(Baothanhhoa.vn) - Đội ngũ giáo viên được xác định là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học đã và đang tác động không nhỏ đến công tác dạy và học ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh. Thực trạng này đòi hỏi ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền cần sớm có giải pháp tháo gỡ “nút thắt”.

Thiếu giáo viên trước thềm năm học mới 2022-2023 (Bài cuối): Gỡ “nút thắt”

Đội ngũ giáo viên được xác định là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học đã và đang tác động không nhỏ đến công tác dạy và học ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh. Thực trạng này đòi hỏi ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền cần sớm có giải pháp tháo gỡ “nút thắt”.

Thiếu giáo viên trước thềm năm học mới 2022-2023 (Bài cuối): Gỡ “nút thắt”Học sinh Trường THCS Quảng Phú (TP Thanh Hóa) trong giờ học thực hành. Ảnh: Nguyễn Đạt

Linh hoạt các giải pháp

Để kịp thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trong năm học mới 2022-2023, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chuyên môn. Đồng thời, phân công cán bộ, giáo viên và nhân viên kiêm thêm việc; vận động giáo viên đang giảng dạy trong trường tăng số tiết, số giờ/tuần. Nhiều trường cũng đã hợp đồng thêm giáo viên nhằm giảm áp lực cho các tổ chuyên môn. Cô giáo Lê Thị Yến, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Tâm (TP Thanh Hóa) chia sẻ: Để “lấp chỗ trống” cho các bộ môn thiếu giáo viên trong năm học 2022-2023, nhà trường đã phải hợp đồng thêm giáo viên. Hiện số giáo viên hợp đồng của nhà trường đã lên tới 15 người. Trong đó có cả những giáo viên về nghỉ chế độ bảo hiểm 2, 3 năm nay, có cả sinh viên mới ra trường. Để đáp ứng yêu cầu dạy và học trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường cũng đã quán triệt đến các thầy, cô cùng chung tay “gồng gánh” hỗ trợ nhau trong từ giờ dạy, tiết dạy. Thậm chí bố trí tăng thời lượng đứng lớp đối với ban giám hiệu nhà trường.

Theo thầy giáo Lê Thành Đồng, quyền Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Thanh Hóa, trước thềm năm học mới 2022-2023, ngành đã tham mưu cho UBND thành phố có tờ trình xin bổ sung biên chế giáo viên. Đồng thời tiến hành hợp đồng thêm giáo viên, luân chuyển, điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; vận động giáo viên dạy tăng giờ, tăng tiết... Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện các đề án quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, để các cơ sở giáo dục có thể nắm bắt được nhu cầu giáo viên, nhân viên trong từng năm. Từ đó có lộ trình bảo đảm số lượng giáo viên vừa đủ về số lượng và bảo đảm về chất lượng phục vụ cho phát triển giáo dục của địa phương.

Tại thị xã Nghi Sơn để “hạ nhiệt” việc thiếu giáo viên, ngành giáo dục thị xã đã điều tiết giáo viên từ những trường thừa sang trường thiếu giáo viên; hợp đồng thêm giáo viên hoặc phân công giáo viên trong biên chế dạy tăng giờ, dạy thêm lớp để đảm bảo cơ bản số lượng giáo viên đứng lớp... Tuy nhiên theo cô giáo Vũ Thị Thanh Vân, Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn đây chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài ngành sẽ quyết liệt hơn nữa công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp; kịp thời thực hiện quy trình tuyển dụng bổ sung giáo viên theo phân bổ của tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện GD&ĐT.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên khi học sinh lớp 10 được lựa chọn môn học theo sở trường và nguyện vọng, cô giáo Cao Thị Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quan Hóa, cho biết: Nhà trường chia 3 nhóm, nhóm 1 là nhóm Khoa học tự nhiên định hướng cho các em sẽ thi các khối A, B, D. Nhóm 2 là nhóm Khoa học xã hội, học sinh sẽ học các môn xã hội và thi khối C. Nhóm 3 là nhóm học cơ bản dành cho những học sinh chỉ có nhu cầu thi tốt nghiệp và định hướng cho các em lựa chọn môn học phù hợp với năng lực cũng như điều kiện nguồn nhân lực hiện có của nhà trường. Tuy nhiên, về lâu dài, để đảm bảo chất lượng giáo dục, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh, giúp các em phát huy hết năng lực sở trường và định hướng nghề nghiệp trong tương lai, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch xin tuyển dụng đội ngũ cán bộ giáo viên hiện đang thiếu, nhất là các môn Âm nhạc, Mỹ thuật.

Chiến lược lâu dài

Thực tế cho thấy, để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn vấn đề cốt lõi vẫn là chất lượng và số lượng đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, thực trạng thiếu giáo viên ở các cấp học như hiện nay đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục của tỉnh. Bởi vậy, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên cả trước mắt và lâu dài, ngành giáo dục Thanh Hóa đã đề ra nhiều giải pháp linh hoạt, đồng bộ. Một trong những ưu tiên hàng đầu đó là các huyện, thị xã, thành phố và Sở GD&ĐT tiếp tục xây dựng kế hoạch tuyển dụng hết số chỉ tiêu biên chế đã được tỉnh giao năm 2022 (tính đến tháng 8-2022, toàn tỉnh còn 652 chỉ tiêu chưa tuyển) và số chỉ tiêu biên chế được giao bổ sung (gồm 1.681 chỉ tiêu) theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18-7-2022 của Bộ Chính trị. Cụ thể: Đối với bậc học mầm non sẽ tuyển hết số giáo viên mầm non đã hợp đồng lao động theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP và theo Nghị quyết 102/NQ-CP của Chính phủ; đối với bậc tiểu học sẽ tuyển giáo viên các môn văn hóa, Tin học, Ngoại ngữ; đối với THPT: tuyển giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật để kịp thời đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc tuyển dụng thêm giáo viên trong thời điểm này sẽ góp phần gỡ dần “nút thắt” về nhân lực cho các trường học tại địa phương trong năm học mới 2022-2023.

Cùng với đó, là thực hiện nghiêm việc biệt phái giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu theo hướng dẫn của UBND tỉnh. Hiện nay, thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, Sở GD&ĐT đang phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định biệt phái giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu, áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng ngắn hạn đội ngũ giáo viên dôi dư hiện có dạy liên môn, liên cấp, liên trường, liên huyện. Động viên giáo viên các bộ môn còn thiếu nhiều giáo viên dạy tăng tiết, tăng buổi. Bên cạnh đó, sẽ hợp đồng lao động thêm với số giáo viên đã nghỉ hưu còn đủ sức khỏe, tâm huyết với nghề và số sinh viên sư phạm ra trường chưa có việc làm để giảng dạy các bộ môn còn thiếu nhiều giáo viên trong các nhà trường.

Một trong những giải pháp lâu dài để “lấp khoảng trống” và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, năng lực giảng dạy mà ngành GD&ĐT Thanh Hóa xác định đó là đẩy mạnh phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên trong, ngoài tỉnh như Trường Đại học Hồng Đức, Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa và các trường đại học sư phạm khác, thực hiện tốt kế hoạch đào tạo giáo viên theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ để tạo nguồn tuyển dụng cho các đơn vị. Mục tiêu đặt ra là năm 2022 đào tạo 2.210 giáo viên, năm 2023 đào tạo 1.303 giáo viên, năm 2024 đào tạo 1.008 giáo viên, năm 2025 đào tạo 1.080 giáo viên.

Tin rằng với những giải pháp đồng bộ cả về trước mắt và lâu dài, cùng với sự quan tâm từ phía cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của toàn ngành, đội ngũ nhà giáo của ngành giáo dục xứ Thanh sẽ sớm ổn định cả về số lượng, bảo đảm về chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong giai đoạn mới.

Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]