẫn HSHV thực tập tại doanh nghiệp cũng được nhà trường hết sức quan tâm. Hằng năm, nhà trường xây dựng kế hoạch chi tiết và ký kết hợp đồng để đưa học sinh đến thực tập, kiến tập tại các doanh nghiệp có đội ngũ nhân lực trình độ cao, trang thiết bị hiện đại như: Tập đoàn FLC, Vingroup, các khách sạn Lam Kinh, Thiên Ý, Sao Mai, Đức Thành...

Trong giai đoạn 2018–2020, nhà trường đã phối hợp với gần 50 nhà hàng, khách sạn, tập đoàn cho học sinh thực tập, kiến tập, tham quan học tập kinh nghiệm. Qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm, cũng như thu hút học sinh đến học tại trường. Việc làm này đã giải quyết được vấn đề thiếu hụt trang thiết bị hiện đại của nhà trường; giúp doanh nghiệp tuyển được lao động đáp ứng yêu cầu ngay khi vào làm việc, giảm khoản chi phí phải đào tạo lại.

Với lợi thế về các ngành nghề đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, những năm qua Trường Trung cấp nghề thương mại du lịch Thanh Hóa đã tổ chức đào tạo, cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ về an toàn điện, kiểm tra viên điện lực, an toàn vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất, môi trường kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, kỹ thuật khai thác mỏ lộ thiên và văn minh thương mại, cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh may mặc, giầy da, khai thác mỏ, vận hành mạng lưới điện, kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, siêu thị, trung tâm thương mại. Đặc biệt, nhà trường còn tổ chức đào tạo theo đơn đặt hàng của UBND các huyện, thành phố có nhu cầu nâng cao chất lượng lao động du lịch như TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn; các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Như Thanh, Lang Chánh, Quan Sơn, Quan Hóa và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Qua đó, giúp nhà trường tăng thu về tài chính, gần 100% HSHV được giải quyết việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Thầy Lương Văn Sinh, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Việc đào tạo theo đơn đặt hàng giúp học sinh không phải lo lắng về học phí; chương trình học sát tình hình thực tế, đúng chuyên ngành để phục vụ cho công việc hiện tại cũng như lâu dài. Còn doanh nghiệp có thể chủ động nguồn nhân lực, bảo đảm người lao động được đào tạo bài bản, theo đúng yêu cầu, phục vụ cho chiến lược phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Vì vậy, xu hướng đào tạo theo đơn đặt hàng đang trở nên phổ biến. Trên cơ sở tổ chức các lớp đào tạo theo đơn đặt hàng với các địa phương, doanh nghiệp đã giúp nhà trường hoàn thiện chương trình đào tạo theo hướng bổ sung, cập nhật thực tiễn, bản sắc vùng miền và những nội dung mới hiện đại vào chương trình, giáo trình giảng dạy.

Xác định, chỉ có doanh nghiệp mới có thể tiếp nhận thực tập và tuyển dụng HSHV sau khi tốt nghiệp, nhà trường đã thông qua các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác, hợp đồng thực tập, tuyển dụng nhân sự với các doanh nghiệp, tập đoàn... tạo lợi thế để HSHV được đi thực tập, kiến tập. Theo thầy Lương Văn Sinh thì đây chính là dịp để các em có cơ hội cọ xát, nắm bắt cách thức triển khai công việc ở môi trường thực tế. Từ đó, tự đánh giá được tay nghề của mình để có hướng điều chỉnh trong học tập, nhằm đạt kết quả tốt nhất. Mặt khác, thông qua quá trình thực tập của học sinh, doanh nghiệp cũng lựa chọn được những lao động phù hợp với văn hóa và điều kiện kinh doanh của đơn vị.

Đối với HSHV chuẩn bị ra trường sẽ được nhà trường tổ chức ngày hội tư vấn việc làm. Các doanh nghiệp được mời đến tiếp xúc trực tiếp với học sinh và thực hiện phỏng vấn tuyển dụng tại trường. Thông qua ngày hội tư vấn việc làm, các nhà tuyển dụng sẽ tự giới thiệu về cách thức, tiêu chí tuyển dụng và các chế độ đãi ngộ của đơn vị. Trên cơ sở đó, học sinh sẽ được hướng dẫn cách làm hồ sơ, cách dự phỏng vấn, cách kê khai thông tin của bản thân... Đây cũng là giải pháp nhằm giúp học sinh tự tin chọn nơi làm việc phù hợp.

Những học sinh tốt nghiệp đã có việc làm, nhà trường thường xuyên theo dõi, thu thập thông tin, phản hồi từ phía doanh nghiệp. Qua đó, tăng cường hiểu biết, tạo dựng niềm tin và giúp cho sự gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp ngày càng bền chặt, hiệu quả...

Với những giải pháp, phương pháp trong công tác phối hợp tuyển sinh, đào tạo, từ năm 2018 đến 2020, nhà trường đã tuyển sinh đào tạo cho 5.950 HSHV. Trong đó, hệ trung cấp nghề chính quy là 1.474 em; hệ sơ cấp nghề 1.204 em; hệ dạy nghề thường xuyên 3.272 em. Tỷ lệ HSHV sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm luôn cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. Đối với hệ trung cấp nghề, sơ cấp nghề đều đạt trên 95%, hệ dạy nghề thường xuyên đạt 100%. Từ những kết quả đã đạt được, nhà trường luôn đứng tốp đầu trong hệ thống các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Mai Phương


Bài và ảnh: Mai Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]