(Baothanhhoa.vn) - Ước mơ cho các con nhỏ được học trong ngôi trường khang trang, được ăn bán trú như những trẻ em miền xuôi là trăn trở, là mong mỏi của biết bao thế hệ thầy, cô giáo và phụ huynh học sinh ở vùng sâu, vùng xa của huyện Bá Thước.

Những ngôi trường “dựng” lên từ tinh thần thiện nguyện

Ước mơ cho các con nhỏ được học trong ngôi trường khang trang, được ăn bán trú như những trẻ em miền xuôi là trăn trở, là mong mỏi của biết bao thế hệ thầy, cô giáo và phụ huynh học sinh ở vùng sâu, vùng xa của huyện Bá Thước.

Những ngôi trường “dựng” lên từ tinh thần thiện nguyệnTrường Mầm non Lũng Cao – khu Cao Sơn. Ảnh: Tô Dung

Những ước mơ thành hiện thực

Từ trung tâm huyện Bá Thước đi ô tô mất khoảng 20 phút, chúng tôi đến trung tâm xã Lũng Cao, tìm chỗ gửi xe rồi ngồi nhờ chiếc xe ô tô “dã chiến” Suzuki 5 chỗ, đời khá sâu của thầy Nguyễn Thế Tài, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Lũng Cao để chinh phục đỉnh Phà Hé, Pha Chiến - “nóc nhà” của huyện Bá Thước. Vừa đi, thầy Tài vừa cho biết, để lái xe lên, xuống được cung đường này thầy phải “luyện” rất nhiều. Có lần chiếc xe đang leo dốc thì bỗng... từ từ tuột dốc. Thầy phải nhanh tay về số 1, bình tĩnh xử lý mới thoát hiểm. Câu chuyện thầy Tài kể trên chặng đường 10 km từ trung tâm xã lên 3 bản Son – Bá – Mười (hay còn gọi là Cao Sơn) thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi thầy phải tập trung xử lý những đoạn cua, dốc cao gấp khúc. Sau nhiều lần thót tim khi xuống dốc, ù tai khi lên dốc, bản Son cũng dần hiện ra trước mắt với một màu xanh tươi mát của cây cối. Đi qua bản Son là đến bản Mười - từ trên dốc cao nhìn xuống, bản Mười nằm trọn trong một thung lũng bằng phẳng, xa xa là ngôi Trường Mầm non Lũng Cao - khu Cao Sơn. Xe vừa dừng lại cổng trường cũng là lúc cô giáo Hà Thị Hiền, hiệu trưởng niềm nở bước từ trong sân trường ra. Thấy chúng tôi khen trường đẹp, cô tỏ rõ sự phấn khởi: “Đây là khu trường lẻ đẹp nhất nằm trong 5 khu trường lẻ của chúng em đấy. Tất cả được xây lên từ tinh thần thiện nguyện của các nhà hảo tâm và công sức của bà con dân bản. Mơ ước các em nhỏ trên vùng núi Cao Sơn được ăn bán trú trong hơn 20 năm công tác của em đã thành hiện thực rồi chị ạ”. Cô Hiền cho biết thêm: “Những ngày đầu khi vừa ra trường về đây dạy học, mỗi lần lên với các con là em “cơm đùm, cơm nắm”. Đi bộ từ sáng sớm tinh mơ đến tối mò mới lên đến nơi. Khu trường nằm lẻ loi giữa 2 sườn đồi ở bản Mười. Gọi là trường chứ thực ra chỉ là căn nhà nhỏ xíu, lợp mái fibro xi măng, xung quanh nhà được bà con thưng vách bằng ván nhưng hở toác không chắn nổi những cơn gió mùa đông giá rét, không che nỗi ánh nắng xuyên gắt của ngày hè oi ả. Thấy các con học trong rét buốt, phụ huynh đã lấy bạt phủ thêm bên ngoài cho cô và trò được ấm hơn. Giữa cái lạnh cắt da, thịt, mẹ cùng các con đi từ sáng sớm đến trường. Đến trưa các mẹ lại vội vã chạy từ rẫy về trường đón con. Có con thì được ăn uống đầy đủ, phát triển bình thường nhưng cũng có con vì gia đình khó khăn, không được chăm sóc nên 3 tuổi mà chỉ nặng 8 kg.

Để học sinh được học trong một ngôi trường khang trang, được ăn bán trú như bao trẻ vùng xuôi, các thầy cô đã lên mạng xã hội kêu gọi sự hỗ trợ, góp sức của các tổ chức, cá nhân. Đáp lại lời kêu gọi của các thầy, cô giáo, năm 2016 nhóm thiện nguyện “otofun.net” đã lên khảo sát, xây dựng cho trường 2 lớp học lắp ghép bằng tôn. Năm 2019, nhóm thiện nguyện “Thắp sáng ước mơ” tài trợ xây dựng một phòng cho các con ở lại bán trú; năm 2020 nhóm từ thiện “Trái tim yêu” tài trợ xây dựng khu nhà bếp, 2 nhà vệ sinh, lắp đặt các thiết bị trong nhà vệ sinh, tặng thiết bị nhà bếp và 40 giường lưới cho trẻ bán trú, đổ đất san lấp mặt bằng, xây dựng tường rào bao quanh và kẻ vẽ, trang trí khuôn viên trường lớp... Công lao động thì huy động bà con của 3 thôn đến làm. Ở đây, bà con dân bản nhiệt tình lắm, không quản mưa, nắng đến san lấp mặt bằng, khuân vác vật liệu, lợp mái nhà, trồng cây, tạo cảnh quan xung quanh sân trường, lắp ráp khu vui chơi cho các con... Hiện, khu trường Cao Sơn có 40 cháu trong độ tuổi từ 3 - 5 tuổi. Hôm nay là buổi bán trú thứ 3 của các con. Bây giờ là 10h30 - đến giờ ăn trưa của các con rồi đấy”. Nói rồi cô hiệu trưởng đưa tôi đến khu nhà ăn bán trú.

Ngoài hành lang, cô giáo đang hướng dẫn các con rửa tay bằng xà phòng. Cái đầu ngó nghiêng, nụ cười hồn nhiên, ánh mắt lấp lánh rạng rỡ khi được xòe đôi bàn tay nhỏ nhắn hứng nước trong chiếc lavabo rửa mặt – thiết bị hiện đại mà có lẽ các con chưa bao giờ được sử dụng đến - đã để lại ấn tượng khó tả trong tôi. Cô Ngân Thị Hường, phụ trách điểm trường lẻ Cao Sơn cho biết: Mặc dù còn nhiều thiếu thốn, song nhà trường đã cố gắng tổ chức bán trú cho trẻ mầm non để thực hiện tốt nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, mang lại nhiều niềm vui và phấn khởi cho các bậc phụ huynh ở Cao Sơn. Họ có thể yên tâm gửi con đến trường để đi làm nương rẫy cả ngày. Nhiều phụ huynh còn hào hứng đến lớp hỏi thăm cô giáo những vật dụng cá nhân cần mua sắm để phục vụ các cháu ăn bán trú. Đây cũng chính là niềm vui, niềm mong mỏi của các cô giáo, của những đứa trẻ nơi rẻo cao này.

Chia tay cô và trò Trường Mầm non Lũng Cao – khu Cao Sơn chúng tôi sang Trường TH&THCS Cao Sơn – ngôi trường cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các mạnh thường quân. Thầy Nguyễn Thế Tài, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm 2012, trường được Nhà nước đầu tư xây dựng mới 4 phòng học kiên cố, xóa bỏ phòng học tranh tre nứa lá. Từ đó đến nay có một số đoàn thiện nguyện, như: Công ty Du lịch Ban Mai Aurora Travel & DMC, Dự án “Lăn bánh ước mơ” thuộc Câu lạc bộ Bụi đường Travel... đến hỗ trợ xây dựng cho trường dãy nhà công vụ cho giáo viên, xây dựng thêm phòng học, khu vui chơi, lắp đặt hệ thống bảng từ, hệ thống điện năng lượng mặt trời... đã giúp cho thầy và trò nơi đây có đủ cơ sở vật chất trường học để tiếp tục chắp bước cho thế hệ tương lai, giúp rút ngắn khoảng cách vùng miền.

Nỗ lực hiện thực hóa những ước mơ...

“Không chỉ Trường Mầm non Lũng Cao - khu Cao Sơn được các mạnh thường quân, các nhóm thiện nguyện hỗ trợ xây dựng mà trong những năm qua được sự quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự quan tâm ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các địa phương và các bậc phụ huynh trong toàn huyện; sự ủng hộ của các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh nên cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học của các nhà trường trên địa bàn huyện Bá Thước được tăng cường rất đáng kể: đã xóa được 100% các phòng học tranh tre tạm bợ, số phòng học kiên cố đạt chuẩn của toàn ngành đến năm 2020 là 670 phòng (chiếm tỷ lệ 64,86%); công trình vệ sinh nước sạch được quan tâm đầu tư ở tất cả các trường; có 64/75 trường có nhà hiệu bộ theo quy chuẩn. Công tác quy hoạch mở rộng khuôn viên trường lớp được quan tâm thực hiện (tính đến tháng 7- 2021, các trường học chưa đủ diện tích theo quy định chuẩn đã được các địa phương bổ sung quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 của huyện)” – anh Nguyễn Cơ Thạch, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bá Thước - người đồng hành cùng chúng tôi trong chuyến đi lên khu Cao Sơn cho biết.

Anh Thạch cho biết thêm: Những năm qua ngành giáo dục và đào tạo huyện Bá Thước đã tổ chức triển khai thực hiện tương đối đồng bộ các giải pháp xã hội hóa giáo dục, tạo được sự đồng thuận cao của phụ huynh, các tầng lớp Nhân dân và cấp ủy, chính quyền các địa phương. Kết quả, hàng năm huy động được khoảng trên 1,5 tỷ đồng để bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và khoảng trên 80 nghìn ngày công lao động giúp các nhà trường cải tạo khuôn viên trường lớp. Từ năm 2018 đến nay, các nhà hảo tâm, các nhóm thiện nguyện hỗ trợ xây dựng được 14 phòng học, 5 bếp ăn, 15 phòng vệ sinh tại các điểm lẻ, tu sửa khuôn viên cho 7 điểm trường, trao tặng gần 10 nghìn suất quà cho các em học sinh khó khăn với tổng kinh phí hỗ trợ gần 15 tỷ đồng. Điển hình như, Hội cựu sinh viên K39 – Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội hỗ trợ Trường Mầm non Thành Lâm gần 1 tỷ đồng. Công đoàn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ Trường Mầm non Thiết Ống xây dựng 2 phòng học tại điểm trường khu Trệch với kinh phí hơn 300 triệu đồng. Hội cựu học sinh khóa 1989-1992, Trường THPT chuyên Lam Sơn cùng các nhà hảo tâm ở Hà Nội hỗ trợ Trường Mầm non Văn Nho xây dựng điểm trường tại khu Chuông Cải hơn 400 triệu đồng; hỗ trợ Trường mầm non Thiết Ống xây dựng tại khu Cỏi 2 phòng học, 2 phòng vệ sinh, bếp nấu, giếng nước, hệ thống cổng, biển trường, tường rào, trang thiết bị phục vụ cho phòng học, tu sửa 2 phòng học cũ, với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng.

Hội phụ huynh học sinh tại các trường tiểu học thuộc Quận 1, TP Hồ Chí Minh hỗ trợ Trường Tiểu học Lũng Cao xây dựng phòng học điểm trường tại khu Cao Hoong với kinh phí gần 800 triệu đồng. Báo Dân trí – Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam hỗ trợ Trường Tiểu học Lũng Cao xây dựng tại khu Kịt 2 phòng học, hệ thống cổng, biển, tường rào, trang thiết bị dạy và học với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng... Còn rất nhiều các nhóm thiện nguyện, các nhà hảo tâm đã mua đồ dùng, quần áo, trang thiết bị dạy học mang đến tặng các điểm trường lẻ ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện. Những tấm lòng thơm thảo đó đã tiếp thêm động lực cho các thầy và trò ở những vùng gian khó của huyện Bá Thước trong hành trình gieo chữ.

Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Cơ Thạch hiện nay trên địa bàn huyện Bá Thước vẫn còn một số điểm trường cơ sở vật chất bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được sửa chữa kịp thời. Đây là những điểm ở xa trung tâm, trục đường chính nên đi lại khó khăn. Chi phí vật liệu xây dựng chuyển lên đây tăng lên rất nhiều so với miền xuôi, trong khi đó ngân sách của huyện, xã còn hạn hẹp. Đơn cử như Trường Mầm non Lương Nội có điểm trường lẻ Nội Sơn hiện có 4 phòng học và 1 bếp ăn bán trú xây dựng từ năm 2003 đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Trường Mầm non Lương Trung có điểm trường khu Trung Dương, hiện có 120 cháu đang học nhưng chỉ có một phòng học kiên cố, còn lại các cháu đang học ở các phòng tạm được cơi nới và lợp bằng mái tôn. Trường Mầm non xã Ban Công có điểm trường thôn Cả chưa có nhà bếp, giếng khoan, công trình vệ sinh còn tạm bợ, các cháu nhỏ chưa được ăn bán trú vì còn thiếu nhiều đồ dùng. Trường Mầm non xã Thành Sơn có điểm trường lẻ tại bản Kho Mường nằm ở dưới thung lũng, đồi núi dốc, đường xuống bản quanh co, hiểm trở, khó khăn cho việc đi lại. Hiện trần nhà của các phòng học đã bị bong tróc, sập sệ; các cánh cửa bị bong và xuống cấp nghiêm trọng... Vì vậy, rất cần sự chung tay, góp sức hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các nhóm thiện nguyện và Nhân dân đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền xây nên những ngôi trường mới, khang trang, sạch đẹp, chắp thêm ước mơ cho cô và trò những vùng gian khó có được “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Tô Dung


Tô Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]