(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh Thanh Hóa đang từng bước được nâng lên, thành tích giáo dục mũi nhọn luôn nằm trong top đầu của cả nước. Tuy nhiên, thành tích ở cả hai lĩnh vực trên chưa ổn định, đồng đều, cần những giải pháp đồng bộ, thiết thực, sáng tạo hơn nữa.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững chất lượng giáo dục mũi nhọn

Trong những năm qua, chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh Thanh Hóa đang từng bước được nâng lên, thành tích giáo dục mũi nhọn luôn nằm trong top đầu của cả nước. Tuy nhiên, thành tích ở cả hai lĩnh vực trên chưa ổn định, đồng đều, cần những giải pháp đồng bộ, thiết thực, sáng tạo hơn nữa.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững chất lượng giáo dục mũi nhọnĐại diện lãnh đạo tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo trao thưởng cho học sinh đạt giải quốc gia THPT. Ảnh: Phong Sắc

Thanh Hóa là một trong những tỉnh có quy mô trường lớp lớn nhất của cả nước, với trên 2.000 cơ sở giáo dục. Những năm qua, mạng lưới trường học đã được rà soát, sắp xếp lại. Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cao chất lượng giáo dục. Đến nay, toàn tỉnh có 1.644/2.026 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 81,15%; 100% xã, phường đạt chuẩn phổ cập tiểu học mức độ 3 và chuẩn phổ cập THCS mức độ 2. Cơ sở vật chất các trường học được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố và đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 89,29%, hạ tầng cơ sở, phương tiện dạy học trực tuyến ứng phó với dịch bệnh COVID-19 đạt trên 77,3%.

Xứ Thanh cũng là địa phương có truyền thống hiếu học, trọng đạo học, có nhiều người thành danh từ con đường khoa cử, học vấn. Cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp Nhân dân luôn quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp trồng người. Đó là một trong những cơ sở nền tảng quan trọng để giáo dục Thanh Hóa phát triển cả về giáo dục toàn diện lẫn giáo dục mũi nhọn.

Chất lượng giáo dục toàn diện đang dần được cải thiện

Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, địa hình phức tạp, cơ sở vật chất trường, lớp hạn chế, đội ngũ giáo viên thiếu, nhất là giáo viên các môn như tiếng Anh, Tin học... là một thử thách đối với mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong những năm qua, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cho giáo dục vùng sâu, vùng xa; ngành giáo dục đào tạo cũng đã đổi mới sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp giảng dạy kết hợp với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực nên chất lượng giáo dục toàn diện đang ngày càng được nâng lên.

Có thể thấy rõ điều này qua tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia trong 7 năm qua luôn đạt trên 92%. Số học sinh đạt tổng 27 điểm trở lên (thi đại học); tổng số học sinh đạt điểm 10 và thủ khoa luôn thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Thứ hạng trong toàn quốc trong nhiều năm qua chưa cao nhưng có chiều hướng tăng dần (năm 2018 xếp thứ 49; năm 2019 xếp thứ 46; năm 2020 xếp thứ 44; năm 2021 có sự bứt phá: xếp thứ 32, tăng 12 bậc so với năm 2020).

Đặc biệt năm 2022, tỉnh Thanh Hóa xếp ở vị trí thứ 27 trong tổng số 63 tỉnh, thành tại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kết quả này tăng 5 bậc so với năm 2021 và 17 bậc so với năm 2020. Cũng trong năm nay, Thanh Hóa là địa phương có số lượng điểm 10 nhiều nhất cả nước trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Điều này cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của cơ sở giáo dục cùng các thầy, cô giáo ở địa phương. Mục tiêu của ngành giáo dục đào tạo Thanh Hóa là đến năm 2025 sẽ phấn đấu lọt vào top 20 cả nước.

Như đã nói, Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, tuy nhiên, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi của các cấp học, bậc học đều tăng: mẫu giáo đạt 96,67%; tiểu học đạt 99,8%; THCS đạt 100%; THPT đạt 71,78%. Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi có học vấn tương đương THPT đạt trên 80%. Công tác phổ cập giáo dục được duy trì ổn định với 100% số xã, phường đạt chuẩn phổ cập mầm non, phổ cập tiểu học mức độ 3 đạt tỷ lệ 99,4%, 100% số xã, phường đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2.

Top đầu cả nước về thành tích giáo dục mũi nhọn

Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế luôn là một trong những thành tích nổi bật của giáo dục Thanh Hóa nhiều năm qua. Bên cạnh Trường THPT chuyên Lam Sơn đã trở thành “thương hiệu” quốc gia tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, hiện nay, số lượng học sinh đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đã xuất hiện ngày càng nhiều tại các trường THPT vùng đồng bằng, nông thôn, miền núi.

Theo thống kê, trong 8 năm gần đây, số học sinh đạt giải nhất quốc gia nhiều năm thuộc top 5 đơn vị dẫn đầu trong toàn quốc (từ 5 - 7 giải). Năm học 2021-2022: Thanh Hóa có 58/76 học sinh dự thi đạt giải (1 giải nhất; 12 giải nhì; 22 giải ba; 23 giải khuyến khích). So với năm học 2020-2021, số lượng giải đã tăng lên 2 giải. Tỷ lệ học sinh đạt giải so với số lượng học sinh dự thi là 76,32%, xếp thứ 6 toàn quốc.

Tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, Thanh Hóa luôn duy trì thành tích top đầu cả nước. Từ năm 2016 đến năm 2021, học sinh Thanh Hóa giành được 14 huy chương Olympic quốc tế (7 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng) và 5 huy chương châu Á Thái Bình Dương (1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng). Tuy nhiên số học sinh đạt huy chương các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế chưa ổn định (năm 2019 không có giải). Năm học 2021-2022, Thanh Hóa chỉ có 1 học sinh tham dự Olympic quốc tế môn Toán tại Na Uy.

Những giải pháp trọng tâm

Về cơ bản, chất lượng giáo dục toàn diện đã được cải thiện, thành tích giáo dục mũi nhọn được duy trì. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục nói chung còn chưa đồng đều, ổn định. Tình trạng thiếu giáo viên chưa được giải quyết, chất lượng dạy học ngoại ngữ thấp, xếp hạng thi tốt nghiệp THPT chưa tương xứng với vị thế, truyền thống của giáo dục xứ Thanh... Đây là những vấn đề mà ngành giáo dục và đào tạo Thanh Hóa rất trăn trở và đang đề ra các nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục.

Trước hết là tinh thần quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quyết định số 700-QĐ/TU, ngày 10-9-2021 của Tỉnh ủy Thanh Hóa về việc ban hành Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, tổ chức tốt việc thực hiện 4 nhóm giải pháp, bao gồm:

Một là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục bằng việc rà soát, bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách của tỉnh, tìm cách tháo những “điểm nghẽn”, “nút thắt”. Tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh những cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển giáo dục; trong đó chú trọng đến cơ chế hỗ trợ ưu đãi đối với giáo viên, học sinh vùng cao và giáo viên, học sinh đạt thành tích xuất sắc.

Cùng với đó là tăng cường quản lý Nhà nước trên tất cả các mặt của công tác giáo dục như thực hiện tốt công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ, giáo viên, siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhà trường, đổi mới công tác thanh tra, kiểm định chất lượng... Tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh. Tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Xây dựng cơ chế thu hút, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành đào tạo giáo viên ở các trường đại học hàng đầu trong nước và nước ngoài về dạy học tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, Tin học ở các cơ sở giáo dục, nghiên cứu xây dựng kế hoạch thành lập trung tâm khảo thí tiếng Anh quốc tế tại Thanh Hóa.

Hai là, đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đổi mới quản lý và dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục. Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục, hoàn thiện môi trường pháp lý, xây dựng nền tảng thu thập, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu ngành giáo dục dùng chung cho các cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục đạt hiệu quả kịp thời, chính xác.

Ba là, huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng mới các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giáo dục. Chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành Trung ương để tranh thủ các nguồn vốn, hỗ trợ của ngân sách Trung ương, nguồn vốn ODA... cho phát triển sự nghiệp giáo dục của tỉnh, nhất là khu vực miền núi. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước có tiềm lực đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục, trung tâm đào tạo chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Xây dựng, ban hành chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các trường phổ thông tư thục chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, đề xuất Trung ương có cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, tổ chức bộ máy, biên chế để bảo đảm đủ số lượng giáo viên, kinh phí hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bốn là, có kế hoạch tuyển dụng giáo viên chất lượng cao đảm nhận công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tại các trường THCS chất lượng cao, các trường THPT, đặc biệt là Trường THPT chuyên Lam Sơn. Định hướng cho các học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế học đại học sư phạm về giảng dạy tại Trường THPT chuyên Lam Sơn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học, đổi mới công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Đổi mới công tác tổ chức thi, công tác ra đề, chấm thi; mở rộng, nâng cao chất lượng nguồn đề thi chọn vào đội tuyển dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT; tạo tính liên thông, đồng tâm giữa kỳ thi chọn học sinh giỏi của các cấp học, giữa kỳ thi chọn học sinh giỏi của cấp huyện, tỉnh, quốc gia.

Tham mưu với UBND tỉnh về cơ chế khen thưởng cho giáo viên và học sinh đạt giải cao trong kỳ thi quốc gia, quốc tế. Tăng cường công tác xã hội hóa, huy động tích cực các nguồn lực xã hội của tập thể, cá nhân, doanh nghiệp trong việc khen thưởng kịp thời, động viên giáo viên, học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế.

Bốn nhóm giải pháp trên đã được chúng tôi quán triệt đến toàn ngành giáo dục đào tạo. Trong quá trình thực hiện, tùy tình hình thực tiễn, có những nơi, những việc, những trường hợp cần có những giải pháp linh hoạt, sáng tạo, phù hợp. Nhưng tất cả đều hướng tới mục tiêu chung là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn trong nhóm 6 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước mà chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XIX đã xác định.

Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2022), UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức tôn vinh 200 nhà giáo xuất sắc tiêu biểu toàn tỉnh. Đây cũng là dịp để toàn xã hội tri ân những đóng góp, cống hiến của các thế hệ cán bộ, giáo viên ngành giáo dục và đào tạo đối với sự nghiệp trồng người trong suốt những năm qua. Nhân dịp này, thay mặt ngành giáo dục và đào tạo Thanh Hóa, tôi xin gửi lời cảm ơn Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội địa phương, phụ huynh, Nhân dân đã và đang dành sự quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Sự quan tâm ấy chính là động lực, là cơ sở giúp cho ngành giáo dục và đào tạo nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Xin được gửi lời tri ân sâu sắc, lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo, những người làm công tác trong ngành giáo dục. Chúc các thầy, cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp “trồng người”.

NGƯT. PGS.TS Trần Văn Thức

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]