(Baothanhhoa.vn) - Điều động, thuyên chuyển giáo viên (GV) dôi dư từ trường thừa sang trường thiếu là việc làm cần thiết trong tình trạng nhiều trường ở cấp tiểu học, mầm non (MN) thiếu GV như hiện nay. Tuy nhiên, tổ chức điều động, thuyên chuyển như thế nào để bảo đảm tính ổn định lâu dài và không gây hoang mang hoặc xảy ra tiêu cực, gây dư luận xấu là vấn đề cần được quan tâm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những vấn đề đặt ra qua gần 8 năm thực hiện Quyết định 3678 của UBND tỉnh: Bài 2: Thực thi chính sách để ổn định lâu dài

Điều động, thuyên chuyển giáo viên (GV) dôi dư từ trường thừa sang trường thiếu là việc làm cần thiết trong tình trạng nhiều trường ở cấp tiểu học, mầm non (MN) thiếu GV như hiện nay. Tuy nhiên, tổ chức điều động, thuyên chuyển như thế nào để bảo đảm tính ổn định lâu dài và không gây hoang mang hoặc xảy ra tiêu cực, gây dư luận xấu là vấn đề cần được quan tâm.

Những vấn đề đặt ra qua gần 8 năm thực hiện Quyết định 3678 của UBND tỉnh: Bài 2: Thực thi chính sách để ổn định lâu dài

Một giờ học của thầy, trò Trường Tiểu học Cẩm Phong (Cẩm Thủy).

Công bằng, khách quan trong điều động, luân chuyển

Công khai và minh bạch là hai trong nhiều yêu cầu bắt buộc của quy trình điều động, thuyên chuyển GV, song đây cũng là những yêu cầu dễ bị xem nhẹ, phớt lờ nhất. Đã thành thông lệ, vào đầu năm học mới ở những trường có GV dôi dư, các thầy, cô giáo lại xôn xao, lo lắng, thấp thỏm cho “số phận” của mình. Cô giáo dạy Toán L.T.T. đã có 19 năm gắn bó với một trường THCS thuộc huyện Thiệu Hóa. Từng ấy thời gian, với nhiều khó khăn, vất vả, nhưng bằng niềm đam mê, tâm huyết cô đã cống hiến, nhiệt tình truyền đạt tri thức cho biết bao lứa học sinh qua từng bài giảng. Cứ tưởng sẽ được ổn định, gắn bó với ngôi trường thân yêu, nhưng mới đây, cô được “đánh tiếng” là GV thuộc diện dôi dư, phải điều động đi trường khác. Điều đáng nói, cô T. đang trực tiếp nuôi bố chồng bị bệnh hiểm nghèo, trong khi tổ Toán của cô vẫn có trường hợp không thuộc diện ưu tiên nào ngoài tiêu chí hơn tuổi cô T., nhưng lại không trong diện điều động, luân chuyển. Nghĩ lại, cô thấy băn khoăn về sự thiếu công bằng, khách quan đối với những đóng góp của bản thân. Hay như sự việc diễn ra tại huyện Hậu Lộc vào đầu năm học 2018-2019 vừa qua. Chuẩn bị bước vào năm học mới, huyện ra quyết định chuyển 1 GV Văn – Giáo dục công dân từ Trường THCS Hoa Lộc về Trường THCS Ngư Lộc, rồi lại chuyển 1 GV Văn từ Trường THCS Ngư Lộc về Trường THCS Hoa Lộc. Sự việc khiến GV Văn đang công tác lâu năm tại Trường THCS Ngư Lộc phải điều động, thuyên chuyển đến Trường THCS Hoa Lộc không khỏi bức xúc, vì việc làm này ảnh hưởng tới tâm lý, quyền lợi của bản thân. Đặc biệt, trước khi có quyết định điều động, thuyên chuyển của huyện, GV không hề biết nên hết sức bất ngờ...

Thực tế cho thấy, việc điều động, thuyên chuyển GV ở các cấp học, nhất là ở bậc tiểu học, THCS hiện nay đang gây nhiều áp lực đối với nội bộ các nhà trường, gây tâm lý thiếu ổn định cho GV và dư luận không tốt trong xã hội. Cá biệt, có những GV đã “vin” vào những chính sách ưu tiên trong xét duyệt điều động để “thoái thác” nhiệm vụ, như: Nhập hộ khẩu cùng bố mẹ già để được ưu tiên; kê khai chăm sóc thân nhân liệt sĩ... Những việc làm này đã tạo nên dư luận không tốt trong nội bộ các trường, khiến nhiều GV bức xúc, làm mất đi sự công bằng trong việc điều động, thuyên chuyển GV. Thậm chí, dư luận còn xôn xao đề cập nhiều đến những “góc khuất” khó nói trong việc điều động, thuyên chuyển GV. Nhiều người cho rằng, kết quả thực hiện chủ trương điều động, thuyên chuyển GV chưa được như mong muốn, trách nhiệm lớn thuộc về người đứng đầu cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu các huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, việc lạm dụng quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm được quy định tại Quyết định số 685 ngày 2-3-2007 của UBND tỉnh về phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức đã gây nên không ít hệ quả trong quá trình triển khai.

Sớm giải quyết dứt điểm

Công tác điều động, luân chuyển GV được ví như một “bàn cờ” có nhiều người chơi, nhiều cách chơi và kéo theo đó là không ít nghịch lý cùng hệ lụy. Những nghịch lý ấy, nếu không được giải quyết thì tình trạng thừa, thiếu GV sẽ không được giải quyết một cách căn bản. Đến nay, “di chứng” từ việc lạm dụng phân cấp, phân quyền vẫn còn, mặc dù nhiều năm trở lại đây, tỉnh đã tập trung giải quyết số lượng GV dôi dư, nhằm giảm áp lực và gánh nặng lên ngành giáo dục. Song, con số dôi dư hiện vẫn tồn đọng khá nhiều và tập trung chủ yếu ở khối THCS (gần 800 người). Việc giải quyết số GV dôi dư này là không dễ, khi giải pháp bố trí, sắp xếp họ xuống dạy MN, tiểu học không khả dụng, do Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đồng ý việc bổ sung lại kiến thức cho đối tượng này. Hiện, các địa phương vẫn đang tích cực thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 9656/UBND-VX, ngày 26-8-2016 về việc sắp xếp, bố trí, điều động cán bộ quản lý, GV, nhân viên hành chính. Trong đó, nguyên tắc sắp xếp, điều động GV phải phù hợp nhu cầu của các đơn vị trong chỉ tiêu biên chế được giao; bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng và đúng quy định của Nhà nước, của tỉnh; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực trong việc xét duyệt, sắp xếp, điều động, thuyên chuyển. Tuy nhiên, để làm tốt được điều này, đòi hỏi các huyện, thị xã, thành phố cần thực hiện nghiêm, đúng quy định việc xác định GV dôi dư phải sắp xếp, điều động. Các nhà trường cần làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, GV hiểu rõ chủ trương chung của tỉnh về việc điều động GV ở các cấp học. Ngành giáo dục, nội vụ cần tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều động, thuyên chuyển tại các huyện, thị xã, thành phố. Theo thống kê, trong 3 năm gần đây, toàn tỉnh đã điều chuyển hơn 5.000 cán bộ, GV, nhân viên từ nơi thừa đến nơi thiếu cả trong và ngoài huyện. Tính riêng năm học 2018-2019, điều động 487 cán bộ, GV, nhân viên, trong đó khối huyện quản lý là 417 người.

Nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của cán bộ, GV, giúp họ yên tâm công tác, dốc sức cho sự nghiệp “trồng người”, đồng thời từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục tỉnh nhà, mới đây, tại hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 của ngành giáo dục, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền lưu ý ngành giáo dục, chính quyền các cấp cần triển khai đồng bộ các giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng dôi dư GV. Trong quá trình triển khai thực hiện cần làm tốt công tác tư tưởng GV thuộc diện luân chuyển, điều động, tạo sự đồng thuận cao, ổn định để GV yên tâm công tác. Thực hiện nghiêm quy định xét duyệt để điều động, thuyên chuyển bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch và kiên quyết ngăn chặn, xử lý những trường hợp không trung thực trong việc khai man hồ sơ để được hưởng chính sách ưu tiên. Những nơi cố tình thực hiện sai quy định, cần có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Hy vọng với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chuyên môn, các huyện, thị xã, thành phố, vấn đề thừa, thiếu GV trên địa bàn tỉnh sẽ sớm được giải quyết dứt điểm, bảo đảm tính ổn định lâu dài cũng như từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, GV, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục và đào tạo tỉnh nhà.

Phong Sắc


Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]