(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua ngành giáo dục Thanh Hóa đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có việc đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) áp dụng vào thực tiễn giảng dạy, quản lý, qua đó khắc phục những khó khăn, hạn chế, đem lại thành công cho mỗi cá nhân, nhà trường, cao hơn nữa là cho toàn ngành giáo dục.

Nhìn từ việc viết sáng kiến kinh nghiệm trong ngành giáo dục

Những năm qua ngành giáo dục Thanh Hóa đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có việc đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) áp dụng vào thực tiễn giảng dạy, quản lý, qua đó khắc phục những khó khăn, hạn chế, đem lại thành công cho mỗi cá nhân, nhà trường, cao hơn nữa là cho toàn ngành giáo dục.

Nhìn từ việc viết sáng kiến kinh nghiệm trong ngành giáo dụcCô, trò Trường THCS Thành Hưng (Thạch Thành) trong một giờ học.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Tạ Hồng Lựu, những năm gần đây các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã quan tâm nhiều đến hoạt động viết SKKN, xem việc tham gia viết SKKN là quá trình tự học, tự bồi dưỡng. Đây cũng là dịp để mỗi cán bộ, giáo viên (CB, GV) được rèn giũa tư duy khoa học, sáng tạo, và cũng là căn cứ để xét thi đua khen thưởng vào cuối mỗi năm học.

Qua thống kê, mỗi năm học toàn tỉnh có khoảng 3.000 SKKN tiêu biểu gửi Hội đồng SKKN của ngành đánh giá, xếp loại. Đơn cử như năm học 2018-2019 toàn tỉnh có 2.860 SKKN, năm học 2020-2021 có 3.111 SKKN, năm học 2021-2022 có 3.018 SKKN gửi đánh giá. Việc phát động phong trào viết SKKN đã góp phần phát huy tính sáng tạo của đội ngũ CB, GV, nhân viên trong mỗi nhà trường.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế cho thấy, việc viết SKKN vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Theo quy định và hướng dẫn xét thi đua hàng năm của ngành giáo dục thì SKKN là một trong những tiêu chí quan trọng để bình xét các danh hiệu thi đua. Điều này cũng đồng nghĩa với việc viết SKKN là một tiêu chí bắt buộc với cán bộ quản lý và giáo viên nếu muốn có danh hiệu thi đua, nhất là danh hiệu “chiến sĩ thi đua”, do đó hàng năm có rất nhiều người đăng ký viết SKKN. Nhiều GV cho rằng, quy định này đã tạo không ít áp lực cho CB, GV. Bởi lẽ, bên cạnh những CB, GV tâm huyết đã có những SKKN hay, thì cũng có không ít trường hợp làm chỉ để đáp ứng điều kiện xét thi đua và hình thức khen thưởng nên đã sao chép SKKN hoặc làm cho có. Chính vì vậy, dù mỗi năm có không ít SKKN được đánh giá xếp loại, nhưng để áp dụng vào thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng dạy học, nâng cao hiệu quả quản lý thì không nhiều. Đặc biệt, những năm gần đây số lượng SKKN gửi Hội đồng SKKN cấp tỉnh của ngành chấm đánh giá không được xếp loại chiếm tới 1/3 trong số sáng kiến gửi hội đồng đánh giá. Ví dụ như năm học 2020-2021 có tới 1.038/3.111 SKKN gửi Hội đồng cấp ngành đánh giá không đủ tiêu chí xếp loại; năm học 2021-2022 cũng có tới 1.001/3.018 SKKN gửi Hội đồng cấp ngành đánh giá nhưng không đủ tiêu chí, chất lượng để xếp loại.

Theo chia sẻ từ Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tạ Hồng Lựu, ngoài hạn chế trên, đánh giá của Hội đồng hàng năm cho thấy vẫn còn nhiều sáng kiến viết chưa có tính mới, tính sáng tạo, tính đột phá, thậm chí có những sáng kiến thiếu tính thực tế, khó áp dụng trong phạm vi của ngành... Tồn tại, hạn chế này đã được ngành quán triệt, nhắc nhở, chấn chỉnh tại các hội nghị tổng kết hoạt động viết SKKN của ngành, nhưng đến nay vẫn còn diễn ra.

Thực tế, để có một sáng kiến kinh nghiệm hay, có giá trị thực tiễn, đề xuất được những phương pháp cải tiến mới, đòi hỏi người làm phải trải qua nhiều năm công tác và đã đúc kết được kinh nghiệm giảng dạy. Ngoài kinh nghiệm thực tế, tìm ra phương pháp mới thì khi thực hiện một sáng kiến kinh nghiệm đòi hỏi người viết phải biết trình bày đề tài một cách chặt chẽ, lôgic và theo trình tự khoa học với lời văn trong sáng, dễ hiểu. Thế nhưng, không ít cán bộ quản lý và GV chia sẻ, hiện nay phần lớn các SKKN được ra đời bởi sự thúc ép bằng các mệnh lệnh hành chính, bằng các chỉ tiêu thi đua, đôi khi là lợi ích cá nhân chứ không phải đúc kết từ tâm huyết, kinh nghiệm giảng dạy. Cá biệt, có những trường hợp đăng ký các danh hiệu thi đua nhưng lại không dành thời gian, công sức để làm SKKN mà sử dụng thủ thuật “sao chép” trên mạng, biến SKKN của người khác thành của mình.

Ngoài ra, còn có cả những giáo viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm cũng tham gia viết SKKN. Nếu giáo viên hiểu rõ nội dung, mục đích, ý nghĩa của SKKN và thực hiện bằng tất cả trách nhiệm, khả năng của mình thì không có gì phải bàn. Nhưng, đã có không ít giáo viên luôn đặt nặng vào những danh hiệu cuối năm nên dù chưa thực sự hiểu thế nào là SKKN vẫn đăng ký đề tài và viết.

Một giáo viên mầm non trên địa bàn huyện Thọ Xuân cho biết: Viết SKKN có nhiều cái lợi với người tâm huyết đầu tư, như phải tìm tòi, đào sâu suy nghĩ nội dung cần viết, qua đó nâng cao năng lực chuyên môn áp dụng vào thực tế, nhưng với cách làm hiện nay, việc viết SKKN vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, không nên quá cứng nhắc khi lấy kết quả của việc viết SKKN để đưa vào tiêu chí bình xét thi đua. Nhất là ở cấp học mầm non, khi đội ngũ giáo viên còn thiếu nhiều, thời gian giành cho việc chăm sóc, giáo dục các cháu ở trên lớp chiếm phần lớn nên không còn nhiều thời gian để giành cho việc nghiên cứu, đầu tư viết SKKN theo đúng yêu cầu là phải có sự đổi mới, sáng tạo...

Thực tế trên cho thấy, đã đến lúc ngành giáo dục cần thẳng thắn nhìn nhận lại vấn đề, đưa ra những giải pháp tích cực nhằm thay đổi toàn diện hoạt động viết SKKN, đưa hoạt động này đi vào nền nếp, thực chất và hiệu quả hơn để SKKN thực sự là những tri thức, kỹ năng, phương pháp điển hình mà người viết tích lũy được trong thực tiễn công tác đưa vào sử dụng, nhân rộng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, dạy và học.

Bài và ảnh: Lê Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]